HOÀNG TỬ ANDREW GẶP RẮC RỐI LỚN VÌ VỤ KIỆN TÌNH DỤC
Hoàng Tử Andrew, con trai thứ ba của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị, vừa bị tước bỏ tất cả các quân hàm danh dự và rút lại sự bảo trợ của Hoàng Gia Anh, vì bị dính líu vào vụ kiện “xâm phạm tình dục phụ nữ vị thành niên” đang làm sôi nổi dư luận tại Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Hôm Thứ Năm 13 tháng 1, Điện Buckingham phổ biến một thông báo ngắn gọn: “Với sự chấp thuận và đồng ý của Nữ Hoàng, các danh hiệu quân sự và quyền bảo trợ của Hoàng Gia dành cho Công Tước xứ York đã được trả lại cho Nữ Hoàng. Công Tước xứ York sẽ tiếp tục không đảm nhiệm bất cứ nhiệm vụ nào do Hoàng Gia giao phó và hiện đang tham gia vụ tranh tụng với tư cách một thường dân”.
Theo tinh thần thông cáo, Hoàng Tử Andrew (bên trái trong hình) sẽ không còn được dùng danh hiệu Hoàng Tử (His Royal Highness) trong các giao dịch chính thức – cũng như bị mất các quân hàm Đại Tá Lực Lượng Không Quân Hoàng Gia Lossiemouth, Đại Tá Lực Lượng Bộ Binh Grenadier Guards, Đại Tá Lữ Đoàn Yorkshire, Đại tá Đội Xạ Thủ Scotland v.v…
Tuy nhiên đài BBC và các cơ quan truyền thông ghi nhận rằng Hoàng Tử Andrew vẫn giữ tước hiệu Công Tước xứ York (Duke of York) và chức Phó Đô Đốc Hải Quân Hoàng Gia Anh. Ngoài ra, ông vẫn là nhân vật thứ chín trong danh sách kế thừa ngai vàng nước Anh – sau Thái Tử Charles cùng hai con trai và năm cháu (3 con của Hoàng Tử William, 2 con của Hoàng Tử Harry).
Hoàng Tử Andrew, năm nay 61 tuổi, đã có trên 20 năm quân vụ với tư cách phi công trực thăng của Không Lực Hoàng Gia Anh (1979-2001) và từng tham dự cuộc chiến tranh Falklands (1982). Ông cũng là chỉ huy trưởng chiến hạm dò mìn HMS Cottesmore (1993-1994).
Hoàng Tử Andrew thành hôn với cô bạn gái thuở thiếu thời là Sarah Ferguson, và được Nữ Hoàng ban tước hiệu Công Tước xứ York ngay trong lễ cưới ngày 23 tháng 7 năm 1986 tại cung điện Hoàng Gia. Sau khi có với nhau hai người con là Công Chúa Beatrice và Công Chúa Eugenie, họ ly dị vào năm 1996.
Tin tức cho biết Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị đi đến quyết định hôm Thứ Năm tuần này là vì 150 cựu chiến binh thuộc ba binh chủng Hải, Lục, Không Quân gửi thư ngỏ đề nghị bà tước bỏ các quân hàm của Hoàng Tử Andrew. Thư ngỏ được gửi chỉ một ngày sau khi tòa án tại Manhattan (Hoa Kỳ) bác bỏ lời yêu cầu của các luật sư đại diện ông Andrew xin bãi miễn đơn khởi tố của bà Virginia Giuffre. Những nhân vật cao cấp trong Hoàng Gia Anh ủng hộ lá thư ngỏ và khẩn thiết xin Nữ Hoàng có biện pháp cấp thời hầu giảm bớt áp lực của dư luận.
VỤ ÁN XÂM PHẠM TÌNH DỤC PHỤ NỮ VỊ THÀNH NIÊN
Từ năm 2010, 2011, dư luận nước Anh bắt đầu dậy sóng khi biết được mối quan hệ khá thân thiết giữa Hoàng Tử Andrew và Jeffrey Epstein, một doanh gia tỷ phú Mỹ mang nhiều tai tiếng và đã từng vào tù hồi năm 2008 về tội mua bán tình dục. Trước áp lực dư luận càng lúc càng gia tăng, chính phủ Anh bãi chức đặc sứ thương mại của Hoàng Tử Andrew. Đến tháng 11 năm 2019, sau khi Epstein bị bắt, Hoàng Tử Andrew chính thức từ bỏ hoàn toàn mọi công tác do Hoàng Gia Anh giao phó, và hầu như không còn xuất hiện trước công chúng.
