Trong hình trên, Tổng thống Roosevelt tươi cười khi ký bộ luật đã gây ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử Mỹ, đó là luật về An sinh Xã hội (Social Security Act). Đứng đằng sau ông là Bộ trưởng Frances Perkins, người nữ duy nhất trong Nội các Roosevelt. (Ảnh AP)
Người phụ nữ đã giúp một tổng thống thay đổi nước Mỹ trong thời gian 100 ngày đầu sau khi nhậm chức: Frances Perkins là nữ bộ trưởng đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ và kiến trúc sư chính của Chính sách Xã hội Mới của TT Roosevelt
Vào ngày 14 tháng 8 năm 1935, TT Franklin D. Roosevelt ban hành luật An sinh Xã hội, bao quanh là một nhóm đàn ông da trắng và một phụ nữ, Frances Perkins, kiến trúc sư trưởng của luật An sinh Xã hội và phần lớn chương trình Chính sách Xã hội Mới (New Deal) của TT Roosevelt.
Ngày nay, 69 triệu người Mỹ nhận các loại trợ cấp An sinh Xã hội, nhưng ít ai biết đến tên bà Frances Perkins, người nữ bộ trưởng nội các đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Bà bộ trưởng Lao động tiên phong này đã mở đường cho các phụ nữ đến sau bà, kể cả con số phá kỷ lục mà TT Biden đã đề cử vào nội các của ông, như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland, cùng nhiều phụ nữ khác.
Trong thời kỳ 100 ngày đầu của TT Roosevelt tại Tòa Bạch Ốc, bà Perkins là động lực chính đằng sau những chương trình cột trụ để chống lại cuộc Đại Khủng Hoảng, mà có người đã mệnh danh là “Chính sách Xã hội Mới của Perkins”.
Và hẳn nhiên là bà đã bị tấn công tới tấp. Thậm chí một nhà báo gọi bà là “người phụ nữ đầu tiên làm tay sai cho tổng thống.”
Bà Perkins trước đó đã từng là giám đốc lao động trong thời gian ông Roosevelt làm thống đốc tiểu bang New York. Người phụ nữ 52 tuổi này đã chuẩn bị sẵn sàng trên giấy trắng mực đen các đòi hỏi của bà khi dự cuộc phỏng vấn cho chức Nội các với vị tổng thống đắc cử.
TT Roosevelt họp Nội các, năm 1938. (George R. Skadding/AP)
Chương trình New Deal của TT Roosevelt thực ra chỉ là “một cụm từ ông dùng để gọi trong thời kỳ vận động tranh cử,” bà Perkins viết sau này. Tuy nhiên, bà đã có sẵn một viễn kiến về nó như thế nào: đó là đề án về các công trình công chánh để tạo công ăn việc làm cho giới công nhân, đề cử một mức lương tối thiểu, bảo đảm đời sống cho người cao niên và chấm dứt tệ nạn khai thác sức lao động của trẻ em.
“Các chương trình này đã nhận được sự hỗ trợ nồng nhiệt của ông Roosevelt, và ông nói với tôi rằng ông muốn tôi thực hiện những chương trình này,” bà Perkins viết.
Các nhà lãnh đạo giới lao động đã phản đối việc đề cử bà Perkins. Chủ tịch nghiệp đoàn thủy thủ cằn nhằn rằng, “Tôi đoán là bọn thủy thủ chúng tôi, cũng như thợ xây nhà với thợ mỏ, đều nên thủ sẵn mỗi người hộp phấn hồng và thỏi son để đi diễn hành trong ngày đăng quang chắc.”
Báo chí thì mô tả bà Perkins với cung cách chưa hề được dùng để nói về các bộ trưởng Nội khác thuộc phái nam. “Cô ta cao 5 feet 5 và nặng 150 pounds. Mắt cô mầu nâu và linh động,” một bỉnh bút viết. “Cô ta ngủ trên một chiếc giường đơn và mặc một cái áo ngủ cũ kỹ. Cô đã đá tung chăn phủ khỏi người mình.”
