Nữ Hoàng Elizabeth II Kỷ Niệm 70 Năm Trị Vì Nước Anh – Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 Tại Bắc Kinh

NỮ HOÀNG ELIZABETH ĐỆ NHỊ KỶ NIỆM 70 NĂM TRỊ VÌ NƯỚC ANH

Hôm Chủ Nhật 6 tháng 2 năm 2022, Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị gửi thông điệp từ tư dinh Sandringham đến toàn thể nhân dân Anh và các quốc gia thuộc Khối Thịnh Vượng Chung để bày tỏ lời cảm ơn mọi người đã hỗ trợ vương triều Anh Quốc cũng như đã dành cho bà sự trung thành và lòng thương mến suốt 70 năm qua.

Nữ Hoàng nói rằng trong tương lai trưởng nam của bà là Thái Tử Charles sẽ kế vị để trở thành Vua nước Anh, và khi đó, bà ước mong phu nhân Camilla của Thái Tử sẽ được coi là Hoàng Hậu.

Đại lễ Bạch kim (Platinum Jubilee) đánh dấu 70 năm trị vì đất nước của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị được tổ chức vô cùng trọng thể. Ngay từ hôm Thứ Hai 10 tháng 1, Hoàng gia Anh đã chính thức phổ biến chương trình đại lễ bao gồm nhiều chi tiết (nghi lễ, diễn hành, đại tiệc, ca vũ nhạc, đua ngựa, thi làm bánh v.v…), với nội dung chính như sau:

“Ngày 6 tháng 2 năm nay Nữ Hoàng sẽ là vị quân vương đầu tiên đã ở ngôi báu liên tục 70 năm trời để phục vụ người dân của Vương Quốc Anh và Khối Thịnh Vượng Chung. Những sự kiện và sinh hoạt nhân Đại lễ Bạch kim chưa từng có trong lịch sử này sẽ diễn ra suốt trong năm 2022, với cao điểm là bốn ngày nghỉ lễ cuối tuần, từ Thứ Năm 2 tháng 6 đến Chủ Nhật 5 tháng 6, nhằm tạo cơ hội cho tất cả mọi người dân của Vương Quốc gặp gỡ nhau để cùng với Hoàng gia chào mừng Đại lễ”.

Tưởng cần nhắc lại là cách đây đúng mười năm, vào tháng 2 năm 2012, nước Anh và 15 quốc gia Khối Thịnh Vượng Chung đã tổ chức Đại lễ Kim cương (Diamond Jubilee) để kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ Hoàng Elizabeth. Trước đó nữa là Đại lễ Bạc (Silver Jubilee) được tổ chức vào tháng 2 năm 1977, rồi Đại lễ Vàng (Golden Jubilee) vào tháng 2 năm 2002 để đánh dấu 25 năm và 50 năm của bà trên ngai vàng nước Anh.

Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị sinh ngày 11 tháng 6 năm 1926, năm nay 95 tuổi. Bà lên ngôi lúc 25 tuổi, vào tháng 2 năm 1952 – trong khi đang cùng phu quân công du châu Phi với tư cách Công Chúa nước Anh thì nghe tin thân phụ là Vua George VI qua đời. Do Vua George VI không có con trai, chỉ có hai người con gái, nên Hoàng gia đã chỉ định người kế vị là trưởng nữ, Công Chúa Elizabeth Alexandra Mary Windsor.

Tuy bà trở thành Nữ Hoàng từ ngày 6 tháng 2 năm 1952 – theo quy định “vương quốc không thể một ngày không có vua” – nhưng trên thực tế, đến năm 1953 lễ đăng quang mới được long trọng cử hành trong Thánh Đường Westminster tại thủ đô London và trực tiếp truyền hình trên toàn quốc.

Theo thể chế quân chủ lập hiến, Nữ Hoàng là nguyên thủ của Vương quốc Anh cũng như của 15 quốc gia Khối Thịnh Vượng Chung, nhưng quyền lập pháp và chuẩn thuận ngân sách vẫn thuộc về Nghị Viện do dân chúng bầu trực tiếp, trong khi Thủ Tướng (lãnh đạo đảng chiếm đa số tại Nghị Viện) nhận sự ủy nhiệm của Nữ Hoàng để thành lập nội các, điều hành công việc đối nội và đối ngoại. Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị đã trị vì qua nhiều đời Thủ Tướng, kể cả Winston Churchill, khi ông lãnh đạo nội các lần thứ nhì (1951-1955).

