Tổng thống Donald Trump được Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chào mừng tại Hà Nội ngày 12/11/2017, sau khi ông Trump tham dự các cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo APEC ở Đà Nẵng
Chỉ 4 năm, Tổng thống Donald Trump cùng bộ máy của mình đã tạo nên quá nhiều thay đổi cho xã hội Mỹ, thế giới, trong đó có Việt Nam; và sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới nữa.
Tất cả những tranh cãi về ông chỉ càng chứng tỏ những gì ông làm trong chính sách của nước Mỹ cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu sâu, trao đổi, có nhiều thời gian và thực tế kiểm chứng.
Di sản của Tổng thống Donald Trump
Di sản của ông tác động tới nhận thức chính trị của người Việt Nam là khó thấy hết. Xin tạm khơi gợi một số trong đó.
Thái độ với Trung Quốc
Người Việt nói chung, trong và ngoài nước, nhiều năm nay có lẽ cho rằng mình đã rõ về dã tâm và mối hiểm họa của Trung cộng đối với Việt Nam. Thế nhưng chưa hẳn. Tổng thống Trump đã “giúp” họ nhìn ra, hay ít nhất là chú trọng hơn hai điều hết sức quan trọng.
Thứ nhất, tách bạch người dân Trung Quốc với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đây là một bước đột phá hết sức khôn ngoan không phải chỉ liên quan Việt Nam, mà với toàn thế giới. Đi liền với việc “tách bạch” này là hàng loạt chính sách mạnh mẽ chưa từng thấy đối với ĐCSTQ.
Thứ hai, lật tẩy hầu như toàn bộ những thủ đoạn nguy hiểm của ĐCSTQ với nước Mỹ, các nước Âu châu và mọi quốc gia liên quan. Những thủ đoạn đó, vừa trực tiếp lại vừa gián tiếp tác động lớn tới Việt Nam.
Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã lợi dụng sự “ngây thơ”, cả thực dụng thiển cận của Mỹ, phương Tây để cạnh tranh không lành mạnh, ngấm ngầm phá hoại kinh tế và nền dân chủ nhiều nước.
Nay thì dân Việt mới thấy rõ, hóa ra “Tây” cũng không khôn ngoan hơn mình là bao, mà có khi còn “tệ” hơn về lĩnh vực này.
Những tác động tới ĐCS Việt Nam
Tác động lớn nhất có tính dài lâu là thái độ của chính quyền Trump “tách bạch” giữa ĐCSTQ với người dân nước này. Đi liền đó là những tuyên bố chống lại chủ nghĩa xã hội của ông.
Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không thể không “trông người lại ngẫm tới ta”. Chỉ đơn cử chế tài với đảng viên ĐCSTQ muốn nhập cảnh Mỹ cũng đã là chuyện đáng lo ngại sâu xa với những người trong hệ thống đảng ở Việt Nam. Sẽ có ngày họ được nhắm tới, nếu như cứ mãi cung cúc theo con đường “lãnh tụ vĩ đại” Tập Cận Bình dẫn dắt.
Về kinh tế, sự trừng phạt khắc nghiệt của chính quyền Trump đối với những chính sách “vờ” là nền kinh tế thị trường của Trung Quốc chắc chắn làm giới lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc đối với mô hình “định hướng XHCN” của mình. Phải sớm rũ bỏ cái đuôi quái dị đó.
Những tác động gián tiếp qua cuộc thương chiến Mỹ-Trung đưa tới hàng loạt doanh nghiệp lớn của Mỹ, Âu, Nhật … rời Trung Quốc đi, nhưng đến Việt Nam không nhiều, buộc chính phủ phải xem lại chính sách kinh tế của mình.
