“Báo Cáo Đồng Tâm” – Từ Cuộc Tấn Công Thô Bạo Đến Những Vụ Xử Án Man Rợ

“Báo Cáo Đồng Tâm – A Report on the Dong Tam Village Attack”, do hai nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn thực hiện và công bố vào cuối tháng 9 năm 2020, là ấn bản thứ ba của tài liệu 128 trang, dưới hình thức e-book, gồm 11 chương và 5 phụ lục, bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt.

Qua tin nhắn ngày 29 tháng 9 năm 2020 – một tuần lễ trước khi bị bắt – Phạm Đoan Trang tâm sự với các bạn trên mạng xã hội Facebook:

Bản Báo cáo Đồng Tâm lần thứ nhất được công bố ngày 16/01, đúng một tuần sau vụ tấn công ‘trứ danh’ của công an vào Đồng Tâm. Ấn bản đầu tiên đó được viết bằng tiếng Anh, và mình lần đầu tiên trong đời bị một đợt mất ngủ kỷ lục: mỗi ngày chỉ ngủ khoảng 3 tiếng. Đúng một tháng sau vụ tấn công, ngày 9/2, ấn bản thứ hai ra đời, song ngữ Anh Việt. Hơn bốn tháng sau, vào ngày 24/6, ba trong số năm tác giả và biên tập viên của Báo cáo đã bị bắt. Đó là chị Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương  Trịnh Bá Tư. Chỉ còn trơ lại Will Nguyễn và mình. Ngày 25/9, ấn bản thứ ba, đầy đủ nhất từ trước tới nay của ‘Báo cáo Đồng Tâm’ ra mắt độc giả, cũng song ngữ và dày gấp đôi ấn bản tháng hai. Và mình vẫn kịp lập một kỷ lục cá nhân kỳ lạ: Sụt 7 kg trọng lượng cơ thể”.

Đó là những hàng chữ sau cùng mà blogger Phạm Đoan Trang được tự do viết và gửi đến các thân hữu của cô. Một tuần lễ sau đó, cô bị công an bắt vào lúc 11 giờ rưỡi tối Thứ Ba 6 tháng 10 năm 2020. Vụ bắt giữ xảy ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi kết thúc cuộc Đối Thoại Nhân Quyền Việt-Mỹ (dưới hình thức trực tuyến) kỳ thứ 24.

Ngày 7 tháng 10, các báo tại Việt Nam trích dẫn nguồn tin từ Bộ Công an cho biết “Công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với một số đơn vị của bộ và Công an TP.HCM thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang (tức Phạm Đoan Trang, 42 tuổi, trú quận Đống Đa, Hà Nội) ở một địa điểm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3, TP.HCM”. Vẫn theo nguồn tin này: “Hiện bà Trang đã bị di lý về Hà Nội để phục vụ công tác điều tra”, và “Cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Phạm Thị Đoan Trang về tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự 1999, và ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự 2015”.

Về “ba trong số năm tác giả và biên tập viên của Báo Cáo Đồng Tâm” mà blogger Phạm Đoan Trang nhắc tới, bà Cấn Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, cùng với bà Nguyễn Thị Tâm – cả bốn người đều là dân oan, sau trở thành những nhà hoạt động đấu tranh nhân quyền – bị bắt tại Hà Nội và tỉnh Hòa Bình hôm Thứ Tư 24 tháng 6 năm 2020. Đây là lần thứ ba bà Thêu bị bắt. Năm 2014 bà bị kết án 15 tháng tù, và ông Trịnh Bá Khiêm là chồng bà bị kết án 12 tháng tù, vì phản đối chính quyền cưỡng chế đất đai của gia đình họ ở phường Dương Nội, Hà Đông. Ra tù, bà Thêu tiếp tục đấu tranh đòi đất. Năm 2016 bà bị bắt lần thứ nhì và kết án 20 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 19 tháng 4 năm 2021 (tức mới cách đây hơn một tuần lễ), qua tin nhắn trên mạng xã hội Facebook, luật sư Lê Văn Luân cho biết bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư sẽ bị đưa ra xử trước tòa án sơ thẩm tỉnh Hòa Bình vào ngày 5 tháng 5 tới đây, với tội trạng bị cáo buộc là “Làm, tàng trữ, phát tán và tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự 2015”. Luật sư Lê Văn Luân không nhắc đến người con trai lớn của bà Thêu là Trịnh Bá Phương. Trước đó một tháng, nguồn tin từ các thân hữu trên mạng xã hội cho biết anh Phương bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì anh “nhất định không khai, không nói gì với công an thẩm vấn”.

