Thời Sự Cuối Tuần – Tàu Cộng, Hoa Kỳ Và Tình Trạng Của Á Châu

Thưa quý vị,
Đã gần một tháng trôi qua kể từ ngày bầu cử, 3 tháng 11, cho đến nay, không những chưa có kết quả chính thức, mà các vụ kiện cáo lại ngày càng dồn dập. Nó giống như một trận đá banh ở những giây phút cuối, ồn ào, sôi động, nghẹt thở. Nhất là khi đi vào các cú đá phạt đền để phân định hơn thua thì lại càng nghẹt thở, và kết quả thì hiển nhiên là khó có thể xem là công bằng, cho dù hợp lệ.
So sánh cuộc bầu cử với trận đá banh, hay hầu hết các loại thể thao dùng banh khác thì cũng đúng. Bởi vì, bầu cử và đá banh, chỉ có hạng nhất chứ không có hạng nhì, và người Mỹ có câu “Hạng nhì là đứng đầu danh sách của những kẻ thất bại.” Nghe sao mà đắng cay, chua chát đến thế!
Một điều đáng phàn nàn là, người dân chúng ta đã làm xong nhiệm vụ, bỏ phiếu chọn người mình ủng hộ. Bây giờ có chuyện rắc rối về luật pháp thì hãy để các luật sư lo liệu, chứ chúng ta chẳng làm gì hơn được. Thế nhưng, hiện nay lại xuất hiện nhiều tin tức và tranh cãi giữa cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Tin tức thì không rõ nguồn gốc để kiểm chứng thực hay giả; và tranh cãi thì lại bắt đầu mạ lị, xỉ vả nhau bằng những ngôn từ nặng nề, xấu xa, dễ gây oán hận.

Tranh đua nào rồi cũng có kết cuộc, trận đá banh nào cũng phải kết thúc. Cùng lắm, thì trận banh phải giải quyết bằng đá phạt, và tranh chấp tổng thống thì lên tới Tối Cao Pháp Viện. Đá banh hay tổng thống thì cũng chỉ cần tỉ số 5-4 là thắng, và cũng sẽ không có hạng nhì !

Thưa quý vị,

Sở dĩ cuộc bầu cử của Mỹ lần này được nhiều người Việt tị nạn cộng sản chú ý hơn các lần trước, là bởi sự “trổi dậy” của Tàu cộng. Khởi đầu là những cuộc xâm lăng ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, rồi đến chương trình “Vành Đai, Con Đường” cùng “Bẫy Nợ” giăng ra khắp nơi trên thế giới. Rồi đến mạng lưới gián điệp điện tử được gài vào điện thoại di động, máy móc điện tử của trường đại học cũng như hãng xưởng và quân đội, và bao trùm cả mạng lưới viễn thông 5G. Sau đó thì cơn đại dịch toàn cầu do con coronavirus xuất phát từ Vũ Hán tàn phá kinh tế và sinh hoạt xã hội trên toàn thế giới. Con coronavirus này phát tán ra bên ngoài có thể do bất cẩn của phòng thí nghiệm vi khuẩn ở Vũ Hán, nhưng cũng có thể là những quả bom vi trùng được gài vào dân Tàu để phát tán đi khắp thế giới. Sự thực có lẽ sẽ khó có thể tìm ra, vì Tàu cộng kiểm soát và khuynh đảo các nhân vật hàng đầu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đồng thời dùng đường lối “ngoại giao chó sói” cùng hàng ngàn “dư luận viên” hay “quân đội 50 xu” để đánh lạc hướng các tin tức liên quan đến nguồn gốc của con coronavirus.

Trước sự “trổi dậy” và lũng đoạn của Tàu cộng, thế giới, nhất là các quốc gia châu Á hướng về Hoa Kỳ để tìm chỗ nương tựa, bảo vệ, hay ít ra cũng ngăn cản được cái vòi con bạch tuộc Tàu cộng đang siết quanh cổ quốc gia của họ. Bởi vì trên thực tế thì Tàu cộng là quốc gia không có đối thủ ở châu Á. Nói cách khác, là tất cả các quốc gia châu Á hợp lại cũng không thể chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự của Tàu cộng, chứ nói chi đến một vài quốc gia vẫn đang bị dòm ngó bởi cặp mắt tham lam của con rồng đỏ Tàu cộng.

