
Ngày 10 tháng 4 năm 2025, Tổng thống Donald Trump triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp sau khi ban hành một quyết định bất ngờ nhưng đầy tính toán: tạm dừng toàn bộ các loại thuế “có đi có lại” trong 90 ngày với các quốc gia đồng minh – ngoại trừ Trung Quốc. Không những không được miễn trừ, Trung Quốc còn bị nâng mức thuế lên đến 104% cho nhiều mặt hàng chiến lược. Đây không còn là một đòn thuế quan thông thường. Đây là thông điệp chính trị bằng ngôn ngữ thương mại: Mỹ đang bước vào giai đoạn hai của cuộc chiến thương mại, trong đó các quốc gia trung gian – đặc biệt là những nơi bị nghi ngờ “tiếp tay” cho Trung Quốc – sẽ không còn đứng ngoài cuộc.
Và Việt Nam, rất tiếc, lại đang dần hiện rõ trong tầm ngắm.
Việt Nam bị nêu đích danh: “Trạm trung chuyển của Trung Quốc”
Trên chương trình The Ingraham Angle (Fox News, ngày 7 tháng 4 năm 2025), Peter Navarro – cố vấn thương mại kỳ cựu của Tổng thống Trump – đã không úp mở. Ông khẳng định rằng Việt Nam hiện đang bán cho Hoa Kỳ tới 15 USD hàng hóa cho mỗi 1 USD nhập khẩu ngược lại, và trong số đó, ít nhất 5 USD là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Navarro gọi thẳng Việt Nam là “trạm trung chuyển” hàng hóa của Trung Quốc – nơi các doanh nghiệp Bắc Kinh lợi dụng để đội lốt, dán nhãn, và né các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Dù không dùng cụm từ “thuộc địa”, nhưng cách ông mô tả đủ để hiểu rằng trong con mắt Washington, Việt Nam đang trở thành vệ tinh kinh tế trá hình của Bắc Kinh.
Điều này càng đáng lo ngại khi được đặt trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang siết chặt kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu, tái lập trật tự thương mại và chỉ công nhận các đối tác chiến lược có tính minh bạch, cam kết dân chủ và có hệ thống quản trị rõ ràng. Việt Nam – chưa có FTA song phương với Mỹ, không nằm trong hệ thống đồng minh quân sự, lại thường xuyên bị nhắc tên trong các báo cáo thương mại liên quan đến gian lận – rõ ràng đang ở thế bất lợi.
Gian lận FSC/COC: Từ chứng nhận “bền vững” thành công cụ “lách luật”
Một trong những lý do khiến Việt Nam mất điểm nghiêm trọng là việc không kiểm soát được chuỗi cung ứng gỗ, giấy và vật liệu xây dựng, đặc biệt là các chứng chỉ quốc tế như FSC và COC.
Về mặt nguyên tắc:
- COC (Chain of Custody) là chứng chỉ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu từ rừng đến sản phẩm cuối cùng, nhằm đảm bảo tính truy xuất và minh bạch.
- FSC (Forest Stewardship Council) là hệ thống chứng nhận quản lý rừng bền vững, yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp và được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, những chứng chỉ từng được xem là “tấm vé thông hành” vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đã bị thương mại hóa trầm trọng. Hàng loạt doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu, không kiểm soát đầu vào, nhưng vẫn dễ dàng đạt chuẩn FSC/COC thông qua các “dịch vụ bao trọn gói”. Hình thức gian lận phổ biến gồm:
- “Chia sẻ mã FSC”: một doanh nghiệp có chứng nhận bán lại mã cho nhiều công ty khác sử dụng chung.
- “Dựng hiện trường sạch”: trước ngày kiểm toán, doanh nghiệp mượn xưởng, giấy tờ, làm giả sổ sách để qua mặt các tổ chức giám định.
