Căng Thẳng Giữa Nga Và Ukraine Có Thể Đưa Tới Nguy Cơ Chiến Tranh – Tình Hình Đại Dịch COVID-19 Trên Thế Giới

Tổng thống Ukraine Zelenskiy (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters/AP)

Hai cuộc đàm phán tại Geneva và Brussels trong tuần này đã không mang lại kết quả nào, khiến giới quan sát thời cuộc lo ngại rằng nếu giải pháp ngoại giao bế tắc và tình trạng căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nga –Ukraine tiếp tục leo thang, đưa tới nguy cơ bùng nổ chiến tranh, thì cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ sẽ bị lôi kéo vào vòng tranh chấp.

Khoảng 94,300 binh sĩ Nga hiện đang tập trung ở vùng biên giới Ukraine, môt hình thức gây áp lực nhưng cũng có thể là chuẩn bị cho một cuộc xâm lược mới – vì đã từng xảy ra vụ tấn công cách đây 8 năm (2014) khi Nga dùng sức mạnh quân sự sáp nhập bán đảo Crimea từ lãnh thổ Ukraine.

Chính phủ Nga chối cãi rằng “không có kế hoạch xâm lược” mà chỉ là “tỏ thái độ đáp lại hành động gây hấn và khiêu khích từ phía NATO và Ukraine”. Tuy nhiên, trước sự chỉ trích của dư luận thế giới, Nga đồng ý tham dự các cuộc thương thuyết ngoại giao, trước hết là gặp Hoa Kỳ tại Geneva, tiếp theo là đàm phán với Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO) tại Brussels ngày Thứ Tư 12 tháng 1, cuối cùng là đàm phán với Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (Organization for Security and Co-operation in Europe – OSCE) tại Vienna ngày Thứ Năm 13 tháng 1.

Tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ, cuộc thương thuyết giữa phái đoàn Mỹ do Thứ Trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman lãnh đạo và phái đoàn Nga do Thứ Trưởng Ngoại Giao Sergei Ryabkov lãnh đạo đã diễn ra trong hai ngày Chủ Nhật 9 tháng 1 và Thứ Hai 10 tháng 1. Ngay từ đầu cả hai bên đều không tỏ vẻ lạc quan khi ngồi vào bàn đàm phán, phía Nga nói rằng “sẽ không nhượng bộ trước áp lực của Mỹ”, và phía Mỹ cũng nói “không kỳ vọng vào một sự bất ngờ nào” để giải quyết vụ khủng hoảng này. Cần nói thêm là vòng đàm phán ở Geneva không có sự tham dự của phái đoàn Ukraine.

Phát biểu với hãng thông tấn Interfax, Thứ Trưởng Sergei Riabkov thừa nhận rằng cuộc thảo luận “nghiêm túc” nhưng “rất khó khăn, vì hai bên có quan điểm hoàn toàn khác biệt”, đồng thời nhắc lại một trong những điều kiện tiên quyết là Mỹ “phải bảo đảm Ukraine không bao giờ được gia nhập NATO” “đây là vấn đề an ninh quốc gia của Nga”.

Trong khi đó Thứ Trưởng Wendy Sherman phổ biến thông cáo báo chí, nhấn mạnh đến “sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với các nguyên tắc quốc tế về chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, và quyền tự do được lựa chọn liên minh của mỗi quốc gia” – có nghĩa là bác bỏ việc Nga yêu cầu Mỹ bảo đảm NATO không mở rộng hoạt động và đồng ý triệt thoái lực lượng quân sự ở các nước vùng Trung và Đông Âu. Bà Sherman nói thêm với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ ai đòi hỏi NATO từ bỏ chính sách mở rộng cửa”,“Hoa Kỳ sẽ không quyết định bất cứ điều gì về Ukraine mà không tham khảo với Ukraine, sẽ không quyết định bất cứ điều gì về Âu Châu mà không tham khảo với Âu Châu, cũng như sẽ không quyết định bất cứ điều gì về NATO mà không tham khảo với NATO”.