Thế nhưng chính trị của Hoa Kỳ lại quá phức tạp. Tuy chỉ có hai chính đảng thay nhau cầm quyền qua phương pháp bầu cử, thế nhưng Hoa Kỳ không có một chính sách thuần nhất để nhận định kẻ nào là đối thủ và ai là bạn. Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ thời chiến tranh Việt Nam, đã nói một câu để đời rằng “Làm kẻ thù của Mỹ thì có thể bị nguy hiểm, nhưng làm bạn của Mỹ thì có thể chết – it may be dangerous to be America’s enemy, but to be America’s friend is fatal.” Bởi vì khi nước Mỹ thay đổi chính phủ thì có thể thay đổi chính sách và bỏ rơi quốc gia bạn. Miền Nam Việt Nam là một thí dụ điển hình trong lịch sử cận đại mà rất nhiều người trong chúng ta biết rõ, vì đã ở trong tình trạng bị bỏ rơi đó.

Cái khác biệt giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng là Hoa Kỳ không xâm lăng, không chiếm đoạt tài nguyên, đất đai, không đô hộ dân bản xứ. Và Tàu cộng thì làm tất cả những điều đó. Người Việt Nam đã trải qua cả ngàn năm bị Tàu đô hộ thì đã hiểu dã tâm và lòng tham của Tàu cộng, vì thế đã có rất nhiều anh hùng, liệt nữ nổi lên chống lại bọn chúng. Thế nhưng thế giới thì vẫn ngây thơ và nhất là xem thường Tàu cộng, để chưa đầy 20 năm sau, từ một quốc gia nghèo đói, lụn bại, trở thành một quốc gia hạng nhì thế giới về kinh tế, và hiện nay đang hoạch định chương trình 15 năm nữa, năm 2035, sẽ ngang hàng với Hoa Kỳ về quân sự. Khi đó thì hoặc là Tàu cộng sẽ thâu tóm thế giới dưới một “đế chế đỏ”, hoặc sẽ có Thế Chiến Thứ Ba để giải quyết tranh chấp quân sự giữa Tàu cộng và thế giới tự do. Việc nào xảy ra thì hậu quả cũng tàn khốc, khó lường.

Hiểu như thế thì đủ để giải thích tại sao người Việt tị nạn cộng sản lại hăng say tham dự cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này. Đó là lý do lịch sử, người Việt Nam rất sợ chủ nghĩa và con người cộng sản, nhất là cộng sản Tàu. Một chủ nghĩa tàn ác trong tay của kẻ thù truyền kiếp thì không còn gì đáng ghê sợ hơn thế nữa.
Đó cũng là lý do để nhiều người Việt tị nạn cộng sản ủng hộ ông Trump, vì ông là người lãnh tụ duy nhất của một cường quốc đã đọc trước diễn đàn của Uỷ Hội Quốc Tế, bài diễn văn chống chủ nghĩa cộng sản, và các quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản như Venezuela, Cuba, Bắc Hàn, và đặc biệt chú trọng đến Tàu cộng.
Thế nhưng, như chúng ta đã biết, khi nước Mỹ thay đổi chính phủ thì chính sách sẽ thay đổi. Với quá khứ và trong khi tranh cử, ông Biden không nêu ra một ý kiến rõ rệt nào về chính sách ngoại giao với châu Á, đồng thời tránh né không nhắc đến Tàu cộng hoặc trước đó có vẻ hoà hoãn vì lý do người con trai có liên hệ làm ăn không minh bạch với Tàu cộng.
Bởi vậy, câu hỏi đắt giá nhất của các quốc gia châu Á, nhất là vùng Đông Nam Á và các quốc gia đang có tranh chấp với Tàu cộng về chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông, là “Nếu ông Biden đắc cử tổng thống Hoa Kỳ thì tình hình khu vực này sẽ ra sao? Những quốc gia bạn của Hoa Kỳ trong khu vực này có thể bị bỏ rơi hay không?” 
 
