Những Người Hoa Từ Úc Quay Về Nước Bây Giờ Ra Sao?

Gần đây trên internet đang lan truyền một bài viết giấu tên tác giả kể về 4 câu chuyện của những người Trung Quốc từ Úc quay về nước. Rất đáng để suy ngẫm.

Người A: “Mọi thứ ở Úc giống như một giấc mơ”

A kể về câu chuyện của mình như sau:

Tôi cảm thấy rất mệt mỏi trong thời gian 2 năm lăn lộn mà không hề có thân phận ổn định nào ở Sydney. Nhìn những người đồng nghiệp bên cạnh mình đều có người thân họ hàng ở bên cạnh thật sự rất đáng ngưỡng mộ, ít nhất thì cuối tuần hay ngày lễ đều có thể hội họp với người thân.

Còn tôi thì chẳng có gì cả, nhớ nhà thì nhà xa quá, cũng không gặp được ‘người trong mộng’ hợp ý. Khoảng thời gian đó tôi cảm thấy rất cô đơn, cuộc sống không có chỗ dựa, lại thêm gặp phải trắc trở trong công việc, áp lực rất nặng nề, đôi khi tôi muốn tìm ai đó để nói chuyện mà chẳng có ai, tôi như đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Ngay lúc đó, người bạn thân cùng chung hoạn nạn với tôi cũng về nước mất rồi”.

A nghĩ rằng có lẽ về nước sẽ có nhiều không gian để phát triển hơn, vì sao lại không về nước chứ? Thế nên người này quyết tâm thu dọn hành lý và chào tạm biệt nước Úc.

Thật ra, khi trở về nước sau 2 năm, người này mới nhận ra rằng lần trốn chạy này có hơi vội vàng, cẩu thả. Khi đó quá nhút nhát, nếu như có thể cắn răng ở lại thì có lẽ cũng sẽ có được sự phát triển và tình yêu ổn định.

A chia sẻ rằng sau khi về nước, cô tìm được một công việc ở Bắc Kinh, thường xuyên hội họp cùng bạn bè, mỗi ngày mua đồ Taobao nên không còn cô đơn một mình với sự chênh lệch múi giờ 2 tiếng ở xứ người nữa.

Nhưng lâu dần, A nhận ra rằng ở Trung Quốc sẽ không còn những người xa lạ sẵn sàng mỉm cười chào hỏi nữa, trên xe buýt cũng không có ai nói cảm ơn với tài xế nữa, người đi phía trước cũng sẽ không giúp bạn mở cửa nữa, cuối tuần không còn công viên hay bờ hồ để đi nữa mà toàn là trung tâm thương mại…

Sương mù nghiêm trọng ở Trung Quốc hành hạ những người Hoa trở về từ Úc. (Ảnh: Shutterstock)

A cảm thán rằng: “Cuộc sống ở Úc là cô độc mà tự do, còn cuộc sống ở quốc nội thì ồn ào hối hả và lạnh lùng”. A cho biết khi ở Trung Quốc, sương mù đã hành hạ cô rất nhiều, thậm chí có lần cô còn từng bị sốt cả một tuần.

A cho rằng ở Trung Quốc mỗi khi bị “áp bức” các giá trị quan và những lời đánh giá, cô lại muốn ra nước ngoài, một lần nữa xông ra khỏi cổng thành…

Người B: “Cảm ơn khoảng thời gian ở Úc giúp tâm hồn tôi được bình yên”

Ở Úc, B đã nhìn thấy được một thế giới hoàn toàn khác biệt có thể giúp cô loại bỏ tất cả mọi điều phiền muộn, tập trung làm những thứ mà mình thích.

B cho hay: “Sau khi ra nước ngoài, tôi đã thay đổi rồi, không phải trở nên Tây hơn, mà trở nên vững chãi hơn”.

Tiếng Anh của B không hẳn là tệ, cô hiểu được những lời đồng nghiệp nói, nhưng vẫn không thể nào hiểu được khi họ cười ồ lên, cảm thấy mình bị lạc lõng.

Vì vậy, “Nước Úc rất tốt, nhưng ở đó, từ đầu đến cuối tôi không hề có cảm giác mình thuộc về nơi đó, vẫn cứ luôn lạc lõng, trong lòng có một sự trống rỗng khó nói thành lời”.

Sau này vì bố mẹ ngày một già đi, B quyết định về nước làm tại một công ty tài chính, năm ngoái cô cũng đã tìm thấy nửa kia của mình.

B cho rằng: “Cảm ơn khoảng thời gian ở Úc khiến tôi độc lập, kiên định, tự tin, trưởng thành, yêu cuộc sống hơn, tôi đã rèn luyện sức khỏe và đi du lịch. Sau khi lột bỏ ngoại hình trẻ con của mình, nội tâm của tôi cũng bình yên hơn nhiều. Quan trọng nhất vẫn là tôi hiểu mình muốn gì, biết được nguồn gốc của hạnh phúc. Có như vậy, dù ở những môi trường khác nhau, tôi vẫn có thể tự do tự tại, nhiệt tình, ung dung”.

Có những người Hoa đã về nước cảm thán rằng những ngày ở Úc khiến họ độc lập, tự tin và trưởng thành hơn. (Ảnh: Shutterstock)

Người C: “Không thể quay lại Úc cũng không hòa nhập được với quê nhà”

Cuộc sống ở Úc quá thoải mái rảnh rỗi, sống ở đây quá lâu, C sợ rằng sẽ đánh mất khả năng cạnh tranh, vì thế nên quyết định về nước. Anh làm việc tại một chi nhánh công ty đa quốc gia ở Thượng Hải, mỗi ngày phải làm mười mấy tiếng, gấp đôi thời gian làm việc ở Úc, vài tháng sau, sức khỏe của anh sa sút nghiêm trọng.