Ngay sau khi rời khỏi bàn hội nghị với Tổng Thư Ký Jens Stoltenberg và các nhà lãnh đạo NATO tại thủ đô Brussels của Vương Quốc Bỉ hôm Thứ Tư 12 tháng 1, Thứ Trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu trên đài truyền hình RTVI là cuộc đàm phán thứ nhì này “hoàn toàn bế tắc” vì những bất đồng sâu đậm trong quan điểm giữa hai phía, và ông ta “không thấy có lý do gì để tiếp tục các cuộc thương thuyết tương tự trong thời gian sắp tới”.

Trước lời tuyên bố phũ phàng của nhà ngoại giao Nga, Ngoại Trưởng Ba Lan báo động “nguy cơ chiến tranh đang cận kề Âu Châu hơn bao giờ hết”. Ông Zbigniew Rau nhắc nhở các phái đoàn đại diện 57 thành viên của tổ chức OSCE sắp tham dự cuộc đàm phán tại Vienna vào ngày hôm sau, rằng hiện nay không phải chỉ riêng Ukraine là “điểm nóng”, mà ngay cả ở các nước lân cận như Georgia, Armenia, Moldova, tình hình cũng căng thẳng không kém, và tất cả đều có liên quan đến chính sách can thiệp của Moscow.

Qua hai cuộc điện đàm với Tổng Thống Vladimir Putin trong vòng 5 tuần lễ gần đây, Tổng Thống Joe Biden đã cảnh cáo rằng Nga “sẽ phải đương đầu với các biện pháp chế tài chưa từng có” nếu tiếp tục gây hấn với Ukraine. Đồng thời Nhóm G-7 và Liên Hiệp Âu Châu cũng đưa ra lời cảnh giác tương tự về “những hậu quả nặng nề”. Nhưng Tổng Thống Putin đáp lại rằng quyết định chế tài “sẽ là một sai lầm lớn lao, dẫn đến sự rạn nứt hoàn toàn” trong quan hệ giữa Nga và các quốc gia Tây phương. Theo nhà lãnh đạo Điện Kremlin thì chính làn sóng mở rộng hoạt động của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương đã đẩy Nga đến chỗ phải đòi hỏi NATO tôn trọng “lằn ranh đỏ” – cụ thể là không nhận Ukraine làm thành viên, đồng thời chấm dứt thiết trí các hệ thống vũ khí nhắm vào Nga ở những quốc gia vùng Trung và Đông Âu đã gia nhập NATO sau năm 1997.

Tưởng cần nhắc lại, tình hình căng thẳng giữa Nga với Ukraine (và các quốc gia Tây phương) được ghi nhận ở thời điểm đúng 30 năm kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã vào tháng 12 năm 1991, Ukraine – nguyên là một chư hầu của Liên Xô – tuyên bố độc lập và dần dà tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của Nga để tiến gần lại các quốc gia Tây phương.

Năm 2014, Tổng Thống Viktor Yanukovych (có khuynh hướng thân Nga) bị lật đổ, nhưng ngay sau đó chính phủ Nga – dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Vladimir Putin – phản ứng bằng cách đưa quân đội qua ủng hộ lực lượng ly khai ở bán đảo Crimea rồi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, bất chấp sự phản đối của tân chính phủ Ukraine và cả thế giới.

Từ đó đến nay những thành phần ly khai thân Nga vẫn chiếm đóng vùng Donbas ở miền đông của Ukraine, đưa tới các cuộc xung đột dữ dội với quân đội chính phủ khiến ít nhất 14,000 người thiệt mạng. Một hòa ước được ký kết năm 2015 nhưng liên tiếp bị cả hai phía vi phạm, hoàn toàn không giúp tái lập hòa bình và ổn định.

Cuối tháng 11 năm 2021, tình báo Mỹ lấy được nguồn tin Nga có ý định điều động 175,000 binh sĩ đến biên giới Ukraine, chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự vào năm 2022.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết 94,300 binh sĩ Nga thuộc quân đoàn 41 đã hiện diện ở thị trấn Yelnya, cách biên giới chưa đầy 160 miles tức 260 cây số. Theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Oleksii Reznikov nói với các nhà lập pháp thì trong tháng 1 có thể Nga sẽ đưa thêm binh sĩ tới biên giới và bán đảo Crimea. Nhưng tất cả những điều này đều bị chính phủ Nga phủ nhận, đồng thời Nga tố cáo ngược lại Ukraine đã không tôn trọng hòa ước năm 2015 và Mỹ đang cùng NATO tiếp tay cho Ukraine để đàn áp lực lượng ly khai nhằm tái chiếm vùng Donbas.

