Mỹ Điều Tra Việt Nam Thao Túng Tiền Tệ. Thế Thì Sao?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến gặp riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị G20 (Nhật Bản, 2019), sau khi Trump lên án Việt Nam lợi dụng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. (Ảnh chụp từ video của VOA)

Những ý chính

  • Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã chính thức khởi động cuộc điều tra Việt Nam về hành vi thao túng tiền tệ (currency manipulation).
  • Hồi tháng Tám, trong một vụ kiện chống phá giá, Mỹ kết luận Việt Nam đã dùng thủ thuật để hạ giá tiền đồng Việt Nam so với đồng đô-la Mỹ.
  • Việt Nam có 2/3 đặc điểm để bị Mỹ xem là một nước “thao túng tiền tệ”.
  • Một số người lo ngại về tiềm năng gây ra một cuộc chiến thương mại Mỹ – Việt, tương tự như Mỹ đã làm với Trung Quốc. Tuy nhiên, không thể chắc chắn được điều gì trước cuộc bầu cử.

Chuyện gì đang xảy ra?

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 3/10 tuyên bố đang tiến hành điều tra “các hành động, chính sách và biện pháp của Việt Nam góp phần khiến tiền đồng bị định giá thấp, vì thế gây hại cho thương mại Mỹ”.

Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ nói cùng ngày: “Các biện pháp tiền tệ bất công có thể làm phương hại tới người lao động, doanh nghiệp Mỹ đang cạnh tranh với hàng Việt Nam. Giá của các sản phẩm này có thể đã bị hạ xuống thông qua việc giảm giá trị đồng tiền”.

Căn cứ cho hành động của USTR là điều 301, Bộ luật Thương mại 1974. Đó cũng chính là điều khoản cho phép chính quyền Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc năm 2018.

Quy định này trao cho tổng thống Mỹ quyền đơn phương áp đặt thuế quan và các rào cản thương mại khác để bảo vệ các ngành kinh tế Mỹ khỏi các hoạt động thương mại bất công của nước ngoài.

Ngoài ra, USTR còn loan báo về một cuộc điều tra khác về việc Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm gỗ lậu (được khai thác hoặc mua bán trái phép). Tuy nhiên, so với cuộc điều tra tiền tệ thì cuộc điều tra này nhỏ bé hơn nhiều.

Hiện trong quá trình điều tra, USTR đã phát thông báo mời các bên đóng góp bằng chứng, bình luận liên quan đến chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Các câu hỏi được đặt ra bao gồm: Việt Nam có hạ giá đồng tiền không, hạ bao nhiêu; chính sách tiền tệ của Việt Nam; các hành động của Việt Nam ảnh hưởng thế nào đến phía Mỹ, v.v.

Vì sao Mỹ điều tra Việt Nam?

Phía Hoa Kỳ quyết định điều tra sau khi Bộ Ngân khố hồi tháng Tám kết luận rằng chính quyền Việt Nam đã dùng thủ thuật để tiền VND bị định giá thấp hơn 4,7% so với USD vào năm 2019.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua ròng 22 tỷ USD để bổ sung vào dự trữ ngoại hối, khiến cho giá USD tăng cao hơn so với tỷ giá thực. Việc này đồng thời khiến cho đồng tiền của Việt Nam yếu đi, nhờ đó, giá hàng hoá trở nên rẻ hơn một cách tương đối, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đánh giá này được rút ra sau cuộc điều tra chống trợ cấp khi các hãng sản xuất lốp xe hơi kiện nhà xuất khẩu Việt Nam bán phá giá. Vụ kiện vẫn đang diễn ra. Bộ Ngân khố Mỹ đặt mục tiêu áp đặt hàng rào thuế quan lên sản phẩm lốp xe từ Việt Nam, nhưng nếu chuyện này xảy ra thì cũng chỉ có lốp xe dành cho phương tiện chở khách bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam chính thức bị Mỹ dán nhãn là kẻ thao túng tiền tệ thì mọi việc có thể sẽ khác.

Thao túng tiền tệ là gì?