Tháng 11 năm 1947 – tức 5 năm trước khi lên ngôi – Công Chúa Elizabeth thành hôn với Trung Úy Philip Mountbatten (nguyên là Hoàng Tử của Hy Lạp và Đan Mạch nhưng đã từ bỏ tước vị để trở thành công dân Anh Quốc, sau đó được Vua George VI ban tước vị Công Tước Xứ Edinburg). Cuộc hôn nhân kéo dài 73 năm, cho đến khi ông Philip qua đời vào tháng 4 năm 2021, hưởng thọ 99 tuổi.

Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị và Hoàng Tế Philip có 4 người con là Thái Tử Charles, Công Chúa Anne, Hoàng Tử Andrew và Hoàng Tử Edward.

Vì nguyên tắc ngai vàng nước Anh chỉ truyền cho trưởng nam, do đó Thái Tử Charles (năm nay 73 tuổi) sẽ là người kế vị Nữ Hoàng để làm Vua nước Anh. Sau đó trưởng nam của ông là Hoàng Tử William (năm nay 39 tuổi) sẽ kế vị, và cháu cố đích tôn của Nữ Hoàng (Hoàng Tử George, năm nay 8 tuổi) sẽ tiếp tục vai trò kế vị trong tương lai.

Các báo tại Anh Quốc khi đăng thông điệp Đại lễ Bạch kim đều chú trọng về chi tiết liên quan đến phu nhân của Thái Tử Charles, bởi vì quyết định của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị đã chấm dứt mọi lời đồn đãi và suy đoán về tư cách tương lai của Camilla Parker-Bowles.

Trước đó, dư luận nước Anh xôn xao với ý kiến cho rằng bà Camilla khó có thể trở thành Hoàng Hậu vì đã qua một đời chồng và có con riêng. Tưởng cần nhắc lại, Hoàng gia Anh đã từng có thời cấm nhà vua cũng như các hoàng tử và công chúa không được làm đám cưới với người đã ly hôn, đó là lý do Vua Edward VIII phải thoái vị hồi năm 1936 để kết hôn với một phụ nữ Mỹ (bà Wallis Simpson), đưa tới việc em trai là Hoàng Tử Albert (thân phụ của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị) lên ngôi để trở thành Vua George VI.

Nhưng dần dà theo thời gian, quan điểm của những thế hệ trước đã bị coi là lỗi thời, và nay chắc hẳn người dân Anh sẽ tôn trọng quyết định của Nữ Hoàng để chuẩn bị đón nhận Hoàng Hậu Camilla – trong tiếng Anh là “Queen Consort”, khác với Nữ Hoàng tức “the Reigning Queen”.

Bà Camilla sinh năm 1947, đã có hai con (một gái, một trai) với người chồng trước là Andrew Parker-Bowles, một sĩ quan quân đội Anh. Năm 2005, bà làm lễ thành hôn với Thái Tử Charles (tức Hoàng Tử Xứ Wales và Công Tước Xứ Cornwall), do đó được gọi là Nữ Công Tước xứ Cornwall.

Mặc dù gần 10 năm trước đó (1996) Thái Tử Charles đã chính thức ly hôn với Công Nương Diana Spencer, nhưng người dân Anh vẫn rất quý mến Công Nương Diana nên trong nhiều năm trời họ tỏ vẻ không muốn công nhận người vợ thứ nhì của Thái Tử, nhất là sau khi xảy ra vụ Diana qua đời vì tai nạn ở Paris (1997). Cũng vì vậy nên Camilla không bao giờ dùng tước vị lúc sinh thời của Diana là Công Nương Xứ Wales.