Trong hồ sơ truy tố mẹ con bà Cấn Thị Thêu, công an CSVN nói rằng đã khám xét, tịch thu “một số tài liệu in và viết tay có nội dung liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống nhà nước, cùng với hơn 10 đĩa CDC, DVD, USB, ba điện thoại di động”. Tài liệu in bị tịch thu là các cuốn sách đã xuất bản của Phạm Đoan Trang như “Chính Trị Bình Dân”, “Cẩm Nang Nuôi Tù”, “Đặt Bàn Tay Lên Việt Nam”, “Phản Kháng Phi Bạo Lực”… Tuy nhiên giới tranh đấu ở Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính khiến mẹ con bà Thêu sắp trở thành nạn nhân của một vụ xử án bỏ túi là do vai trò của họ trong việc thực hiện bản “Báo Cáo Đồng Tâm”, vì Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư là hai trong số những người ít ỏi được dân làng Đồng Tâm tin cậy, cung cấp tin tức để vạch trần sự thật về vụ tấn công ngày 9 tháng 1 năm 2020.

PHẠM ĐOAN TRANG: NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ…

Trở lại với tác giả chính của “Báo Cáo Đồng Tâm”. Trong lá thư viết sẵn từ năm 2019 gửi Will Nguyễn và yêu cầu công bố sau khi cô bị bắt, blogger Phạm Đoan Trang đã nói rõ tâm nguyện của cô. Nội dung lá thư với tiêu đề “Nếu Tôi Có Đi Tù…” như sau:

Sài Gòn, ngày 27/5/2019

Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi,

Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.

Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.

Tôi trông cậy vào các bạn. Xin giúp tôi hoàn thành các mục đích sau, nếu tôi có phải vào tù. Trân trọng cảm ơn tất cả.

1. VẬN ĐỘNG THÔNG QUA LUẬT BẦU CỬ MỚI, LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI MỚI

Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó.

Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.

2. QUẢNG BÁ CÁC CUỐN SÁCH TÔI VIẾT 

Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói.

Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:

a) Chính trị bình dân;
b) Cẩm nang nuôi tù;
c) Phản kháng phi bạo lực;
d) Politics of a Police State (tiếng Anh);
e) Chúng ta làm báo;
f) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

3. BIẾN VIỆC ĐI TÙ THÀNH CƠ HỘI ĐỂ TẬN DỤNG 

Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho một tù nhân lương tâm và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: Ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự do, và phớt lờ tất cả các yêu cầu cải cách thể chế.

Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới. Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Nói cách khác, tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang”. Tôi muốn một phong trào xã hội rộng lớn, thúc đẩy việc “trả tự do cho Trang và thông qua luật bầu cử mới”, “trả tự do cho Trang và bảo đảm bầu cử tự do, công bằng”, v.v…

TÓM TẮT BA MỤC (1), (2) VÀ (3)

Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:

Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc “Tôi ủng hộ Đoan Trang, nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”hoặc “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”, hoặc “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội.

VÀI ĐIỂM XIN CÁC BẠN LƯU Ý THÊM: 

1. Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều; xin bảo vệ họ.

2. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.

3. (Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật. Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội.

4. Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.

5. Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án – một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyền tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.

6. Không ưu tiên tôi hơn các tù nhân lương tâm khác.

7. Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ ba hoặc thứ tư (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu trên. Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.

Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.

(Ký tên) Phạm Đoan Trang

Gần một năm rưỡi sau khi viết lá thư trên đây, blogger Phạm Đoan Trang bị công an bắt. Lá thư được nhà hoạt động Will Nguyễn – bạn của cô và là đồng tác giả của “Báo Cáo Đồng Tâm” – công bố ngày 7/10/2020 trên các cơ quan truyền thông. Will Nguyễn (Nguyen William Anh) là công dân Mỹ cư ngụ ở Houston, Texas, bị công an CSVN bắt giam và truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng” vì từ Singapore về Việt Nam tham gia cuộc biểu tình ngày 10/8/2018 tại Sài Gòn để phản đối dự luật Đặc Khu và luật An Ninh Mạng, đến ngày 20/7/2018 ra tòa và bị tuyên án “trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

Ngay sau khi hay tin blogger Phạm Đoan Trang bị bắt, các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ như Phạm Thanh Nghiên, Bạch Hồng Quyền, Mạnh Kim, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Quang A… đều nhận định rằng nguyên nhân dẫn đến vụ bắt giữ chính là “Báo Cáo Đồng Tâm”, như blogger Phạm Thanh Nghiên viết trên mạng xã hội Facebook: “Tôi không ngạc nhiên về việc bạn tôi bị bắt, nhất là sau những gì cô ấy viết về Đồng Tâm và bản báo cáo mới phổ biến trên truyền thông”.

ĐỒNG TÂM: NHỮNG BẢN ÁN “GIẾT NGƯỜI BỊT MIỆNG”

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã giải quyết vụ công an đột kích xã Đồng Tâm hồi đầu năm 2020 bằng cách vu cáo tội “giết người thi hành công vụ” cho 29 nạn nhân bị cưỡng chế đất, biến họ thành tội phạm trong một phiên tòa được dàn dựng, để một mặt trả thù cho ba sĩ quan công an chết cháy, mặt khác để ngăn chận làn sóng phẫn nộ của dân oan khắp nơi đang chống đối chính sách cướp nhà cửa, chiếm ruộng đất.