Định nghĩa cơ bản nhất của thao túng tiền tệ (currency manipulation) là hành động cố tình can thiệp vào tỷ giá hối đoái để đạt được lợi ích bất công về mặt thương mại.

Tỷ giá ngoại tệ rất quan trọng trong khi một quốc gia mua bán hàng hóa với nước ngoài. Chẳng hạn, khi đồng đô-la Mỹ mạnh, người Mỹ có thể mua nhiều hàng hóa hơn ở nước ngoài, có lợi cho nhập khẩu và những người đi công tác, du lịch ở nước khác. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng. Đô-la tăng giá dẫn đến giá cả của sản phẩm, dịch vụ Mỹ đắt đỏ hơn, giảm tính cạnh tranh so với hàng hóa nước khác cả ở trong nước lẫn quốc tế.

Thao túng tiền tệ có thể giúp nước thực hiện hành vi thao túng tăng thặng dư thương mại, khiến Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại lớn hơn – một điều Tổng thống Donald Trump cực kỳ không thích.

Theo Đạo luật Thực thi Thương mại và Thúc đẩy Thương mại 2015, hiện có ba tiêu chuẩn để Mỹ dán nhãn một nước là thao túng tiền tệ, bao gồm:

  • Thặng dư thương mại với Mỹ lớn hơn 20 tỷ USD;
  • Thặng dư tài khoản vãng lai (tài sản ròng ở nước ngoài) lớn hơn 2% GDP;
  • Sự can thiệp liên tục, một chiều vào tiền tệ khiến GDP tăng từ 2% trong vòng 6-12 tháng qua.

Tuy vậy, một nước không cần đạt cả ba tiêu chuẩn trên để bị Washington coi là thao túng tiền tệ. Trung Quốc chỉ đạt một tiêu chuẩn là duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ trong thời gian dài là đã đủ để bị chính quyền Trump dán nhãn thao túng, khi để cho giá đồng nhân dân tệ giảm xuống dưới mức 1/7 đồng USD.

Một số nhà kinh tế học cho rằng quyết định này của chính quyền Trump chỉ mang tính chính trị. Quả thực là Nhà Trắng đã nhanh chóng bỏ cái mác “thao túng” sau khi Trung Quốc đồng ý nối lại đàm phán với Mỹ, một quyết định khiến nhiều nghị sĩ chỉ trích là vô nguyên tắc.

Việt Nam có thao túng tiền tệ không?

Việt Nam đạt tới hai tiêu chuẩn để Mỹ coi là nước thao túng tiền tệ: xuất siêu sang Mỹ ở mức 55 tỷ USD năm 2019 và có thặng dư tài khoản vãng lai lớn hơn 2% GDP. Tuy nhiên, cái nhãn thao túng tiền tệ còn có thể bị gán bất chợt bởi quyết sách chính trị của Tổng thống Trump.

Ông Trump nhiều lần tỏ rõ ác cảm với tình hình thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam trong thời gian dài. Hồi tháng 6/2019, ông nói Việt Nam còn lạm dụng Mỹ “tệ hơn cả Trung Quốc”.

Tuy vậy, còn có nguyên nhân khác khiến quan chức Mỹ không thích các chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Giống với Trung Quốc, Việt Nam không thả nổi tỷ giá ngoại tệ. Cơ chế điều hành tỷ giá hiện nay được gọi là “tỷ giá trung tâm”. Cụ thể, mỗi sáng, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố tỷ giá trung tâm của ngày hôm đó, và các ngân hàng có thể điều chỉnh trong một biên độ (hiện là +/-3%) xung quanh mức này. Việc này giúp Việt Nam ổn định được giá trị đồng nội tệ, chống đô-la hóa và vàng hóa nền kinh tế.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: Quốc hội Việt Nam)

Các nước như Mỹ theo cơ chế tỷ giá thả nổi, tức là do thị trường quyết định. Họ xem cách làm của Việt Nam là can thiệp cứng nhắc vào thị trường tiền tệ.

Sau khi Mỹ loan báo điều tra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê  Minh Hưng nói rằng Việt Nam “chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế.”

