Wilmington 1898, Khi Phe Chủ Nghĩa Da Trắng Thượng Đẳng Lật Đổ Chính Phủ Mỹ

(Năm 1898) – Đám đông đứng bên ngoài văn phòng bị đốt cháy của tờ Wilmington Daily Record (Nguồn: Getty Images)

Một đám đông bạo động, bị các chính trị gia khích động đến điên cuồng, đã phá nát một thị trấn để lật đổ chính phủ được bầu.

Sau cuộc bầu cử tiểu bang năm 1898, những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng kéo nhau đến cảng Wilmington, North Carolina của Hoa Kỳ, khi đó là thành phố lớn nhất trong tiểu bang. Họ phá hủy các cơ sở kinh doanh do người da đen làm chủ, sát hại cư dân da đen và buộc chính quyền địa phương được bầu – liên minh các chính trị gia da trắng và da đen – phải từ chức hàng loạt.

Các nhà sử học mô tả đây là cuộc đảo chánh duy nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Những kẻ cầm đầu cuộc đảo chánh đã lên nắm quyền cùng ngày với cuộc nổi dậy và nhanh chóng đưa ra luật tước bỏ quyền bầu cử và quyền công dân của người da đen trong tiểu bang. Họ đã không phải đối mặt với hậu quả nào.

Câu chuyện của Wilmington đã được nhắc lại và chú ý sau khi một đám đông bạo lực tấn công Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 6/1, tìm cách ngăn chặn việc chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống tháng 11. Hơn 120 năm sau cuộc nổi dậy, thành phố vẫn đang vật lộn với quá khứ đầy bạo động của mình.

Sau khi cuộc Nội chiến Hoa Kỳ kết thúc năm 1865 – cuộc đọ sức giữa các tiểu bang theo chủ nghĩa Liên hiệp miền Bắc chống lại Liên minh miền Nam – chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ trên khắp đất nước mới thống nhất. Các chính trị gia ở Washington DC đã thông qua một số sửa đổi hiến pháp trao tự do và một số quyền cho các cựu nô lệ, đồng thời cử quân đội thực thi các chính sách của họ.

Nhưng nhiều người miền Nam phẫn nộ với những thay đổi này. Trong những thập niên sau cuộc nội chiến, ngày càng có nhiều nỗ lực nhằm đảo ngược nhiều nỗ lực hòa nhập những người da đen được tự do vào xã hội.

Wilmington năm 1898 là một cảng lớn và thịnh vượng, với tầng lớp trung lưu da đen ngày càng phát triển và thành đạt.

Đương nhiên, người Mỹ gốc Phi vẫn phải đối mặt với định kiến và phân biệt đối xử hàng ngày – ví dụ như ngân hàng từ chối cho người da đen vay nợ hoặc sẽ áp dụng lãi suất cao ở mức trừng phạt. Nhưng trong 30 năm sau cuộc nội chiến, người Mỹ gốc Phi ở các tiểu bang thuộc Liên minh miền Nam cũ như North Carolina đang dần thành lập doanh nghiệp, mua nhà và thực hiện quyền tự do của họ. Wilmington thậm chí còn là quê hương của tờ nhật báo của người đen duy nhất ở nước này vào thời điểm đó, Wilmington Daily Record.

“Người Mỹ gốc Phi đã trở nên khá thành công”, giáo sư lịch sử Đại học Yale Glenda Gilmore nói với BBC. “Họ đã vào đại học, tỷ lệ biết chữ tăng và sở hữu tài sản ngày càng tăng.”

Thành công ngày càng tăng này thật sự đã xảy ra trên toàn bang North Carolina, không chỉ về mặt xã hội mà còn về mặt chính trị.