Phiên tòa kéo dài 4 ngày và kết thúc hôm Thứ Hai 14/9/2020 với 2 bản án tử hình và 27 bản án tù, đã lập tức bị các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối mãnh liệt, và thủ đoạn xử án theo “luật rừng” bất chấp mọi nguyên tắc pháp lý bị người dân trong nước liên tục vạch trần qua những bài viết tràn ngập mạng xã hội.

Hai anh em ruột là ông Lê Đình Công, 56 tuổi, và ông Lê Đình Chức, 40 tuổi (con của nạn nhân quá cố Lê Đình Kình) bị tuyên án tử hình. Con trai ông Công là Lê Đình Doanh, 32 tuổi, bị kết án tù chung thân. Ba người khác cũng bị buộc tội “giết người thi hành công vụ” là ông Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi, bị kết án 16 năm tù, ông Nguyễn Văn Tuyển, 46 tuổi, bị kết án 12 năm tù, và ông Nguyễn Quốc Tiến, 40 tuổi, bị kết án 13 năm tù. Tòa án đổi tội danh “giết người” thành “chống người thi hành công vụ” cho 23 người còn lại, trong đó 6 người lãnh án từ 5 đến 6 năm tù giam, 3 người lãnh án 3 năm tù giam, chỉ có 14 người lãnh án tù treo từ 15 tháng đến 30 tháng.

Các luật sư biện hộ đã lên mạng xã hội để phanh phui việc công an ép cung và cắt ghép video clip nhằm cáo buộc tội trạng cho 29 người dân xã Đồng Tâm. Ngay tại phiên tòa, đa số xác nhận là họ bị tra tấn, buộc phải nhận tội – ông Lê Đình Công khi được luật sư chất vấn đã trả lời rằng ông “bị tra tấn 10 ngày như một”. Thân nhân của các “bị cáo” mà cũng là những nhân chứng của vụ án đều không được phép vào phòng xử, và thẩm phán bác bỏ lời yêu cầu của luật sư đòi thực nghiệm lại hiện trường vụ án. Mặt khác, các luật sư biện hộ như Ngô Anh Tuấn, Lê Văn Luân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Văn Miếng… nói với đài BBC là họ bị cản trở sao chép tài liệu, bị cấm không cho tiếp xúc thân chủ, thậm chí còn bị những “người lạ mặt” theo dõi và hăm dọa hành hung.

Tưởng cần nhắc lại nguyên ủy cuộc cưỡng chế đất ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, mà báo chí nhà nước cộng sản Việt Nam gọi là “vụ tranh chấp 208 hecta đất đai ở cánh đồng Sênh vốn là đất quốc phòng để xây dựng sân bay Miếu Môn”. Trên thực tế, dự án “sân bay Miếu Môn” không hề được thực hiện suốt 35 năm kể từ 1980, cho đến ngày 27/3/2015 nhà nước mới ra quyết định thu hồi đất – trong đó có 59 hecta đất canh tác của dân – để bán cho Tập Đoàn Viễn Thông Viettel.

Ngày 15 tháng 4 năm 2017, cảnh sát cơ động đột nhập xã Đồng Tâm, bắt 4 người dân để làm áp lực thực hiện chiến dịch cướp đất, nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt. Dân xã Đồng Tâm bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và công an làm con tin. Chủ tịch ủy ban nhân dân Hà Nội là Nguyễn Đức Chung phải xuống nước, hứa “không truy cứu trách nhiệm hình sự”, nhưng chỉ là hứa suông, vì đến ngày 13/6/2017 công an vẫn ra quyết định “khởi tố điều tra vụ án hình sự”.

Vào lúc 4 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, một lực lượng gồm hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động và quân đội với xe bọc thép được điều động để mở cuộc đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm. Trước đó nhà nước đã cắt điện, cắt Internet, cấm phóng viên báo chí đến vùng này, đồng thời cho dư luận viên tung tin thất thiệt tràn ngập báo chí và mạng xã hội với hình ảnh dao búa, bom xăng, lựu đạn… nhằm vu cáo người dân Đồng Tâm là khủng bố, chống chính quyền, phá hoại an ninh trật tự v.v… Trong cuộc đột kích, cụ Lê Đình Kình – 84 tuổi, đảng viên Cộng Sản với 58 tuổi đảng, nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân kiêm bí thư đảng ủy xã, và là người đứng đầu nhóm dân oan chống cưỡng chế đất – bị bắn vào tim và đầu, chết ngay tại chỗ. Nhà cụ Kình bị đặt mìn nổ sập. Ba sĩ quan công an CSVN rớt xuống hố và chết cháy. Mấy chục dân oan xã Đồng Tâm kể cả nam phụ lão ấu bị bắt và truy tố về các tội “giết người thi hành công vụ” “chống người thi hành công vụ”.