* * *

Thế Vận Hội Mùa Đông (Olympics Winter Games) kỳ thứ 24 khai mạc tại Bắc Kinh vào tối Thứ Sáu 4 tháng 2, và sẽ bế mạc vào ngày Chủ Nhật 20 tháng 2 – nghĩa là theo đúng lịch trình dự định, mặc dù cuộc tranh tài thể thao lần này diễn ra trong không khí chính trị đầy căng thẳng và giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa chung cho cả thế giới.

Cũng vì hai yếu tố trên đây nên các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông quốc tế đã ghi nhận một số dữ kiện rất đặc biệt, cho thấy Beijing Olympics 2022 không giống như bất cứ Thế Vận Hội nào trước đây.

THỂ THAO VÀ ĐẠI DỊCH

– Điểm đáng chú ý đầu tiên là, theo quyết định của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (IOC) và nhà cầm quyền Trung Cộng, Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 được tổ chức trong một “vùng bong bóng sinh học an toàn” (bio-secure bubble) nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Có nghĩa là thành viên những phái đoàn thể thao từ khắp thế giới – bao gồm 2,874 nam nữ vận động viên – bị phong tỏa suốt hai tuần lễ trong một khu vực cách biệt hẳn với sinh hoạt bên ngoài của thành phố Bắc Kinh. Mỗi ngày tất cả các vận động viên đều phải xét nghiệm Covid-19, rồi được đưa lên xe bus riêng của ban tổ chức để tới địa điểm tranh tài chứ không được tự ý đi ra ngoài “vòng tròn khép kín” có hàng rào và hệ thống camera theo dõi chặt chẽ.

Thoạt đầu chính quyền Bắc Kinh loan báo không đón nhận du khách ngoại quốc, chỉ có dân chúng Hoa Lục là được mua vé dự khán các cuộc thi thể thao. Thế nhưng kể từ đầu năm 2022 khi virus biến thể Omicron lan tràn khiến một số tỉnh thành phải “đóng cửa” thì việc bán vé cũng bị bãi bỏ luôn. Và như vậy, cũng giống như Thế Vận Hội Mùa Hè ở Tokyo hồi năm ngoái, Thế Vận Hội Mùa Đông tại Bắc Kinh năm nay hoàn toàn không có khán giả.

Cần nhắc lại là mới hai tuần trước, khu An Trinh (Anzhen) thuộc quận Triều Dương (Chaoyang) của thành phố Bắc Kinh đã phát giác một ổ dịch với 5 người bị xét nghiệm dương tính, và ngay tức khắc tất cả cư dân trong khu này được lệnh cách ly để xét nghiệm tập thể. Khu An Trinh chỉ cách Làng Thế Vận thuộc quận Diên Khánh (Yanqing) 1.2 miles tức 2 cây số.

Mặc dù phòng thủ chặt chẽ nhưng tin tức hôm Thứ Sáu 4 tháng 2 cho biết đã ghi nhận hơn 300 trường hợp bị lây nhiễm Covid-19 tại Thế Vận Hội, hầu hết là nhân viên của ban tổ chức, cùng với 9 vận động viên của các nước tham dự, bao gồm Ilana Myers Taylor (Mỹ), Kim Milliman (Bỉ), Eric Frenze (Đức), Valeria Vasnetsova (Nga)… Những vận động viên bị xét nghiệm dương tính đều bị cách ly ở khách sạn và chỉ được phép trở về Làng Thế Vận sau hai lần tái xét nghiệm có kết quả âm tính.

THỂ THAO VÀ CHÍNH TRỊ

– Điểm đáng chú ý thứ nhì: Ngoài những hạn chế chặt chẽ chưa từng thấy để ngăn chống đại dịch Covid-19, Beijing Olympics năm nay còn được ghi nhận là một cuộc tranh tài thể thao quốc tế mang đầy màu sắc chính trị.

Vì Bắc Kinh là thành phố đầu tiên được Ủy Ban IOC bầu chọn để tổ chức cả Thế Vận Hội mùa Hè (2008) và mùa Đông (2022), nên đây là sự kiện rất quan trọng giúp đảng Cộng Sản Trung Hoa có cơ hội thể hiện uy tín trên trường quốc tế, nhất là vào lúc Tập Cận Bình đang chuẩn bị tiếp tục nắm quyền lãnh đạo qua nhiệm kỳ thứ ba.