Thậm chí, một số kiểm toán viên nội địa đã bị cáo buộc “diễn theo kịch bản”, tiếp tay hoặc làm ngơ cho sai phạm để giữ hợp đồng. Hậu quả là niềm tin vào chứng nhận FSC/COC cấp tại Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng.
Doanh nghiệp chân chính vạ lây – thị trường quốc tế cảnh giác
Các nhà nhập khẩu lớn tại Mỹ, Đức, Nhật… đã phát hiện hàng loạt vụ hàng hóa từ Việt Nam dán nhãn FSC nhưng không thể truy xuất được nguồn gốc. Nhiều tập đoàn đã ngừng nhập khẩu gỗ, giấy từ Việt Nam, hoặc chỉ chấp nhận chứng chỉ FSC cấp bởi các tổ chức quốc tế độc lập như SGS (Thụy Sĩ), TÜV (Đức). Đồng thời, Hải quan Hoa Kỳ (CBP) và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa nhiều sản phẩm từ Việt Nam vào danh sách “cảnh báo đỏ”, tăng cường kiểm tra và kiểm soát đặc biệt.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy trình, đầu tư nghiêm túc vào vùng nguyên liệu và hệ thống kiểm soát nội bộ lại bị vạ lây, bị nghi ngờ chung và mất khả năng cạnh tranh về giá trước những đơn vị gian lận.
Vụ dầu đậu nành – giọt nước tràn ly trong hồ sơ “rủi ro quốc gia”.
Không dừng lại ở gian lận xuất xứ hay phù phép giấy tờ, một vụ việc nghiêm trọng khác đã đẩy hình ảnh thương mại Việt Nam vào tình thế nguy hiểm hơn nữa: xuất khẩu dầu đậu nành sang Triều Tiên – quốc gia đang bị cấm vận quốc tế.
Theo các nguồn tin độc lập trong giới logistics và một số báo cáo chưa chính thức từ CBP Hoa Kỳ, một số thương lái gốc Việt – Trung tại Việt Nam đã lợi dụng chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Hoa Kỳ để mua dầu đậu nành hợp pháp, sau đó làm giả giấy tờ xuất khẩu và ngụy trang đích đến cuối cùng là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Số lượng lên đến 500–2.000 tấn mỗi tháng, kéo dài nhiều tháng liền.
Dù chưa có bằng chứng cho thấy các tập đoàn cung cấp ban đầu biết rõ về hành vi gian lận này, vụ việc vẫn đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về tính minh bạch và khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng xuyên quốc gia. Hành vi này vi phạm trắng trợn các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, đồng thời gây nguy cơ cực lớn cho Việt Nam bị đưa vào danh sách theo dõi trừng phạt của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài Hoa Kỳ (OFAC). Không chỉ là hành vi gian lận thương mại, đây là vấn đề an ninh toàn cầu – và sẽ có hệ quả chính trị.
Kết luận: Không thể tiếp tục “đi dây” và lẩn tránh trách nhiệm
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quyết định. Một bên là hội nhập thật sự: minh bạch, có trách nhiệm, đủ năng lực quản trị chuỗi cung ứng và thực hiện các cam kết quốc tế. Một bên là rủi ro bị loại khỏi sân chơi toàn cầu, không phải vì thù địch chính trị, mà vì không còn được tin tưởng là đối tác đáng tin cậy.
Thế giới đang thay đổi. Những quốc gia “đi dây”, đứng giữa hai trục quyền lực mà không dứt khoát, sẽ không còn chỗ đứng lâu dài.
Việt Nam – nếu không bị đánh trúng đầu thì cũng sẽ bị trúng tai. Nhưng nếu không tỉnh giấc, sẽ bị đánh cả đầu lẫn tai.
Đã đến lúc không còn là quân cờ trong tay kẻ khác.
Phải là người chơi – sòng phẳng, minh bạch và có bản sắc.
Lê Thanh Tùng, quan sát từ Washington
Nguồn: https://www.facebook.com/share/18bW7k4ueS/
Be the first to comment