Bức tranh chi tiết về Đồng Tâm mà bạn không thể tìm được trên các trang báo nhà nước.
Ngày 8/3/2021, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của 6 trong số 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hết ngày 10/3.
Vụ việc xuất phát từ tranh chấp đất đai dai dẳng nhiều năm không được giải quyết thấu đáo giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền.
Dưới đây là tổng hợp các bài viết đã đăng trên Luật Khoa về vụ việc. Bạn đọc có thể bấm vào đường link nhúng trong những từ khóa bên dưới để truy cập các bài viết.
Phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra như thế nào?
Để theo dõi lại những chuyện đã xảy ra trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9/2020, độc giả có thể xem phần tường thuật trực tiếp của Luật Khoa về bốn ngày diễn ra phiên tòa tại đây.
Hoặc bạn có thể chọn đọc phần tóm tắt phiên tòa mỗi ngày bằng cách truy cập các bài viết tổng hợp diễn biến ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư, và ngày tuyên án.
Kết thúc phiên sơ thẩm, trong số sáu bị cáo bị truy tố tội giết người, hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức bị tuyên án tử hình, bị cáo Lê Đình Doanh bị tuyên án tù chung thân, ba bị cáo khác nhận các mức án phạt từ 12-16 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị truy tố với tội danh chống người thi hành công vụ. Trong đó, chín bị cáo nhận án tù từ 3-6 năm, 14 bị cáo nhận án tù treo từ 15-36 tháng.
Sau phiên phúc thẩm, các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Bùi Viết Hiểu (cùng bị truy tố tội giết người) kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Bùi Thị Nối (tội chống người thi hành công vụ) không đồng ý với phán quyết sơ thẩm nên kháng cáo đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét lại.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Luật Khoa đã có bài viết phân tích trình tự và các thủ tục pháp lý tiếp theo, từ việc kháng cáo, kháng nghị, giai đoạn xét xử phúc thẩm, các kết quả có thể có của phiên tòa phúc thẩm, và chuyện gì sẽ xảy ra khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc.
Nếu cần theo dõi dòng thời gian (timeline) của toàn bộ diễn biến sự kiện, kéo dài từ năm 1980 đến hết phiên sơ thẩm, bạn có thể xem đồ họa do Luật Khoa thực hiện tại đây.
Làm thế nào để hiểu đầu đuôi sự việc?
Nếu muốn tìm hiểu ngọn nguồn và các diễn biến của sự kiện tranh chấp này, độc giả có thể tìm đọc “Báo cáo Đồng Tâm”.
Báo cáo dày gần 130 trang, song ngữ Anh – Việt, được nhà báo Phạm Đoan Trang và nhà hoạt động Will Nguyen thực hiện.
Đây là một nỗ lực cung cấp thông tin nhanh lẫn kiến thức có giá trị dài hạn cho người đọc. Nó bao gồm các nội dung hỏi nhanh đáp gọn, bối cảnh vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, đối sách của chính quyền, các điểm còn gây tranh cãi và chưa được làm rõ trong vụ án, cùng những vi phạm của cơ quan tố tụng đối với chính luật pháp Việt Nam, chưa kể vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền.
Báo cáo được thiết kế để bạn đọc có thể chọn tra cứu nhanh bất kỳ phần nào mình quan tâm.
Nếu chỉ muốn dành hơn 5 phút để tìm hiểu, độc giả có thể tìm thấy những thông tin cốt lõi nhất qua bài “Hỏi nhanh đáp gọn về vụ Đồng Tâm”.
Bài hỏi – đáp này trả lời 9 câu hỏi mà nhiều người quan tâm nhất về vụ án, bao quát từ nguồn gốc tranh chấp, các quy định luật pháp có liên quan, và cơ sở cho các hành động tấn công cũng như các cáo buộc của chính quyền đối với người dân Đồng Tâm.
Bạn đọc cũng có thể tham khảo bài viết “Vụ Đồng Tâm: Danh sách câu hỏi Luật Khoa gửi Bộ Công an”, được đăng hai ngày sau khi vụ tấn công xảy ra. Rất nhiều những câu hỏi trong đó cho đến nay vẫn không được chính quyền giải đáp thỏa đáng.
Thân nhân của các bị cáo nói gì?
