https://www.youtube.com/watch?v=vKT7wFbbwz8
Tuần rồi, kẻ này nhận được một email của một cụ vẹt nặng gửi thẳng tới Vũ Linh một link của một cuộc nói chuyện về thuế trên SBTN, với lời thách thức “VL nghe để hiểu về thuế đi”. Cuộc nói chuyện này được đám vẹt tị nạn tung hô như đã “đập tan luận điệu mọi người sẽ bị tăng thuế”.
VL này tò mò, nên cũng vào nghe thử. Cuộc nói chuyện này có 2 phần, phần 1 nói nhiều về thuế, đáng nghe hơn dù sai bét; phần 2, có lẽ cạn ý nên nói lang bang chuyện ngoài đề, phần lớn là phần của một ông ‘bác sĩ’ sỉ vả chửi bới lung tung, kể cả nhái giọng bắc để miệt thị… dân Bắc Kỳ (!), không đáng coi.
Kết quả: lại mất thời giờ nghe nói nhảm. Bình thường, kể từ ngày SBTN phán người Việt tị nạn ở Mỹ không có quyền chống cộng, kẻ này KHÔNG coi SBTN nữa. Tivi nhà không bỏ tiền ra mua đài SBTN nên không coi được, mà kẻ này cũng không bao giờ vào YouTube coi những đoạn phim ngắn của SBTN được tải lên vì biết mỗi lần coi là SBTN lại có thêm tí tiền. Ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi muốn coi các cụ vẹt tị nạn nói nhảm chuyện gì. Không muốn mất thời giờ nghe lảm nhảm chuyện nhảm.
Cuộc nói chuyện trong chương trình “Đối Diện Sự Thật’ có ba người: một nhà báo của SBTN dẫn dắt cuộc nói chuyện, một ông tự nhận là bác sĩ, tên là Ngô Bá Định, và một anh tự giới thiệu là một chuyên gia về thuế, có nhiều bằng cấp về sổ sách khai thuế, tên là Peter Trương.
Xin miễn bàn về người dẫn dắt chương trình. Quan điểm chính trị của SBTN và người của SBTN dẫn dắt chương trình, kẻ này nghĩ sao đã nói qua rồi, miễn bàn thêm.
Về anh chuyên gia thuế PT, anh này tương đối trẻ, có lẽ thuộc loại tị nạn thế hệ hai, nói tiếng Việt không chạy nên chêm thêm nhiều tiếng Mỹ. Bỏ nhiều thời giờ để khoe bằng cấp Mỹ, nghe rất oai. Anh này đúng là chuyên gia, nói chuyện về kỹ thuật kế toán, kiểu như tỷ lệ “zero chấm mấy phần trăm” (“zero chấm mấy phần trăm” là ngôn ngữ Mỹ, tiếng Việt nói là “không phẩy mấy phần trăm”; tiếng Việt dùng dấu phẩy), nhưng hiển nhiên không có cái nhìn xa hơn hay hiểu biết sâu xa hơn về hệ quả của thuế, ngoài các con số và ngoài việc nhai lại những lập luận cấp tiến.
Anh bác sĩ NBĐ thì hiển nhiên mù tịt về thuế, đóng vai trò ‘cổ võ viên’ giống như ‘cheerleaders’ trong football Mỹ, chỉ biết ngồi gật gù, vỗ tay, cười dả lả phụ họa, phụ đề một chiều, và trề môi miệt thị “người Việt ta gian manh, gian lận đủ thứ” (anh ta chắc không phải người Việt?!),…, có lúc ‘dzô cơ’ nói quá nhiều, không ngừng về ‘cái tôi’ bị ông dắt chương trình cắt ngang. Chủ ý là công kích những người không mê Biden là bọn chuyên “xuyên tạc, bóp méo, bán nước hại dân, lừa bịp cộng đồng”, và hô hào cần phải “đả cẩu” đám này. “Đả cẩu”??? Ông bác sĩ coi những người khác ý là “cẩu” hết? Sao oai quá vậy? Kèm theo giọng điệu, cử chỉ, cái cười hết sức ngạo mạn khinh người. Với một ‘cheerleader’ phản cảm như vậy, chẳng mấy ai muốn coi trận football nữa.