Ngay sau khi kết thúc phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) và Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã lên tiếng phản đối mãnh liệt phiên tòa “bỏ túi” ngày 14/9 của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Thông cáo báo chí của Ân Xá Quốc Tế nhận định “đây là một bản án vô nhân đạo sau một phiên tòa bất công trắng trợn, làm dấy lên phản ứng bất bình của công luận”, và tố cáo: “19 trong số 29 bị cáo nói rằng họ đã bị tra tấn để phải nhận tội; điều này làm suy yếu nghiêm trọng mức độ khả tín của bản án, thúc đẩy việc mở một cuộc điều tra độc lập và minh bạch”. Thông cáo báo chí viết tiếp “Trước đây Ân Xá Quốc Tế đã ghi nhận việc tra tấn thường xảy ra với những người bị giam giữ ở Việt Nam”, và kết luận: “Tử hình là hình phạt tàn ác, vô nhân đạo và vô nhân tính tột cùng. Ân Xá Quốc Tế phản đối hình phạt tử hình trong mọi trường hợp, không có ngoại lệ”.

Cùng ngày 14/9, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Á Châu Sự Vụ của Human Rights Watch phát biểu: “Các bản án nặng nề đối với các bị cáo Đồng Tâm, bao gồm hai án tử hình, không có gì đáng ngạc nhiên. Giống như tất cả các tòa án ở Việt Nam, tòa án Hà Nội không hề độc lập vì phải tuyên các bản án đã được Đảng Cộng Sản định trước”. Vẫn theo ông Robertson: “Nhà cầm quyền Việt Nam đang nỗ lực thể hiện thái độ cứng rắn tối đa đối với dân làng Đồng Tâm bởi vì họ lo ngại sự phản đối trong dân chúng sẽ lan rộng, đó là lý do các bị cáo phải chịu những hình phạt nghiêm khắc nhất. Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng Sản sắp diễn ra chỉ trong vài tháng tới, cho nên không thể để xảy ra bất cứ điều gì khác ngoài một phiên tòa vội vã, thông qua một tòa án bị kiểm soát, để giáng lên đầu các bị cáo những hình phạt thật nặng nề”.

Từ Việt Nam, blogger Phạm Đoan Trang viết: “Không thể chỉ dùng cụm từ ‘sai quy trình, thủ tục tố tụng’ để miêu tả phiên xét xử 29 người dân Đồng Tâm tại Hà Nội. Sự thật kinh khủng hơn thế: Đây là một phiên tòa được lập ra để hợp thức hóa việc giết người, diệt khẩu”.

Gần nửa năm sau phiên xử sơ thẩm, tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 xử y án đối với 6 người nộp đơn kháng cáo. Bản tin đài Á Châu Tự Do (RFA) ghi nhận: “Hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức (cả hai đều là con trai ông Lê Đình Kình) bị y án tử hình, anh Lê Đình Doanh (cháu nội ông Kình) bị y án tù chung thân, ông Bùi Viết Hiểu bị y án 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến bị y án 13 năm tù, tất cả đều về tội “giết người thi hành công vụ”, và bà Bùi Thị Nối bị y án 6 năm tù về tội “chống người thi hành công vụ”.

Đài RFA cho biết: “Chỉ hơn một tuần sau phiên phúc thẩm, các luật sư bào chữa đã nhận được bản án vụ án. Đây được cho là việc làm nhanh một cách bất thường, thậm chí đáng ngờ từ cơ quan chức năng.

“Ngoài những chia sẻ của các luật sư, một điều được cho là khá bất ngờ với các luật sư là Kế hoạch 419A. Kế hoạch này do Công an Hà Nội soạn thảo và Bộ Công an phê duyệt, được xem là “đèn xanh” cho phép chính quyền huy động hàng nghìn cảnh sát bao vây và tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trong đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.

“Khi nhắc đến bản Kế hoạch 419A trong phiên tòa, luật sư bên bị hại vô tình tiết lộ rằng đó là tài liệu tối mật, không thể công bố công khai.

“Đến nay, nội dung Kế hoạch vẫn nằm trong vòng bí mật, cho dù các luật sư bào chữa cho rằng phải công bố để làm rõ việc công an, cảnh sát cơ động tấn công vào Đồng Tâm có vượt quá chức năng, nhiệm vụ công vụ của công an hay không. Nếu Kế hoạch 419A là trái pháp luật, thì những người chịu trách nhiệm chính, những người ban hành ra kế hoạch đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và kết quả các bản án có thể thay đổi”.

“Trước phiên xử phúc thẩm một tuần, 14 luật sư bào chữa cho 6 người kháng án đã gởi đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án. Kiến nghị một lần nữa yêu cầu công bố nội dung của bản Kế hoạch 419A, nhưng không hề được đáp ứng. Một yêu cầu khác là thực nghiệm hiện trường nơi mà cơ quan chức năng nói đã thiêu cháy ba chiến sĩ công an. Yêu cầu này luôn bị khước từ”.

