Sau Hơn 40 Năm, Tôi Phải Làm Gì Hơn Để Được Xem Đúng Là Một Người Mỹ?

Minh họa do Stephanie Zhu. (Hình của Adobe)

Ông là một người tị nạn đến từ Việt Nam, đã làm việc cật lực để đạt được nhiều thành tựu. Dầu vậy, ở mỗi bước, ông đều bị đối xử như thể không thuộc về xứ sở này.

Tôi có thể là một cậu bé mẩu trên một bích chương tượng trưng cho giấc mơ Mỹ nếu da của tôi mang một màu khác.

Tôi lên 19 khi đến Hoa Kỳ vào năm 1975, một người tị nạn chạy trốn chủ nghĩa Cộng sản, mang ít nhiều đau thương từ chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, tôi tận lực rèn luyện bản thân để trở thành một công dân Hoa Kỳ hữu hiệu. Tôi học tiếng Anh, tự mưu sinh bằng công việc dọn dẹp và công nhân hãng xưởng để theo đuổi bậc đại học, rồi được trao học bổng để theo học tại John F. Kennedy School of Government của đại học Harvard.

Tôi nhớ có một ngày vào năm 1981, khi chiếc xe buýt chở tôi dừng ở đèn đỏ trên đại lộ Dorchester, nhìn ra cửa sổ tôi thấy một ông đi ngang đưa ngón tay giữa chiả vào mặt tôi, và lớn tiếng rặt giọng kỳ thị: “Cút về xứ mày đi!” Tôi vẫn luôn tin rằng nước Mỹ là hình ảnh của tự do và bình đẳng; tôi không hề chuẩn bị hứng chịu cho sự thù ghét đó dù chỉ đơn thuần là người Việt Nam.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Harvard, tôi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được chọn làm Presidential Management Fellow – một chương trình chọn lọc dành cho các nhà điều hành tương lai của chính phủ liên bang.

Vài năm sau, trở lại Massachusetts, tôi hoàn tất chương trình đào tạo của ngân hàng và trở thành nhân viên cho vay gốc Việt đầu tiên tại First National Bank ở Boston. Con đường đầy gai góc, nhưng tôi vượt qua và trong vòng hai năm, được thăng chức làm trợ lý phó chủ tịch. Và rồi cấp chỉ huy trực tiếp nói với tôi: “Anh cần phải là một người Mỹ để thành công trong lĩnh vực ngân hàng.”

Tôi choáng váng cả người. Làm người Mỹ không phải là làm việc chăm chỉ sao? Tôi cũng sợ nữa. Ông vừa nói rõ với tôi rằng tôi không phải là thành viên của nhóm và dễ dàng thích ứng. Tôi sợ bị ông sa thải ngay tại chỗ, nhưng tôi phải hỏi lại: Trở thành người Mỹ nghĩa là gì? Ông chỉ lặp lại những gì đã nói trước.

Một số đồng nghiệp nói với tôi rằng cấp chỉ huy của tôi nghĩ rằng tiếng Anh của tôi không giỏi đủ (giọng nói tôi không chuẩn) và các khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng sẽ không đáp ứng tốt với một người không phải là dân da trắng. Tôi được chuyển sang một phòng khác, bắt đầu lại từ con số không trong khi những người cùng tôi bắt đầu trước kia tiếp tục thăng tiến.

Một phần của giấc mơ Mỹ là làm chủ một ngôi nhà, vì vậy vào năm 2006 khi vợ tôi và tôi mua một ngôi nhà ở khu Squantum thuộc thành phố Quincy, một cộng đồng trung lưu ven vịnh, tôi cảm thấy như thể chúng tôi đạt được ước mơ. Chắc hẳn bây giờ chúng tôi là người Mỹ. Nhưng lớp sơn bên ngoài ngôi nhà của chúng tôi chưa kịp khô thì nó đã dính đầy trứng. Tôi muốn nói giờ thì mọi thứ trở nên tốt hơn, nhưng việc chọi trứng lên vách vẫn là chuyện thường xuyên. Đôi khi những thiếu niên đập cửa nhà chúng tôi, hét lớn “Đây là Hoa Kỳ, đây là Hoa Kỳ” “Cút về Tàu đi”. Phân chó được vụt trên bãi cỏ trước nhà. Chỉ có nhà chúng tôi trong khu vực bị quậy phá theo cách này và cũng vì chúng tôi là người Mỹ gốc Á duy nhất trong khu phố, nên thật khó để tránh nghĩ rằng kỳ thị chủng tộc là lý do đầu mối gây ra.