Trước hết, phải nói ngay, vấn đề thuế nói riêng và kinh tế nói chung là những vấn đề cực kỳ phức tạp khó hiểu, nhưng lại rất thời thượng, thường được rất nhiều người thích bàn tới.
Kinh tế là cái ngành đụng thẳng đến túi tiền và cuộc sống của thiên hạ, ai cũng muốn biết vì lo cho túi tiền của mình. Vả lại, nói chuyện kinh tế có vẻ rất dễ, ai nói giời nói đất gì cũng được. Chính mấy ông chuyên gia kinh tế nói chuyện với nhau lúc nào cũng cãi nhau hơn mổ bò. Và cuối cùng, kinh tế có vẻ như là một đề tài mà đã là trí thức thì bắt buộc phải nói tới, dù chẳng biết gì. Nhà báo dù là chuyên viết về du lịch ngắm phong cảnh, hay ngay cả bác sĩ, dù là bác sĩ chữa cảm cúm, sổ mũi, … muốn chứng minh tài giỏi thông thái của mình thì phải bàn về kinh tế, chứ bàn về phong cảnh hay chuyện cảm cúm thì quá tầm thường. Thử tưởng tượng kẻ này, chưa một ngày học về cách bôi thuốc đỏ lên vết muỗi cắn, viết bài phê bình kỹ thuật mổ óc, xem thiên hạ sẽ nghĩ sao? Phục sát đất hay chề môi cười khẩy?
Ở đây phải nói ngay, cá nhân tôi quen biết thân thiết rất nhiều bác sĩ, trong gia đình có 3 bác sĩ, bạn học cũng không thiếu, và cả trưởng thượng cũng có biết, thực sự đáng kính trọng về hiểu biết cũng như tư cách hơn tôi xa, vẫn thường bàn về chuyện kinh tế, không có gì đáng chê trách, nhất là khi họ bù đầu lo chữa bệnh thay vì lên TV bốc phét chuyện mình mù tịt.
Trở lại câu chuyện “Đối Diện Sự Thật”, nội cái tên của chương trình, nghe đã cảm thấy mệt. Trong cõi đời ô trọc này mà lại có người tự cho mình là tiếng nói của sự thật được sao?
Như kẻ này đã viết quá nhiều lần, chuyện gì trong cõi đời này, nhất là chuyện chính trị, cũng có ít nhất hai mặt hay hai cách nhìn khác nhau, giống như đồng tiền, mặt nào là sự thật, mặt nào là dối trá? Mặt nào là người, mặt nào là ‘cẩu’? Hiến Pháp của xứ thành đồng tự do tư tưởng này bảo đảm tất cả mọi người đều có quyền có tiếng nói, nhưng không có nghĩa là chấp nhận bất cứ ai cũng có thể vỗ ngực tự nhận mình mới là tiếng nói của sự thật, của hiểu biết, còn người khác là ‘cẩu’ hết.
Bây giờ, ta bàn về nội dung cuộc nói chuyện trên SBTN. Chỉ bàn vài điểm chính thôi.
Điểm đầu tiên phải nhấn mạnh: luật thuế mới chưa được phê chuẩn thành luật nên chưa ai biết thuế xuất mới là bao nhiêu, ai tăng ai không. Bàn bây giờ có vẻ hơi quá sớm, không chính xác. Nhưng hiển nhiên SBTN chẳng mấy thắc mắc về chuyện chính xác kỹ thuật vì chủ đích là muốn bào chữa việc cụ Biden tăng thuế thôi, nhấn mạnh cụ Biden chỉ muốn tăng thuế triệu phú thôi, còn dân tị nạn nghèo thì phẻ ru, khỏi lo gì cho mệt. Con số chính xác là chiệng nhỏ.
A. Dân nghèo không bị tăng thuế, chỉ được tăng trợ cấp phúc lợi
Theo anh chuyên gia thuế PT, kế hoạch kinh tế của cụ Biden không phải là tăng thuế người nghèo mà trái lại là giúp người nghèo, bằng cách cho họ trợ cấp đủ loại. Thí dụ điển hình anh ta nêu ra là việc cụ Biden muốn trả tiền giữ trẻ để vợ chồng có thể đi làm, kiếm thêm ít tiền.