Nếu theo dõi báo chí trong nước đưa tin về vụ việc này, hầu như không thấy tiếng nói của những thân nhân bị cáo. Luật Khoa đã liên hệ để phỏng vấn chị Nguyễn Thị Duyên, vợ của bị cáo Lê Đình Uy và bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình. Các bạn có thể click vào link nhúng trong tên để nghe họ nói.
Trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, cộng tác viên của Luật Khoa đã trực tiếp đi đến thôn Hoành, nơi diễn ra sự kiện. Bài phóng sự “Đến cuối đời, chồng tôi vẫn tin vào Đảng” ghi lại lời kể của bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình, và chị Lê Thị Thoa, con gái của ông.
Chân dung của ông Lê Đình Kình, thủ lĩnh nông dân của làng Đồng Tâm, người bị cảnh sát bắn chết trong vụ án, hiện lên trái ngược hoàn toàn với thông tin được mô tả trên các phương tiện truyền thông nhà nước như VTV.
Theo lời kể, ngay cả trong những năm cuối đời, khi tranh chấp đất đai với chính quyền leo thang căng thẳng, ông Kình vẫn “tuyệt đối tin vào Đảng Cộng sản, tin ông Nguyễn Phú Trọng”. Khi con gái cảnh báo không thể tin được các quan chức tham nhũng, ông còn quát lại, cho rằng “đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là bọn cấp dưới bao che, bôi nhọ Đảng”.
Chứng kiến cái kết thảm khốc của những người thân, bà Dư Thị Thành và chị Lê Thị Thoa không còn hy vọng gì vào “công lý”, “lẽ phải”, “công bằng” khi nghĩ đến phiên tòa sơ thẩm sắp diễn ra.
Họ không còn tin ai, và nghĩ rằng “chỉ có trời mới giúp được con cháu”.
Các góc nhìn và phân tích về vụ việc qua phiên tòa sơ thẩm
Bài viết “Đội đặc nhiệm ở Đồng Tâm từ góc nhìn khoa học cảnh sát” tập trung vào vai trò của các lực lượng đặc nhiệm trong vụ việc.
Tác giả liên hệ với trường hợp của Hoa Kỳ, dẫn chiếu các thông tin xảy ra tại Đồng Tâm theo cáo trạng vụ án, từ đó đặt ra câu hỏi về phương án tiếp cận của đội đặc nhiệm trong đêm 9/1. Tác giả chỉ ra những sai lầm căn bản của cảnh sát dẫn đến hậu quả thương vong lớn mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được.
Trong một phân tích khác, bài viết “Ba bài học từ Đồng Tâm” tập trung vào điểm yếu của Đồng Tâm dưới góc độ một phong trào xã hội.
Phong trào gặp vấn đề khi dùng đến diễn ngôn bạo lực, chưa xác định rõ mục tiêu tích cực dài hạn, chưa xây dựng được phương án đấu tranh bất bạo động thay thế. Những người đấu tranh dựa dẫm quá nhiều vào tính minh bạch và lòng chính trực của chính quyền. Họ dường như chưa có sự chuẩn bị cần thiết để đối phó với những hành động bất ngờ cùng vũ lực vượt trội từ phía chính quyền.
Bài viết “Đồng Tâm: Những bằng chứng đầy nghi vấn” phân tích những lỗ hổng trong các chứng cứ mà chính quyền dùng để kết tội người dân Đồng Tâm.
Tác giả xem xét mức độ khả tín về các hình ảnh vũ khí được chiếu trên VTV, nỗ lực “ác hóa” người dân Đồng Tâm trên các phương tiện thông tin của nhà nước, cùng tính logic của các chứng cứ.
Tác giả cũng chỉ ra yêu cầu cần lưu giữ và bảo vệ các tài liệu, hình ảnh, thước phim gốc của các nhân vật trong sự kiện để kiểm chứng và điều tra ngọn nguồn sự việc. Rất nhiều các tài liệu gốc dạng này hiện đã không còn, khi những trang cá nhân của các nhân vật có liên quan đã bị đóng, còn chính quyền tích cực tìm cách gỡ bỏ các thông tin đứng về phía người dân Đồng Tâm.