Thưa quý vị,
Trong khi chờ thời gian trả lời cho câu hỏi trên, chúng tôi xin gửi đến quý vị một số tin tức quan trọng trong tuần, trong đó cũng nói lên sự hung hăng, tham lam, của Tàu cộng và sự e ngại của các quốc gia đang nằm trong tầm móng vuốt chộp bắt của con rồng đỏ.

Quá Khứ Và Hiện Tại, Hứa Hẹn Và Hành Động

Hiện nay, theo tin tức trên các mạng truyền thông dòng chính, thì ông Biden có thể sẽ đắc cử chức vụ tổng thống Mỹ cho nhiệm kỳ 2021-2024. Thế cho nên nhiều nguồn thông tin và nhà bình luận về Á châu bắt đầu bàn luận và tỏ vẻ rất quan ngại về chính sách của Mỹ đối với Á châu.
Trong quá khứ, năm 2000, ông Biden cùng với 82 Thượng Nghị Sĩ thời chính phủ Clinton thoả thuận việc bình thường hoá thương mại với Tàu cộng, mở đầu cho việc chấp thuận Tàu cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Khi viếng thăm Thượng Hải, Biden đã tuyên bố: “Tàu cộng không phải là kẻ thù của chúng ta. Không có gì ngăn cản việc hợp tác giữa hai quốc gia.” Hai mươi năm sau, khi Tàu cộng đã trở thành quốc gia hạng nhì thế giới về kinh tế, Biden muốn ngăn cản sự bành trướng của Tàu cộng bằng phương pháp cố hữu, không kết quả, là kêu gọi quốc tế “cấm vận”. Cho dù có vài nguồn tin cho rằng ông Biden sẽ tiếp tục chính sách “không nương tay” với Tàu cộng. Thế nhưng đó chỉ là lời hứa của một ứng cử viên, đang kiếm phiếu, và lời bàn của giới truyền thông. Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta, sau khi đắc cử thì hành động của ông Biden có đi đôi với lời nói hay không?
Cũng xin nhắc lại là ông Biden đã nhiều lần nói câu “Tàu cộng không phải là kẻ thù của chúng ta.” Chúng ta cũng chỉ hy vọng là như thế, tuy rằng hy vọng đó mỏng manh hơn sợi tơ nhện trong cơn mưa rào, gió táp.

Tàu Cộng Lại Doạ Nạt Tấn Công Đài Loan

Ngày 25 tháng 11, trang báo điện tử National Interest có đăng bài về Tàu cộng vừa phô trương chiến hạm tấn công loại nhỏ, có chiều dài 140-ft (khoảng 43 mét), lớp Houbei loại 022 có trang bị hoả tiễn hành trình chống chiến hạm YJ-83, trong một cuộc tập trận 4 ngày về phương pháp tấn công từ biển vào đất liền. Đây là loại tàu có vận tốc nhanh được trang bị đại bác và hoả tiễn, sẽ được chế tạo nhiều dùng để tràn ngập bờ biển của đối phương, có ý răn đe và hăm doạ tấn công Đài Loan.
Như chúng ta đã biết, việc Tàu cộng đe doạ tấn công Đài Loan vẫn thường xuyên được nhắc nhở mỗi năm vài lần. Thế nhưng đe doạ là một chuyện, hành động lại là một chuyện rất khác. Bởi vì Tàu cộng sợ sẽ gây ra chiến tranh lớn ở Á châu, nhất là với Nhật, Úc, Ấn, và như thế rất có thể khiến Mỹ sẽ phải tham chiến vì cùng trong khối “the Quad”. Xem ra thì đây cũng chỉ là cuộc chạy đua vũ trang và phô trương lực lượng, vì Mỹ vừa đồng ý bán một số vũ khí phòng thủ tối tân cho Đài Loan trị giá trên 2 tỉ đô-la.

