Bức thư của Cục Bảo tồn và Phát triển nhà của Thành phố New York gửi đến anh Phạm Minh Đức đề tên “Chin Chong”, một từ miệt thị người gốc Trung Quốc và châu Á.
Thành phố New York đang điều tra một vụ việc được cho là “kỳ thị chủng tộc” trong đó một công dân Việt Nam đang sinh sống ở đây bị gọi là “Chin Chong” trong bức thư gửi từ một cơ quan công quyền của thành phố, dẫn tới việc một nhân viên thanh tra liên quan bị đình chỉ việc.
Vụ việc diễn ra giữa lúc làn sóng bạo lực thù ghét người gốc Á tăng cao trên khắp nước Mỹ khiến cộng đồng lo sợ về sự an toàn cho bản thân sau nhiều vụ tấn công liên quan đến việc đổ lỗi cho nguồn gốc đại dịch từ Trung Quốc và gần đây nhất là vụ xả súng làm 6 phụ nữ châu Á thiệt mạng tại Atlanta, Georgia.
Phạm Minh Đức, hiện đang sinh sống tại khu phía đông Thượng Manhattan, cho VOA biết anh nhận được một lá thư từ Cục Bảo tồn và Phát triển nhà (HPD) của thành phố New York hôm 24/3, khoảng 1 tuần sau khi một thanh tra tới kiểm tra hệ thống sưởi và nước nóng trong căn hộ mà anh thuê cùng với một người Việt Nam khác. Tuy nhiên, anh cho biết trên bức thư không đề tên anh như những bức thư mà anh vẫn nhận từ các cơ quan nhà nước khác như sở thuế.
“Trên thư đó, tên người nhận là ‘Chin Chong’, một từ miệt thị người Trung Quốc nói riêng và người châu Á nói chung, một trong những từ dùng để miệt thị người gốc châu Á,” anh Đức nói và cho biết người thanh tra này đã không hỏi tên của anh khi đến kiểm tra dù “làm việc chuyên nghiệp và lịch sự”. “(Tôi) nghĩ đây là một sai phạm rất nghiêm trọng đến từ thành phố, đặc biệt là trong tình hình cả nước Mỹ đang nói về vấn đề phân biệt chủng tộc đối với người châu Á.”
Một thành viên của Hội đồng Thành phố New York, Brad Lander, gọi lá thư gửi đến cho anh Đức là “gây phẫn nộ” trong khi thư ký báo chí của Thị trưởng Thành phố New York, Bill Neidhardt, phải thốt lên “Ôi Chúa ơi” về vụ việc này.
Anh Đức, một kỹ sư phần mềm của Facebook tại New York, đã đăng tải về bức thư gửi đến anh đề tên “Chin Chong” trên trang Facebook cá nhân hôm 24/3 và được hơn 700 lượt chia sẻ từ những người bạn và người dùng mạng xã hội chủ yếu từ cộng đồng gốc Á.
Sự lan truyền thông tin và phản ứng của cộng đồng mạng đã khiến HPD biết được về sự việc này và đưa ra lời xin lỗi đối với anh Đức cũng như tiến hành các biện pháp đầu tiên để giải quyết vụ việc.
“HPD đã lên tiếng và nói là họ đang điều tra và người thanh tra đó tạm thời bị đình chỉ việc,” anh Đức cho biết sau khi HPD cử người đến xin lỗi anh tại nhà và chụp lại bức thư cũng như lấy thêm các thông tin cho việc điều tra.
Trong thông báo trên Twitter, HPD cho biết nhân viên thanh tra đã bị tạm thời cho thôi việc không lương và rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ để ra quyết định hành động kỷ luật thêm.
“Bất kỳ hành vi phân biệt chủng tộc hay lạm dụng nào là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sẽ không được dung thứ,” HPD viết trong thông báo. “Phân biệt chủng tộc không có chỗ ở NYC (thành phố New York). Chúng tôi ủng hộ cộng đồng AAPI (người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương) chống lại sự thù ghét.”
Nhiều người dùng mạng xã hội đã kêu gọi HPD đuổi việc người thanh tra này thay vì họ cho rằng hành vi “kỳ thị chủng tộc” đó đáng bị kỷ luật nặng hơn là tạm thôi việc. Ông Lander cũng kêu gọi trên Twitter rằng nhân viên thanh tra này “cần bị đuổi việc.”
