Hail Mary!!!
Cả chục cái miệng hô lên cùng lúc trái banh nhọn đầu nhọn đuôi xoáy vun vút như một quả đạn pháo bay từ đầu đến cuối sân, và được chụp gọn trong vòng tay lực lưỡng của một cầu thủ nhẩy vượt lên trên các đối thủ đang nhào tới. Cả vận động trường oà vỡ trên màn truyền hình cùng với sự rung chuyển cả cái phòng khách nhà người bạn tôi. Hôm ấy là trận của đội nhà Patriots và đội khách cũng nổi tiếng nào đó trong buổi chiều sau bữa tiệc ngày Lễ Tạ Ơn.
Lạ chưa, cả nhà người bạn và hầu hết người góp mặt đều không có đạo Chúa mà tất cả kêu “Hail Mary” y như giáo dân Mỹ lần chuỗi kính Đức Mẹ trong nhà thờ một cách nhịp nhàng hoà điệu. Đã đành, người ta bật dậy và la “touchdown” khi trái banh chạm được vùng đất địch như tên gọi nhưng bây giờ người ta nhảy dựng lên la “Hail Mary” cách sung sướng ngất ngư thì không lẽ lại là “Kính Mừng Maria” hay sao?
Không khí của mùa football (Mỹ) vùng chúng tôi náo nhiệt lắm. Mỗi chiều Chủ Nhật, nhà nhà tụ họp coi trận đấu từ 3 giờ đến tối mịt. Không phải chỉ có phe đàn ông mới mê đâu, nhiều bà nhiều cô vừa dọn món ăn vừa theo dõi vừa la hét tưng bừng. Một bà ngồi coi chung với con cháu thỉnh thoảng đứng dậy xuống bếp lấy món này, dọn món kia. Chẳng may vài lần bà đi khỏi phòng khách thì đội nhà mất banh. Một ông con nhận ra la lên:
– Hễ mẹ đi là đội mình thua, xui lắm! Thôi, từ giờ mẹ phải ngồi yên!
Mấy đứa cháu ôm chặt lấy bà, bắt bà ngồi xuống. Thế là bà bị giam tới hết trận đấu!
Các linh mục làm lễ chiều Chủ Nhật cũng gặp khó khăn. Để hạ hỏa, các ngài thường phải nói đôi lời về trận đấu, cắt bớt bài giảng, vắn tắt các thông báo, đôi khi còn cầu nguyện cho đội nhà thắng trận – một cách rất bất công. Con mê mà Cha cũng mê!
Khi thấy mình không có được sự cuồng nhiệt như các bạn, như thấy người ta xít xoa về một món ăn mà mình dửng dưng, tôi nghĩ mình chưa khám phá ra vị ngon của nó nên phải tìm hiểu. Ông bạn bảo, chiến thuật của trận football tuyệt vời lắm, mỗi trận mỗi khác. Không phải chỉ có húc thôi đâu, dù húc để tiến từng tấc (feet) đất. Xen giữa những chiếc tăng hạng nặng ủi bãi tấn công là bộ binh tùng thiết ngăn chặn hàng tiền phương của địch xâm nhập. Trong khi đó trinh sát và biệt kích của mình lẻn sâu vào đất địch dọn bãi cho pháo phe mình rót xuống. Làm sao chuyển pháo mình đụng bộ chỉ huy địch là mình thắng! Thấy chưa?
Chưa thấy tỏ tường lắm nhưng rõ là ông bạn bắt đầu mở mắt tôi, làm máu tôi hăng lên sẵn sàng nhập ngũ tòng quân… la hét!
Thế còn vụ “Hail Mary” thì sao? Tôi có ông bạn làm việc ở Boston College University (BC) là đại học tư thuộc Dòng Tên (Jesuit). Đại học này có điều kiện bó buộc hai năm đầu, các sinh viên phải lấy môn Thánh Kinh, bất kể họ thuộc tôn giáo nào. Vậy mà năm nào đơn xin nhập học cũng nhiều gấp vài chục lần con số được nhận vào năm đầu.