Ngăn Chặn Sự Đe Doạ Và Bành Trướng Của Tàu Cộng Ở Thái Bình Dương

Trong cơn đại dịch gây nên bởi coronavirus, phát tán từ Vũ Hán, cả thế giới đổ dồn mắt vào Tàu cộng, thế cho nên Tàu cộng tung ra kế hoạch “chiến binh chó sói” ngoại giao (“wolf warrior” diplomacy) để vừa đe doạ, vừa đánh lạc hướng những tin tức bất lợi cho Tàu cộng. Một nhân vật “chiến binh chó sói” ngoại giao nổi bật của Tàu cộng là Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên), phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Tàu cộng, tuyên bố một cách ngang tàng rằng “Bất kể bao nhiêu con mắt đang đổ dồn về phía Tàu cộng, bất cứ ai dám động chạm đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Tàu cộng cần phải cẩn thận để không bị chọc, hay đâm mù mắt.” 
 
Zhao dùng lời nói này để ám chỉ nhóm Hợp tác Tình báo Năm cặp mắt (Five Eyes – viết tắt là FVEY) gồm 5 quốc gia Úc, Canada, New Zealand (Tân Tây Lan), Anh và Mỹ. Trong đó 4 quốc gia Úc, Canada, New Zealand, và Anh là các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung với Anh, đều đã lên tiếng phản đối Tàu cộng đưa ra luật an ninh mới để đàn áp dân Hong Kong. Đồng thời Úc và Canada là hai quốc gia đang chịu áp lực kinh tế mạnh mẽ từ Tàu cộng. New Zealand có thể sẽ là quốc gia thứ ba trong nhóm sẽ bị áp lực kinh tế của Tàu cộng.
Trong khi các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung với Anh có thể chống lại Tàu cộng, các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương rất dễ vướng vào “bẫy nợ” của Tàu cộng. Thế cho nên hôm thứ Ba vừa qua, bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ dùng 200 triệu đô-la để giúp đỡ các quốc gia đảo, như Palau và Papua New Guinea, ở Tây Thái Bình Dương để chống lại cám dỗ của Tàu cộng mà đâm đầu vào “bẫy nợ”. Hiện nay, Tàu cộng đang giăng “bẫy nợ” ở khu vực Thái Bình Dương để xây hải cảng quân sự, hầu bành trướng thế lực trong khu vực này.
Hai đảo quốc Sri Lanka và Maldives ở phía Nam của Ấn Độ dang bị vấn nạn với “bẫy nợ” của Tàu cộng. Sri Lanka vướng vào khế ước, ký năm 2017, cho Tàu cộng thuê hải cảng Hambantota trong 99 năm. Với sự trợ giúp của Mỹ, đảo quốc Maldives có thể thoát khỏi móng vuốt của Tàu cộng.
Việc Tàu cộng muốn thuê dài hạn 99 năm các đặc khu Bắc Vân Phong, Vân Đồn, và Phú Quốc ở Việt Nam đã gây xáo trộn và biểu tình chống đối mạnh mẽ trong năm 2018, kết quả là Quốc hội Việt Nam đã hoãn lại việc cho thuê này, và đến nay vẫn chưa có kết quả dứt khoát. Chỉ hy vọng rằng chính phủ cộng sản Việt Nam đừng tham lam và ngu dại chui đầu vào tròng, vì 99 năm sau, với mức di dân và sinh sản, ba khu vực đó chắc chắn sẽ trở thành lãnh địa của Tàu.