Khẩu hiệu được tung ra trên các bảng quảng cáo Thế Vận Hội xuất hiện cùng khắp thành phố Bắc Kinh là “Together for a Shared Future” (tiếng Anh) và “Nhất Khởi Hướng Vị Lai” (tiếng Hoa). Nhưng thực tế cho thấy “Cùng nhau hướng về một tương lai chung” là khẩu hiệu suông, chẳng nói lên ý nghĩa đoàn kết nào cả, mà chỉ làm nổi bật sự bất đồng ngày càng sâu đậm giữa Trung Cộng và các quốc gia Tây phương.

Suốt nhiều tháng trước lễ khai mạc, một liên minh gồm hơn 200 tổ chức bảo vệ nhân quyền đã không ngừng kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh để phản đối những vụ đàn áp tàn tệ của chính quyền Trung Cộng đối với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) ở Tân Cương và dân chúng Tây Tạng, cũng như chính sách bóp nghẹt quyền tự do ở Hồng Kông. Bên cạnh đó, những tin tức mâu thuẫn về Bành Soái (Peng Shuai, ngôi sao tennis Trung Hoa từng ba lần tham dự Thế Vận Hội), sau khi cô này lên mạng xã hội tố cáo bị một cựu lãnh đạo đảng tấn công tình dục, lại càng khiến cho Trung Cộng bị mất uy tín.

Tháng 12 năm 2021, chính phủ Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội Mùa Đông, để phản đối “những tội ác diệt chủng và chống nhân loại ở Tân Cương”. Tiếp theo Hoa Kỳ là một số nước đồng minh bao gồm Anh, Úc, Canada, Tân Tây Lan, Nhật Bản, Hòa Lan, Ấn Độ… cũng loan báo sẽ không gửi đại diện chính phủ đến Bắc Kinh – mặc dù vẫn để cho các nam nữ vận động viên của họ tham dự những cuộc tranh tài thể thao.

Dĩ nhiên Trung Cộng bác bỏ mọi lời chỉ trích từ phương Tây và còn “tố ngược lại” rằng những quốc gia nói trên “cố tình chính trị hóa một sự kiện thể thao”. Nhưng đến buổi lễ khai mạc hôm Thứ Sáu 4 tháng 2 thì ai cũng thấy chính Trung Cộng mới là kẻ lợi dụng Thế Vận Hội để gửi đi một thông điệp trả đũa chiến dịch tẩy chay. Thay vì chọn một trong số những cựu lực sĩ từng đoạt huy chương Olympics để thắp ngọn lửa thiêng Thế Vận theo truyền thống từ trước tới nay, thì ban tổ chức lại dành vinh dự này cho hai vận động viên trẻ tuổi, đó là anh Zhao Jiawen, 21 tuổi, cư dân tỉnh Sơn Tây, và cô Dinigeer Yilamujiang, 20 tuổi, sinh trưởng tại “khu tự trị Tân Cương”. Qua việc chọn Yilamujiang, rõ ràng chính quyền Trung Cộng muốn bác bỏ sự tố cáo chính sách đàn áp người dân Tân Cương, đồng thời gián tiếp lập lại luận điệu cố hữu là “yêu cầu thế giới đừng can thiệp vào chuyện nội bộ của chúng tôi”.

– Thêm một sự kiện cũng mang nặng màu sắc chính trị: Trên khán đài danh dự của lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, người ta thấy bên cạnh Chủ Tịch nhà nước Trung Cộng Tập Cận Bình có Tổng Thống Vladimir Putin của Nga và các nguyên thủ hoặc đại diện của 21 quốc gia khác, như Thủ Tướng L. Oyun-Erdene của Mông Cổ, Tổng Thống Aleksandar Vucic của Serbia, Thủ Tướng Imran Kahn của Pakistan, Quốc Vương Emir Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar, Thái Tử Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, v.v… cùng với Tổng Thư Ký António Guterres của Liên Hiệp Quốc và Chủ Tịch Thomas Bach của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (IOC).