C cho rằng so với ở Úc, quả thật là ở quốc nội anh đã thực hiện được hoài bão trong sự nghiệp, nhưng thời gian làm việc ở Trung Quốc thì quá dài và cường độ cao.

Ở Trung Quốc, mọi người đều than thở rằng áp lực công việc quá nặng nề, nhưng ai ai cũng đều tranh đấu làm việc điên cuồng, như thể ý nghĩa cuộc sống chính là làm việc và kiếm tiền. Còn ở Úc, nếu hỏi 100 người rằng công việc và gia đình điều gì quan trọng hơn thì 99 người sẽ đáp rằng đương nhiên là gia đình quan trọng nhất. Nếu không có trường hợp gì đặc biệt thì họ sẽ không cho phép thời gian tan sở bị công việc chiếm dụng.

Văn hóa của Úc nhấn mạnh tầm quan trọng của cá thể, quyền lợi của một người phải được đặt hàng đầu, đôi khi phải tăng ca, cấp trên sẽ xin lỗi nhân viên, “Thật ngại quá bắt anh/chị phải tăng ca, sau khi làm xong thì mau chóng về nhà nhé”. Nhưng ở Trung Quốc thì lại nhấn mạnh tầm quan trọng của tập thể, cá nhân phải phục tùng cho tập thể. Khi gặp gỡ bạn bè, dần dần sẽ cảm thấy không còn tiếng nói chung nữa. Mọi người chỉ toàn nói về nhà cửa, giáo dục, y tế, ai mua nhà sang, xe đẹp. Còn ở Úc, người ta thường nói về cách làm thế nào để cuộc sống thú vị hơn và cách để hưởng thụ cuộc sống.

Khi họ hàng, bạn bè, hàng xóm, bạn học hỏi C: “Có hòa nhập được với xã hội ở Úc không?” C nghĩ thầm: “Tôi hòa nhập tốt hơn so với ở Trung Quốc”.

C chia sẻ rằng khi ở Úc, anh luôn cho rằng tình cảm của mình dành cho Trung Quốc rất sâu đậm, rất nặng tình, bản sắc Trung Quốc của mình rất chính thống. Sau khi về nước, anh lại nhận ra, yếu tố Tây hóa của anh lại mạnh mẽ đến vậy, đến mức không thể hòa nhập được với môi trường ở đây.

Người D: “Điều hối hận nhất chính là không ở lại Úc”

D cho rằng: “Có lẽ sự không vui khi ở Úc chỉ là một lúc nhất thời. Sự không cam lòng khi rời khỏi Úc thì lại là cả đời!

Sau khi về nước, D quay trở lại quê nhà Nam Kinh, nhưng anh lại không thể nào quen được với thành phố mà mình đã sống hai mươi mấy năm này.

Ở Úc, anh đã quen ngắm trời xanh mây trắng, còn ở Nam Kinh thì đây là điều xa xỉ. Xe trên đường rất đông, lại còn hay tranh đường với người đi bộ, mỗi ngày đi trên đường đều rất lo sợ, không giống như ở Melbourne, xe hơi luôn rất lịch sự nhường người đi đường. Khi vừa về nhà được 1 tuần, anh vẫn chưa bắt đầu tìm công việc, nhưng chủ đề mà anh cùng thảo luận với những người xung quanh thì chỉ có công việc và mua nhà.

Chỉ cần không phải là người có cùng sở thích thì đều quan tâm đến tương lai của D, khi nghe nói D chưa bắt đầu tìm việc, họ đều mặc định là D đang lo lắng, nên sẽ nhiệt tình giúp D lên kế hoạch, nào là xin việc, mua nhà, thậm chí ngay cả con học ở đâu… khiến D rất bất lực: “Nhưng tôi vẫn chưa kết hôn mà”.

Khi ở Úc, D đã quen với việc nói kèm tiếng Anh khi nói chuyện, vì đã quá quen rồi nên thường hay buột miệng. Nhưng sau khi về nước thì mới nhận thấy rằng dù là khách hàng hay bạn bè đều không thích D nói chuyện có kèm thêm chữ tiếng Anh, cảm giác anh đang ra vẻ “ta đây”

D chia sẻ thật lòng rằng tố chất và lề lối của cấp trên cùng đồng nghiệp cũng không thể khiến anh hài lòng được, chứ đừng nói đến việc tự mình thăng tiến, nhìn thấy họ như thể nhìn thấy cuộc sống của mình sau này vậy.

Ở Trung Quốc quả thật có rất nhiều nhà cao tầng, đường xá mở rộng, sự hiện đại hóa của các thành phố lớn không hề thua kém Úc, thậm chí có thể thấy là phát triển hơn, nhưng khắp nơi vẫn cứ thấy người ta khạc nhổ, ồn ào lớn tiếng, chen lấn hàng, hút thuốc ở nơi công cộng…

D cho biết: “Điều hối hận nhất chính là không ở lại Úc”, anh thường hay nhớ cuộc sống ở Úc, bởi vì nơi đó có ước mơ tuổi trẻ và tình cảm của anh.

(Ảnh: Shutterstock)

D chia sẻ rằng: “Cảm ơn khoảnh khắc nào đó trong đời khi tôi lựa chọn đến với mảnh đất tươi đẹp này, càng cảm ơn sự ủng hộ của bố mẹ khiến tôi có được khoảng thời gian tuyệt đẹp ở đây, đương nhiên là cũng phải cảm ơn thiên nhiên và con người đã tạo ra quốc gia xinh đẹp này. Thật ra, trái tim tôi là ở quê hương của tôi”.

Thường Xuân
Ngày 12/8/2021

Nguồn: trithucvn.org

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*