Vẫn theo đài RFA, “hai người dân bị tuyên án tử hình trong vụ Đồng Tâm là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức từ chối viết đơn xin ân xá án tử hình gửi Chủ tịch nước, vì cho rằng bản thân không giết người. Thông tin trên được chị Nguyễn Thị Duyên, cháu dâu cụ Lê Đình Kình thuật lại từ cuộc thăm gặp hôm 26/3/2021 tại trại tạm giam số 2 của Công an thành phố Hà Nội”.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA “BÁO CÁO ĐỒNG TÂM”

Ấn bản thứ ba của “Báo Cáo Đồng Tâm” được hai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang và Will Nguyễn công bố vào cuối tháng 9 năm 2020. Trong dịp này, blogger Phạm Đoan Trang đã trả lời cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do (RFA), trình bày về những động lực đưa tới việc cô cùng các thân hữu quyết tâm thực hiện và cố gắng phổ biến “Báo Cáo Đồng Tâm”. Nội dung cuộc phỏng vấn được trích dẫn sau đây nói lên tầm quan trọng của tài liệu này đối với tất cả những người quan tâm đến tình hình Việt Nam hiện nay.

RFA: Trước hết, xin nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang cho biết về mục đích công bố ấn bản thứ 3 của “Báo Cáo Đồng Tâm”, sau khi phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Đồng Tâm kết thúc.

Phạm Đoan Trang: Mục đích của Will Nguyễn và tôi khi làm Báo Cáo này là chúng tôi tin rằng chính quyền Cộng sản, hay các nhà nước độc tài nói chung, thì họ luôn luôn ghét văn bản. Chúng tôi hay nói đùa rằng “Nhà Sản sợ văn bản”. Tức là, cái gì được ghi lại thì họ ghét và sợ. Bởi vì, họ quen với mọi thứ bằng miệng, chỉ đạo miệng hay bằng tin nhắn, lệnh miệng… mà không phải bằng văn bản, để dễ chối tội sau này. Đặc biệt họ rất ghét những hành động sai trái của họ, thậm chí là những tội ác của họ bị ghi chép lại. Ghi lại mà dù chưa bao giờ được công bố thì họ cũng ghét và sợ.

Chính vì thế mà chúng tôi muốn làm Báo Cáo này. Mục đích đầu tiên là có tác dụng lưu trữ. Họ càng không muốn bị ghi lại [vụ án Đồng Tâm] thì chúng tôi ghi nó lại. Và, ghi lại bằng một ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh để cho người đọc trên thế giới biết đến vụ án. Đồng thời, Báo Cáo cũng được ghi lại bằng tiếng Việt để cho người Việt Nam đọc. Mục đích Báo Cáo bằng song ngữ là vậy.

Thứ hai nữa, chúng tôi rất mong đây có thể trở thành một bộ hồ sơ, một công cụ để những người có năng lực và có quan tâm thì có thể đi vận động quốc tế cho vấn đề Đồng Tâm để giúp đỡ cho bà con Đồng Tâm; ít nhất là họ tránh được án tử hình và chấm dứt việc họ bị khủng bố, đe dọa triền miên như thế này.

Chúng tôi rất muốn quốc tế có thể lên tiếng đề nghị để Nhà nước Việt Nam đồng ý cho phía quốc tế mở một cuộc điều tra độc lập về vụ án Đồng Tâm. Tôi biết trên thế giới có những tổ chức có thể làm những chuyện đó một cách độc lập. Thật sự, tôi nghĩ vấn đề Đồng Tâm cũng chẳng cần để chuyên gia quốc tế điều tra độc lập. Bởi vì, những sai phạm của công an đã quá rõ ràng trong quá trình tố tụng. Cho nên, thậm chí họ chỉ cần cho phép điều tra độc lập ở trong nước thôi thì cũng tìm ra được sự thật rồi. Ngày 13/1, tạp chí Luật Khoa đã gửi một bản câu hỏi đến Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Tô Lâm hay Bộ Công an mà trả lời trung thực một trong những câu hỏi đấy thì cũng đầy thông tin. Nghĩa là đối với điều tra độc lập, tôi nghĩ về mặt chuyên môn hay kỹ thuật thì không khó và không cần đến quốc tế. Thế nhưng, chắc chắn khi quốc tế đề nghị thì may ra Nhà nước Việt Nam còn cân nhắc, chứ trong nước thì người dân không thể nào đối thoại với nhà cầm quyền cả.

RFA: Trong nội dung của bản Báo Cáo có những câu hỏi và câu trả lời. Vì sao lại chọn hình thức báo cáo như vậy?

Phạm Đoan Trang: Như vừa mới nói là chúng tôi muốn Báo Cáo được lưu trữ lại và có thể tiếp cận đông đảo độc giả. Chúng tôi cũng muốn Báo Cáo được viết một cách đảm bảo nguyên tắc khoa học, tức là phải chính xác dựa vào sự thật, bằng chứng… nhưng phải được viết bằng cách dễ hiểu, ai đọc cũng hiểu. Tức là, những người không hiểu biết gì về pháp luật, không cần có hiểu biết gì về lịch sử tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, không cần quan tâm đến quy trình là nhà nước đã đền bù chưa… mà chỉ cần đọc Báo Cáo này thì có thể hiểu toàn bộ vụ án đấy. Bằng nhận thức thông thường là có thể hiểu toàn bộ bản chất vấn đề vụ án Đồng Tâm.