Bức tranh lớn về tranh chấp đất đai tại Việt Nam
Vấn đề Đồng Tâm chỉ là một ví dụ trong vô số các tranh chấp liên quan đến đất đai. Mọi chuyện đều phát sinh từ lỗ hổng lớn trong luật pháp của Việt Nam về quyền sở hữu, sử dụng và quản lý loại tài sản này.
Trong bài viết “Sở hữu đất đai: Ngoại lệ Hoa Kỳ và ba nguyên tắc sống còn của mọi mô hình”, tác giả Võ Văn Quản đã có bài phân tích sâu về vấn đề này.
Từ việc so sánh các mô hình sở hữu quản lý đất đai tại Hoa Kỳ và các nước khác, tác giả dẫn ý kiến của những nhà khoa học, liệt kê ra ba nguyên tắc cốt lõi mà Việt Nam có thể áp dụng.
Các nguyên tắc đó là (1) phân bổ đất đai bình đẳng, (2) bảo đảm quyền đất đai ổn định, lâu dài và (3) thừa nhận chủ thể các quyền đất đai là cá nhân luôn có nhiều ưu điểm vượt trội.
Trường hợp của Việt Nam, “dù tự nhận rằng chế định sở hữu toàn dân sẽ mang lại bình đẳng đất đai”, nhưng các nhóm lợi ích và một ít người đang gia tăng quá trình tích tụ đất đai, dựa trên những cơ chế công quyền.
“Những lời kêu gọi cải cách chế định sở hữu đất đai hiện tại”, theo tác giả, không chỉ là tranh luận giữa mô hình sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, mà còn “nhắm vào những vấn đề chính trị và hệ thống sâu hơn thế nữa”.
Yên Khắc Chính
Theo Luật Khoa tạp chí ngày 8/3/2021
* * *
Liên quan đến vấn đề Đồng Tâm, độc giả có thể tìm đọc thêm các phân tích, xã luận và quan điểm khác được gắn thẻ/ tag “Đồng Tâm”. Truy cập tất cả những bài viết tại đây.
Tôi rất mến phục cụ Lê Đình Kình. Khi được tin cụ bị sát hại, tôi có làm bài thơ sau đây để kính viếng cụ:
Mến Phục Lê Đình Kình
Mến phục Lê Đình Kình
Đã anh dũng hy sinh
Khi cùng dân giữ đất
Giờ cả nước tôn vinh
Tám mươi tư tuổi đời
Gần sáu mươi tuổi đảng
Nhưng cuộc đời trong sáng
Khác hẳn đảng bất nhân
Đảng cướp đất làng mình
Quyết cùng dân giữ đất
Uy tín vốn cao ngất
Dân đoàn kết bước theo
Bạo quyền đến đàn áp
Dân chẳng sợ hãi chi
Bắt công an đem nhốt
Đòi công bằng thực thi
Bạo quyền bèn giả vờ
Hứa giải quyết thỏa đáng
Ký mực đen giấy trắng
Dân tin, thả công an
Nhưng đảng trở mặt ngay
Quyết đàn áp thẳng tay
Quyết trả thù mối nhục
Quyết giết cụ phen này
Đang đêm bạo quyền tới
Quân số đến hàng ngàn
Xông thẳng vào giết cụ
Và bắt cả gia đình
Người Việt khắp mọi nơi
Thương tiếc người trung dũng
Thương gia đình cùng túng
Gửi tiền giúp đỡ ngay
Bạo quyền càng điên cuồng
Ra lệnh khóa trương mục
Gia đình càng khốn cực
Trong tay đảng bất nhân
Mấu chốt của việc này
Chẳng là chuyện đất đai
Mà là chuyện quyền lực
Đảng thấy mình lung lay
Dân không còn sợ đảng
Bắt nhốt cả công an
Cả làng cùng kết đoàn
Khiến đảng nhục và sợ
Đảng đàn áp thẳng tay
Dìm dân trong lửa máu
Giết cụ, bắt con cháu
Mong dập lửa đấu tranh
Nhưng đảng đã lầm rồi
Giết được xác cụ thôi
Tinh thần cụ: gương sáng
Để toàn dân cùng soi
Máu của Lê Đình Kình
Máu anh dũng hy sinh
Sẽ nảy mầm dân chủ
Để Việt Nam hồi sinh
Sarasota, ngày 20 tháng 1 năm 2020
Vũ Linh Huy