Theo nguồn tin của BBC, nhạc sĩ Lam Phương vừa qua đời tại California, Mỹ ở tuổi 83 sau khi điều trị chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng.
Tâm sự với BBC News Tiếng Việt vài giờ sau khi nhạc sĩ Lam Phương ra đi, bà Marie Tô từ Trung tâm Thúy Nga bày tỏ:
“Đây là một mất mát quá lớn. Buồn hơn là chú mất trong bệnh viện thời Covid-19 nên người nhà không được vào thăm.
Tuần rồi nghe chú vào bệnh viện, tôi có gọi hỏi thăm em của chú là cô Bảy nhưng được cho biết là không ai vào thăm chú được vì Covid-19”.
Trên trang Facebook của Trung tâm Thúy Nga – Paris By Night viết:
“Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07 giờ tối ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California.
Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành.”
Hồi tháng 8, trong cuộc trò chuyện trực tuyến cùng truyền thông Việt Nam, nhạc sĩ đã bày tỏ nỗi niềm rằng luôn mong ngày trở về nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên hy vọng khán giả sẽ thông cảm cho mình. Ông nói:
“Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.
Ở tuổi 81, nhạc sĩ Lam Phương còn mắc nhiều bệnh trong người. Ông đã bị tai biến suốt 19 năm qua.
Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Văn, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và là anh cả trong một gia đình gồm 6 người con. Trong số có 2 người em gái ở Việt Nam mà một người đã qua đời vì bệnh tiểu đường.
Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay Chiều thu ấy, sau đó đến Kiếp nghèo được nhiều người yêu mến. Ba năm sau, ông viết hàng loạt bài về quê hương, nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa. Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên…
Năm 1975, sau vài tháng ở trại tỵ nạn, gia đình nhạc sĩ Lam Phương được bảo trợ về định cư tại thành phố Virginia Beach, trước khi dọn về Falls Church, tiểu bang Virginia. Năm sau gia đình ông lại dời về thành phố Dallas và kế đến là Houston. Thời gian này, cố nhạc sĩ đã phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện.
Đến năm 1981, ông đổ vỡ với người vợ đầu là nữ kịch sĩ Túy Hồng. Sau đó, ông quyết định sang Pháp cùng với cô em út ở Paris.
Thời gian sống ở Paris chính là thời gian sáng tác dồi dào nhất của ông với khoảng trên 100 nhạc phẩm trong tổng số 200 nhạc phẩm trải dài suốt cuộc đời âm nhạc của ông.
Theo các nhà đánh giá, Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương, mối tình Paris với cô Cẩm Hường cũng khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc làm say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em hay Mùa thu yêu đương…
Đến năm 1995, ông trở về Mỹ và sống tại tiểu bang California cho đến khi ra đi.
Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ hải ngoại thực hiện hiện chương trình Tình ca Lam Phương tại Singapore.
Nhìn lại sự nghiệp của cố nhạc sĩ, có thể thấy những năm cuối của thập niên 60, tuổi Lam Phương nổi như cồn.
Tùng Phong, từ Sài Gòn hồi tháng 8 gửi cho BBC đã viết:
“Những bài hát của Lam Phương ở giai đoạn đỉnh cao trong sáng tác của âm nhạc thập niên 60, có một đặc điểm chung là buồn nhưng rất đẹp, buồn một cách sang trọng. Chính vì thế mà ngày từ khi đó người ta đã khó xếp âm nhạc của ông vào dòng nhạc trong những dòng thịnh hành thời đó.
Sau này, ông mở rộng phong cách sáng tác, có nhiều bài hát vui tươi – như thời gian ông hạnh phúc với cuộc tình mới ở Paris thập niên 80, nhưng cũng vẫn không thiếu những bài buồn-mà-đẹp, chẳng hạn một trong những bài hay nhất của ông giai đoạn sau này – Một Mình. Nhưng dù ở giai đoạn nào, với phong cách nào, thì hầu hết các bài hát của Lam Phương đều là câu chuyện về những cuộc tình dang dở, những mối tình của chính ông, với những bóng hồng đã trở thành huyền thoại.”
Trang Facebook của Thúy Nga viết về cố nhạc sĩ:
“Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.
Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên…”
Theo BBC tiếng Việt ngày 23/12/2020
Be the first to comment