Những tòa nhà cổ kính nhấp nhô bên những ngọn đồi xanh mướt cho người ta cái cảm tưởng mình lạc vào khung cảnh thế giới của một tu viện thời xa xưa. Mỗi phòng học, mỗi giảng đường đều treo một thánh giá. Từ bao đời nay, viện trưởng bao giờ cũng là một linh mục dòng Jesuit.
Đội football BC là đội được tuyển nhiều nhất vào đội quốc gia NE Patriots. Đội Patriots là niềm hãnh diện của cư dân Boston nói riêng – kể cả người Việt – và vùng Đông Bắc nước Mỹ nói chung. Trước khi đội mang tên vùng New England, nó là đội của Boston. Boston là thành phố thủ đô của Bang Massachusetts – một bang bé tí xíu rất ít người biết tên dù người ta biết các đại học danh tiếng thế giới của nó là Harvard và MIT.
Đội Patriots chiếm khá nhiều giải quán quân toàn quốc. Trước đại dịch Cúm Tầu, Patriots đã đoạt chức vô địch Super Bowl vào các năm 2019, 2917 và 2015. So với các đội lớn của California, Texas, New York… thì NE Patriots quả là chú bé hạt tiêu.
Ông bạn BC bảo, trong trận banh năm ấy ở BC, ông cha viện trưởng ngồi coi mà tay cầm tràng hạt lần chuỗi cầu cho đội nhà. Vào những phút cuối mà đội nhà đang bị dẫn trước ba điểm, phần thua khó thoát. Bỗng anh quarterback ném một cú quyết định từ đầu sân đến cuối sân vào trong tầm tay tiền đạo của đội mình, rồi ủi tới làm cú touchdown lấy sáu điểm vào phút chót.
Ông Cha Viện Trưởng đứng vụt dậy giơ cao chuỗi hạt la lên “Hail Mary!” Tiếng la để tạ ơn mà cũng có thể là để tán thán một cú ném banh phép lạ – Mẹ Maria đã chắp cánh cho trái banh vút bay trúng đích. Tiếng la tạo nên lịch sử, và tên khai sinh cho cú ném thần sầu!
Không biết câu chuyện của ông bạn BC có chính xác hơn những giai thoại khác không. Có điều nó dễ thuyết phục, và nó khiến người ta nghĩ đến một cái gì khác vượt khả năng trong các cuộc tranh tài. Người ta thường gọi là sự may mắn.
Chiến thắng rồi thì hay lắm, nói gì cũng được. Hàng rừng ống kính và microphone vây vòng trong vòng ngoài. Mỗi lời thốt ra từ người chiến thắng là những hạt ngọc, là kim cương châu báu. Trong đó thế nào cũng có vài lời giảng luân lý. Lỡ mà có quên thì sẽ được các phóng viên nhắc qua câu phỏng vấn, và câu trả lời sẽ là… chiến thắng đến từ sự kiên trì tập luyện, là ý chí không bỏ cuộc bằng mọi giá; rằng muốn là được, ý muốn là sức mạnh…
Trong cơn say chiến thắng người ta quên hết những sai trật, chỉ thấy những cú ném, bắt, ủi, luồn lách, nhào lộn… tuyệt vời, chính xác; chỉ còn ấn tượng về những đường banh vun vút như đạn bắn và được chụp bắt dính như nam châm. Người ta rất ít thắc mắc về cảm nghĩ của người thua trận. Chẳng lẽ những người thua đã không cố gắng, đã không kiên trì hay đã không muốn thắng? Hãy nghĩ đến những trái banh sút trúng khung thành thay vì lọt lưới, đôi khi đến hai lần liền. Những cuộc chạy thắng, thua chỉ cách nhau vài phần trăm giây; cuộc bơi chạm mức chỉ hơn nhau một bàn tay… Không lẽ người thua không kiên-trì tập luyện, không có ý chí thắng bằng mọi giá?
