Bắc Kinh Bóp Nghẹt Tự Do Báo Chí Ở Hồng Kông – Sập Chung Cư Florida: 16 Người Chết, 147 Người Mất Tích

BẮC KINH DÙNG LUẬT AN NINH BÓP NGHẸT TỰ DO BÁO CHÍ Ở HỒNG KÔNG

Tất cả các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông quốc tế đều gọi Thứ Năm 24 tháng 6-2021 là một ngày đau buồn của 7.5 triệu người dân Hồng Kông, khi Apple Daily – tờ báo ủng hộ phong trào dân chủ có nhiều độc giả nhất – phát hành số báo cuối cùng và quyết định đình bản sau khi bị chính quyền phong tỏa toàn bộ tài sản và vốn liếng.

Chẳng những Apple Daily bị mất tiếng nói, mà đến buổi tối Chủ Nhật, chủ bút Fung Wai-kong còn bị cảnh sát chận giữ ở phi trường và trở thành người thứ bảy trong tòa soạn của tờ báo này bị bắt giam và truy tố với tội danh “tình nghi cấu kết với các thế lực nước ngoài gây nguy hại an ninh quốc gia”, dựa theo điều 29 “luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông”.

Bảy người vừa bị bắt trong chiến dịch bố ráp mới nhất gồm Cheung Kim-hung, Royston Chow, Ryan Law, Chan Pui-man, Cheung Chi-wai (ngày 17/6), Li Ping (ngày 23/6), Fung Wai-kong (ngày 27/6), tất cả đều là biên tập viên và thành viên hội đồng quản trị.

Mười tháng trước đây, vào ngày 10 tháng 8 năm 2020, nhân vật sáng lập công ty Apple Daily là nhà tỷ phú Jimmy Lai (Lai Chee-Ying) cùng với hai người con trai là Timothy Lai, Ian Lai đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt và truy tố với cùng tội danh nói trên. Mặc dù ông Jimmy Lai bị giam giữ, những người điều hành và biên tập Apple Daily vẫn cố gắng ra báo mỗi ngày để duy trì tiếng nói ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ. Họ chạy tít trang nhất số báo ngày 11 tháng 8: “Apple Daily phải tiếp tục cuộc tranh đấu” (Apple Daily must fight on).

Nhưng rồi đến giữa tháng 5 năm nay, chính quyền ra lệnh “đóng băng” toàn bộ tài sản của công ty trị giá 2.3 triệu dollars và các trương mục mang tên ông Jimmy Lai trị giá hơn 500 triệu dollars. Bị đẩy đến đường cùng, cạn vốn điều hành, Apple Daily đành thông báo phát hành số báo cuối cùng (cả báo giấy và báo mạng) vào ngày Thứ Năm 24 tháng 6.

Theo các bản tin thông tấn, thông thường mỗi ngày Apple Daily in 80,000 ấn bản, nhưng sau khi xảy ra vụ tòa soạn bị bố ráp, tờ báo càng nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của độc giả nên đã tăng lên tới gần nửa triệu ấn bản, và riêng số báo cuối cùng thì phát hành tới 1 triệu ấn bản. Vậy mà chỉ đến gần buổi trưa, 1 triệu số báo đã bán hết sạch, vì từ 7 giờ sáng dân chúng đã đứng xếp hàng ở những địa điểm phát hành để mua số báo cuối cùng này.

Trên trang nhất, Apple Daily chạy hai hàng tít lớn “Cuộc chia tay đau đớn trong mưa của người dân Hồng Kông” (Cảng nhân vũ trung thống biệt) và “Chúng tôi ủng hộ Apple Daily” (Ngã địa xanh Tần Quả), kèm theo hình chụp đám đông độc giả cầm đèn pin đứng trước tòa soạn vào buổi tối hôm trước để bày tỏ tình cảm của họ.

Apple Daily (Tần Quả Nhật Báo) là một trong những tờ báo bán chạy nhất ở Hồng Kông, ra đời từ năm 1995 dưới hình thức “tabloid”, thuộc công ty Next Digital do nhà tỷ phú Jimmy Lai sáng lập, và được phát hành song song với tạp chí giải trí Next Magazine. Một cuộc thăm dò do Viện Đại học Chinese University of Hong Kong thực hiện năm 2019 cho thấy Apple Daily đứng hàng thứ ba trong danh sách những cơ quan truyền thông được dân chúng tín nhiệm.