Jeffrey Epstein bị Cơ Quan FBI bắt vào ngày 6 tháng 7 năm 2019 và bị truy tố về tội chủ mưu đường dây mua bán tình dục ở Florida và New York từ 2002 đến 2005, mà nạn nhân là hàng chục cô gái vị thành niên, có người mới 14 tuổi. Đây là tội hình sự rất nặng, có thể đưa tới 45 năm tù. Mặc dù Epstein không nhận tội và luật sư xin đóng tiền thế chân 100 triệu dollars, nhưng tòa án liên bang tại Manhattan (New York) bác bỏ yêu cầu xin tại ngoại và Epstein bị đưa thẳng vào nhà tù Metropolitan Correctional Center (MCC) để chờ các phiên xử kế tiếp.
Lúc 6:40 giờ sáng ngày 10 tháng 8, nhân viên nhà tù phát giác Epstein treo cổ tự tử, chết trong phòng giam.
Một ngày trước đó – 9 tháng 8 năm 2019 – tòa án khui mở hơn 2,000 tài liệu liên quan đến hồ sơ khởi tố của một phụ nữ tên là Virginia Roberts Giuffre khai đã bị Jeffrey Epstein và Ghislane Maxwell cưỡng bức tình dục, sau đó ép buộc cô phải làm trung gian “tuyển dụng” các thiếu nữ vị thành niên vào đường dây mua bán tình dục của họ.
Những tài liệu này cho thấy cả chục nhân vật danh giá và thế lực đã từng tiệc tùng ăn chơi cùng với Epstein hoặc đáp máy bay riêng của ông ta, trong đó có cựu Tổng Thống Bill Clinton, cựu Tổng Thống Donald Trump, cựu Thượng Nghị Sĩ George Mitchell, cựu Thống Đốc Bill Richardson, khoa học gia Marvin Minsky, doanh gia tỷ phú Leslie Wexner, luật sư Alan Dershowitz v.v… và Hoàng Tử Andrew của nước Anh.
Vì bị cáo đã chết nên tòa án hủy bỏ các tội danh hình sự, nhưng người bạn gái và phụ tá của Epstein tiếp tục bị tầm nã. Ghislane Maxwell, 60 tuổi, vốn sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (thân phụ là cố Nam Tước Robert Maxwell) và từng tốt nghiệp Đại Học Oxford.
Đầu tháng 7 năm 2020, Ghislaine Maxwell bị FBI bắt và truy tố với tư cách đồng phạm của Jeffrey Epstein, đến hôm Thứ Tư 29 tháng 12 năm 2021 bị bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang ở New York kết luận “có tội” về 5 trong 6 tội danh, nghiêm trọng nhất là tội “mua bán tình dục phụ nữ vị thành niên” từ 1994 đến 2004, có thể đưa tới mức án 40 năm tù. Luật sư Bobbi Sternheim cho biết sẽ kháng cáo, trong khi Maxwell bị đưa trở lại nhà tù Metropolitan Detention Center (MDC) ở Brooklyn, và sẽ còn phải ra tòa về tội bội thệ trong một phiên xử khác.
4 nạn nhân đã được công tố viện mời ra tòa để cung cấp lời khai với tư cách nhân chứng về hoạt động của đường dây mua bán tình dục do Jeffrey Epstein chủ mưu với sự cộng tác của Ghislane Maxwell. Nhưng trong 4 người này không có Virginia Giuffre, nguyên đơn của vụ kiện dân sự tại New York – với bị đơn là Hoàng Tử Andrew.
Virginia Giuffre, tên khai sinh là Virginia Roberts, sinh năm 1983 tại California, trước khi gia đình dời qua sinh sống ở Florida. Trả lời cuộc phỏng vấn hồi năm 2019 trên chương trình Panorama của đài BBC, bà kể lại rằng lúc mới 7 tuổi đã bị lạm dụng tình dục bởi một người bạn của gia đình, đến năm 14 tuổi trở thành môt cô gái “bụi đời” lang thang trên đường phố.
Vẫn theo lời bà Giuffre thì năm 2000, trong lúc đang làm nhân viên phục vụ phòng thay quần áo tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của nhà tỷ phú Donald Trump ở Florida, bà gặp Ghislaine Maxwell và “người phụ nữ Anh có vai vế trong xã hội” này đề nghị phỏng vấn để giúp cô gái bụi đời Virginia Roberts “có cơ hội được đào tạo trở thành một nhân viên massage therapy”. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược ngay khi Roberts được Maxwell đưa đến ngôi nhà của Jeffrey Epstein ở Palm Beach và kể từ đó cô trở thành một công cụ tình dục của ông ta.
Virginia Giuffre nói rằng đã được Epstein đưa qua London và giới thiệu với vị Hoàng Tử nước Anh. Một tấm ảnh chụp vào đêm hôm đó – mà hiện nay cả triệu người đang luân chuyển trên internet – cho thấy Hoàng Tử Andrew vòng tay ôm ngang lưng cô thiếu nữ 17 tuổi Virginia Roberts, trong khi Ghislaine Maxwell đứng sau mỉm cười.