Điều gây tranh cãi gay nhất là việc bà Perkins dùng họ khai sinh của mình. “Bà ta thực ra là Phu nhân Paul Wilson,” song bà dùng “tên con gái của mình nơi công cộng,” tờ Oakland Tribune lên giọng mắng mỏ. Vào năm 1933, phụ nữ có chồng làm việc trong chính quyền liên bang buộc phải dùng tên chồng trên phiếu lương của mình.
Vào thời điểm này, chồng bà Perkins, ông Paul Caldwell Wilson, đang sống trong một viện tâm thần. Bà Perkins bấy lâu sống với bà Mary Harriman Rumsey, một quả phụ và là con gái của vua tầu hỏa E.H. Harriman. Bà Rumsey là người sáng lập Đội Thiếu Niên nhằm giúp trẻ em nghèo và tạp chí sau này trở thành Newsweek. Ở Washington, hai bà Perkins và Rumsey ở chung trong một ngôi nhà rộng lớn ở Georgetown.
Mặc dù ít ai để ý bấy giờ, người nữ bộ trưởng đầu tiên trong Nội các cũng là vị bộ trưởng thuộc giới đồng tính luyến ái đầu tiên trong Nội các chính phủ liên bang. [Người nam đầu tiên trong Nội các Biden thuộc giới này là tân Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg]
Tại Bộ Lao động, bà Perkins trở thành “Madame Secretary” và được biết thường đội mũ ba góc ngay cả trong lúc làm việc. Bà nhanh chóng trở thành người phụ nữ hàng đầu trong nhiều chương trình xã hội mới của TT Roosevelt.
Dân chúng xếp hàng để lãnh khoai tây và bắp cải thặng dư của chính phủ liên bang tại Cleveland, năm 1938. (Ảnh AP)
Chương trình đầu tiên của New Deal là sự ra đời của Đạo quân Bảo tồn Dân sự, tức Civil Conservation Corps. Đây là chương trình tạo việc làm cho các thanh niên thất nghiệp và độc thân bằng cách đưa họ tới các vùng thôn dã trong các công trình bảo tồn [trong đó có các công viên quốc gia vốn không được bảo trì vì thiếu ngân quỹ]. Bà Perkins đã đệ trình các công trình này lên Quốc Hội xin tài trợ. Một vị dân biểu đã ngỏ lời ca ngợi bản tường trình của bà, bà Perkins ghi lại, nhưng thêm, “ông ấy có lẽ ghét lấy tôi làm vợ.”
“Cô Perkins,” như người ta gọi xách mé bà trong các tít báo chí, đấu tranh với các viên chức về ngân quỹ và được TT Roosevelt chuẩn thuận một ngân khoản là 3.3 tỉ Mỹ kim (tương đương với 63 tỉ bây giờ) để tài trợ công trình công chánh cho năm đầu. Vào năm 1934, chương trình Bảo tồn Dân sự có 2 triệu người làm việc.
Vào giữa tháng 6 kể từ khi nhậm chức năm 1933, TT Roosevelt đã công bố 13 đề án. Trong một chương trình phát thanh vào cuối tháng 7, ông nói về “những biến cố dồn dập của 100 ngày tập trung vào việc khởi động bánh xe của New Deal.” Đó là lần đầu tiên cụm từ 100 ngày đầu được dùng, từ đấy nó đã trở thành cái mốc để đạt tới của mỗi tân chính quyền Mỹ.
Vào năm 1934, bà Perkins khởi sự phác họa dự luật chương trình bảo hiểm cho tuổi cao niên và bù đắp thất nghiệp. Cuối năm đó, bà bạn đồng môn Rumsey của bà bị té ngựa và bị thương trầm trọng. Bà Rumsey sau đó qua đời với bạn đời Perkins ở bên.
Bà Perkins lúc ấy đang phải đối diện với hạn chót vào ngày Giáng Sinh phải hoàn tất một chương trình sau này trở thành luật An sinh Xã hội. Một mình trong căn nhà rộng lớn, bà gọi các thành viên gồm toàn người nam tới, “đặt một chai rượu Scotch lên bàn và nói không một ai được rời khỏi phòng tới khi hoàn tất bản dự luật,” theo Kirstin Downey, tác giả của cuốn “Người Phụ nữ đằng sau Chính sách Xã hội Mới.”
