Tản Mạn Về Ngày Của Cha

Trong ngày Father’s Day, Ngày của Cha, tôi không chờ lời chúc mừng và sự tri ân của các con tôi. Tôi lại muốn viết cho chúng như một lời tâm tình, cám ơn chúng đã đến và cùng tôi trải qua cuộc đời này. Kể từ ngày sống trên đất nước mà hằng năm dành ra một ngày kỷ niệm nhớ về công ơn của những người Cha, người Ba, người Bố, người Thầy, người Cậu, người Tía… danh xưng theo tập quán của những vùng và những gia đình người Việt Nam khác nhau, được con gọi người cùng Mẹ tạo nên hình hài vóc dáng hay nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành của mình, tôi nghĩ tản mạn về tấm lòng của bậc làm Cha. Người Mỹ thì chỉ gọi Father hoặc gọi thân thương như Daddy hay ngắn gọn hơn là Dad.

Đó là điều của cô Sonora Louis Smart Dodd, ở thành phố Spokane thuộc tiểu bang Washington, đặt ra vào năm 1909, khi đã có ngày vinh danh người Mẹ thì tại sao không có ngày vinh danh người Cha. Mẹ cô mất khi sanh nở em cô khi cô mới 16 tuổi và Cha cô, một người lính trong cuộc nội chiến đã nuôi dưỡng đứa con sơ sinh và năm chị em cô khôn lớn. Cô đã nỗ lực đi tìm sự công nhận này và mãi đến năm 1972, mong ước của cô Sonora mới chính thức trở thành ngày vinh danh Cha trên toàn nước Mỹ sau quyết định của Tổng thống Richard Nixon, bằng việc chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu thường niên, để tô hồng thêm niềm nhớ công ơn Cha trong suốt năm dài. Cô đã nhìn thấy được ngày cao cả này trước khi mất sáu năm sau đó ở tuổi 98.

Cũng lạ, một đất nước có tỉ lệ vợ chồng ly dị rất cao đến độ mọi người xem đó như là chuyện bình thường thì lại đặt ra ngày tưởng nhớ đó. Thử xem, chẳng phải nghèo khó mà ly dị; chẳng phải kém học thức mà thôi nhau; chẳng phải thường dân mà bỏ nhau; chẳng phải còn trẻ người non dạ mà bảo nông nổi cưới chưa được bao lâu đã dắt nhau ra tòa; mà có đầy đủ mọi tầng lớp, mọi tuổi tác trong xã hội tham dự vào cái hiện tượng thể hiện sự tự do cá nhân cao độ ấy, và kỳ lạ là chính những gia đình ở vào tầng lớp ngược lại trong sự liệt kê ấy lại có phần nhiều hơn, nghĩa là giàu có, có học thức bằng cấp đầy mình, quan chức cao cấp, tuổi đã làm ông bà.

Có điều gì ẩn đằng sau sự gắn bó bền bỉ của những bậc Cha Mẹ trong những gia đình khó khăn ấy? Phải chăng nước Mỹ đặt ra ngày này không chỉ nhằm ý nghĩa là con cái nhớ công ơn của Cha mà còn muốn chính những người làm Cha và Mẹ cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc hình thành nhân cách cho con? Bao nhiêu chuyện đau buồn đáng tiếc đã xảy đến với những đứa con bị mất tình Cha. Ca dao Việt Nam có câu nói lên sự bất hạnh khi bị thiếu Cha:

Thứ nhất là mồ côi cha,
Thứ hai gánh vả, thứ ba ngược đò.

Hay

Mồ côi Cha ăn cơm với cá,
Mồ côi Mẹ lót lá nằm đường.

Đời người ví như dòng sông trôi qua bao nhiêu ghềnh thác mới có lúc chảy nhẹ nhàng trên bình nguyên. Có ai đã từng chèo đò ngược dòng, đầy khó khăn, mệt mỏi. Giữa ngã ba, những con sông gặp nhau tạo nên những xoáy nước, trắc trở lại càng gian nan bội phần.