Chui Đầu Vào Bẫy Kinh Tế Của Tàu Cộng

Ngày 15 tháng 11 năm 2020 vừa qua, 15 quốc gia Đông Á đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là một thoả ước tự do thương mại lớn nhất trên thế giới, gồm các quốc gia Úc, Brunei, Campuchia, Tàu cộng, Indonesia, Nhật, Lào, Mã Lai, Myanmar (Miến Điện), New Zealand (Tân Tây Lan), Philippines (Phi Luật Tân), Singapore, Nam Hàn, Thái Lan, và Việt Nam.
Có thể nói thoả ước này là cái “bẫy thương mại” của Tàu cộng mà các quốc gia Đông Á đã tự ý chui đầu vào tròng. Từ nay, Tàu cộng có sẵn một khối 15 quốc gia để tiêu thụ hàng nhái, hàng dởm, rẻ tiền để làm giàu, vô tình yểm trợ cho sự bành trướng quân sự của Tàu cộng, dùng cho việc xâm lăng sau này.

Chúng Ta Nên Tiếp Tay Ngăn Chặn Tàu Cộng

Trong việc đầu tư để kiếm lợi tức, thì thông thường ai cũng muốn đầu tư vào các công ty hay cổ phần đem lại nhiều lợi tức. Tuy nhiên, trong đó có nhiều công ty hay cổ phần yểm trợ cho việc chế tạo vũ khí cho Tàu cộng. Để ngăn chặn điều đó và bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ, hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp để ngăn chặn điều đó, cấm các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, sở hữu cổ phần của 31 công ty Tàu cộng, chuyên cung cấp tàu, máy bay và kỹ thuật tối tân cho lực lượng vũ trang của chế độ Cộng sản. Đây là điều mà nhiều chính phủ trước, vì lý do nào đó, đã không để ý tới.

Mã Lai Trước Kế Hoạch Vành Đai, Con Đường Của Tàu Cộng

Khi một liên minh mới, Pakatan Harapan (PH), lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2018 ở Mã Lai, liên minh này đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về dự án Đường Sắt ở bờ biển phía Đông (East Coast Rail Link – ECRL) do Tàu cộng bảo trợ, với những nghi ngờ về tài chính, thỏa thuận bất lợi và thậm chí có thể dính líu đến tham nhũng. Nhưng chính phủ mới không bao giờ bác bỏ toàn bộ khái niệm về “Vành Đai Con Đường“. Họ tiếp tục xem đó là cơ hội tốt cho Mã Lai để tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng của họ, cũng như phát triển lợi ích qua những lãnh vực khoa học và y tế.
Thế cho nên Mã Lai hy vọng rằng Mỹ sẽ có một chính sách rõ ràng về Đông Á để Mã Lai có thể, cùng một lúc, dựa vào cả hai cường quốc mà không phải lo ngại rằng sẽ phải lựa chọn một bên, hoặc lao đầu vào các cuộc tranh chấp kinh tế hay quân sự giữa Mỹ và Tàu cộng. Vì ai cũng biết rằng “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết.

Tàu Cộng Vẫn Không Ngừng Xâm Lăng, Lấn Đất

Ngày 28 tháng 10 năm 2020, các hình ảnh vệ tinh mới chụp cho thấy Tàu cộng đã xây dựng một khu vực trên dãy Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) dọc theo biên giới đang tranh chấp, từ năm 2017, với Ấn Độ và Bhutan.
Những hình ảnh này cho thấy “Rõ ràng đã có hoạt động xây dựng quan trọng trong năm nay dọc theo khu vực thung lũng sông Torsa. Đồng thời cũng đã có việc xây dựng các căn cứ quân sự mới gần khu vực Doklam.”

Doklam là khu vực mà cả Tàu cộng và Bhutan tuyên bố chủ quyền, thế nhưng lại có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ, vì nằm gần Hành lang Siliguri, một huyết mạch quan trọng giữa New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, và 8 tiểu bang phía đông bắc, có dân số vào khoảng 50 triệu người. Tàu cộng chỉ cần lấn chiếm thêm 80 dặm là cắt đứt 8 tiểu bang này khỏi quốc gia Ấn Độ. Và như thế, đây cũng là một ngòi lửa của chiến tranh trong khu vực.

