Triệu Chứng Và Cách Điều Trị Ho Do Chất Nhầy

(Minh họa: hopkinsmedicine.org)

Hằng ngày, các tuyến nhầy (mucus glands) lót ở mũi, họng, đường thở, bao tử, ruột tạo ra chất nhầy (mucus). Chất nhầy là chất ẩm và đặc, giúp giữ độ ẩm ở những vùng này, giúp bắt dính lại và tiêu diệt các “kẻ ngoại xâm” như vi trùng, siêu vi trùng (virus) trước khi chúng có thể gây hại cho cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra việc chất nhầy tiết ra quá mức, chẳng hạn do dị ứng, cảm, cúm, viêm xoang… Chỉ ở mũi thôi, mỗi ngày tiết ra khoảng gần một lít chất nhầy.

Bình thường, ta không cảm nhận được các chất nhầy này từ mũi, vì nó hòa trộn với nước miếng, và chúng ta nuốt chúng vào bụng mà không để ý đến.

Khi cơ thể ta tạo ra nhiều chất nhầy hơn bình thường, và khi chất nhầy này nhầy (đặc) hơn bình thường, nó sẽ gây khó chịu khiến ta “để ý” đến nó hơn.

Khi chất nhầy này chảy ra lỗ mũi trước của ta, ta gọi nó là sổ (hay chảy) mũi. Khi nó chạy ngược vào lỗ mũi sau của ta, nó được gọi là chất nhầy chảy ngược vào họng (postnasal drip).

Nguyên nhân chất nhầy chảy ngược vào họng

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra việc chất nhầy tiết ra quá mức:

– Dị ứng (allergic postnasal drip).
– Cảm (cold).
– Cúm (flu).
– Thay đổi thời tiết (có thể là lạnh hoặc không khí khô quá).
– Một số thức ăn (ví dụ như một số người nếu ăn cay sẽ bị chảy mũi ràn rụa).
– Khói, mùi nước hoa, mùi chất chùi lau nhà, hoặc các chất hóa học khác.
– Viêm xoang (sinusitis).
– Tác dụng phụ ở một số thuốc (như là thuốc ngừa thai, một số thuốc trị cao huyết áp). Tác dụng phụ này chỉ xảy ra ở một tỉ lệ nhỏ những người dùng thuốc, không phải ai uống cũng bị tác dụng phụ này.
– Vật lạ mắc kẹt ở trong mũi (thường xảy ra ở trẻ em hơn).
– Có bầu.
– Lệch vách ngăn ở mũi (vách giữa hai lỗ mũi).

Đôi khi chất nhầy gây khó chịu, cũng có thể vì cơ thể ta bị giảm khả năng để làm sạch các chất nhầy này, khiến nó bị ứ đọng, chứ không phải vì nó tiết ra nhiều quá. Ví dụ như khi khả năng nuốt bị giảm, do bị tắc nghẽn gì đó trong đường tiêu hóa trên (họng, thực quản, dạ dày), do tuổi tác, do bị axit trào ngược từ thực quản dạ dày.

Triệu chứng

Chất nhầy chảy ngược vào họng có thể gây ra:

– Cảm giác lúc nào cũng có gì đó dính ở cổ họng khiến ta phải hắng giọng liên tục.
– Ho, thường nặng hơn khi ta nằm xuống, khi ngủ (vì khi nằm thì chất nhầy ở mũi dễ chảy ngược vào họng hơn).
– Khàn tiếng.
– Cảm giác đau họng.
– Ngứa cổ họng.
– Nếu chất nhầy từ mũi làm nghẹt ống thông từ mũi đến tai giữa (Eustachian tube) ta có thể bị đau tai do viêm tai giữa.
– Viêm xoang, nếu chất nhầy làm nghẹt đường thông từ mũi sang các xoang.

Dùng dụng cụ rửa mũi (nasal irrigation) thường có bán ở các tiệm thuốc tây để giúp chất nhầy bớt nhầy hơn. (Minh họa: aafp.org)

Điều trị

Hầu như bao giờ việc điều trị cũng gồm hai phần chính là trị nguyên nhân và trị triệu chứng. Tùy theo các nguyên nhân, như kể trên, mà việc điều trị có thể khác nhau.