Quanh vấn đề chủ quyền đất nước trước sự gây hấn, xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, rõ ràng phía chính quyền Việt Nam đã nhận được sự khích lệ, hỗ trợ hơn hẳn từ phía Mỹ so với hàng chục năm trước. Nó quá trái ngược với một chính quyền 8 năm Obama-Biden, nhưng vẫn không quá mức để đến độ Trung cộng có thể phản ứng nguy hiểm không có lợi cho Việt Nam. Thực tế này đang ngấm ngầm ảnh hưởng tới nội bộ ĐCSVN; phái “thân Mỹ/phương Tây” sẽ mạnh bạo hơn.
Toan tính lợi dụng sự “ưu ái” nào đó của Mỹ bởi vai trò then chốt của Việt Nam trong chiến lược cự địch với Trung cộng, để rồi tăng cường siết chặt quyền tự do dân chủ, hay lơi lỏng cho hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” qua Mỹ v.v.. rồi sẽ phải được xem lại. Những đánh giá của TT Trump về thương mại với Việt Nam (“lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc”) và quyết định mới nhất đưa Việt Nam vào diện quốc gia thao túng tiền tệ, sau nhiều lần cảnh báo, là một minh chứng.
Người dân nghĩ về đảng, Nhà nước Việt Nam
Từ chỗ nhận thức rõ Trung Quốc đã lợi dụng, “lừa” Mỹ, phương Tây thế nào, người Việt liên tưởng tới nước mình, ở một góc cạnh khác.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng có chế độ chính trị độc đảng cộng sản cầm quyền. Vậy thì nó có “lợi dụng”, “lừa” Mỹ, phương Tây như Trung Quốc không? Tương tự cách đó, nó có “lừa” người dân không? Đại để như cách mà Trung Quốc đã “lừa” rằng mở cửa đất nước, theo “kinh tế thị trường” thì tự khắc sẽ mở rộng dân chủ.
Với mối quan hệ chịu ảnh hưởng, lệ thuộc lớn với ĐCSTQ, làm sao tránh khỏi những chính sách, mục tiêu lâu dài cũng học theo, và đặt tương lai của mình, của đất nước mình gắn bó với nó.
Với vấn đề chủ quyền biển đảo, sự nhìn nhận của dư luận đã có thay đổi, theo cách vừa lên tiếng đòi hỏi, vừa soi xét xem đảng, nhà nước có biết tận dụng hay không cơ hội hiếm hoi khi Mỹ và các đồng minh châu Á-Thái Bình Dương gia tăng mạnh mẽ mối liên kết, gây áp lực lên Trung cộng, khéo léo lôi kéo Việt Nam cùng tham gia.
Mặt khác, người dân cũng có thể cảm nhận sự thay đổi nào đó theo hướng tích cực – bớt lệ thuộc ĐCSTQ của đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi có chính quyền Trump.
Họ có ý thức hơn để sẵn sàng khích lệ, ủng hộ những cá nhân trong bộ máy nhà nước, hay cả một chính sách của nhà nước tỏ ra nới lỏng mối ràng buộc với Trung cộng.
Hiểu thêm nền chính trị Mỹ
Người Việt ở Mỹ nói chung chưa hẳn đã hiểu nền chính trị Mỹ nhiều; người Việt trong nước thì lại càng ít; hiện tượng Trump đã làm cho họ cùng phải tìm hiểu thêm và đã hiểu nhiều hơn.
Ví như một câu hỏi lớn, là tại sao chỉ ngay những ngày đầu khi Tổng thống Trump nhậm chức, biểu hiện chia rẽ trong xã hội Mỹ đã lộ rõ. Đã có những trí thức người Việt không thích TT Trump liền lên giọng khinh rẻ, rủa những người trong số ủng hộ ông là “cuồng Trump”, dễ dàng thổi phồng tính cách độc đoán của ông thành “độc tài”, … ? Ngược lại, đại đa số người Việt, trong đó cũng có rất nhiều trí thức, giới hiểu biết chính trị thì không vậy, nếu không muốn nói là ủng hộ ông nhiệt thành.