Ngay tại Việt Nam, các ngày tưởng nhớ đến bậc sinh thành cũng chỉ du nhập từ các nước khác vào những năm sau này, còn thì trước đó cũng nhạt nhòa dù đạo hiếu luôn được đề cao. Ngày đầu năm mới thì chúc thọ, mừng tuổi cha mẹ. Tháng Bảy có lễ Vu Lan dành cho Mẹ. Những người bây giờ vào độ tuổi năm mươi, sáu mươi, khi còn bé mấy ai biết cái gọi là sinh nhật, ngoại trừ cái sinh nhật đầu tiên của cuộc đời, gọi là Lễ Mừng Thôi Nôi, hay còn gọi là Lễ Đầy Năm. Thời ấy chúng ta cũng không mừng sinh nhật của Cha Mẹ mình, phải đợi khi Cha Mẹ sống đến tuổi thọ, từ sáu mươi trở đi, thì những gia đình khá giả mới làm lễ mừng khánh thọ, nhưng cũng mười năm mới tổ chức một lần. Ngày Vu Lan nhớ Mẹ bắt nguồn từ tôn giáo và cũng không phổ biến như một tập quán xã hội.

Đã hơn 46 năm, những người Cha Mẹ ở miền Nam Việt Nam đã hy sinh rất nhiều để bảo vệ đàn con. Những ngày dài sống dưới chế độ cộng sản của người dân miền Nam Việt Nam là những đau thương và mất mát. Người dân miền Nam nhanh chóng rơi vào sự đói nghèo, trở thành những công dân hạng hai, hạng ba dưới mắt kẻ cầm quyền. Cuộc hôn nhân của tôi đánh dấu bằng một đám cưới đầy những cân nhắc, suy tính bởi sự khốn khó vây chặt. Gia đình trút hết đồng bạc cuối cùng, bạn bè xúm vào giúp đỡ, vay mượn để có thể làm nên một đám cưới cho ra hồn ra vẻ. Vợ chồng tôi mong có con nhưng không thể vội vã. Đời sống với khó khăn sẵn có như cảnh báo điều bi đát hơn nữa nếu gia đình có thêm một đứa trẻ ra đời.

Trong sự “vô sản” chung, đứa con sẽ là vật sở hữu quý báu mà một đôi vợ chồng có được. Chúng tôi muốn làm Cha Mẹ, muốn nhìn thấy hình ảnh truyền đời của mình và bởi vì Cộng sản dập tắt tương lai của thế hệ thanh niên miền Nam, chúng tôi muốn sự thành nhân của các con sẽ là của chính chúng tôi như ngày xưa chúng tôi đã vạch ra. Bao nhiêu bậc Cha Mẹ đã đổ dồn hết sức lực để mong tương lai tươi sáng đến với con mình và nhìn vầng sáng đó như cũng rọi lên chính mình.

* * *

Đứa con được sinh ra như một sự tiếp nối của bản thân chúng ta. Trong chúng có hình ảnh của ta: khuôn mặt, dáng vẻ, tính tình, trí thông minh, năng khiếu… và cả nguồn bệnh tật, khiến chúng ta mong muốn các con lớn khôn, khỏe mạnh và giỏi giang. Mọi việc chúng ta làm cũng chỉ mong sự tốt đẹp đến với chúng. Nếu chúng thành công trong học vấn hay công danh, chúng ta hãnh diện. Nếu chúng không thành công, chúng ta an ủi, vỗ về, khuyên lơn hay khích lệ. Nếu chúng hư hỏng, chúng ta dễ dàng tha thứ và dùng tình thương dìu chúng về đường ngay. Được làm Cha Mẹ trở nên một bổn phận là cung cấp cho xã hội những công dân có đủ khả năng gánh vác việc xã hội. Những người chẳng may không có con đẻ, cố gắng nuôi con nuôi, nuôi cháu thì chính đó là những người có ý thức và sự ham muốn lớn lao được lãnh trách nhiệm của bậc Cha Mẹ.