Sẽ ra sao nếu bị Mỹ coi là thao túng tiền tệ?

Kịch bản xấu nhất là Mỹ sẽ áp thuế lên một loạt các loại hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam như đang làm với Trung Quốc. Đây sẽ là tai họa đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng điều này rất khó xảy ra.

Để bắt đầu áp thuế nhập khẩu, Mỹ phải tiến hành điều tra, cho công chúng có thời gian để bình luận và sau đó viết báo cáo. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng.

Trong trường hợp điều tra Trung Quốc, Mỹ đã mất tới sáu tháng để hoàn tất báo cáo, và thêm ba tháng nữa để chính thức đánh thuế. Điều đó nghĩa là phải sau bầu cử thì mới rõ các sách lược của Mỹ với Việt Nam như thế nào.

Cuộc bầu cử Mỹ sắp ngã ngũ và Việt Nam cũng như mọi nước khác đều đang ở trong trạng thái chờ đợi. Joe Biden tỏ rõ ông không thích các cuộc thương chiến như Trump. Còn nếu Trump thắng, thì Việt Nam cũng có đủ “khôn ngoan” để thỏa mãn các đòi hỏi bất chợt của Trump. Chẳng hạn, giới chức Hà Nội đã ngay lập tức tìm cách xoa dịu cơn “thịnh nộ” của Trump vào năm 2019 bằng việc đề nghị mua thêm hàng hóa của Mỹ như than đá, khí tự nhiên và nông sản Mỹ.

Hơn thế nữa, Mỹ không có nhiều lợi ích khi khởi động một cuộc chiến thương mại mới với Việt Nam.

Cuộc bầu cử này cho thấy Washington đã chuyển sang đường lối cứng rắn chống Trung Quốc, bất kể đảng nào thắng cử. Việc các công ty Trung Quốc tràn sang Việt Nam để tránh thuế – một nguyên nhân dẫn đến giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng lên – nên được coi là thành công của Washington, hơn là bất lợi.

Tất nhiên, cũng có vấn đề hàng hóa Trung Quốc đưa sang Việt Nam, dán nhãn giả rồi xuất sang Mỹ. Mỹ đã trừng phạt Việt Nam khi đánh thuế nặng các sản phẩm thép nhập từ Việt Nam bị cáo buộc là áp dụng thủ thuật này. Việt Nam cũng đã cam kết sẽ rà soát chặt chẽ để tránh tai vạ từ thị trường xuất khẩu lớn và quan trọng nhất của mình.

Một số nhà phân tích cho rằng việc chính quyền Trump nhắm đến Việt Nam trong lúc này là thiển cận.

Trên tờ Asia Times, tác giả David Hutt cho rằng việc xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh phản ánh làn sóng chuyển dịch các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google, Nitendo từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số quan chức chống Trung Quốc trong chính quyền Trump coi đây là thành công của chiến dịch “tách khỏi Trung Quốc”.

Ngoài ra, theo Hutt, Việt Nam đang trở thành một đồng minh địa chính trị lớn của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.

Trừng phạt Việt Nam vì phần thâm hụt mậu dịch tăng thêm này, theo một ý nghĩa nào đó chính là chống lại một tình huống mà chính Mỹ tạo ra, ông Hunt viết.

Tác giả nhận định rằng: “Trước những lợi ích chiến lược đó, Washington có thể sẽ không áp đặt chế tài cứng rắn nhất lên Việt Nam vì thao túng tiền tệ. Tuy vậy, một số loại hàng hóa nhất định vẫn có thể bị đánh thuế”.

Hồi tháng Bảy, Ngân hàng Thế giới dự đoán năm nay GDP Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,5% so với mức 7% như các năm trước. Nếu Mỹ đánh thuế hàng hóa Việt Nam –  một giá trị chỉ tương ứng 3% nhập khẩu của Mỹ, nhưng lại chiếm gần 20% toàn bộ thương mại của Việt Nam – nền kinh tế Việt Nam sẽ kiệt quệ và lún sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc.

Huỳnh Minh Triết
Theo Luật Khoa tạp chí ngày 24/10/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*