Điều đáng nói là Tổng Thống Vladimir Putin đến Bắc Kinh không phải chỉ để dự lễ khai mạc và cổ võ cho các vận động viên Nga tại Thế Vận Hội, mà còn để dự buổi họp với Tập Cận Bình, sau đó phổ biến bản lên tiếng chung với nội dung “hai nước tái khẳng định sự ủng hộ chính sách ngoại giao của nhau và sự đồng thuận về những vấn đề an ninh quốc gia ở tầm mức rộng lớn”. Buổi họp này mang ý nghĩa quan trọng vì diễn ra vào một thời điểm cực kỳ căng thẳng: Hơn 100,000 binh sĩ Nga đang hiện diện ở biên giới Ukraine trong tư thế sẵn sàng tấn công, giữa lúc Hoa Kỳ cùng Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các quốc gia Âu Châu chuẩn bị biện pháp đối phó và đe dọa “các biện pháp chế tài nặng nề hơn bao giờ hết” nếu vụ tấn công xảy ra.

– Vẫn liên quan đến Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, các bản tin thông tấn ghi nhận rằng 22 nhân vật đại diện quốc gia đến Bắc Kinh dự lễ khai mạc là con số lớn hơn so với 15 đại diện dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè tại Tokyo hồi năm ngoái, nhưng thấp hơn rất nhiều so với con số 80 nguyên thủ đến Bắc Kinh hồi năm 2008 để dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè. (Lúc đó Tổng Thống Mỹ George W. Bush chẳng những có mặt ở lễ khai mạc ngày 8 tháng 8 mà còn hiện diện ở hầu hết các trận tranh tài để cổ vũ cho các vận động viên Hoa Kỳ).

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG CHÚ Ý

– Về số người theo dõi Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 trên màn ảnh truyền hình, tablets và điện thoại di động, đài NBC trích dẫn số liệu thống kê của Total Audience Delivery (TAD) cho thấy hôm Thứ Bảy 5 tháng 2 có tổng cộng 13.6 triệu khán giả. Riêng buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội vào buổi tối hôm trước đã thu hút được 16 triệu khán giả, nghĩa là kém 1 triệu so với lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè tại Tokyo năm 2021.

– Về thành phần tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, phái đoàn Hoa Kỳ đến Bắc Kinh với 242 vận động viên (134 nam và 108 nữ), đông hơn tất cả những phái đoàn khác. Trong số này có 141 khuôn mặt mới và 37 người từng đoạt huy chương ở những cuộc tranh tài thế vận mùa Đông (bao gồm 10 huy chương vàng). Các vận động viên Mỹ sẽ dự tranh tổng cộng 107 cuộc thi thuộc 7 bộ môn thể thao mùa Đông là Biathalon, Bobsledding, Curling, Ice Hockey, Luge, Skating và Skiing.

Năm nay phái đoàn Hoa Kỳ có tám người trẻ nhất, tuổi 21/22 (sinh năm 2000). Hai người lớn tuổi nhất là Nick Baumgartner (40 tuổi) và Katie Uhlaender (37 tuổi). Cùng với Katie Uhlaender còn có Shaun White, Lindsey Jacobellis và John Shuster là 4 vận động viên đã có mặt ở 4 kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông trước đây.

HUY CHƯƠNG THẾ VẬN, TUẦN THỨ NHẤT

– Về huy chương Olympics, điều cần nói trước tiên là, bảng huy chương Thế Vận Hội Mùa Đông thường khác biệt hẳn với bảng huy chương Thế Vận Hội Mùa Hè. Thí dụ cụ thể: Na Uy là quốc gia vùng Bắc Âu chiếm kỷ lục về huy chương sau 23 kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông, với 368 huy chương các loại, bao gồm 132 huy chương vàng, thế nhưng khi tham dự Thế Vận Hội Mùa Hè thì Na Uy không lọt được vào danh sách “top 20”.

Đứng sau Na Uy về kỷ lục huy chương Thế Vận Hội Mùa Đông chính là Hoa Kỳ, với 307 huy chương các loại, bao gồm 105 huy chương vàng. Kỷ lục được nhắc tới nhiều nhất là tại Thế Vận Hội Salt Lake City năm 2002, các vận động viên Mỹ đã đoạt tới 34 huy chương, bao gồm 10 huy chương vàng.

