Các khuôn mặt đấu tranh nổi bật tại Hồng kông: (từ trái) Agnes Chow (Châu Đình), Ivan Lam (Lâm Lãng Ngạn) và Joshua Wong (Hoàng Chi Phong).
Giáng Sinh là mùa lễ truyền thống hàng năm để nhắc nhở nhân loại về thông điệp nhân ái và hòa bình của Thiên Chúa, thế nhưng đối với 7 triệu rưởi người dân Hồng Kông thì mùa lễ Giáng Sinh năm nay lại là thời điểm bị nhà cầm quyền Trung Cộng và chính quyền thân Bắc Kinh khai thác để thực hiện những bước mới nhất trong mục tiêu dập tắt phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại thành phố này.
Vài ngày sau khi hoàn tất cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật 19 tháng 12 (nhằm dàn xếp số ghế tối đa cho các thành viên được Bắc Kinh lựa chọn vào Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông), ba trường Đại Học đã chờ đến đêm Thứ Năm 23 tháng 12 và ngày Thứ Sáu 24 tháng 12 để dỡ bỏ ba tác phẩm điêu khắc trong khuôn viên nhà trường, vì cả ba đều mang ý nghĩa tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 – mà cả thế giới vẫn coi là một vết đen ô nhục trong lịch sử đảng Cộng Sản Trung Hoa.
Mặc dù chọn thời điểm đúng vào lúc các sinh viên nghỉ lễ Giáng Sinh nên trường học vắng tanh, và tuy đã cẩn thận che kín khu vực bằng những tấm nhựa màu vàng để tránh bị chụp hình quay phim, nhưng nhân viên của Đại Học Hương Cảng (University of Hong Kong) vẫn không dám hành động giữa thanh thiên bạch nhật mà phải đợi đến nửa đêm Thứ Năm mới ra tay dỡ bỏ “Pho Tượng Ô Nhục” vốn được an tọa tại trường Đại Học này từ gần một phần tư thế kỷ.
Pho tượng bằng đồng cao 26 feet (gần 8 mét), nặng 2 tấn, là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Đan Mạch Jens Galschiot, mang hình ảnh 50 xác chết chồng chất lên nhau, biểu tượng của hàng ngàn sinh viên và thường dân vô tội bị thảm sát khi nhà cầm quyền Trung Cộng đưa binh sĩ và xe tăng đến dập tắt cuộc biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989.
“Pho Tượng Ô Nhục” – tiếng Hoa: “Quốc Thương Chi Trụ”, tiếng Anh: “Pillar of Shame” – được chở từ Đan Mạch qua Hồng Kông năm 1997, thoạt đầu dựng trong Công Viên Victoria, sau đó được đặt giữa khuôn viên Đại Học Hương Cảng. Đây chính là nơi mà mỗi năm (từ 1997 đến 2019), hàng ngàn sinh viên tại Hồng Kông và từ nhiều nơi khác vẫn quy tụ vào ngày 4 tháng 6 để tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của biến cố mà họ gọi là “Tứ Lục Sự Kiện” (June Fourth Incident) hoặc “Thiên An Môn Đại Đồ Sát” (Tiananmen Massacre).
Sáng sớm Thứ Sáu 24 tháng 12 (tức một ngày trước lễ Giáng Sinh năm nay), ngay sau khi “Pho Tượng Ô Nhục” biến mất khỏi Đại Học Hương Cảng, hai tác phẩm nghệ thuật khác cũng bị dỡ bỏ vì liên quan đến sự kiện Thiên An Môn. Đó là pho tượng Nữ Thần Dân Chủ (Goddess of Democracy) đặt tại khuôn viên Hương Cảng Trung Văn Đại Học (Chinese University of Hong Kong), và bức phù điêu mô tả vụ thảm sát Thiên An Môn (Tianamen Massacre Sculpture) gắn trên bức tường tại Đại Học Lĩnh Nam (Lingnan University) từ năm 2010.
Pho tượng Nữ Thần Dân Chủ bằng đồng, cao 20 feet (6 mét 4) được điêu khắc dựa theo khuôn mẫu pho tượng nguyên thủy bằng thạch cao và bìa xốp với chiều cao 30 feet (10 mét) mà chính các sinh viên đã dựng lên trong cuộc đấu tranh đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn cách đây 31 năm.