Qua mấy tháng cao trào bầu cử, hàng loạt hiện tượng bất bình thường bị nghi vấn gian lận khắp các bang (hình như toàn bị lỗi theo kiểu “cậu đánh máy”, lợi cho… Biden?), những biểu hiện phe phái chống đối/ủng hộ Tổng thống Trump kịch liệt bộc lộ thêm hiện trạng nước Mỹ.
Dù thế nào, thì họ cũng đều tỏ ra quan tâm hơn hẳn tới tình hình chính trị Mỹ.
Đảng phái ở Mỹ, lâu nay sự khác biệt giữa Dân chủ và Cộng hòa hầu như ít người Việt quan tâm, bởi nói chung, cả hai đều có tư tưởng tiến bộ, ủng hộ cho chủ quyền và giúp cho dân chủ hóa ở Việt Nam.
Nay thì khác rồi! Những xung khắc quan điểm về ông Trump đã làm cho người ta phải tự hỏi, rồi tìm hiểu sâu xa hơn về hai đảng, một là của ông, một đang chống ông kịch liệt.
Người ta hiểu thêm thế nào là đảng cánh “tả”, cánh “hữu”; “thiên tả”, “cực tả” gần với xã hội chủ nghĩa ra sao.
Quan trọng hơn với người Việt còn là câu hỏi, thế đảng nào hiện tại có chính sách có lợi cho người dân Việt Nam hơn?
Thái độ đối với ĐCSTQ, với chủ nghĩa cộng sản chính là thứ người Việt cần nhất khi đánh giá một vị tổng thống Mỹ. Họ được biết Tổng thống Trump nhiều lần lên án chủ nghĩa xã hội; ngay tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông đã kêu gọi các nước chống lại Chủ nghĩa Xã hội. Có lẽ chưa có đời tổng thống Mỹ nào có được hành động như vậy, kể cả ở thời Chiến tranh lạnh.
Khi có những thế lực chống lại một tổng thống Mỹ như thế, đương nhiên trong mắt người Việt, thế lực đó đã mất đi cái “chính danh”, dù nó có đang mang danh hiệu đẹp đẽ gì. Thậm chí, người ta không thể không đặt dấu hỏi, rằng sự chống đối hung tợn tới mức khó tưởng tượng nổi liệu có vô tình (?) tiếp tay cho Trung cộng không.
Có thể có ít người đã thất vọng “thầm kín” với chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền Trump, kêu rêu rằng Trump không quan tâm tới dân chủ cho Việt Nam (?); nhưng tuyệt đại đa số người dân thì không quan tâm theo kiểu đó. Thậm chí trong họ, có cả những trí thức tiến bộ, còn có quan điểm cho rằng việc nhiều năm nay, thỉnh thoảng phía Mỹ tiếp nhận đón vài người tranh đấu bị tù đày sang định cư lại là “lợi bất cập hại”. Bao nhiêu năm nay, thực tế đã minh chứng. Hãy tự đứng trên đôi chân của mình chứ, sao lại quá trông cậy vào người theo lối như thế nhỉ?
Đánh giá một vị nguyên thủ quốc gia có nên tập trung nhiều vào tác phong, tính cách, lời ăn tiếng nói là chính, hay phải là chính sách của cả một chính quyền và hiệu quả của nó?
Với một tổng thống Mỹ thì lại càng quan trọng cho câu hỏi đó. Và việc xuất hiện một Trump quá khác trong nhiều chính sách đối nội, đối ngoại nhưng lại quái dị về cá tính so với tất cả các đời tổng thống khác đã làm người Việt bất ngờ.
Người ta còn có cái bất ngờ khác, là sao vẫn còn không ít người nhìn nhận một tổng thống Mỹ mà cứ như thể với “lãnh tụ kính yêu” ở Việt Nam, tới độ quên hẳn đi những tri thức chính trị đã có của mình để xét đoán với đối tượng này. Cái “đuôi” cộng sản vẫn còn sót lại mãi chăng, hay chỉ đơn thuần là “ngây thơ chính trị”, giận quá hóa … quên?