Do đó không phải lúc nào cũng cần dùng trụ sinh. Trụ sinh chỉ cần dùng khi bị nhiễm vi trùng. Khi không cần thiết, dùng trụ sinh không những không có lợi, mà còn gây ra việc lờn thuốc rất nguy hiểm.

Dù nước mũi có đổi màu, vàng hay xanh, nhưng nếu không bị sốt, không bị nhiễm trùng, ta cũng không cần, và không nên dùng trụ sinh.

Nếu bị cảm hay cúm, ta cần trị cảm hay cúm.

Thuốc chống dị ứng (như Zyrtec, Claritin, Allegra…) có thể giúp trong các trường hợp chất nhầy chảy ngược vô họng do viêm xoang và nhiễm virus, bên cạnh việc trị nguyên nhân do dị ứng.

Nếu nguyên nhân do dị ứng, bác sĩ có thể cho ta dùng các thuốc và ta nên áp dụng các biện pháp đã được trình bày rất kỹ trong bài viết về ho do dị ứng.

Ở người lớn tuổi, các thuốc chống dị ứng bán không cần toa (như Benadryl, Chlor-Trimeton) thường không thích hợp. Các thuốc này có thể làm cho chất nhầy bị đặc lại, khiến triệu chứng nặng hơn; cũng như có thể gây xây xẩm, chóng mặt, khô miệng… nhiều hơn các thuốc thế hệ mới hơn.

Tốt nhất là nên được bác sĩ thăm khám, để được cho thuốc thích hợp với tuổi tác và tình trạng bệnh lý nền (các bệnh kinh niên) của từng bệnh nhân.

Một cách đơn giản để giúp chất nhầy bớt nhầy hơn, là làm cho chúng loãng ra bằng cách:

– Uống đủ nước (làm sao cho nước tiểu trong, đừng bị vàng khè). Ở người khỏe, không bị bệnh tim và một số bệnh khác cần giới hạn nước, đủ nước thường có nghĩa là khoảng 2 lít mỗi ngày, bao gồm nước lẫn nước canh, nước phở, chicken soup…
– Nhỏ nước muối.
– Dùng các máy, dụng cụ rửa mũi (nasal irrigation) thường có bán ở các tiệm thuốc tây.
– Dùng máy tạo độ ẩm (vaporizer, humidifier) ở những mùa không khí quá khô.
– Hơi nước ấm khi tắm bằng nước ấm (đừng nóng quá), cũng là một cách đơn giản giúp làm ẩm mũi.
– Một cách khác đơn giản khác để “xông mũi”, là xếp một phễu giấy vừa đủ, để phần phễu lớn úp vào ly nước, phần lỗ nhỏ vừa đủ để ta có thể hít hơi ẩm từ hơi nước trong một ly nước nóng (nóng vừa vừa, để khỏi bị phỏng mũi, và cần cẩn thận để ly nước không đổ làm phỏng người).
– Một số thuốc “long đờm”, như guaifenesin.

Nằm đầu cao để nước mũi khó chảy ngược vào họng hơn, cũng là một cách dễ hiểu và đơn giản, có thể kết hợp với các cách kể trên để đỡ bị chất nhầy chảy vào họng làm ngứa họng, ho vào buổi tối.

Cần gọi bác sĩ ngay nếu thấy máu trong nước mũi, hay bị sốt, khò khè, khó thở, nước mũi có mùi hôi, bệnh nặng, hoặc không nặng mà kéo dài trên 10 ngày.

Thường thì các bác sĩ gia đình có thể trị hầu hết các trường hợp bị ho do chất nhầy ở mũi chảy ngược vào họng. Trong các trường hợp nặng hơn, đã dùng đủ và đúng các phương pháp kể trên mà vẫn không thấy đỡ ta mới có thể cần gặp bác sĩ chuyên khoa.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
714-531-7930
drnguyentranhoang@gmail.com

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*