Ở đây, anh chuyên gia nói không sai lắm, đúng là cụ Biden chỉ muốn tăng trợ cấp cho nhà nghèo thôi. Nhưng chỉ đúng trên nguyên tắc, không đúng trên thực tế vì chính sách của cụ Biden có hậu quả mà anh chuyên gia làm sổ sách không nhìn thấy hay không muốn nhìn thấy.
Từ thời con người biết tổ chức sống chung với nhau, người ta đã hiểu muốn sống chung với nhau, phải hợp tác với nhau, chung sức làm những chuyện công ích chung. Nhưng cũng từ đó mà nẩy sinh ra tranh cãi con người sống chung với nhau, phải đóng góp tới đâu? Đâu là giới hạn của quyền lợi riêng của mỗi người, so với quyền lợi chung của cả xã hội. Và đó chính là chính là điểm then chốt chia cách quan điểm tự do tư bản và xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm tự do tư bản coi trọng trách nhiệm và sáng tạo cá nhân nên muốn quyền hạn của cá nhân càng nhiều càng xa càng tốt. Ngược lại, quan điểm xã nghĩa cho rằng nhân loại nói chung rất ích kỷ, chỉ có các công chức của Nhà Nước mới có thể điều hòa quyền lợi của tất cả và lo đồng đều, công bằng cho tất cả.
Cái mâu thuẫn kẻ này không hiểu nổi trong quan điểm xã nghiã là tại sao cùng một con người, để cho anh ta tự do thì lại rất ích kỷ, tranh ăn để sống, nhưng đội mũ công chức Nhà Nước lên đầu thì lại biến ngay thành một người vị tha nhất, chỉ biết lo cho tất cả mọi người mà quên thân mình? Tại sao những người giàu tất tần tật đều là những người xấu, tàn ác, sẵn sàng bóc lột người khác, trong khi những anh bần cố nông luôn luôn là những người tốt, giàu lòng nhân đạo, do đó chế độ chỉ tốt khi các anh bần cố nông cai quản? Kẻ này nghĩ vẩn vơ, thiên hạ tốt hay xấu chẳng liên quan bao nhiêu tới giàu hay nghèo, giàu thì tốt cũng có mà xấu cũng không thiếu, nghèo cũng không khác, tốt đầy dẫy mà xấu cũng tràn lan. Tốt xấu chẳng liên quan gì đến giai cấp xã hội.
Nhưng quan điểm xã nghĩa thì cứ khư khư đám nhà nghèo ngồi chung, truy diệt đám nhà giàu, giết chúng hết hay hốt hết tiền của chúng thì mọi chuyện mới là lý tưởng. Khi xưa Lê-Nin, Mao, Hồ,… đòi giết hết đám nhà giàu, tư sản mại bản, trí phú địa hào. Bây giờ, xã nghĩa văn minh hơn, không đòi giết ai, chỉ đòi lấy hết của cải thôi.
Cụ Biden và cả đảng DC cũng sống trong cái quan điểm quái dị đó, mặc dù cụ Biden và tất cả các vị lãnh đạo chóp bu của đảng DC, tất cả đều là triệu phú hết, chẳng một anh chị nào là bần cố nông hết. Thế nghĩa là gì?
Nghĩa là cả đám lãnh đạo DC chỉ là giả dối, triệu phú hết nhưng lại thích đội cái mũ chống nhà giàu lo cho dân nghèo để lừa dân nghèo không hơn không kém.
Họ lo cho dân nghèo bằng cách tặng quà mệt nghỉ, mà cái hay là tiền mua quà do họ móc từ túi dân chứ túi của họ thì may kín mít lại, không ai lấy ra được một xu. Không khác gì họ chống việc xây tường bảo vệ nước Mỹ trong khi lo xây tường bảo vệ nhà riêng của mình. Hay hô hào giải tán cảnh sát bảo vệ dân nhưng lại thuê thêm cảnh sát tư bảo vệ mình. Cái giả dối của đám DC thật lộ liễu nhưng họ bất cần vì họ biết vì tính phe đảng, nhiều người vẫn mù quáng nghe theo họ và nhắm mắt để không thấy có gì giả dối hết.