Anh Đức, người chuyển đến sinh sống ở New York cách đây 5 năm để tham gia chương trình đại học của New York University, cho rằng những hành động đầu tiên của HPD đối với sự việc này là “sự tiếp cận hợp lý” và “khả quan” để bảo vệ cộng đồng gốc Á nhưng anh cũng nói rằng anh trông chờ họ làm những điều thiết thực hơn bằng cách là, trong cuộc điều tra này, phải xác định được chuyện gì đã xảy ra để dẫn đến kết quả này.
“(Dù) đây là một người thanh tra thì đây (cũng) là lỗi của cả một hệ thống bởi vì khi người thanh tra này có đủ tự tin đưa lời miệt thị đó vào trong hệ thống tức là, (theo tôi), người thanh tra này cảm thấy sẽ không có hệ quả gì hết và sẽ không có một hình phạt nào nếu mình làm việc này,” anh Đức nói. “(Tôi) muốn rằng họ điều tra không chỉ riêng vụ việc này mà còn có thể là cả một văn hoá ứng xử, của HPD (nói riêng) và của thành phố nói chung, và sau đó có những hành động thiết thực, ví dụ như thay đổi cách làm việc của mọi người hay có thêm (đào tạo) huấn luyện cho các nhân viên của các công sở.”
HPD chưa thông báo tên của người thanh tra mà họ cho tạm thôi việc.
VOA không thể liên lạc được với HPD, nhưng cơ quan này được Washington Post trích lời cho biết tất cả các nhân viên thanh tra của họ được huấn luyện về “các giá trị cốt lõi” và chính sách cơ hội việc làm công bằng. “Chúng tôi sẽ đổi mới việc đào tào đặc biệt cho các nhân viên thanh tra… để kết hợp rõ ràng một số vấn đề này sinh từ sự việc này,” HPD cho biết.
Với những lo ngại về bạo lực ngày càng tăng cao chống lại người gốc Á, cảnh sát New York cho biết họ đang tăng cường tuần tra tại khu Chinatown của người Trung Quốc và cộng đồng người gốc Á khác ở thành phố này trong khi một số sự việc đã dẫn đến các cuộc điều tra và cáo buộc tội thù ghét.
Vụ bạo lực gần đây nhất nhắm vào người gốc Á ở New York là việc một người phụ nữ 65 tuổi bị đạp vào bụng liên tiếp đến khi ngã khi đi ngang qua một cửa hàng của Hell’s Kitchen. Theo ghi nhận của Fox, người phụ nữ gốc Á đã phải nhập viện vì các vết thương và Lực lượng Đặc nhiệm chống Tội phạm Thù ghét của sở Cảnh sát Thành phố New York đang điều tra sự việc này.
Trước đó, vụ xả súng ở Atlanta làm 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hôm 16/3 đã thu hút sự chú ý trên toàn nước Mỹ về sự phân biệt đối xử đối với người gốc Á và cùng với những vụ bạo lực xảy ra ở một số nơi khác như California, nơi có nhiều người Việt sinh sống, anh Đức cảm thấy lo ngại về sự an toàn cho anh và những người gốc Á khác tại New York, nơi mà anh từng nghĩ là một thành phố đa chủng tộc và an toàn cho cộng đồng thiểu số.
Thị trưởng Thành phố New York, Bill de Blasio, hôm 26/3 cho rằng “phân biệt chủng tộc đã có trong chúng ta 400 năm nay nhưng nó có thể được xoá sạch” và “có thể được tiêu trừ” nhưng “sẽ phải mất nhiều sức lực”. Trong khi đó, Chủ tịch Uỷ ban Công lý của thành phố, Jennifer Jones Austin, nói rằng “cách duy nhất để nhổ rễ kỳ thị chủng tộc ra khỏi các kết cấu chính phủ của thành phố chúng ta là bằng cách tấn công nó ngay tại cốt lõi thông qua việc xem xét lại hiến chương.”
Anh Đức cho biết anh vui vì thấy chia sẻ của anh về bức thư trên Facebook đã nhận được sự chú ý của cộng đồng và dẫn tới những hành động ban đầu của HPD. Anh cho rằng những người gốc Á khác cần phải lên tiếng trước những sự kỳ thị đối với họ, như anh đã làm, và hy vọng vào những hành động của chính quyền liên bang cũng như tiểu bang để tạo ra sự thay đổi cho một “tương lai tốt hơn.”
Theo VOA Tiếng Việt ngày 30/3/2021
VOA tiếp tục phá đám CĐVN!Chuyện 1 người Việt bị kỳ thị rất đáng quan tâm nhưng kỳ bầu cử vừa qua người Việt cả đám kỳ thị nhau sao không toáng?