Giữa bối cảnh như vậy, và sau khi hai cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO rơi vào bế tắc, các quan sát viên thời cuộc đặt câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra vào những ngày sắp tới nếu mọi giải pháp ngoại giao đều thất bại. Hiện nay quân đội Nga không hề có dấu hiệu triệt thoái khỏi vùng biên giới Ukraine như phía Mỹ đòi hỏi, và NATO cũng không tỏ dấu hiệu rút bớt lực lượng đồn trú tại Đông Âu như phía Nga đòi hỏi.

Thứ Trưởng Ngoại Giao Sergei Ryabkov nói rằng Nga có thể sẽ đáp trả thái độ “thiếu thiện chí” của Mỹ và NATO bằng một hành động “quân sự kỹ thuật” (military-technical), ngụ ý là sẽ tái phối trí các hỏa tiễn đạn đạo tầm trung tại châu Âu, nhưng từ chối đi vào chi tiết khi báo chí đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Thứ Trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận với Nga để tái phục hoạt Hiệp Ước Tài Giảm Vũ Khí Hạt Nhân Tầm Trung (Intermediate-range Nuclear Forces Treaty – INF Treaty) mà Nga ký kết với Mỹ ngày 8 tháng 12 năm 1987, theo đó hai bên cùng đồng ý ngăn cấm việc thiết trí các hỏa tiễn đạn đạo có tầm phóng từ 310 đến 3,400 miles (500 đến 5,500 cây số). Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump đã chính thức rút khỏi hiệp ước này vào tháng 8 năm 2019 sau khi tố cáo Nga không tôn trọng hiệp ước, điều mà Moscow kiên quyết phủ nhận.

Phát biểu với các thành viên của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (OSCE), Đại Sứ Nga Alexander Lukashevich cũng đưa ra luận điệu hăm he tương tự như Thứ Trưởng Ryabkov, nói rằng “Nếu các đề nghị mà chúng tôi đưa ra không nhận được sự đáp ứng mang tính chất xây dựng nào trong thời gian sắp tới, và nếu những thái độ thù nghịch vẫn tiếp tục nhắm vào nước Nga, thì chúng tôi sẽ buộc lòng phải tự lựa chọn kết luận để thực hiện các biện pháp cần thiết hầu triệt tiêu mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Vẫn theo lời ông Lukashevich: “Nga là một quốc gia yêu hòa bình, nhưng không phải là cần hòa bình bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi không chấp nhận bị đặt điều kiện để có được những bảo đảm pháp định cho an ninh quốc gia của chúng tôi”.

CẬP NHẬT VỀ ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ BIẾN THỂ OMICRON

Đầu tuần này, trong lúc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) báo động rằng phân nửa dân số Âu Châu có thể sẽ bị nhiễm virus biến thể Omicron, thì ở Hoa Kỳ, con số các trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 cũng vừa lên tới một kỷ lục mới: 1 triệu 350 ngàn người bị xét nghiệm dương tính chỉ trong một ngày Thứ Hai 10 tháng 1.

Bản tin thông tấn Reuters ghi nhận 1.35 triệu là con số cao nhất trên toàn thế giới kể từ khi biến thể Omicron lan tràn, chứng tỏ nước Mỹ đang vất vả đối phó với đợt đại dịch lần này. Theo Bộ Y Tế và Dịch Vụ Dân Sinh thì trong hai tuần lễ vừa qua, trung bình mỗi ngày có thêm 700,000 người dân Mỹ mới bị lây nhiễm, 136,604 người phải vào bệnh viện để chữa trị, và 1,648 người chết vì Covid-19.