Kể từ sau biến cố Thiên An Môn năm 1989, Apple Daily thường xuyên đăng tải những tin tức bài vở với nội dung lên án Đảng Cộng Sản Trung Hoa cũng như chỉ trích giới lãnh đạo Hồng Kông cam tâm làm tay sai cho Bắc Kinh để đàn áp phong trào dân chủ. Nhà sáng lập Jimmy Lai lại là người ủng hộ mạnh mẽ làn sóng biểu tình trong “Phong Trào Dù Vàng” đòi phổ thông đầu phiếu năm 2014, sau đó còn trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ và đòi dân chủ hóa năm 2019, vì vậy dưới mắt Bắc Kinh ông bị coi là một “kẻ phản quốc”. Hồi tháng 8 năm ngoái khi loan tin về vụ bắt giam Jimmy Lai, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (cơ quan ngoại vi của báo Nhân Dân ở Hoa Lục) gọi ông là “kẻ ủng hộ bạo loạn”, và tố cáo tờ Apple Daily “khích động hận thù, loan truyền tin đồn để bôi lọ chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương ròng rã nhiều năm trời”.

Giáo sư Keith Richburg, giám đốc khoa báo chí truyền thông tại trường Đại học Hong Kong University, nhận định rằng việc tờ Apple Daily bị đẩy đến chỗ phải đình bản là một sự kiện “gây chấn động nhưng không gây ngạc nhiên”, vì kể từ Trung Cộng ban hành “luật an ninh quốc gia” ai cũng đoán trước Apple Daily sẽ trở thành đích nhắm để chính quyền Hồng Kông triệt hạ theo chỉ thị của Bắc Kinh.

Tưởng cần nhắc lại, “luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông” tức “Hương Cảng Quốc Gia An Toàn Pháp” là đạo luật gồm 66 điều do Trung Cộng ban hành ngày 30 tháng 6 năm 2020. Chỉ một ngày sau, chính quyền Hồng Kông đã bắt đầu dùng luật này để tung chiến dịch bắt bớ và truy tố những nhà hoạt động từng khởi xướng hoặc tham gia phong trào biểu tình đòi dân chủ năm 2019. Chiến dịch đàn áp lên tới cao điểm vào ngày 10 tháng 8 với việc bắt giam hai khuôn mặt đấu tranh nổi bật, là nhà tỷ phú truyền thông Jimmy Lai, 71 tuổi, và nữ sinh viên Agnes Chow (Châu Đình), 24 tuổi. Trước đó đã có hai đợt đàn áp, đợt đầu tiên ngày 1 tháng 7 khi người dân xuống đường phản đối luật an ninh, và đợt thứ nhì ngày 30 tháng 7 với số người bị bắt gồm 4 sinh viên và một số nhà hoạt động thuộc nhóm Scholarism tức Học Dân Tư Trào. Cô Agnes Chow vừa mãn án sáu tháng tù hôm 12 tháng 6 năm nay nhưng sẽ phải ra tòa trở lại vì còn bị truy tố về một tội khác.

Trở lại việc tờ Apple Daily bị chính quyền khủng bố và đẩy đến chỗ phải đình bản, Hiệp Hội Ký Giả Hồng Kông (the Hong Kong Journalists Association) ngay tức khắc đã phổ biến thông cáo lên án vụ này, viết rằng: “Chúng tôi khẳng định tự do ngôn luận và tự do báo chí là những giá trị cốt lõi của Hồng Kông. Nếu ngay cả việc viết báo tự do cũng không được khoan nhượng thì Hồng Kông sẽ rất khó được thế giới công nhận là một thành phố quốc tế”.

Thế nhưng tại Trung Hoa Lục Địa, Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị tuyên bố “không một ai hay một tổ chức nào được đứng trên pháp luật”, vì vậy “mọi quyền tự do, kể cả tự do báo chí, cũng không được vượt qua giới hạn an ninh quốc gia”. Đồng thời các bồi bút làm việc cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết bài xã luận hoan nghênh việc đình bản của tờ Apple Daily mà họ gọi là “tờ báo lá cải cổ võ cho chủ trương ly khai”, và tìm đủ mọi luận cứ để biện minh rằng sự kiện này “hoàn toàn không liên quan gì đến tự do báo chí”.

Trong khi đó dư luận thế giới, bao gồm các chính phủ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Nhật Bản, Đài Loan… cùng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều đồng loạt lên tiếng chỉ trích cả hai chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) cử hành “tang lễ tờ Apple Daily” trước sứ quán Trung Cộng tại Paris để thể hiện thái độ phản đối.

Thông cáo của Liên Hiệp Âu Châu, của Ngoại Trưởng Anh Quốc Dominic Raab và của phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Katsunobu Kato đều chia xẻ các nhận định: “Luật an ninh quốc gia đang được dùng để bóp nghẹt tự do báo chí. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tờ Apple Daily phải đình bản là sự kiện làm phương hại những nguyên tắc đa nguyên và tự do truyền thông, vốn rất quan trọng đối với bất cứ xã hội tự do nào”.

Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi ngày Thứ Năm 24 tháng 6 là “một ngày đau buồn cho tự do báo chí tại Hồng Kông và toàn thế giới”. Ông nói thêm: “Sự áp chế càng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đã lên tới mức độ một tờ báo độc lập rất cần thiết cho người dân Hồng Kông phải đình bản. Qua luật an ninh quốc gia quy định hình phạt đối với người thể hiện quyền tự do ngôn luận, và qua những hành động bắt bớ, đe dọa, Bắc Kinh quyết dùng quyền lực để bóp nghẹt báo chí độc lập và dập tắt tiếng nói đối lập. Bắc Kinh đang phủ nhận quyền tự do báo chí của người dân Hồng Kông, xâm phạm quy chế tự trị cũng như các định chế dân chủ tại đây, đi ngược lại những nghĩa vụ đối với quốc tế. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Hồng Kông cũng như tất cả những ai đang đứng lên đòi các quyền tự do căn bản mà họ xứng đáng được hưởng”.

SẬP CHUNG CƯ Ở FLORIDA: 16 NGƯỜI CHẾT, 147 CÒN MẤT TÍCH

Một tuần lễ sau khi tòa chung cư 12 tầng ở Florida bị đổ sập, thân nhân của những người mất tích vẫn tiếp tục có mặt mỗi ngày để cầu nguyện và theo dõi – mặc dù niềm hy vọng càng lúc càng mong manh – đồng thời các toán nhân viên cứu cấp cũng không ngừng đào bới đống gạch vụn để cố gắng tìm thêm người sống sót trong tai nạn kinh hoàng này.

Bà Daniella Levine Cava, Thị Trưởng quận hạt Miami-Dade thông báo rằng số nạn nhân tử vong tính đến Thứ Tư 30 tháng 6 là 16 người, và số còn mất tích là 147 người. Bà Thị Trưởng kêu gọi các cư dân kiên nhẫn chờ đợi, vì việc rà soát danh sách người mất tích rất phức tạp, đòi hỏi phải phối kiểm từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau để tránh trùng hợp.

Cao ốc Champlain Towers South là một chung cư 12 tầng lầu, gồm 136 căn condo, được xây dựng từ năm 1981, tọa lạc tại 8777 Collins Avenue thuộc thị trấn ven biển Surfside của tiểu bang Florida. Vào lúc 1 giờ 20 phút khuya Thứ Tư rạng sáng Thứ Năm 24 tháng 6, đột nhiên tòa cao ốc rung chuyển, rồi một phần chung cư gồm khoảng 55 căn nhà đổ sập xuống trong lúc ai nấy đang say ngủ, chỉ có một số người may mắn thoát kịp ra ngoài. Ít nhất 37 người được giải cứu ngay sau đó, 2 người được đưa vào bệnh viện nhưng 1 người bị thương tích nặng đã qua đời.

Công tác tìm người sống sót đã kéo dài suốt 6 ngày đêm, với máy quét hồng ngoại tuyến, máy dò tiếng động, cùng những thiết bị hạng nặng để đào xới đám gạch đá và bê tông cốt sắt cao như núi. Ngoài hàng trăm nhân viên cứu hỏa của thị trấn Surfside và quận hạt Miami-Dade còn có các nhân viên thuộc cơ quan liên bang FEMA cùng cơ quan USACE của quân đội (U.S. Army Corps of Engineers) đến tăng cường, chưa kể những nhóm tình nguyện viên từ nước ngoài (Israel và Mexico).

Có trở ngại trong đêm đầu tiên vì một ngọn lửa âm ỉ cháy bên dưới đống gạch vụn tạo thành đám khói dày đặc, đến hôm sau mặc dù đã dập tắt lửa nhưng việc cứu cấp vẫn còn rất khó khăn do nhiều đợt mưa lớn và sấm sét. Đáng ngại nhất là theo dự báo thời tiết sẽ có một cơn trốt (tropical cyclone) kéo tới vùng Miami Beach trong vài ngày nữa.

Mặc dù vậy, cho tới Thứ Tư tuần này các giới chức chính quyền – như bà Daniella Levine Cava (Thị Trưởng Miami-Dade), ông Charles Burkett (Thị Trưởng Surfside), ông Alan Cominsky (giám đốc Sở Cứu Hỏa Miami-Dade) – đều nói rằng sẽ tiếp tục công tác tìm người sống sót (search and rescue) chứ chưa chuyển qua giai đoạn thu thập tử thi (search and recovery), vì vẫn nuôi hy vọng cứu được những người bị kẹt dưới nhiều tầng gạch đá vôi vữa.