Trong vụ kiện dân sự được tòa án liên bang tại Manhattan thụ lý, bà Virginia Giuffre cáo buộc đã bị Hoàng Tử lạm dụng tình dục ba lần – tại nhà của Maxwell ở London, sau đó tại nhà của Epstein ở Manhattan, và tại khu nghỉ mát của Epstein ở Little St. James thuộc Quần đảo Virgin Islands.
Trả lời nữ ký giả Emily Maitlis trong cuộc phỏng vấn trên chương trình BBC Newsnight vào tháng 11 năm 2019, Hoàng Tử Andrew nói rằng ông “không nhớ chút nào là đã từng gặp Virginia Roberts”, những quan hệ tình dục ở Anh và Mỹ mà Virginia Giuffre kể lại đều “chưa từng xảy ra”, và tấm hình chụp “hoàn toàn ngụy tạo”.
Ngày 8 tháng 12 năm 2021, trả lời phỏng vấn trên nhật báo Miami Herald, Virginia Giuffre thuật lại rằng vào năm 2003, trong một chuyến đi Thái Lan với công tác “tuyển dụng” thiếu nữ vị thành niên cho đường dây mua bán tình dục của Epstein, bà đã gặp một người đàn ông người Úc, hai người kết hôn 10 ngày sau đó và bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình trên đất Úc.
Virginia Giuffre hiện đang sống trong một ngôi nhà lớn bên bờ biển Perth cùng chồng và ba đứa con. Bà cho biết đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Speak Out, Act, Reclaim” (SOAR), nhằm mục đích “giáo dục và vận động cho các nạn nhân buôn người”.
Một hồ sơ hồi năm 2009 được phổ biến công khai, cho thấy Virginia Giuffre đã nhận số tiền bồi thường 371,000 bảng Anh ($500,000 dollars) để cam kết không khởi tố Jeffrey Epstein, tuy nhiên các luật sư đại diện bà Giuffre lập luận rằng sự thỏa thuận đó không ảnh hưởng đến vụ kiện dân sự đối với Hoàng Tử Andrew, và tòa án Manhattan đồng ý với luận cứ này.
Theo tin tức cập nhật trên báo Miami Herald, hôm Thứ Sáu 14 tháng 1 các luật sư nộp đơn xin ông Chánh Án Lewis Kaplan cho phép gửi hồ sơ yêu cầu tòa án Hoàng Gia Anh truy tầm và lấy lời khai của hai nhân chứng trong đó có một phụ nữ tên là Shukri Walker, vì cô này “đã tận mắt nhìn thấy nguyên đơn đi cùng Hoàng Tử Andrew đến một hộp đêm ở London vào tháng 3 năm 2001”. Luật sư Sigrid McCawley nói thêm rằng “tối hôm đó cả Ghislane Maxwell cũng có mặt”.
Nếu hai bên nguyên đơn và bị đơn không đạt được sự thỏa thuận nào, Hoàng Tử Andrew có thể bị buộc phải ra đối chứng tại một phiên tòa dự trù khai diễn trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022 tại Manhattan, New York.
NÚI LỬA, SÓNG THẦN TỪ TONGA ẢNH HƯỞNG CẢ ĐẾN MỸ CHÂU
Ngọn núi lửa mang tên Hunga Tonga Hunga Ha’apai dưới đáy biển Thái Bình Dương đã phun trào dữ dội hôm Thứ Sáu và Thứ Bảy 15 tháng 1, gây nên những đợt sóng thần từ 4 feet (1.2 mét) đến 49 feet (15 mét) và khiến cả quần đảo Tonga bị bao phủ dưới một lớp tro bụi dày đặc. Cột khói tro phun lên trời cao tới 12.4 miles (20 cây số) với đường kính 160 miles (260 cây số).
Ba đảo nhỏ Nomuka, Mango, Fonoifua bị thiệt hại nghiêm trọng, hàng trăm nhà cửa hoàn toàn đổ sập. Ít nhất ba người đã thiệt mạng và số thương vong có thể còn tăng thêm. Ảnh hưởng của sóng thần từ Tonga lan rộng qua Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, đến tận Hoa Kỳ và Peru ở Mỹ Châu.
Tonga là một vương quốc vùng Nam Thái Bình Dương, gồm 169 hòn đảo, cách Tân Tây Lan 1,100 miles. Dân số gồm 104,494 người, đa số sống trên hòn đảo chính Tongatapu, với ngôn ngữ chính là tiếng Anh – vì Tonga từng được đặt dưới sự bảo hộ của Anh Quốc (1900-1970).