Những số liệu trên đây cho thấy, mặc dù biến thể Omicron không nguy hiểm bằng biến thể Delta – vì tỷ lệ nhập viện cũng như tỷ lệ tử vong đều thấp hơn đợt đại dịch hồi mùa đông năm ngoái – thế nhưng cũng đủ để gây căng thẳng cho hệ thống bệnh viện trên toàn quốc hiện đang thiếu nhân viên y tế đến mức độ trầm trọng. Nhiều tiểu bang đã phải điều động lực lượng Vệ Binh Quốc Gia để hỗ trợ về nhân lực.

Bác sĩ Bradley Dreifuss ở bệnh viện Tucson (Arizona), bác sĩ John Lynch ở bệnh viện UW Seattle (Washington), bác sĩ Doug White ở bệnh viện Pittsburgh (Pennsylvania) và bác sĩ Kristin Englund ở bệnh viện Cleveland (Ohio) nói với báo chí là phải dành quá nhiều chỗ cho người bị lây nhiễm Covid-19 nên không còn đủ giường bệnh để chữa trị những bệnh nhân khác.

Sự lan tràn của Omicron còn làm trở ngại hầu hết mọi sinh hoạt của xã hội Mỹ, từ giáo dục (trường học phải tạm đóng cửa hoặc trở lại học trực tuyến vì nhiều thầy giáo cô giáo, học sinh bị lây nhiễm) cho đến thương mai, du lịch và giao thông (thị trường thiếu hàng hóa vì hệ thống cung ứng bị ứ đọng, hàng ngàn chuyến bay bị hủy bỏ do thiếu nhân viên phi hành và an ninh phi trường, nhiều tuyến xe điện ở New York phải ngưng chạy).

Ngay cả Quốc Hội Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng, vì từ giữa tháng 12 năm 2021 tới nay đã có 30 nhà lập pháp (gồm 26 Dân Biểu, 4 Thượng Nghị Sĩ) bị xét nghiệm dương tính và phải tự cách ly.

TÌNH HÌNH ÂU CHÂU, ÚC CHÂU, Á CHÂU

Trong buổi họp báo hôm Thứ Ba 11 tháng 1 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), bác sĩ Hans Kluge phụ trách về Âu Châu nói rằng, bên cạnh virus biến thể Delta vẫn tiếp tục hoành hành, hiện nay virus biến thể Omicron “đang bùng phát như một đợt sóng thần từ Tây sang Đông” “hơn 50% dân số Âu Châu có thể sẽ bị lây nhiễm trong vòng 6 hoặc 8 tuần lễ sắp tới” khi Omicron lan tràn từ châu Âu sang vùng Balkans ở Trung Á, một địa bàn rộng lớn bao gồm 53 quốc gia.

Lời dự báo này của Viện Nghiên Cứu và Thẩm Định Y Tế (Institute for Health Metrics and Evaluation, thuộc trường Đại Học Washington ở Seattle) được WHO đưa ra sau khi Liên Hiệp Âu Châu báo cáo thêm 7 triệu trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 trong 7 ngày đầu tiên của năm 2022, nghĩa là chỉ trong vòng hai tuần lễ đã tăng với tỷ lệ hơn gấp đôi.

Kết quả nghiên cứu sơ khởi cho thấy biến thể Omicron thường tấn công khí quản người bị lây nhiễm nhiều hơn là tấn công hai buồng phổi, do đó các triệu chứng cũng xuất hiện ở mức độ nhẹ hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên bác sĩ Hans Kluge nhấn mạnh rằng mọi người “không nên nghĩ Omicron cũng chỉ gây bệnh giống như dịch cúm hàng năm”, vì còn phải chờ thêm những kết quả nghiên cứu tiếp theo.

Bác sĩ Catherine Smallwood, trưởng khoa cấp cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đặc trách Âu Châu, đưa ra lời cảnh giác tương tự và bác bỏ ý kiến của Thủ Tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đề nghị phương thức chữa trị biến thể Omicron giống như một chứng cảm cúm. Theo lời bác sĩ Smallwood, “có thể rồi đây Covid-19 cũng sẽ giảm dần và trở thành một thứ dịch bệnh (endemic), nhưng ngay giai đoạn hiện tại của năm 2022 thì nó vẫn là một đại dịch (pandemic) và chúng ta vẫn phải đối phó trong tinh thần đó”.