Nay 1.900 tỷ, mai 1.200 tỷ, mốt 1.750 tỷ, quà rớt không kịp nhặt. Anh chuyên gia thuế PT nói không sai lắm: dân nghèo chỉ lãnh trợ cấp mệt không nghỉ thôi, chứ chẳng phải sợ tăng thuế gì hết. Nhưng cái mà anh chuyên gia không nhìn thấy và không giải thích là không tăng thuế thì lấy tiền đâu để tặng trợ cấp tứ tung? Xin trả lời: lấy tiền qua loại thuế không có trong sổ sách thuế của anh ta.
Trên căn bản, anh ta chỉ nhìn thấy có hai loại thuế, nộp cho liên bang hay tiểu bang cũng vậy:
– Thuế trực thu là thuế người dân đóng thẳng cho Nhà Nước, là loại thuế trên lợi tức, thuế tiền già, thuế Medicare,… Dễ hiểu, ai cũng thấy, không cần bằng CPA.
– Thuế gián thu, tức là thuế do một trung gian thu giùm cho Nhà Nước. Tiêu biểu và rõ ràng nhất là thuế doanh thu sales tax, mỗi khi chúng ta đi mua hàng đều phải trả thêm cho tiệm bán, để tiệm này chuyển lại cho Nhà Nước. Cũng dễ hiểu và rõ ràng, và chẳng cần CPA luôn.
Nhưng có một loại thuế thứ ba, mà người ta gọi là thuế vô hình, là loại thuế không có sổ sách kế toán nào ghi nhận nên anh chuyên gia về thuế dù có bằng CPA vẫn không nhìn thấy và không bàn tới.
Cái thuế vô hình đầu tiên, như Diễn Đàn Trái Chiều đã bàn quá nhiều lần, đó là khả năng của những người bị đóng thuế chuyển cái thuế đó lên đầu người khác.
Anh chuyên gia nói chỉ những người có lợi tức trên một triệu đô mới bị tăng thuế, còn những người có lợi tức thấp hơn chẳng sao cả, là nói theo sự thật trên giấy tờ, nhưng sai trên thực tế. Anh này cho dù cả đời làm nghề khai thuế, vẫn chưa hiểu được trong đời sống kinh tế, không có khung, có hộp, có ngăn, trong đó chuyện gì xẩy ra trong cái hộp ‘nhà giàu’ chẳng ảnh hưởng gì đến cái hộp ‘nhà nghèo’. Anh ta không hiểu được thuế cũng chẳng khác gì vi khuẩn COVID, tăng thuế trên một tầng lớp quần chúng sẽ lây lan, đưa đến việc tất cả mọi người khác sẽ bị ảnh hưởng giây chuyền, phải trả thuế cao hơn, trực tiếp hay gián tiếp hay vô hình, qua cái kỹ thuật thông dụng là chuyển thuế lên đầu người khác.
Diễn đàn này đã bàn qua quá nhiều lần. Quý vị hẳn còn nhớ thí dụ anh chủ tiệm phở khu Bolsa bị tăng thuế, sẽ ‘thua me gỡ bài cào’, tìm cách gỡ tiền lại bằng cách tăng giá tô phở hay bớt vài lát thịt trong tô phở. Lát thịt bò bị cắt bớt chính là cái thuế vô hình mà người ăn phở phải trả thay cho chủ tiệm phở bị tăng thuế.
Thành ra nói chỉ có nhà giàu mới bị tăng thuế, còn trung lưu hay nghèo thì chẳng sao là nói láo, hay nói mà không biết mình nói gì.
https://diendantraichieu.blogspot.com/2020/10/bai-146-lai-noi-ve-thue.html#more
Cái thuế vô hình thứ hai chính là lạm phát.
Từ ngày cụ Biden vào Tòa Bạch Ốc, giá cả tất cả mọi thứ đều tăng vọt, từ giá xăng đến giá vật liệu xây cất khiến giá thuê và mua nhà gia tăng, kẹt hệ thống cung cấp hàng hóa nên hàng hóa trở nên hiếm hoi, giá cả gia tăng. Trong tình trạng đó, mà cụ Biden đã tung ra một gói quà 1.900 tỷ hồi tháng 3, rồi gói 1.200 tỷ mới đây, và gói 1.750 tỷ còn đang rao bán, chỉ là đổ dầu vào lửa cho giá cả tăng thêm thôi.