Sau khi núi lửa phun trào, mọi liên lạc qua điện thoại và internet trên quần đảo đều bị cắt đứt, vì đường dây cáp viễn thông dưới biển bị hư hại nặng và phải mất vài tuần lễ mới có thể sửa chữa được. Những người dân Tonga ở nước ngoài rất nóng lòng muốn biết tình hình thân nhân của họ, nhưng hiện nay mới chỉ có được chút ít tin tức nhờ điện thoại vệ tinh của các tòa đại sứ tại thủ đô Nuku’alofa.
Văn phòng Thủ Tướng Siaosi Sovaleni nói rằng “rất nhiều người bị thương, và chúng tôi chỉ biết cầu mong đừng có thêm nạn nhân tử vong”. Theo tin sơ khởi, ba người thiệt mạng gồm một phụ nữ 65 tuổi ở đảo Mango, một người đàn ông 49 tuổi ở đảo Nomuka, và một công dân Anh 50 tuổi ở thủ đô Nuku’alofa là Angela Glover bị sóng cuốn đi từ hôm Thứ Bảy, đến Thứ Hai mới tìm thấy thi thể.
Thân nhân cho biết bà Angela lập gia đình với ông James Glover năm 2015, sau đó rời Anh Quốc qua sống ở Tonga. Ông chồng mở tiệm xâm (tattoo parlour) mang tên Happy Sailor, trong khi bà vợ thành lập cơ quan thiện nguyện Tongan Animal Welfare Society để bảo vệ thú vật. Em trai bà Angela là ông Nick Eleini nói với đài BBC rằng hai vợ chồng rất thích cuộc sống trên đảo và họ được người dân bản xứ vô cùng quý mến.
Trong mấy ngày qua các cơ quan khí tượng của nhiều quốc gia đã liên tục báo động núi lửa dưới đáy biển phun trào sẽ gây nguy cơ sóng thần và khuyến cáo dân chúng đừng đến bờ biển, đến hôm Chủ Nhật báo động sóng thần mới được giải tỏa.
Sở Khí Tượng Nhật Bản ghi nhận hai đợt sóng cao 4 feet (1.2 mét) ở đảo Amami-Oshima thuộc tỉnh Kagoshima và 9 feet (2.7 mét) ở bờ biển quận Iwate.
Sở Khí Tượng Hoa Kỳ cho biết sóng thần ảnh hưởng đến hai tiểu bang Alaska và California, với những đợt sóng cao nhất ở King Cove, AK (3.3 feet), Port San Luis, CA (4.3 feet), Area Cove, CA (3.7 feet); Crescent City, CA (3.7 feet), Port Reyes, CA (2.9 feet).
Sóng thần từ Tonga còn tràn đến bờ biển Peru ở Châu Mỹ La Tinh, làm một chiếc tàu chở dầu thô suýt bị đắm và hai người bị chết đuối.
Bà Katie Greenwood, người cầm đầu phái đoàn phối hợp giữa Hồng Thập Tự Quốc Tế và tổ chức thiện nguyện Red Crescent cho biết đang đẩy mạnh hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho nạn nhân thiên tai. Các chuyến tàu chở hàng cứu trợ của Tân Tây Lan và Úc đã lên đường đến Tonga, trong khi Hoa Kỳ, Trung Cộng và một số quốc gia cũng thông báo sẽ đóng góp vào nỗ lực cứu trợ. Phát ngôn viên Stephane Dujarric nói rằng Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới của Liên Hiệp Quốc (U.N. World Food Program) vừa gửi nhân viên và phẩm vật cứu trợ vừa tiếp tay vào công tác phục hồi đường dây cáp viễn thông.
Theo bản tin AP, hai chiếc tàu HMNZS Wellington và HMNZS Aotearoa của Tân Tây Lan đã được chính phủ Tonga chấp thuận cho cập bến hôm Thứ Ba, và qua đến Thứ Năm, một máy bay vận tải C130 Hercules chở phẩm vật cứu trợ đã đáp xuống Tonga, ngay sau khi lớp bụi tro dày gần 1 inch (2 cm) tan bớt để phi trường quốc tế Fua’amotu có thể hoạt động trở lại.
Các bản tin thông tấn ghi nhận một điểm tế nhị là nỗ lực cứu trợ diễn ra giữa bối cảnh virus biến thể Omicron gây đại dịch Covid-19 đang lan tràn khắp thế giới. Riêng quần đảo Tonga nhờ vị trí tách rời những lục địa nên cho tới giờ phút này không bị Covid tấn công, chỉ có một trường hợp lây nhiễm duy nhất được báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái (bệnh nhân là một du khách từ Tân Tây Lan). Vì vậy chính quyền địa phương tuy cần quốc tế giúp đỡ nhưng cũng rất e ngại các phái đoàn cứu trợ tới đây sẽ mang theo rủi ro lây nhiễm. Hiện chưa rõ vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, RFI, BBC, Miami Herald ngày 20/1/2022
Be the first to comment