Bức phù điêu trên tường của Đại Học Lĩnh Nam trình bày những nét chính của cuộc đấu tranh năm 1989, bao gồm hình ảnh bất hủ của một thanh niên đơn độc đã đứng ngay trước mặt chiếc xe tăng khi quân đội Trung Cộng kéo đến Thiên An Môn đàn áp người biểu tình.
Cả pho tượng và bức phù điêu đều là tác phẩm của điêu khắc gia người Trung Hoa Chen Weiming (Trần Duy Minh), hiện đang sống tại Tân Tây Lan. Trả lời hãng thông tấn Reuters, ông Chen cho biết sẽ nộp đơn kiện hai trường đại học để đòi bồi thường nếu tác phẩm nghệ thuật của ông bị hư hại. Ông gọi đây là “một vết nhơ trong quá trình xóa bỏ quyền tự do và pháp quyền của Hồng Kông”, nói thêm: “Hồng Kông, với hình ảnh từng tượng trưng cho một xã hội dân sự hoạt động tích cực và mạnh mẽ nhất châu Á, đã nhanh chóng sụp đổ”.
Các bản tin thông tấn trích dẫn thông cáo của Đại Học Hương Cảng giải thích “quyết định dỡ bỏ pho tượng [Quốc Thương Chi Trụ] được dựa trên sự tư vấn pháp lý từ bên ngoài và sau khi thẩm định những sự rủi ro nhằm bảo vệ lợi ích của trường đại học”, viết thêm rằng “nhà trường rất lo ngại vấn đề an toàn tiềm ẩn mà bức tượng có thể gây ra”. Đồng thời, Hương Cảng Trung Văn Đại Học cũng phổ biến thông cáo nói là “pho tượng [Nữ Thần Dân Chủ] bị dỡ bỏ “dựa theo quyết định nội bộ của nhà trường”. Đại Học Lĩnh Nam gửi thư đến hãng thông tấn Reuters, cho biết bức phù điêu “có thể gây rủi ro về mặt an toàn và pháp lý”, do đó “đã được tháo gỡ và mang đi cất ở nơi thích hợp”.
Khi đặt câu hỏi với văn phòng Đặc Khu Trưởng Carrie Lam là chính quyền Hồng Kông hoặc chính quyền Bắc Kinh có ra chỉ thị cho các trường Đại Học về chuyện này hay không, thì hãng thông tấn Reuters chỉ nhận được câu trả lời vắn tắt: “Không có ý kiến”.
Trong khi đó, theo lời điêu khắc gia Jens Galschiot nói với đài BBC thì pho tượng của ông “miêu tả hàng chục thi thể bị nghiền nát, chồng chất lên nhau, với những khuôn mặt đau khổ quằn quại, là để nhắc nhở chúng ta về một sự kiện đáng xấu hổ, không thể để cho tái diễn”. Mặc dù Đại Học Hương Cảng cho biết họ sẽ cất pho tượng vào kho, nhưng ông vẫn gọi đó là một “hành động tàn bạo” và ông sẽ cân nhắc việc khởi tố đòi bồi thường. Phát biểu trên chương trình Newshour của BBC, ông Galschiot nhấn mạnh: “Đây là một tác phẩm điêu khắc về những người đã chết, để tưởng nhớ những người đã chết ở Bắc Kinh năm 1989. Vì vậy, quý vị dỡ bỏ pho tượng thì cũng giống như đi đến một nghĩa trang và phá hủy tất cả các bia mộ”.
Eric Tong, 23 tuổi, chủ tịch ủy ban đại diện sinh viên Đại Học Lĩnh Nam, phát biểu trên báo mạng Hong Kong Free Press là anh không hề được nhà trường thông báo về quyết định của họ: “Ủy ban đại diện sinh viên rất thất vọng trước việc nhà trường đơn phương quyết định dỡ bỏ bức phù điêu tưởng niệm. Chúng tôi cũng mạnh mẽ lên án hành động của nhà trường khi xóa bỏ biểu tượng lịch sử này”.