Vào thập niên 1890, một liên minh chính trị da trắng và da đen được gọi là Fusionists – tổ chức đấu tranh cho giáo dục miễn phí, xóa nợ và quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi – đã giành được mọi chức vụ trên toàn tiểu bang năm 1896, gồm cả chức thống đốc. Đến năm 1898, một số chính trị gia theo chủ nghĩa Fusionist da trắng và da đen đã được bầu để lãnh đạo chính quyền thành phố địa phương ở Wilmington.

Nhưng điều này đã gây ra phản ứng dữ dội, gồm cả từ Đảng Dân chủ.

Vào thập niên 1890, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa rất khác so với ngày nay. Đảng Cộng hòa – đảng của Tổng thống Abraham Lincoln – ủng hộ hội nhập chủng tộc sau Nội chiến Hoa Kỳ, và chính phủ mạnh mẽ từ Washington DC để thống nhất các tiểu bang.

Nhưng các đảng viên Đảng Dân chủ đã phản đối những thay đổi với Hoa Kỳ. Họ công khai yêu cầu phân biệt chủng tộc và trao quyền mạnh hơn cho các tiểu bang. “Hãy coi đảng Dân chủ năm 1898 là đảng của chủ nghĩa da trắng tối thượng”, LeRae Umfleet, nhà đấu tranh tiểu bang và là tác giả của A Day of Blood, cuốn sách về cuộc khởi nghĩa Wilmington, nói với BBC.

Các chính trị gia Dân chủ lo sợ rằng phe Phát xít – gồm đảng Cộng hòa da đen cũng như nông dân nghèo da trắng – sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử năm 1898. Các nhà lãnh đạo đảng quyết định phát động một chiến dịch bầu cử rõ ràng dựa trên quyền của người ‘da trắng thượng đẳng’, và sử dụng mọi thứ trong khả năng của họ để đánh bại những người theo chủ nghĩa Phát xít.

Bà Umfleet nói: “Đó là một nỗ lực phối hợp, có sự phối hợp việc sử dụng các tờ báo, nhà phát biểu và các thủ đoạn đe dọa để đảm bảo rằng nền tảng da trắng thượng đẳng thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 1898.

Lực lượng dân quân da trắng – gồm một nhóm được gọi là Áo sơ mi đỏ, được đặt tên theo đồng phục của họ – cưỡi ngựa đi quanh tấn công người da đen và đe dọa những cử tri sẽ đi bầu. Khi những người da đen ở Wilmington mua súng để bảo vệ tài sản của họ, họ đã bị các chủ cửa hàng da trắng từ chối không bán, những người sau đó giữ danh sách những người tìm mua vũ khí và đạn dược.

Red Shirts pose at the polls in North Carolina
Lực lượng dân quân Áo đỏ đe dọa và tấn công cử tri da đen (Nguồn: Courtesy of The State Archives Of North Carolina)
 

Trong khi đó, báo chí lan truyền những tuyên bố rằng người Mỹ gốc Phi muốn có quyền lực chính trị để họ có thể ngủ với phụ nữ da trắng, và bịa đặt về nạn hiếp dâm.

Khi Alexander Manly, chủ sở hữu và biên tập viên của Wilmington Daily Record, xuất bản một bài xã luận đặt câu hỏi về cáo buộc hiếp dâm và cho rằng phụ nữ da trắng ngủ với đàn ông da đen theo ý muốn của họ, điều đó đã khiến đảng Dân chủ phẫn nộ và khiến ông trở thành mục tiêu của một chiến dịch căm thù.

Một ngày trước cuộc bầu cử toàn tiểu bang năm 1898, chính trị gia đảng Dân chủ Alfred Moore Waddell có một bài phát biểu yêu cầu những người đàn ông da trắng “làm nhiệm vụ của bạn”.

“Ngày mai hãy đi đến các địa điểm bỏ phiếu, và nếu bạn thấy người da đen bỏ phiếu, hãy bảo anh ta rời khỏi phòng phiếu và nếu anh ta từ chối, giết ngay, hãy bắn anh ta ngay tại chỗ. Ngày mai chúng ta sẽ thắng dù chúng ta phải làm điều đó bằng súng.”

Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp tiểu bang. Nhiều cử tri đã buộc phải rời khỏi các điểm bỏ phiếu trước họng súng hoặc thậm chí từ chối đi bầu vì sợ bạo lực.

Nhưng các chính trị gia theo chủ nghĩa Fusionist vẫn nắm quyền ở Wilmington, với cuộc bầu cử thành phố sẽ không diễn ra cho đến năm sau.

Hai ngày sau cuộc bầu cử tiểu bang, Waddell và hàng trăm người đàn ông da trắng, được trang bị súng trường và súng Gatling, đi vào thị trấn và đốt cháy tòa soạn của Wilmington Daily Record. Sau đó, họ lan khắp thị trấn giết người da đen và phá hủy cơ sở kinh doanh của người da đen. Đám đông ngày càng đông với nhiều người da trắng nhập cuộc hơn.

Khi những người dân da đen chạy trốn vào rừng bên ngoài thị trấn, Waddell và băng của ông ta đã diễu hành đến tòa thị chính và buộc chính quyền địa phương phải từ chức trước họng súng. Waddell được tuyên bố là thị trưởng vào buổi chiều cùng ngày.

“Đó [là] một cuộc nổi dậy toàn diện, một cuộc nổi dậy toàn diện chống lại chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương,” Giáo sư Gilmore nói.

Thalian Hall and the county courthouse in Wilmington, North Carolina
Wilmington hiện đứng hạng tám trong các thành phố đông dân nhất trong tiểu bang (Nguồn: Getty Images)
 

 

Trong vòng hai năm, những người theo chủ nghĩa thượng đẳng của người da trắng ở North Carolina đã áp đặt luật phân biệt mới và tước bỏ quyền bỏ phiếu của người da đen một cách có hiệu quả, thông qua kết hợp các bài kiểm tra biết đọc biết viết và thuế thăm dò. Theo báo cáo, số lượng cử tri người Mỹ gốc Phi đăng ký đi bầu đã giảm từ 125.000 người năm 1896 xuống còn khoảng 6.000 người vào năm 1902.

“Những người da đen ở Wilmington không nghĩ rằng điều gì đó như thế này sẽ xảy ra”, Giáo sư Gilmore nói.

“Có một thống đốc đảng Cộng hòa ở tiểu bang, dân biểu của họ là một người da đen. Họ nghĩ rằng mọi thứ thực sự đang tốt hơn. Nhưng một phần của bài học về điều đó là khi mọi thứ trở nên tốt hơn, người da trắng đã chiến đấu mạnh mẽ hơn.”

Deborah Dicks Maxwell là chủ tịch chi nhánh địa phương của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người Da màu [NAACP] ở Wilmington. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn, bà không biết về vụ tấn công cho đến khi ba mươi tuổi.

“Đó là điều mà những người ở đây [ở Wilmington] biết nhưng nó không được nói đến rộng rãi,” bà nói với BBC. “Nó không nằm trong chương trình giảng dạy ở trường như lẽ ra phải là – không ai muốn thừa nhận điều này đã xảy ra.”

Mãi đến thập niên 1990, thành phố mới bắt đầu thảo luận về quá khứ của mình. Năm 1998, chính quyền địa phương tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm vụ tấn công, và hai năm sau đó, thành lập một ủy ban xác minh sự thật. Kể từ đó, thành phố đã dựng các tấm biển ở những điểm quan trọng để tưởng nhớ các sự kiện, và đã tạo ra Đài tưởng niệm và Công viên Tưởng niệm năm 1898 – điều mà bà Dicks Maxwell mô tả là “nhỏ nhưng có ý nghĩa”.

Với những gì thành phố đã trải qua, không có gì ngạc nhiên khi cư dân và các nhà sử học từng kể về quá khứ của thành phố đã vẽ ra những điểm tương đồng giữa cuộc nổi dậy năm 1898 và cuộc tấn công vào Điện Capitol của Mỹ vào tháng này.