RFA: Chúng tôi thấy có một điểm nhấn mạnh trong Báo Cáo mà dường như truyền thông cũng không được biết nhiều. Nhờ chị Đoan Trang cho biết thêm chi tiết, qua Báo Cáo, khi vụ việc Đồng Tâm xảy ra vào đêm rạng sáng ngày 9/1/2020 thì có những thông tin nào được tiết lộ để cho biết rằng đây là một kế hoạch quy mô của Bộ Công an và chính quyền Việt Nam tấn công Đồng Tâm?

Phạm Đoan Trang: Theo như trong Báo Cáo, chúng tôi cũng đã vạch ra một điểm cho thấy rằng là không hề có chuyện công an đi đến bảo vệ việc xây dựng hàng rào Miếu Môn, rồi sau đó bị người dân từ trong làng kéo ra tấn công và công an tấn công ngược lại, truy sát và tiêu diệt các đối tượng, đồng thời vô hiệu hóa cuộc tấn công của bà con trong làng Đồng Tâm. Không có chuyện đó, mà tất cả kế hoạch gọi là “tác chiến” đã được công an chuẩn bị từ lâu và họ chuẩn bị trên cả phương diện quân sự, vũ khí, số lượng quân lẫn phương tiện truyền thông.

Tôi nghĩ ít nhất đã có một cuộc diễn tập từ trước. Vào ngày 2/1, một người dân ở làng Đồng Tâm đã quay được một video clip diễn tập của công an giống y như buổi tấn công vào làng Đồng Tâm. Người quay clip đã gửi clip đó cho người dân làng Đồng Tâm. Sau đó, anh này cũng đã bị bắt. Trong cáo trạng có nêu chuyện đó. Clip này đã được gửi từ ngày 2/1, có nghĩa là công an đã tập dượt từ trước. Ngoài ra, còn rất nhiều các điểm khác cho thấy đã có sự chuẩn bị trước đó. Ví dụ như trên phương diện truyền thông chẳng hạn, họ đã hạn chế nội dung của một số Facebookers nổi tiếng, như Bùi Văn Thuận bị báo cáo hạn chế nội dung vào đúng ngày 8/1, trước khi xảy ra tấn công một ngày. Những Facebookers khác thường hay nhận những lời kêu cứu từ dân làng Đồng Tâm như Phan Văn Bách ở Hà Nội, hay Bùi Thị Minh Hằng ở Vũng Tàu, cũng đều bị khóa Facebook ngay trước giờ họ tấn công. Thật ra từ lúc buổi tối thì không khí đã rất căng thẳng, đã có rất nhiều tín hiệu SOS từ trong làng Đồng Tâm báo ra và tiếp theo là các trang web của làng Đồng Tâm đều bị đánh sập. Và, từ 3 giờ sáng đã có một làn sóng dư luận viên trên mạng chửi bới bà con Đồng Tâm rồi. Nếu không phải dư luận viên hay những người có nhiệm vụ thì chẳng ai thức từ 3 giờ sáng cả. Tức là đã có sự chuẩn bị từ trước rất kỹ càng.

RFA: Qua diễn tiến tại phiên tòa sơ thẩm, báo cáo nhấn mạnh những điểm nào để cho thấy phiên tòa này là không hợp pháp?

Phạm Đoan Trang: Ngay từ đầu phiên tòa này đã không hợp pháp vì đã không đảm bảo quyền được xét xử công bằng (right to fair trial) của các bị cáo. Bởi do tất cả các lời khai mà phía công an có được nhờ vào ép cung và tra tấn. Chỉ điều đó thì đã khiến cho những lời khai trở thành vô giá trị rồi. Thế nhưng chúng ta cũng thấy rằng họ vẫn tiến hành phiên tòa, thậm chí là đây là phiên tòa độc nhất vô nhị trong lịch sử [tư pháp] của thế giới, vì phiên tòa kết tội dựa vào phim tài liệu.

Ngay từ đầu phiên tòa, họ đã cho chiếu một phóng sự tài liệu. Không biết đơn vị sản xuất phóng sự tài liệu đó là đơn vị nào, nhưng nó có đủ cắt ghép, dàn dựng, biên tập, lồng cả âm thành và nhạc vào để mô tả lại buổi tấn công – trận đánh – của các chiến sĩ công an tối hôm đó. Có cả những nhân vật không rõ mặt ném cái gì đó cháy sáng từ trên xuống. Sau đó nửa cuối phóng sự, mô tả bi kịch của 3 gia đình chiến sĩ bị sát hại với nước mắt của vợ con họ… Đại khái đó là một phóng sự tài liệu, và chẳng có tòa án nào trên thế giới dựa vào phóng sự tài liệu được biên tập cẩn thận như thế để kết tội người ta.