 

Đồng Bằng Sông Cửu Long

Như đã nói ở trên, ông Biden không có một chính sách rõ ràng về Á châu, nói chi đến chuyện đồng bằng sông Cửu Long. Cho dù ai sẽ là tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới, thì tình hình đồng bằng sông Cửu Long chắc cũng không được xem là quan trọng.
Sông Cửu Long, hay còn gọi là sông Mekong, khởi nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua các quốc gia Tàu, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hàng bao nhiêu ngàn năm, sông Cửu Long là nguồn sống của nhiều triệu người ở ven sông. Thế nhưng, sau khi Tàu cộng kiểm soát mực nước của sông Cửu Long bằng một số đập nước ở thượng nguồn thì tình trạng nước và môi sinh của của dân chúng ở hạ lưu đều trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là sống dở, chết dở.
Tàu cộng dùng nguồn nước để gây áp lực với các quốc gia ở hạ nguồn, hầu đạt được những lợi thế, hay yêu sách mà lòng tham của chúng đòi hỏi. Thế nhưng lòng tham của chúng không có đáy thì đời sống của người dân hạ nguồn biết bao giờ mới được trở lại bình thường.
Bởi vậy, đối với những người dân ở đồng bằng sông Cửu Long, thì ai là tổng thống Mỹ cũng không quan trọng, điều quan trọng là vị tổng thống đó có thể ngăn chặn được việc Tàu cộng kiểm soát nước sông Cửu Long, để dân chúng được trở lại với nếp sống thanh bình như từ ngàn năm trước.
Thưa quý vị,
Trong tôn giáo, giáo dục gia đình, giáo dục học đường, hay giáo dục xã hội đều chú trọng đến hai điều căn bản: Thiện và Ác. Có lẽ không cần giải thích, chúng ta, ai cũng biết sự khác biệt giữa Thiện và Ác. Chúng ta, hầu hết, được dạy rằng “Con người, khi mới sinh ra đều mang tính thiện.” Thế nhưng cuộc sống đã khiến con người biết so sánh, ganh đua, tranh giành, đòi hỏi … Từ đó, tính ác đã phát sinh. Để giới hạn, hay ngăn cản tính ác, quốc gia và xã hội đã đặt ra luật pháp để trừng phạt những kẻ vi phạm tội ác, với hy vọng rằng vì thế mà không mấy kẻ dám làm điều ác, hay vi phạm luật pháp.
Tuy nhiên, khi tội ác được thúc đẩy bởi lòng tham không đáy thì hậu quả thật khó lường. Xem ra thì việc này cũng khó tránh, vì ít ra thế giới cũng đã trải qua hai trận đại chiến, và các quốc gia đã trải qua không biết là bao nhiêu lần tranh giành quyền lực đế vương.
Có lẽ thế giới chỉ có thể an bình khi ý nghĩ và sự ham muốn, hay lòng tham của con người, được định nghĩa và giới hạn ở một mức độ nào đó, như luận lý của thiền tông gọi là “Biết Thế Nào Là Đủ“, như người Mỹ vẫn hỏi “What is enough?” và khi nào thì “Enough is Enough“, thì khi đó thế giới mới có an bình.
Thưa quý vị,
Trong ý tưởng đó, chúng tôi xin tạm ngưng bài này với câu hỏi: “Như thế nào thì được xem là đủ, để có chút bình yên trong cuộc sống?

Bùi Phạm Thành
(Đặc San Lâm Viên)
Ngày 28/11/2020

Mời quý vị nghe bài đọc này trên YouTube:

Tham Khảo:

 
China’s Type 022 Stealth Missile Boat Swarms: The Next Big Threat?
State Department funds for Pacific islands aim to counter China’s ‘problematic behavior’
As Sri Lanka struggles with Chinese debt-trap, Maldives moves closer to the Quad
https://moderndiplomacy.eu/2020/11/24/as-sri-lanka-struggles-with-chinese-debt-trap-maldives-moves-closer-to-the-quad/
Americans Shouldn’t Fund Communist China’s Armed Forces
 
China-US rivalry on Mekong mainland

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*