Tôi nghĩ không chỉ có trẻ con mới đưa ánh mắt nhìn về Cha để mong nhận lời khen ngợi khi làm được một việc giỏi mà những người lớn tuổi, đã thành gia thất vẫn cố gắng làm việc mang lại tiếng thơm cho gia đình, dòng họ chỉ để làm hài lòng người Cha già. Điều mong ước của người Cha già đã trở thành mục tiêu phấn đấu cho người con. Nếu người Cha không ý thức thiên chức của mình liệu có nhấm nháp được niềm hạnh phúc và hãnh diện từ ánh mắt và kết quả học hành hay làm việc do người con mang lại? Nếu không tận lực thực hiện trách nhiệm dạy con thì làm sao có thể hưởng thành quả của sự kỳ vọng? Tôi đã đọc biết bao nhiêu câu chuyện về những tấm gương thành công của những người con Việt xa xứ. Luôn có bóng dáng của những người Cha đằng sau ánh hào quang ấy và tôi cũng chắc chắn có ánh mắt của những người con dõi về hình bóng của Cha mình. Nếu người Cha đã quá vãng, niềm thương cảm trong giây phút thành công còn lớn lao hơn nhiều.

Có rất nhiều những người Cha hy sinh hạnh phúc riêng tư để ở vậy nuôi con. Dù đã ở vào lứa tuổi trung niên, nhưng trên xứ sở này họ hoàn toàn dễ dàng thêm bước hôn nhân một lần nữa. Vì tương lai của các con, họ gánh thêm vai trò người Mẹ và làm viên gạch lót đường cho con vững bước. Những người Cha, người Mẹ sau những biến cố gia đình trong lòng biến cố đất nước đã chấp nhận cô thân chỉ vì tương lai của các con. Có thể họ không còn nhìn thấy ai thay thế được người bạn đường đã mất nhưng chắc chắn họ nhìn thấy được vị trí, tình thương, trách nhiệm và điểm tựa nơi con người của họ đối với những đứa con. Chúng là niềm sống, niềm hạnh phúc và tương lai sáng rỡ của chúng là mục đích để họ thể hiện trách nhiệm làm Cha, làm Mẹ.

Có một câu chuyện viết về một người Cha – trước ánh mắt lúc hấp hối của người vợ lo lắng về mai sau của các con – đã hứa sẽ ở vậy nuôi con. Người vợ mỉm cười ra đi. Người chồng mang đàn con sang Mỹ và các con của ông vì tình thương của Cha Mẹ đều cố gắng trở thành người tốt. Ở tuổi 80, ông vẫn thương nhớ người vợ hiền khôn nguôi nhưng hạnh phúc giăng đầy tâm hồn vì đã làm trọn vai trò người Cha. Đó không phải là câu chuyện đặc biệt hoặc hiếm hoi. Có rất nhiều những chuyện như thế.

Không chỉ người Mẹ hoài thai chín tháng mười ngày, đớn đau vượt cạn mới thương con mà người Cha cũng đau đáu ngần ấy ngày mong con chào đời. Tình thương con hình thành nên trách nhiệm và sự hy sinh của người Cha người Mẹ và cũng để thực hiện thiên chức toàn vẹn, các tôn giáo cũng đã có những lớp dạy những đôi thanh niên chọn đời sống lứa đôi học cách làm Cha Mẹ. Ngày lễ của Cha nên được suy nghĩ bởi cả hai phía: Người Con và Người Cha. Người Con nhớ đến công ơn Cha để cố gắng sống hiếu đạo, học hành hoặc làm việc để trở nên người hữu ích cho gia đình, xã hội; và Người Cha nhìn lại trách nhiệm để hoàn thiện sự dạy dỗ con.

Một câu chuyện để kết:

Một cô bé cùng cha bước qua một chiếc cầu. Người cha bảo: “Con nắm tay cha kẻo ngã xuống sông”. Cô bé trả lời: “Không! Cha hãy nắm tay con!”. Người cha cười: “Thì cũng thế!”. Cô bé lắc đầu: “Nếu con nắm tay cha, khi ngã con sẽ hốt hoảng và buông tay, còn khi cha nắm tay con thì dù có thế nào đi nữa, con biết, cha sẽ không bao giờ buông bỏ con”. Người cha chợt thấy khóe mắt mình cay cay.

Lê Khánh Long

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*