Thua quý vị, quý vị đừng tin lời của Vũ Linh này mà hãy nghe ông Steven Rattner nói chuyện. Ông này là siêu chuyên gia kinh tế, cố vấn kinh tế của TT Obama chứ không phải bình loạn gia vớ vẩn của Diễn Đàn Trái Chiều đâu. Ông ta khẳng định nguyên do đầu giây mối nhợ –original sin- của nạn gia tăng giá cả hiện nay chính là gói quà thứ hai, không cần thiết, 1.900 tỷ của cụ Biden tặng cho dân tháng Ba vừa qua. Và chính ông Larry Summers, cựu bộ trưởng Ngân Khố của TT Clinton, và cựu cố vấn trưởng về kinh tế của TT Obama cũng xác nhận như vậy.
https://www.foxnews.com/politics/obama-advisers-biden-warning-rising-inflation
Việc tung tiền qua cửa sổ đã đưa đến hậu quả là tất cả giá cả, đặc biệt là giá nhu yếu phẩm như xăng, tiền nhà, tiền thực phẩm đều tăng. Cái tăng đó, các chuyên gia kinh tế gọi là thuế vô hình mà người dân phải đóng, mà ông chuyên gia thuế PT không nhìn thấy.
Mà đáng nói là cái thuế vô hình này lại là thứ thuế độc hại nhất vì nó đánh dân trung lưu và dân nghèo mạnh hơn xa đánh các triệu phú. Như DĐTC đã từng bàn, giá thịt gà, trứng gà, gạo, và xăng…, tăng đồng loạt cho tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo, như vậy khi những giá đó gia tăng, Bill Gates bị thiệt hại nặng hơn, hay chị bán vải đường Bolsa toát mồ hôi nhiều hơn? Khi đổ xăng, nhìn giá xăng nhẩy nhanh như chớp, Bill Gates hay chị bán vải, tim ai nhẩy thình thịch?
https://www.businessobserverfl.com/article/beware-of-the-hidden-insidious-tax-inflation
Quý vị cứ tính thử xem người dân có lợi hay chịu thiệt thòi qua các gói quà trợ cấp khổng lồ của cụ Biden. Họ nhận được bao nhiêu trợ cấp? Có đủ để bù đắp gia tăng của vật giá không? Tiền già tăng 6% so sánh như thế nào với giá xăng tăng 60%? Vâng, giá xăng tăng là có tiền thêm cho các đại tập đoàn dầu xăng, nhưng các tập đoàn này sẽ phải nộp lại tới 28% tiền lời cho cụ Biden trong khi các ông chủ phải dâng lại 39,6% lợi tức cho cụ Biden. Tức là cái gia tăng tiền xăng được các đại tập đoàn dầu xăng chia ăn với Nhà Nước. để Nhà Nước cho tay phải, lấy lại tay trái, hay chính xác hơn, vồ lại bằng cả hai tay luôn.
Điểm nữa mà anh chuyên gia thuế có vẻ rất mê, ca tụng mệt nghỉ, là việc cụ Biden tính trả tiền giữ trẻ để bố mẹ rảnh tay đi làm. Mặt trái của việc này chính là việc phá nền tảng gia đình. Bố mẹ đi làm gửi con trong nhà giữ trẻ dĩ nhiên là tốt trên phương diện tài chánh, nhưng có hại lớn cho tình gia đình khi bố mẹ chú tâm chạy theo đồng tiền, bỏ con cái cho nhà giữ trẻ trông. Trẻ con trong tuổi đi nhà giữ trẻ cần bố mẹ bên cạnh hơn bất cứ tuổi nào khác, nhưng phe cấp tiến và cụ Biden lại muốn chính lúc đó là lúc nên bắt đầu lôi chúng ra khỏi sự thống trị của bố mẹ dưới chiêu bài giúp bố mẹ rảnh tay đi làm có tiền. Diễn đàn này đã từng nhận định chủ trương của phe cấp tiến là lôi con cái ra khỏi vòng tay gia đình của bố mẹ để chuyển cho thầy cô lo, theo đúng chủ trương cấy người, tẩy não đám trẻ của Nhà Nước xã nghĩa. Khiá cạnh này, anh chuyên gia thuế có nghĩ đến không?