Về luật sư, cứ hễ luật sư muốn biện hộ cho bị cáo thì người ta cho chiếu ngay một cái clip nhận tội của bị cáo. Bị cáo nào cũng có clip nhận tội hết. Và họ nhận tội trong bộ dạng mặt mày bị sưng húp hay hình hài biến dạng bị teo tóp, gầy sọp. Nói chung nhìn qua là biết tất cả bị tra tấn.

Ngoài ra còn một điểm nữa chúng tôi nhấn mạnh trong Báo Cáo là công an vi phạm tố tụng ngay từ đầu, cụ thể đã vi phạm Điều 49 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tức là, khi công an là một bên gây án, tấn công vào làng, gây ra cái chết cho cụ Lê Đình Kình, và công an cũng là bên điều tra. Chúng ta không thể nào có được kết quả điều tra chính xác vì kẻ gây án lại chính là kẻ phá án, thì làm sao độc lập được? Biên bản được công an lập thật là nực cười, người nổ súng bắn chết cụ Kình thì được gọi là “bị hại” và người đó là cảnh sát hình sự của Công an Hà Nội… Nói chung, tôi không thể hiểu nổi tại sao lại trắng trợn và trơ trẽn đến như vậy?

RFA: Trong bản Báo Cáo, chúng tôi cũng thấy tại khoản X liệt kê một số điều cho thấy chính quyền Việt Nam đang vi phạm nhân quyền qua vụ án Đồng Tâm và phiên tòa xét xử vụ án này. Chị Đoan Trang có thể nêu lên một cách chi tiết về các điều minh chứng vi phạm nhân quyền đó?

Phạm Đoan Trang: Vụ án này là một điển hình rất rõ ràng vi phạm những chuẩn mực tố tụng, vi phạm quyền xét xử công bằng cũng như vi phạm rất nhiều quyền khác, nhân quyền căn bản từ những việc bao gồm đánh đập, tra tấn, ép cung, biệt giam cho đến việc gọi là sử dụng truyền thông để tấn công và bôi nhọ các bị cáo, định hướng dư luận ngay từ đầu. Một trong những cơ quan tham gia tố tụng gồm cả điều tra và xét xử, thậm chí là bên gây án. Và dấu hiệu bất công đã quá rõ ngay trong phiên tòa. Như là luật sư của bào chữa cho các bị cáo, họ tranh tụng kiểu gì thì tòa án cũng không quan tâm, không trả lời, phớt lờ đi. Họ cứ đưa các clip nhận tội ra để làm bằng chứng rằng đã nhận tội rồi thì còn gì để nói nữa. Còn phía luật sư của “bị hại”, tức là luật sư của 3 cảnh sát được cho là đã chết trong vụ Đồng Tâm thì nói gì cũng được tòa đồng ý, hưởng ứng và ủng hộ.

Do đó, không chỉ vi phạm những điều về nhân quyền căn bản mà còn vi phạm một cách gọi là trơ trẽn, không màng che đậy. Và đến ngày 10/9 là ngày đỉnh điểm, khi công an và an ninh mặc thường phục có hành động sách nhiễu và tấn công luật sư. Họ đẩy luật sư từ trên cầu thang xuống đất.

Nếu phân tích thêm thì còn nhiều vi phạm lắm. Nhưng trong Báo Cáo thì chúng tôi chỉ nêu được một số vi phạm căn bản đối với luật pháp Việt Nam cũng như đối với luật pháp quốc tế.

RFA: Dưới góc độ của một nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, chị Đoan Trang nhìn nhận qua vụ việc Đồng Tâm và phiên tòa Đồng Tâm diễn ra cho thấy điều gì tại đất nước Việt Nam? Và, nếu vụ án Đồng Tâm trong những ngày sắp tới không được xét xử một cách nghiêm minh thì kết quả sẽ thế nào?

Phạm Đoan Trang: Vụ án Đồng Tâm, tôi nghĩ đó là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng nhưng không phải theo nghĩa nghiêm trọng của nhà cầm quyền nói.

Nhà cầm quyền gọi đó là “vụ giết người và gây rối trật tự công cộng ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội”. Tức là, nhắm vào việc buộc tội những người nông dân đã giết người và gây rối trật tự công cộng.

Tôi thì cho là vụ án nghiêm trọng theo một cách khác. Vụ án này nghiêm trọng vì vụ án có đầy đủ dấu hiệu của việc giết người, cướp của. Ở đây, tài sản của gia đình cụ Lê Đình Kình bị cướp, đặc biệt trong đó có giấy tờ liên quan quá trình tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm với nhà nước. Toàn bộ bằng chứng giấy tờ đó đều bị lấy sạch. Thậm chí, TV và tủ lạnh ở nhà cụ Kình cũng bị công an khuân đi. Tôi cho rằng đây là một vụ án giết người, cướp của và diệt khẩu.