Khác biệt trong người Việt
Lâu nay, với người Việt quan tâm chính trị, hầu như chỉ bàn và tìm hiểu về xứ mình. Khá rõ ràng một làn ranh, người vẫn “tin theo Đảng” và những người đã mất niềm tin đó ít nhiều.
Những nhân sĩ, trí thức, người am hiểu chính trị Việt Nam có tư tưởng tiến bộ, đã rất tự nhiên trở thành lực lượng dẫn dắt nhận thức, dư luận xã hội cho những người “mất niềm tin”.
Thế rồi, có vẻ như cái “trật tự” đó đã thay đổi chút ít.
Chủ yếu qua mạng xã hội, từ khi nổi lên “hiện tượng Trump”, người dân nói chung thích quan tâm hơn, hiểu nhiều hơn về chính trị Mỹ, họ không dễ bị những trí thức có “tư tưởng tiến bộ” định hướng giúp nhận thức của mình nữa.
Ngược lại, họ lại thấy lực lượng đó bộc lộ nhiều điểm yếu mà xưa nay khó thấy rõ, từ kiến thức chính trị quốc tế, khả năng diễn đạt quan điểm của mình, cho tới thái độ “độc quyền chân lý” (y chang người cộng sản), khinh mạn đối với giới “bình dân”.
Thậm chí họ còn có thể nghi ngờ những “tiến bộ” nửa vời, những toan tính cá nhân đằng sau đó.
Kề vai sát cánh với họ cũng có đông đảo người trong tầng lớp tinh hoa, có tư tưởng tích cực, nhưng tỏ ra gần gũi, coi trọng tiếng nói của những ai được coi như thiếu am hiểu chính trị. Giới này không ồn ào tranh cãi, tức tối nóng nảy nên khó nhận thấy.
Lực lượng vẫn “định hướng” tư tưởng, dư luận chưa quen, hoàn toàn bất ngờ về sự thay đổi “trật tự” đó; thấy mình như “mất thiêng”. Thế là, thay vì học hỏi cầu thị, để viết ra những điều thuyết phục hơn, không bị sa vào tiểu tiết hoặc dùng lối bình luận tiểu xảo, thì lại nảy sinh phản ứng nóng vội dưới nhiều dạng thức; càng mạnh thì càng lộ thêm điểm yếu. Nếu cứ vậy, với tiếng nói tiến bộ bao lâu, giờ có cất lên, sẽ giảm bớt hiệu ứng trong quần chúng.
“Bảo chứng” tốt nhất cho sự hay/dở về cách đánh giá TT Trump liên quan Việt Nam chính là lực lượng đông đảo áp đảo của người Việt ở Mỹ ủng hộ ông. Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn bầu cử 2020, các hoạt động xã hội vô cùng phong phú, sự có mặt tràn ngập trên mạng của họ là chưa từng có. Họ “cuồng nhiệt” cổ vũ, chứ không phải “điền cuồng” đập phá như các cuộc biểu tình bạo động liên quan phong trào BLM (Black Lives Matter).
Đối thủ chính trị của Trump trong cuộc đua lại có một quá khứ chính trị gắn liền với Obama quá nhu nhược với Trung cộng. Còn hiện tại, Biden, vừa mang điều tiếng “gia đình dính líu làm ăn” với Bắc Kinh, lại vừa thiếu hẳn vẻ mạnh mẽ cần thiết của một vị đứng đầu cường quốc số một thế giới, … càng làm cho tinh thần ủng hộ Trump của người Việt thêm cuồng nhiệt.
Khép lại một năm, cũng là bắt đầu một chương mới “có Trump” hay “không mà như có Trump”. Người Việt chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục mối quan tâm yêu/ghét đặc biệt tới ông, cùng với mối lo tương lai một nước Mỹ có tổng thống mà … như không có.
Blogger (Ba Sàm) Nguyễn Hữu Vinh
Gửi cho BBC từ Hà Nội ngày 22/12/2020
Be the first to comment