B. Chỉ là mang thuế về mức cũ sớm hơn thôi
Vẫn theo anh chuyên gia, kế hoạch của cụ Biden là chỉ những người có lợi tức trên một triệu đô một năm mới bị tăng thuế từ mức hiện hữu là 37% lên tới mức 39,6% cụ Biden đề nghị.
Anh chuyên gia này có cách giải thích nghe rất vui tai. Anh ta nói luật giảm thuế xuống 37% của Trump chỉ là chuyện tạm thời, và tới năm 2025, mức thuế tối đa sẽ tự động tăng lại về mức 39,6%, nghĩa là “cụ Biden không hề tăng thuế lên 39,6% mà chỉ là mang mức thuế 37% trở về 39,6% sớm hơn vài năm thôi”.
Chuyện tự động tăng lại hay không thì không ai biết, chỉ biết luật giảm thuế của TT Trump có hiệu lực tới 2025 đúng như anh chuyên gia nói, nhưng chuyện gì xẩy ra sau đó thì chẳng ai biết, có thể luật giảm thuế được gia hạn, hay thuế được giảm hơn nữa, hay tăng lên lại, Trạng Trình sống lại cũng chẳng biết được. Chỉ biết được nếu Trump làm tổng thống năm 2025 thôi.
Vặn vẹo cụ Biden KHÔNG tăng thuế mà chỉ trở lại mức thuế cao cũ “sớm hơn” là cách ngụy biện rẻ tiền, khôi hài, và ấu trĩ không bịp được thằng cháu nội 8 tuổi của tôi. Tại sao cụ Biden không tăng thuế “muộn hơn” vài năm cho thiên hạ nhờ!
C. Tính thuế cho “fair”
Anh chuyên gia cho rằng việc tăng thuế nhà giàu chỉ là công bằng, “fair’! Đúng sách vở biện bạch của phe cấp tiến. Anh ta biện luận “một triệu phú có bạc triệu đầu tư, không làm gì hết, ngồi hưởng tiền lãi, đóng 20% thuế, trong khi một người lao động làm việc đổ mồ hôi hột cũng đóng 20% thuế, thật là không công bằng”.
Anh chuyên gia thuế nói đám nhà giàu chẳng làm gì, chẳng nhấc một ngón tay cái lên để làm bất cứ chuyện gì, ngồi ăn tiền lãi đầu tư, là nhìn mà không thấy. Câu hỏi là anh triệu phú ngồi lãnh số tiền lãi đó, nguyên thủy làm sao có số tiền đó để mà ngồi lãnh tiền lãi? Không kể một nhúm triệu phú may mắn trúng số, hay những tên ăn cướp ăn cắp, hầu hết các triệu phú Mỹ đều là những người chẳng những có tài hơn người, mà còn làm việc cật lực mới thành nhà giàu. Bill Gates sinh ra trong một gia đình trung lưu rất bình thường, khi còn là học sinh, ban ngày đi học, ban đêm thức trắng đêm vùi đầu vào computer viết chương trình. Khi tung ra Microsoft, có ngay bạc triệu, nhưng vẫn làm việc trung bình 18-20 tiếng đồng hồ một ngày. Chẳng có chuyện ngồi rung đùi đếm tiền mà chẳng làm gì hết. Bây giờ chỉ vì anh ta có tiền, là thiên hạ có quyền đè sấn anh ta lấy tiền mồ hôi nước mắt của anh ta, vậy gọi là “fair” sao?
Chưa kể cái công của anh ta thành lập Microsoft, từ đó đến nay đã giúp bao nhiêu người có công ăn việc làm? Hiện nay Microsoft có hơn 182.000 nhân viên, tức là đang cung cấp tiền nuôi sống hơn 182.000 gia đình. Nếu kể luôn những người từ ngày Microsoft ra đời, đã đi làm mà đã nghỉ, con số có lẽ lên đến cả triệu người. Cái công tạo công ăn việc làm đó có đáng kể không? Hay ta cứ tiếp tục tố khổ Bill Gates tàn bạo, ngồi mát ăn bát vàng, tìm mọi cách hợp pháp để giựt hết tiền của anh ta?
Ta coi lại vài thống kê về thuế.