Chưa đầy một tuần lễ sau khi ba biểu tượng Thiên An Môn bị dỡ bỏ ở ba trường đại học, đến lượt sáu người trong ban biên tập tờ báo mạng Stand News bị chính quyền Hồng Kông bắt giữ và truy tố về tội “xuất bản báo với âm mưu kêu gọi ly khai” chiếu theo “luật an ninh quốc gia”. Nếu bị kết án, họ có thể sẽ phải lãnh hai năm tù và đóng tiền phạt $5,000 dollars tức $640 Mỹ kim.
Sáng Thứ Tư 29 tháng 12, tòa soạn Stand News bị hơn 200 cảnh sát ập vào lục soát và tịch thâu hết đồ đạc. Trước đó, sáu người gồm cả cựu biên tập viên lẫn biên tập viên đương nhiệm bị còng tay đưa lên xe. Trong số sáu người bị bắt có Denise Ho (Hà Vận Thi), một nữ ca sĩ nổi tiếng của Hồng Kông, và nhà báo Ronson Chan (Trần Lãng Thăng), chủ tịch Hiệp Hội Ký Giả Hồng Kông.
Buổi chiều cùng ngày, Stand News (Lập Trường Tân Văn), tờ báo mạng cổ xúy cho phong trào dân chủ, phổ biến thông cáo chia tay độc giả và loan báo quyết định đình bản vĩnh viễn – cùng chung số phận với Apple Daily (Tần Quả Nhật Báo), tờ báo ủng hộ phong trào dân chủ có nhiều độc giả nhất, đã bị khai tử từ ngày 24 tháng 6 sau khi chủ báo Jimmy Lai bị bắt và truy tố
QUY CHẾ TỰ TRỊ BỊ KẾT THÚC SỚM 28 NĂM
Tưởng cần nhắc lại, từ năm 1997 Hồng Kông đã được Anh Quốc trao trả cho Trung Cộng và trở thành “Hương Cảng Đặc Biệt Hành Chánh Khu”, nhưng nhờ thỏa ước “một quốc gia, hai quy chế” (trên nguyên tắc có hiệu lực 50 năm tức là đến năm 2047) nên trong 22 năm tiếp đó Hồng Kông vẫn là nơi duy nhất mà dân chúng được chính quyền cho phép làm lễ thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn – trong khi từ hơn 30 năm qua biến cố này bị coi như đề tài cấm kỵ đối với người dân ở lục địa Trung Hoa, chỉ cần nhắc đến ba chữ Thiên An Môn là đã có thể bị vào tù.
Thế nhưng tình hình bắt đầu đổi khác vào tháng 6 năm 2020, khi Trung Cộng ban hành “luật an ninh cho Hồng Kông” với quyết tâm dập tắt các cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ. Bàn tay sắt của Bắc Kinh vươn qua Hồng Kông, nhiều khuôn mặt đấu tranh nổi bật lần lượt bị bắt và cáo buộc đủ loại tội trạng để áp đặt án tù, như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), Agnes Chow (Châu Đình), Ivan Lam (Lâm Lãng Ngạn), nhà tỷ phú truyền thông Jimmy Lai tức Lai Chee-Ying (Lê Trí Anh), hoặc phải bỏ trốn ra ngoại quốc như Nathan Law (La Quan Thông), Wayne Chan Ka-kui (Trần Gia Câu), Sunny Cheung (Trương Côn Dương) v.v…
Cùng năm 2020, viện cớ Covid-19 bùng phát và dân chúng cần hạn chế tụ tập để phòng chống đại dịch, chính quyền Hồng Kông ra lệnh cấm tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm. Ngay tức khắc, giới đấu tranh lên án chính quyền là đã cúi đầu trước áp lực từ Bắc Kinh để bịt miệng người dân ủng hộ phong trào dân chủ, và bất chấp lệnh cấm, hàng ngàn người vẫn quy tụ về Victoria Park đúng ngày 4 tháng 6 để tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn. Kết quả là 24 nhà hoạt động bị bắt và truy tố với tội danh “tụ tập đông người trái phép”. Trong phiên tòa hồi tháng 10 năm nay, Joshua Wong (25 tuổi) và tám người khác bị kết án từ 6 đến 10 tháng tù. Ba người kháng cáo, nhưng đến phiên tòa ngày 13 tháng 12 vừa qua cũng không thoát số phận tương tự: chủ báo Jimmy Lai (74 tuổi) dù đang bị giam vẫn lãnh thêm án tù 13 tháng, nhà hoạt động Chow Hang Tung (Châu Hạnh Đồng, 36 tuổi) lãnh án 12 tháng tù, và nữ phóng viên Gwyneth Ho (Hà Quế Lam, 31 tuổi) lãnh án 6 tháng tù.