Tại Úc, biến thể Omicron là tác nhân gây ra 600,000 trường hợp mới bị xét nghiệm lây nhiễm Covid-19 – con số không lớn lắm so với dân số toàn quốc 26 triệu, nhưng cũng đủ làm chính phủ Úc nhức đầu – trong lúc Giải Vô Địch Quần Vợt Thế Giới (Australian Open) sắp khai diễn, và vấn nạn đang gây sôi nổi dư luận liên quan đến tay vợt đương kim vô địch Novak Djokovic (sẽ bị trục xuất vì chưa chích ngừa hay sẽ được phép ở lại tham dự giải) vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ.

Giới quan sát nhận định rằng chính phủ Úc đang lưỡng lự giữa hai quyết định – tiếp tục kế hoạch “nới lỏng sinh hoạt” như đã hứa với dân chúng, hay là tái áp dụng các biện pháp phòng chống để đối phó với biến thể Omicron. Tuy tỷ lệ nhập viện cũng như tỷ lệ tử vong vì Covid đều tương đối thấp, nhưng thực tế cho thấy chương trình chích ngừa chưa đủ để ngăn chận sự lan tràn của Omicron. Mặc dù hiện nay 80% dân số Úc đã nhận được ít nhất một liều vaccine, nhưng tỷ lệ chích ngừa đầy đủ (2 liều vaccine cộng với liều booster) thì vẫn không được bao nhiêu.

Theo tin tức cập nhật, hôm Thứ Ba 11 tháng 1 nước Úc có thêm 86,000 người mới bị xét nghiệm dương tính, và 4,000 người phải vào bệnh viện để chữa trị Covid. Tiểu bang đông dân nhất của Úc là New South Wales đã quay trở lại với biện pháp bắt buộc mọi người mang khẩu trang, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng đó là một quyết định hơi trễ, vì khi quyết định thì Omicron đã lan tràn và gây lây nhiễm khắp nơi rồi.

Tại Trung Hoa Lục Địa, các bản tin thông tấn hôm Thứ Ba cho biết lại có thêm một số thành phố lớn bị “phong tỏa” để ngăn chận đợt đại dịch đang gây ra thêm nhiều trường hợp mới bị lây nhiễm, cụ thể là 97 người bị xét nghiệm dương tính ở Thiên Tân (Tianjin) và 84 người bị xét nghiệm dương tính ở ở An Dương (Anyang). Ngoài ra còn có 3 trường hợp lây nhiễm ở Vũ Châu (Yuzhou) và 1 trường hợp đơn lẻ ở thị trấn Vô Tích (Wuxi) tỉnh Giang Tô (Jiangsu, cách Thượng Hải 75 miles tức 120 cây số).

Thiên Tân là thành phố lớn thứ tư của Hoa Lục (sau Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu), cách Bắc Kinh 62 miles tức 100 cây số, với dân số 14 triệu người. An Dương là thành phố phía bắc tỉnh Hà Nam (Henan) với dân số 5 triệu rưởi người. Vũ Châu cũng là một thành phố thuộc tỉnh Hà Nam với dân số 1.17 triệu người.

Theo bản tin Tân Hoa Xã, chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm toàn thể cư dân của An Dương và Vũ Châu không được ra khỏi nhà để chờ xét nghiệm Covid-19. Chương trình xét nghiệm tập thể cũng đươc khởi động cho toàn thể cư dân Thiên Tân, và một trong các quận của thành phố này với dân số 800,000 người đã ra lệnh đóng cửa tất cả phòng thể dục, tiệm ăn, quán rượu.

Sáu tuần trước đây, khi 175 trường hợp lây nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở thành phố Tây An (Xian) là thủ phủ tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), chính quyền đã quyết định “đóng cửa toàn bộ” thành phố, ra lệnh xét nghiệm tập thể, và cấm 13 triệu cư dân của Tây An không được ra khỏi nhà, kể cả đi chợ mua thịt cá rau cỏ.

OMICRON SẼ GIẢM XUỐNG TRONG VÀI TUẦN NỮA?