– Số 1% người giàu nhất đóng tới 40% tổng số thuế Nhà Nước thu vào;
– Số 10% người giàu nhất đóng tới 70% tổng số thuế Nhà Nước thu vào;
– Gần một nửa dân Mỹ, 47% chẳng đóng một xu thuế nào.
Thế thì định nghĩa thế nào là ‘fair’? Bắt số 10% giầu nhất đóng hết 100% thuế để 90% số dân còn lại đóng zero thuế chăng?
Mà khi anh chuyên gia nói cả hai người, anh lao động đổ mồ hôi và anh triệu phú ngồi phẩy quạt lãnh tiền lãi đầu tư, đều đóng thuế ngang nhau ở mức 20% là … nói láo, đánh lận con đen. Hay chính xác hơn là so sánh trái cam với trái táo, Mỹ gọi là comparing orange to apple.
Thuế anh lao động đóng là thuế lợi tức đánh trên lương của anh ta, tiếng Mỹ gọi là active income, lợi tức tích cực. Thuế anh nhà giàu đóng mà PT nói tới là thuế trên lãi đầu tư, Mỹ gọi là passive income, lợi tức thụ động. Cả hai thứ lợi tức đều có rất nhiều loại với mức thuế khác nhau từ 10% tới 37%, không phải tất cả đều là 20% như anh chuyên gia nói. Nói anh lao động và anh triệu phú đều đóng 20% là nặn ra hai trường hợp có vẻ như tương tự để ngụy biện.
Lợi tức thụ động, tiêu biểu là tiền lãi từ tiết kiệm hay đầu tư, một lần nữa, không phải là tiền trên trời rớt xuống. Đó có thể là tiền đã dành dụm cả đời đi làm, bây giờ về hưu đầu tư đâu đó để có thêm tiền sống chứ tiền già SSA không đủ sống. Là tiền còn lại sau khi cả đời đã đóng thuế rồi, bây giờ lại bị đánh thuế lần thứ hai. Dựa trên ví dụ của anh chuyên gia, khi đi làm, tôi đóng 20% thuế, nếu không dành dụm gì hết, về già ăn tiền già, hết chuyện, không phải đóng thuế gì thêm. Nếu để dành được ít tiền, mang đi đầu tư, lại phải đóng thêm 20% thuế nữa trên tiền lãi từ tiền dành dụm. Tức là bị đánh thuế lợi tức hai lần. Lần đầu khi lãnh lương đóng 20% thuế, lần thứ nhì, nếu chắt chiu để dành sanh lãi, lại bị đóng thuế 20% nữa. Anh chuyên gia so sánh cái 20% đầu của anh lao động với 20% sau của anh triệu phú mà không đủ lương thiện nói cho rõ anh triệu phú trước đó cũng đã đóng 20% thuế rồi (trong giả thuyết chỉ có một mức thuế 20% thôi).
Trường hợp ông triệu phú cũng không khác mấy. Ví dụ như Bill Gates, khi còn đi làm vẫn lãnh lương và vì rất nhiều tiền nên đóng thuế tới 37%, chứ không phải 20%. Khi về hưu, không đi làm nữa, sống bằng tiền lãi do tiết kiệm hay cổ tức -dividends- từ cổ phần Microsoft, là công ty xây dựng từ mồ hôi cả đời anh ta, đóng thêm 20% như trong ví dụ của anh chuyên gia. Tức là cũng đã đóng thuế hai lần trên công việc cầy cuốc của anh ta. Chứ không phải ngồi rung đùi, tự nhiên có tiền trên trời rơi xuống rồi đóng thuế có 20% như anh chuyên gia nói láo.
Chưa kể 20% là tỷ lệ, chứ con số tiền khác nhau rất xa.
Anh lao động lãnh lương 60.000 đô, đóng thuế 20% hay 12.000 đô; trong khi anh triệu phú lãnh 1.000.000 đô, đóng thuế 20% hay 200.000 đô. 12.000 đô khác rất xa 200.000 đô, chứ không ngang nhau như anh chuyên gia ám chỉ rồi cho là không ‘fair’.