Dan Jansen là một lực sĩ trượt băng tốc độ cấp thế giới, nhưng còn là một hiện tượng của bi kịch và vinh quang, thành công và thất bại. Nắm trong tay huy chương kỷ lục Thế Giới, Dan đến với Thế Vận Hội Olympic Calgary năm 1988 với nhiều kỳ vọng và yêu mến. Buổi sáng trên đường đến cuộc đua 500m, Dan nhận tin em gái qua đời vì ung thư bạch cầu. Dan đã trượt ngã trên đường băng 500m. Bốn ngày sau, đang với tốc độ phá kỉ lục ở 800m trong cuộc đua 1,000m, anh lại một lần nữa trượt ngã để vụt mất huy chương vàng trong tầm tay.
Bước vào Olympic Albertville 1992 với tư cách là người đạt huy chương vàng và kỉ lục thế-giới, Jansen lại chỉ về hạng bốn ở cuộc đua 500m, và hạng 26 ở 1,000m.
Năm 1993, Dan đạt kỉ lục thế giới đều đặn trong bốn cuộc đua. Cả nước Mỹ và những người hâm mộ tin chắc Dan sẽ chiếm huy chương vàng Olympic lần này ở Lillehammer 1994.
Trên đường băng, Dan đang dẫn đầu cuộc đua 500m thì bị trượt chân và bị vượt lên dẫn trước, cán đích ở vị trí thứ tám. Có vẻ như số phận Olympic của Dan đã được định đoạt, mặc dù anh đã giành được bảy chức vô địch World Cup và lập bảy kỷ lục thế giới.
Cũng sau bảy cuộc đua Olympic trong hơn 10 năm theo đuổi, Jansen đi đến cuộc đua cuối cùng 1,000m thách thức với số mệnh. Lần này ở hai vòng cách mức đến cuối cùng, anh bị trượt chân nhưng vượt qua và chạm mức đến với kỷ lục Olympic mới (1:12,43). Cả thế giới thở phào cho anh! Khối nặng ngàn cân của số mệnh được hất ra khỏi lưng, cuối cùng Dan Jansen giành được huy chương vàng Olympic đã trốn tránh anh suốt 10 năm.
Tài năng, ý chí và kiên trì Dan đều không thiếu và không thua một ai, nhưng số mệnh có thể đã không dành cho anh một huy chương Olympic nào dù anh đã nắm trong tay bảy World Cup và bảy kỉ lục. Điều ấy gợi cho người ta thêm một yếu tố khác trong cuộc sống.
Vị tông đồ Paul ghi lại trong Thánh Kinh Tân Ước rằng, “Có những điều tôi muốn thì tôi lại không làm.” Chiều kích thần học ấy không phải không chi phối cuộc sống của con người. Chúng ta không thể không kiên trì trong ý chí nhưng chúng ta cũng không thể tự mãn cho mình là đủ. Con người được sinh ra với món quà tự do và trách nhiệm, nhưng con người cũng là tạo vật mang những giới hạn. Vị trí đúng nhất của con người là cộng tác viên với Đấng tạo nên mình, trở nên tác phẩm Đấng là tác giả muốn tạo nên.
Qua những la hét hào hứng trong trận bóng chiều ngày Lễ Tạ Ơn, tôi không khỏi không nghĩ tới những đội banh, những cầu thủ ôm vai nhau quỳ xuống đọc một lời nguyện. Có những cầu thủ ngửa mặt chỉ tay lên trời, có người ghi dấu thánh trên ngực. Họ tiến ra sân đấu với hết khả năng, hết ý chí và tin tưởng dù thắng hay bại, họ đều sẽ trở nên chính họ cách tuyệt-hảo nhất, là sự cộng tác tạ ơn với Đấng đang hoàn thành một tuyệt phẩm nơi họ.
Nguyễn Văn Thông
Thanksgiving 2021
Be the first to comment