Giữa bối cảnh Omicron đang đe dọa cả thế giới, hãng thông tấn AP gửi đến mọi người “ánh sáng cuối đường hầm” qua bản tin hôm Thứ Hai 10 tháng 1 trích dẫn lời một khoa học gia nói rằng đợt bùng phát của virus biến thể này có thể đã lên tới mức cao nhất ở nước Anh và sắp lên tới mức cao nhất ở nước Mỹ, và lúc đó con số những trường hợp lây nhiễm sẽ giảm rất nhanh – cũng giống như ở Cộng Hòa Nam Phi, Omicron (tức biến thể của coronavirus với mã số B.1.1.529) bắt đầu lan tràn dữ dội từ ngày 24 tháng 11-2021 rồi giảm hẳn xuống chỉ sau một tháng rưỡi.

Theo lời giáo sư Ali Mokdad của Đại Học Washington ở Seattle: “Đợt bùng phát này sẽ giảm với tốc độ mau lẹ cũng như lúc tăng lên”, “từ nay đến 19 tháng 1 số trường hợp mới lây nhiễm ở Mỹ sẽ lên mức tới cao nhất là 1.2 triệu người mỗi ngày, rồi sau đó sẽ giảm mạnh, đơn giản là vì những ai có thể bị lây nhiễm đều đã bị lây nhiễm”.

Giáo sư Mokdad dẫn chứng là ở Anh Quốc, số trường hợp mới lây nhiễm sau khi vọt lên hơn 200,000 người mỗi ngày vào tuần đầu tháng 1, đã giảm xuống còn khoảng 140,000 người trong tuần vừa qua.

Tuy nhiên một số chuyên gia y tế cảnh giác rằng mức tăng và giảm các trường hợp mới lây nhiễm Covid-19 không phải đều giống nhau ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nên không ai có thể đoán chắc giai đoạn kế tiếp của đại dịch sẽ ra sao. Và cho dù số trường hợp lây nhiễm bắt đầu giảm thì các bệnh nhân và các bệnh viện cũng vẫn phải chịu đựng khó khăn thêm vài tuần lễ hoặc vài tháng nữa.

Ngoài ra, giữa Anh Quốc và Cộng Hòa Nam Phi có một số điểm khác biệt. Trước hết là dân số Anh già hơn và có khuynh hướng ở trong nhà nhiều hơn vào mùa Đông, do đó đợt bùng phát dịch này có thể sẽ kéo dài hơn ở Anh (và những quốc gia tương tự). Mặt khác, vì chính quyền Anh quyết định áp dụng tối thiểu những biện pháp hạn chế, nên biến thể Omicron có thể lây lan khắp nước Anh nhanh hơn ở các nước Tây Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, là những nơi siết chặt sinh hoạt để ngăn chống đại dịch.

Bác sĩ Lauren Ancel Meyers, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Mô Hình Covid-19 của Đại Học Texas là nơi dự đoán số trường hợp mới lây nhiễm ở Mỹ sẽ lên cao nhất trong tuần này, đưa ra lời cảnh giác: “Trong lúc chúng ta chứng kiến chiều hướng sụt giảm, sẽ vẫn có nhiều người bị lây nhiễm”.

Bác sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại Học East Anglia, nhận định: “Rõ ràng là số trường hợp mới lây nhiễm ở nước Anh đang giảm, nhưng tôi muốn nhìn thấy giảm thêm nữa thì mới biết được là những gì xảy ra ở Nam Phi có xảy ra ở Anh hay không”. Ông nói thêm: “Tình hình sẽ còn có lúc lên lúc xuống, nhưng tôi hy vọng là đến lễ Phục Sinh chúng ta sẽ qua khỏi đợt đại dịch này”.

Bác sĩ David Heymann, từng đứng đầu cơ quan nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, cũng nói rằng Anh Quốc “rất gần với trường hợp một quốc gia sắp ra khỏi đại dịch”, hiểu theo nghĩa Covid-19 sẽ dần dà tiến đến giai đoạn trở thành một dịch bệnh giống như bệnh cúm hàng năm.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, CNBC, USA Today, RFI, BBC, VOA ngày 13/1/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*