– Người mang về cho nước Mỹ chiếc huy chương vàng đầu tiên tại Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 là Lindsey Jacobellis, sau khi cô thắng cuộc đua trượt tuyết (women’s snowboard cross) đầy sôi nổi hôm Thứ Tư 9 tháng 2. Chloe Trespeuch của Pháp chiếm huy chương bạc, và Meryta Odine của Canada chiếm huy chương đồng. Về thứ tư là Belle Brockhoff của Úc.

Đây là lần thứ năm Lindsey Jacobellis dự tranh Olympics. Tuy vẫn được coi là một ngôi sao sáng của bộ môn snowboard cross (từng đoạt 10 huy chương vàng X Games và 6 lần vô địch thế giới), nhưng ngoài một huy chương bạc duy nhất tại Thế Vận Hội Turin (2006), may mắn không tiếp tục đến với cô ở Vancouver (2010), Sochi (2014) và Pyeongchang (2018). Năm nay 36 tuổi, Jacobellis đã phải mất 16 năm mới đạt được mục tiêu và trở thành vận động viên người Mỹ lớn tuổi nhất nắm trong tay chiếc huy chương vàng của Thế Vận Hội Mùa Đông.

Bước qua ngày Thứ Năm 10 tháng 2, Mỹ có thêm ba huy chương vàng nhờ chiến thắng của hai khuôn mặt trẻ và một cuộc thi toàn đội.

Chloe Kim, 21 tuổi, đoạt chiếc huy chương vàng thứ nhì về bộ môn trượt ván (snowboard halfpipe), sau kỷ lục đầu tiên cô đã lập cách đây 4 năm ở Thế Vận Hội Pyeongchang. Thể lệ tranh tài cho phép mỗi vận động viên được trổ tài ba lần để chọn số điểm cao nhất. Chloe Kim ngay từ lần đầu đã đạt tới 94 điểm, thành tích này được giữ luôn đến chung cuộc, vì các đối thủ – cũng như chính cô – đều không có số điểm cao hơn. Queralt Castellet của Tây Ban Nha (Spain) đạt 90.25 điểm, chiếm huy chương bạc, và Sena Tomita của Nhật (Japan) đạt 88.25 điểm, chiếm huy chương đồng.

Nathan Chan. 22 tuổi, mang về cho nước Mỹ chiếc huy chương vàng thứ ba trong cuộc thi trượt băng nghệ thuật (figure skating) với số điểm 332.60, và trở thành vận động viên người Mỹ đầu tiên thắng bộ môn này kể từ năm 2010. Ba vận động viên của nước Nhật là Yuma Kagiyama (310.05 điểm) chiếm huy chương bạc, Shoma Uno (293.00 điểm) chiếm huy chương đồng, và Yuzuru Hanyu – từng đoạt hai huy chương vàng thế vận – lần này chỉ về hạng tư với 283.21 điểm.

Huy chương vàng thứ tư của nước Mỹ là về bộ môn trượt tuyết toàn đội nam nữ (aerials mixed team) với chiến thắng của ba vận động viên Christopher Lillis, Justin Schoenefeld, Ashley Caldwell. Đội nam nữ của Trung Cộng chiếm huy chương bạc, và đội nam nữ của Canada chiếm huy chương đồng.

Tính đến tối Thứ Năm 10 tháng 2, bảng xếp hạng sơ khởi của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 cho thấy Áo (Austria) đang dẫn đầu với 13 huy chương gồm 4 vàng, 5 bạc, 4 đồng. Kế tiếp là Na Uy (Norway) với 12 huy chương gồm 5 vàng, 3 bạc, 4 đồng, Nga (ROC) với 11 huy chương gồm 2 vàng, 3 bạc, 6 đồng, Mỹ (USA) với 10 huy chương gồm 4 vàng, 5 bạc, 1 đồng, và Đức (Germany) với 9 huy chương gồm 6 vàng, 3 bạc.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, BBC, NPR, USA Today, NBC News ngày 10/2/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*