Tôi luôn tán thưởng hình thức tổ chức chính quyền của đất Mỹ và thật rất vui mừng vào năm 2015 khi tôi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Phát triển Kinh doanh và Giao thương Quốc tế của Thống đốc Charlie Baker. Theo hiểu biết của tôi, tôi là người Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm làm thứ trưởng trong chính phủ tiểu bang nhà. Lần này, tôi nghĩ, tôi thực sự đã đạt được giấc mơ Mỹ.

Vào tháng 8 năm 2016, khi Massachusetts tổ chức một hội nghị các thống đốc vùng New England và các thủ tướng của miền đông Canada, tôi đi cùng Thống đốc Baker đến các cuộc họp và sau đó cùng ông trở lại dinh thống đốc. Tôi tự hào đeo huy hiệu đặc biệt của chính quyền, do văn phòng thống đốc cấp, trên ve áo của mình. Tuy nhiên, vào buổi chiều hôm đó, khi rời dinh thống đốc một mình, tôi đã bị các nhân viên an ninh chặn lại, đến hai lần, và hỏi lý do tại sao tôi ở đó. Tôi không muốn đôi co, nên đã xuất trình cả thẻ nhận dạng của tiểu bang cấp và danh thiếp của mình trước khi họ xin lỗi và để tôi đi.

Những rắc rối này là một vài ví dụ về những gì tôi phải đối mặt, bất chấp trình độ học vấn và thành quả của tôi. Tôi muốn mọi người trong cộng đồng châu Á biết rằng họ không đơn độc và chúng ta có quyền nêu yêu sách chính đáng trên vùng đất lành như bất kỳ một nhóm nào khác. Trong hành trình theo đuổi tự do, cơ hội và hạnh phúc của mọi người Mỹ, tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền – mà có thể người Mỹ gốc Á cũng đã góp tay đóng nên con thuyền đó. Nhiều nghiên cứu DNA đã chỉ ra rằng tổ tiên của thổ dân châu Mỹ đến từ miền Đông Á.

Người Mỹ gốc Á nên được thừa nhận là một phần tạo thành nên đất nước này – 90% công nhân của tuyến đường sắt xuyên lục địa là người Trung hoa – nhưng chúng ta thường bị bỏ rơi, bị gạt ra bởi những người da trắng, da đen và da nâu, những người coi chúng ta không phải là “người Mỹ”.

Tại đây ở Boston, hãy nhìn vào Fields Corner. Khi tôi đến khu phố này cách 40 năm về trước, một số người coi đây là một nơi không ai muốn ở. Mới đây, lại được chỉ định là khu văn hóa Little Saigon. Một vài năm trước, Hiệp hội Quy hoạch Hoa Kỳ đã gọi đây là một trong 10 khu phố vĩ đại của Hoa Kỳ. Những gì làm biến đổi? Một yếu tố là hàng ngàn người Việt nhập cư đã dọn đến đây ở và giúp biến nó thành một cộng đồng sinh động.

Nước Mỹ là nhà của chúng ta. Chúng ta không thể nhượng bộ hành vi xấu và phân biệt chủng tộc hoặc chấp nhận sự cố chấp như một lẽ đương nhiên. Cùng nhau, chúng ta phải làm việc trong một cộng đồng để lên tiếng và phá bỏ những định kiến thiếu hiểu biết. Tôi lạc quan rằng khi chúng ta làm sáng tỏ những gì mà nhiều người trong chúng ta phải chịu đựng và có thể sẽ tiếp tục gánh chịu, sẽ dẫn đến sự cải thiện trong cách đối xử với người Mỹ gốc Á.

Sau khi nhà chúng tôi bị quấy rối lần vừa rồi, vài người hàng xóm tặng chúng tôi một bụi hoa hồng vàng. Tôi trồng nó ở trước nhà và vẫn tiếp tục thưởng thức những cành hoa đầy bông.

Bóng tối u ám của người châu Á ẩn mặt càng nhận được nhiều ánh sáng hơn. Tôi vẫn tin vào giấc mơ Mỹ, mặc dù rõ ràng rằng, còn nhiều việc phải làm trước khi đạt được nó.

Nam Pham
Giám đốc thuộc Bộ Giao thông Massachusetts.
Ngày 14 tháng 7 năm 2021
(Bản phỏng dịch của BBT/NVB)

Nguồn: https://www.bostonglobe.com/2021/07/14/magazine/after-40-years-what-will-it-take-me-be-seen-an-american/?fbclid=IwAR0edhe4_erAlYQoOdjg6zN5ygCDQSa6ANuysNbkJST3H4JHqf9LiWdZ0lg

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*