Tin tức cho biết trong số 16 nạn nhân tử vong được xác định lý lịch qua DNA, có 14 người mang quốc tịch Mỹ và 2 người đến từ Venezuela. Những người còn mất tích mang nhiều quốc tịch khác nhau, ngoài 94 người Mỹ còn có 20 người từ Israel, 9 người từ Agentina, 6 người từ Colombia, 6 người từ Paraguay, 4 người từ Venezuela, 4 người từ Canada, 3 người từ Uruguay, 1 người từ Chile, 1 người từ Anh Quốc.

Một hàng rào gần bên tòa chung cư bị sập đã trở thành nơi đặt cả ngàn vòng hoa và những tấm thiệp viết lời phân ưu, cầu nguyện, cùng ảnh chụp những người mất tích do cư dân trong vùng mang tới để thể hiện sự chia xẻ và tình đoàn kết.

Tòa Bạch Ốc loan báo Tổng Thống Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden sẽ đến Florida ngày Thứ Năm 1 tháng 7 để thăm viếng và ủy lạo gia đình các nạn nhân, cũng như để cảm ơn những nhân viên cứu cấp đã làm việc không ngừng suốt tuần lễ vừa qua. Theo lời Tùy Viên Báo Chí Jen Psaki thì Tổng Thống Biden tin rằng các cơ quan hữu trách cần phải mở cuộc điều tra để tìm hiểu nội vụ.

Hiện vẫn chưa rõ những nguyên nhân nào đã khiến cho một phần tòa cao ốc 12 tầng thình lình bị đổ sập đưa tới tai nạn thảm khốc này. Chánh Biên Lý Katherine Fernandez Rundle của quận hạt Miami-Dade phổ biến thông cáo báo chí cho biết bà “sẽ yêu cầu Đại Bồi Thẩm Đoàn chính thức điều tra nội vụ”, nhằm hướng dẫn việc bảo vệ an toàn cho các cư dân, tránh xảy ra trường hợp tương tự, đồng thời có thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân hay cơ sở kinh doanh có liên quan.

Theo một bản phúc trình của công ty tư vấn Morabito Consultants –viết từ tháng 10 năm 2018 nhưng mới vừa được công bố – thì có một kỹ sư đã tìm thấy bằng chứng cấu trúc bên dưới sàn của hồ bơi trong khu chung cư bị hư hỏng, cùng với nhiều “vết nứt đáng kể” của bê tông dưới hầm để xe.

Vào tháng 4 năm nay bà Jean Wodnicki với tư cách chủ tịch hội đồng điều hành cũng đã viết thư gửi Hiệp Hội Quản Trị khu chung cư (Champlain Towers South Condominium Association), nói rằng kể từ sau kỳ thanh tra cách đây hai năm rưỡi (2018), hầm để xe ở tầng dưới tiếp tục “hư hỏng ở mức nghiêm trọng”, và bê tông cốt sắt của cao ốc “càng lúc càng xuống cấp”. Bà Wodnicki viết trong lá thư dài 7 trang giấy: “Chúng ta đã thảo luận, bàn bạc, tranh cãi nhiều năm nay rồi”, những vẫn chưa xúc tiến việc tu bổ.

Ngoài ra, một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Florida International University nói với báo USA Today rằng kể từ thập niên 1990 tòa cao ốc Champlain Towers đã bị lún với mức độ đáng quan ngại, khoảng 2 mi-li-mét (0.079 inch) mỗi năm, và đây là tình trạng chung của các cao ốc vùng Miami Beach. Ngoài ra, mực nước biển tăng lên hàng năm do hiện tượng biến đổi khí hậu cũng có thể là một yếu tố góp phần gây tai họa.

Tại Quốc Hội, Dân Biểu Debbie Wasserman Schultz (đại diện Địa Hạt 23 của Florida) họp báo nói rằng bà hy vọng các nhận định sơ khởi của Cơ Quan NIST (National Institute of Standards and Technology) sẽ đưa đến kết luận về nhu cầu xúc tiến một cuộc điều tra sâu rộng nhằm tìm hiểu những nguyên nhân khiến chung cư Champlain Towers South bị đổ sập, giúp Quốc Hội thay đổi một số luật lệ về kiến trúc nếu cần thiết. NIST là cơ quan liên bang thuộc Bộ Thương Mại, đã điều tra vụ cao ốc World Trade Center bị đổ sập do khủng bố tấn công năm 2001, vụ lốc xoáy tàn phá hạ tầng cơ sở vùng Joplin (Missouri), vụ Bão Maria tàn phá Puerto Rico năm 2017 v.v… Nếu NIST bắt tay vào vụ này, cuộc điều tra có thể kéo dài vài năm mới kết thúc.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, BBC, VOA, USA Today, The Guardian ngày 1/7/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*