Bà Dicks Maxwell và chi nhánh NAACP của bà trong nhiều tháng sau cuộc bầu cử Mỹ đã nêu bật những gì họ cho là điểm tương đồng giữa những gì đã xảy ra ở Wilmington và cách các chính trị gia đang cố gắng phá hoại kết quả bầu cử ngày nay ở Mỹ.

“Đầu ngày hôm đó, chúng tôi đã họp báo tố cáo dân biểu địa phương của chúng tôi ủng hộ Trump, [nói] rằng sẽ có thể có một cuộc đảo chính và chúng tôi không muốn một cuộc đảo chính khác xảy ra ở đất nước này”, bà nói. Chỉ vài giờ sau đám đông đã diễu hành trên Điện Capitol của Hoa Kỳ.

Christopher Everett là một nhà làm phim tài liệu đã làm một bộ phim về cuộc nổi dậy năm 1898, Wilmington on Fire. Khi ông Everett nhìn thấy cuộc tấn công vào Điện Capitol, ông đã nghĩ đến Wilmington.

Ông nói với BBC:

“Không ai phải chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy năm 1898. Do đó, nó đã mở ra các cửa lũ lụt, đặc biệt là ở miền nam, để họ … tước bỏ quyền công dân của người Mỹ gốc Phi”, ông nói với BBC.
“Đó là điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi sau cuộc nổi dậy của DC – bạn đang mở cửa cho một điều gì đó khác xảy ra, hoặc thậm chí tệ hơn.”

Cuộc tấn công năm 1898 không được che đậy. Các tòa nhà đại học, trường học và các tòa nhà công cộng trên toàn bang đều được đặt theo tên của những kẻ chủ mưu cuộc khởi nghĩa. Những người đàn ông sau đó tuyên bố đã tham gia cuộc tấn công để nâng cao tầm vóc của họ trong Đảng Dân chủ. Nhiều thập niên trôi qua, sử sách bắt đầu khẳng định cuộc tấn công thực chất là một cuộc bạo động chủng tộc do người da đen khởi sự và do người da trắng hạ gục.

Ông Everett nói: “Ngay cả sau vụ thảm sát, rất nhiều người tham gia và dàn dựng cuộc nổi dậy đã trở thành bất tử – những bức tượng, tòa nhà mang tên họ, trên khắp đất nước, đặc biệt là ở North Carolina.

Charles Aycock – một trong những người tổ chức chiến dịch bầu cử cho người da trắng thượng đẳng – trở thành thống đốc bang tiểu North Carolina vào năm 1901. Bức tượng của ông hiện đặt tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, nơi những kẻ bạo loạn tiến vào ngày 6 tháng Giêng.

Everett hiện đang quay phần tiếp theo của bộ phim tài liệu của mình để kiểm tra xem Wilmington đang vật lộn với quá khứ như thế nào.

Ông nói nhiều nhà lãnh đạo địa phương đang làm việc để “đưa thành phố Wilmington trở lại tinh thần của năm 1897, khi bạn có phong trào Kết hợp này của người da trắng và người da đen làm việc cùng nhau và biến Wilmington trở thành một ví dụ về những gì miền nam mới có thể là sau Nội chiến.”

Ông nói: “Wilmington là hình mẫu cho phong trào dành quyền của người da trắng thượng đẳng với cuộc nổi dậy.
“Nhưng bây giờ Wilmington cũng có thể là một hình mẫu để cho thấy chúng ta có thể làm việc cùng nhau và vượt qua vết nhơ của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng như thế nào.”

Christopher Everett on the set of Wilmington on Fire 2
Christopher Everett, trái, đang quay phim tài liệu về cách Wilmington vật lộn với quá khứ (Nguồn: Speller Street Films)

 
Toby Luckhurst
Theo BBC News tiếng Việt ngày 17/1/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*