Cũng phải nói thêm: Chưa đầy một tuần lễ trước khi ba trường Đại Học lợi dụng kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh để dỡ bỏ các tác phẩm điêu khắc tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, chính quyền Hồng Kông đã tổ chức cuộc bầu cử cơ quan lập pháp, rõ ràng với mục đích đưa các ứng viên thân Bắc Kinh vào vị trí quyền lực cao nhất tại thành phố này.
LegCo (viết tắt của Legislative Council, tức Hội Đồng Lập Pháp) có nhiệm vụ soạn thảo và sửa đổi những luật lệ áp dụng cho 7.4 triệu cư dân Hồng Kông. Tuy nhiên chỉ có 20 trong số 90 ghế Dân Biểu của LegCo là được bầu trực tiếp, còn 40 ghế được lựa chọn bởi Ủy Ban Bầu Cử thân Bắc Kinh, và 30 ghế được lựa chọn bởi các nhóm lợi ích đặc biệt (như giới kinh doanh và thương mại, cũng có truyền thống ủng hộ Bắc Kinh).
Các phòng phiếu mở cửa lúc 8:30 giờ sáng và đóng cửa lúc 22:30 giờ tối Chủ Nhật 19 tháng 12. Chính quyền từ mấy tuần trước đó đã không ngừng ra thông cáo và gửi tin nhắn trên mạng xã hội để kêu gọi 4.5 triệu cử tri đi bầu, kèm theo lời nhắc nhở là hệ thống giao thông công cộng chạy miễn phí suốt ngày Chủ Nhật. Thế nhưng cuối cùng chỉ có 30.2% cử tri đến phòng phiếu – một tỷ lệ thấp chưa từng thấy. Trả lời phỏng vấn của Pháp Tấn Xã (AFP), một nữ kế toán viên ngoài 20 tuổi nói thẳng: “Lá phiếu của tôi không có ý nghĩa gì cả, bởi vì cuối cùng thì cũng là chiến thắng của những người theo Bắc Kinh.”
Quả nhiên, một ngày sau đó, kết quả bầu cử được loan báo trên đài truyền hình HK01 cho thấy 82 trong số 90 ghế Dân Biểu của LegCo về tay các ứng viên thân Bắc Kinh, theo đúng tiêu chuẩn “yêu nước Trung Hoa” hoặc có thành tích thân chính quyền Hồng Kông.
Một số nhà hoạt động bị bắt giữ với cáo buộc là đã xúi giục người dân tẩy chay hoặc bỏ phiếu trắng để biểu lộ thái độ phản đối cuộc bầu cử. Tuy nhiên chắc chắn đây không phải là yếu tố chính đưa tới tỷ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục. Theo lời Nathan Law (La Quan Thông), một cựu Dân Biểu của LegCo nhưng nay bị chính quyền Hồng Kông truy nã và phải trốn qua sống ở Anh Quốc, thì lý do đơn giản là vì “người dân không muốn đi bỏ phiếu cho một cơ quan bù nhìn và giả vờ rằng mọi chuyện đều tốt đẹp”.
Sau cuộc bầu cử, Đặc Khu Trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đã đi Bắc Kinh gặp Chủ Tịch nhà nước Trung Cộng. Bản tin Tân Hoa Xã cho biết Tập Cận Bình gọi cuộc bầu cử (với tỷ lệ bỏ phiếu chỉ có 30.2%) là một sự “thành công”, vì “Đặc Khu Hành Chánh Hồng Kông đã đạt được tiến bộ vững chắc trong việc thúc đẩy phát triển dân chủ phù hợp với thực tế” và “quyền dân chủ của đồng bào Hồng Kông đã được thể hiện”.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, www.hongkongfp.com ngày 30/12/2021
Be the first to comment