Thưa quý vị, cá nhân tôi, khi được hưởng đủ thứ tiện nghi xã hội, như đường xá, cầu cống, điện nước, được cảnh sát và quân đội bảo vệ, được hưởng bảo hiểm y tế, mua thuốc rẻ tiền, được trợ cấp đủ loại, mà lại chẳng đóng góp gì, chẳng đóng một xu thuế nào, chỉ muốn đè cổ ông Bill Gates bắt ông trả thuế thêm để tôi được hưởng nhiều hơn nữa, xin lỗi quý vị, tôi không cảm thấy vui sướng hay hãnh diện gì hết, trái lại, rất áy náy, có cảm tưởng như mình là một thứ … ký sinh trùng đang cố đấm ăn xôi không hơn không kém. Tôi nghĩ tuyệt đại đa số thiên hạ đều có dư thừa tự trọng để không ai muốn làm ký sinh trùng hết.
Ở đây, cũng phải nói thêm, cuộc thảo luận một chiều về thuế của SBTN đã có một thiếu sót quan trọng nhất: không bàn đến việc tăng thuế trên lợi nhuận công ty, vì cuộc nói chuyện có thể là có mục đích mỵ dân, nói chuyện cho dân tị nạn nghèo thôi, mà cũng có thể vì những ca sĩ trong cuộc đối thoại đó không hiểu gì nhiều về thuế công ty để bàn.
Tranh cãi lớn nhất giữa hai phe DC và CH không phải là chuyện mức thuế cá nhân tối đa 39,6% đánh trên một nhúm triệu phú, mà là việc tăng thuế lợi nhuận công ty từ 21% lên tới 28%, tăng tới 1/3, như cụ Biden đề nghị trong gói quà thứ nhì. Vì chính cái tăng thuế này mới là việc quan trọng thật sự, có hệ quả lớn nhất trong kinh tế.
Cái tăng thuế này nếu không bắt họ đóng cửa kinh doanh, dọn ra ngoài nước, khiến dân Mỹ mất công ăn việc làm, thì cũng sẽ bắt các đại công ty phải chuyển thuế lên đầu người tiêu thụ bằng cách tăng giá sản phẩm của họ, khiến lạm phát trầm trọng hơn. Nhưng quan trọng hơn, tăng thuế công ty kiểu này sẽ giết tiểu thương và trung thương vì họ không dọn ra ngoài nước được cũng khó chuyển thuế lên người tiêu thụ hơn các đại công ty. Chẳng hạn ông chủ tiệm phở khu Bolsa không thể đóng tiệm, đi mở tiệm phở tại Mexico, mà cũng khó có thể tăng giá tô phở lên thêm 1/3. Đây chính là điểm vì sao toàn thể phe CH trong thượng viện, và hai nghị sĩ Joe Manchin và Kyrsten Sinema của đảng DC chống đối gói quà thứ nhì.
Tóm lại, cuộc nói chuyện trên SBTN có mục đích bào chữa việc tăng thuế nhà giàu của cụ Biden là hợp tình hợp lý, “fair”, và dân tị nạn nghèo chẳng có gì phải sợ vì chẳng bị tăng một xu thuế nào, mà lại còn được thêm đủ loại trợ cấp.
Nếu tôi chỉ biết nghe theo hai ông bác sĩ và chuyên gia tung hứng qua lại thì tôi có cảm tưởng như mình đúng là đang sống trong thiên đàng của xã nghĩa, nơi nhà giàu phải đóng thêm thuế đến khi chỉ còn cái khố để nhà nghèo như tôi được mặc áo lông cừu. Thiên bất dung gian tụi nhà giàu, mà cũng không phụ lòng người nghèo. Wá đả! So sorry các cụ ơi, thực tế cuộc sống không bao giờ giống như giấc mộng Hồng Lâu hay Hắc Lâu.
Ông ‘bác sĩ’ NBĐ ra rả sỉ vả những người chống cụ Biden là “xuyên tạc, bóp méo, lừa cộng đồng,…” nhưng chính ông ta và đám Đối Diện Sự Thật, đã làm đúng những chuyện xuyên tạc, bóp méo, lừa cộng đồng,… này trong suốt hai cuộc nói chuyện về thuế. SBTN cuối cùng chỉ là cái loa của cụ Biden và đảng DC chứ chẳng liên quan gì đến… sự thật.
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 27/11/2021
Be the first to comment