Không phải ngẫu nhiên mà họ cố tình ngay lập tức biệt giam những người ở làng Đồng Tâm. Tất cả 29 người Đồng Tâm bị bắt thì lập tức họ bị biệt giam ngay từ đầu. Họ không được tiếp xúc với bất kỳ ai. Tức là trong quá trình thẩm vấn, họ bị biệt lập, bị tra tấn, và đặc biệt không ai trong số họ được biết những người còn lại ra sao. Họ chỉ có thể nhìn thấy mặt nhau tại phiên tòa. Đương nhiên là họ không được gặp gia đình. Luật sư cũng chỉ được gặp họ trong thời gian cực kỳ ngắn trước khi phiên tòa diễn ra. Thật sự thì luật sư không thể nào làm được gì cả. Đấy cũng là điều vi phạm tố tụng vì luật sư không được tạo điều kiện để làm việc liên quan đến vụ án.

Còn tác động lâu dài từ vụ án Đồng Tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam từ nay trở đi, tôi nghĩ rằng vụ án Đồng Tâm có một tác hại rất lớn đối với Đảng Cộng Sản cầm quyền. Tức là, đối với họ thì có tác dụng tốt ở điểm vì thật sự đã gây ra một sự sợ hãi. Tôi tin rằng toàn bộ làng Đồng Tâm từ giờ phút diễn ra cuộc tấn công cho đến giờ là bà con sống trong sợ hãi, bà con bị đe dọa và khủng bố triền miên, bà con bị chia rẽ, phân hóa… Và những người sống sót được, tôi nghĩ họ bị sang chấn tâm lý và không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ từ bây giờ cho đến cuối đời.

Với những người không phải là dân làng Đồng Tâm, dân chúng trong cộng đồng và toàn xã hội nói chung thì rõ ràng vụ án này cũng đã gây ra một nỗi khiếp sợ, ngay cả giới hoạt động nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ cũng sợ. Bởi vì không ai có thể tưởng tượng được một nhà nước giết dân.

Tác dụng của vụ án Đồng Tâm đối với nhà cầm quyền đúng là đã gây ra sự sợ hãi thật. Nhưng tôi nghĩ rằng sau vụ này thì lòng tin của một bộ phận khá đông dân chúng vào Đảng cầm quyền và vào luật pháp của Việt Nam bị sụt giảm đáng kể. Bởi vì, người dân thấy rằng bao giờ kẻ mạnh cũng thắng và chính quyền luôn thắng. Bất cần lý lẽ, chính quyền cứ mang súng và mang còng đến là xong. Cho nên, họ không tin vào Đảng và không tin vào luật pháp nữa. Chẳng có luật nào xử người dân cả. Chẳng có tòa án nào công minh để cho họ dựa vào. Hay chẳng có luật sư nào có thể tranh tụng cho họ. Tóm lại, lòng tin của một bộ phận khá đông trong dân chúng, đặc biệt là các đảng viên bị giảm sút. Đó là thiệt hại đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền.

RFA: Cảm ơn chị Phạm Đoan Trang dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do.

NỘI DUNG “BÁO CÁO ĐỒNG TÂM”

“Báo Cáo Đồng Tâm – A Report on the Dong Tam Village Attack” (tài liệu đính kèm – attachment) bao gồm 11 chương:

– Chương 1: Tóm tắt sự kiện (Event summary)
– Chương 2: Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm (Brief Q&A regarding the Dong Tam attack)
– Chương 3: Bối cảnh vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Background of the Dong Tam land dispute)
– Chương 4: Các mốc thời gian trong vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm (Chronology of the Dong Tam land dispute)
– Chương 5: Đối sách của chính quyền: thông tin bất nhất và đàn áp (Government response: inconsistent information and suppression)
– Chương 6: Các điểm còn gây tranh cãi trong vụ tấn công (Points of contention around the Jan 9 attack)
– Chương 7: Phiên tòa sơ thẩm (The preliminary September trial)
– Chương 8: Bình luận và lời chứng về vụ tấn công Đồng Tâm và phiên xử sơ thẩm (Commentaries and testimonies on Dong Tam attack)
– Chương 9: Các vi phạm của cơ quan tố tụng đối với chính luật pháp Việt Nam (Legal violations of Vietnamese domestic laws)
– Chương 10: Các vi phạm xét theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (Violations of international human rights standards)
– Chương 11: Khuyến nghị (Recommendations).

Ngoài 11 chương,  “Báo Cáo Đồng Tâm” còn có 5 Phụ Lục, gồm:

(A) Dữ kiện và số liệu thực tế về vụ tấn công Đồng Tâm
(B) Bào chữa của luật sư
(C) Lê Đình Công trả lời luật sư trước tòa
(D) Bản câu hỏi của tạp chí Luật Khoa gửi Bộ trưởng Công an
(E) Những câu hỏi sau phiên tòa sơ thẩm.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: RFA, BBC, VOA, The New York Times, Asia Sentinel, PEN America, Frontlinedefenders.org ngày 30/4/2021

* TÀI LIỆU ĐÍNH KÈM (xin click vào để đọc online):
Báo Cáo Đồng Tâm – A Report on the Dong Tam Village Attack

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*