Sau khi Quốc hội thông qua đạo luật An sinh Xã hội và TT Roosevelt ký ban hành vào ngày 14 tháng 8, 1935, nhật báo Washington Post tuyên bố “Chính sách Xã hội Mới là bộ luật quan trọng nhất… vì luật này sẽ dần dà ảnh hưởng tới đời sống của mỗi người đàn ông, đàn bà và trẻ em của đất nước này,” theo Thư viện và Viện Bảo tàng Tổng thống Franklin D. Roosevelt, nơi dành ra một khu để tuyên dương công trình và di sản của vị nữ bộ trưởng Lao động của Nội các Roosevelt.
Vào năm 1938, bà Perkins giúp soạn thảo luật Fair Labor Standards, ấn định làm việc 40 tiếng một tuần và lương căn bản là 25 xu một giờ cho công nhân nam cũng như nữ (tương đương với 4.65 Mỹ kim bây giờ). Luật này cũng đồng thời siết chặt việc dùng lao động trẻ em.
Bà Perkins đã hẳn là bị chỉ trích gay gắt. John L. Lewis, chủ tịch Liên hiệp Thợ Mỏ, có lần gọi bà là “cái đầu bấn loạn.”
Giới bảo thủ kết án bà là người theo chủ nghĩa xã hội hoặc tệ hơn. Vào năm 1939, Ủy ban Điều tra Các Hành động Phản Mỹ quốc của Hạ viện khởi sự việc luận tội bà về việc đã không chịu trục xuất Harry Bridges, gốc Úc và là người lãnh đạo giới lao động cùng bị nghi là cộng sản. Sở Di trú dạo ấy nằm trong Bộ Lao động. Hạ viện sau đó bãi bỏ việc luận tội bà Perkins, và ông Bridges cũng không bị trục xuất.
Trước sự đe dọa của Thế chiến II, bà Perkins điều chỉnh lại luật di trú để dễ dàng giúp người Do Thái thoát khỏi chế độ Adolf Hitler đang chiếm ưu thế. Bà tiếp tục phục vụ chính quyền Roosevelt trong nhiệm kỳ thứ tư của ông và là một trong hai người của Nội các nguyên thủy còn ngồi lại. Người kia là Bộ trưởng Nội vụ Harold Ickes.
Sau khi TT Roosevelt qua đời vào ngày 12 tháng 4, 1945, bà Perkins xin từ chức. Có lần bà nói việc đề cử bà “đã không khiến sự hiện diện của một phụ nữ trong Nội các là cần thiết, song nó làm cho sự hiện diện đó có thể xẩy ra.”
Bà Perkins tại nhà riêng ở New York, năm 1957. (Bob Wands/AP)
Từ đó cho mãi tới năm 1953 mới có một phụ nữ khác góp mặt trong Nội các của TT Dwight D. Eisenhower, đó là bà Oveta Culp Hobby, trong vai trò bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và An sinh. Lại phải 22 năm sau TT Gerard Ford mới đề cử bà Carla Hills vào chức bộ trưởng Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị.
Bà Perkins thường tránh nói về mình và dành toàn công lao về New Deal cho TT Roosevelt. Bà cổ súy nữ quyền nhưng chống dự luật Tu chính án Quyền Bình đẳng cho là có thể bị ảnh hưởng ngược lại. Bà qua đời vào năm 1965.
Vào năm 1980, TT Jimmy Carter đổi tên tòa nhà của Bộ Lao động ở Washington thành Tòa nhà Frances Perkins. Vào năm 2015, bà Perkins là một trong các biểu tượng của Diễn đàn Bình đẳng của Tháng Lịch sử LGBT. Ngôi nhà của bà ở số 2326 California St. NW ở D.C., nơi bà sống với Dân biểu Caroline O’Day của New York sau khi người bạn đời Rumsey qua đời, hiện là một di sản lịch sử quốc gia.
Ronald G. Shafer
Trùng Dương chuyển ngữ
Nguồn: https://www.washingtonpost.com/history/2021/03/14/frances-perkins-fdr-100-days-new-deal/
Be the first to comment