LTG. Mời độc giả đọc truyện ký và tuỳ bút về các món ăn của sinh viên không gia đình thời đầu đời tỵ nạn, 1975-1985. Các món ăn chan chứa kỷ niệm dù không cao lương mỹ vị, nhưng đã trở nên những dấu ấn khó quên của một thời đã qua
Người Bạn Chung Phòng Thứ n
Bây giờ tôi không còn nhớ cơ duyên nào đã đưa chàng sinh viên, da ngăm bánh mật, mặt xương xương, đầu và hai vai lúc nào cũng như lao về phía trước, hai mắt luôn nhìn quanh như người cầm đèn soi tìm kiếm vật gì, đến ở chung phòng với tôi. Ai gặp lần đầu cũng tưởng chàng là người nghiêm nghị, khó tính, nhưng khi chàng nở nụ cười rộng trên môi, khuôn mặt nghiêm nghị ấy bỗng sáng lên thân thiện. Chàng đi hay về phòng trọ âm thầm và cũng bất ngờ như một điệp viên. Dù không nhớ ai đã giới thiệu chàng với tôi, hay thời gian chàng ở chung phòng dài ngắn bao lâu, nhưng trong ký ức đang thu hẹp lại vì tuổi đời, tôi vẫn còn giữ nhiều kỷ niệm chia chung với chàng thời sinh viên đã xa khuất mù xa.
Thay vì nêu tên thật, tôi gọi chàng là Lương với biệt hiệu “Tương Lụt,” đọc ngược lại là “Lương Tụt.” Cái tên Lương tôi đặt cho chàng trong tuỳ bút này nói lên bản tính hiền lành chân chất của chàng. Còn “Tụt” nghĩa là rơi ra. Chuyện kể lại, tôi không chứng kiến, rằng nhân dịp một đại hội thể thao liên trường, chàng ghi tên vào danh sách lực sĩ bơi lội đại diện sinh viên tham dự cuộc bơi tranh giải với một số hội sinh viên gốc Việt thuộc các đại học quanh vùng. Khi tiếng còi hiệu vừa vang lên, chàng hối hả lao đầu xuống nước. Và, vừa lúc thân hình mảnh mai của chàng chạm mặt nước, chiếc quần xà lỏn quá khổ cũng vội vã chia tay chàng, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Đương nhiên là có những tiếng la hò cổ võ, và tiếng cười như pháo nổ quanh hồ bơi, gây thêm không khí vui nhộn cho cuộc tranh giải. Chưa lần nào tôi hỏi Lương về kỷ niệm dễ thương này. Tôi vẫn tưởng đây là chuyện bạn bè phịa ra để chọc ghẹo Lương, nhưng gần đây trong tiệc rượu đêm ngoài trời với hai người bạn thân, cả hai đều biết Lương. Một trong hai người cho tôi biết anh ta là tác giả biệt hiệu “Tuột” cho Lương và cũng là một trong những người tổ chức đại hội thể thao liên trường năm ấy. Khi tôi nhắc về Lương và biệt hiệu của chàng, anh bạn khẳng định.
“Chính tao là người đặt cho nó cái tên ấy.”
“Chuyện ấy có thật?” Tôi hỏi lại.
“Thật một trăm phần trăm. Nó mặc quần bơi hơi rộng nên vừa nhào xuống hồ, quần tuột ra khỏi người.” Bạn tôi nhấn mạnh.
Tôi nghĩ thầm, giả như như tôi là Lương Tụt, chắc chắn tôi trân trọng giữ kỷ niệm hiếm quý này để kể cho vợ con, và bạn bè nghe về thời sinh viên đang tàn phai trong ký ức. Mỗi lần nhắc về kỷ niệm này của Lương, tôi cứ muốn tưởng tượng mình là chàng trong cuộc bơi đua ấy. Tôi cũng tưởng tượng khi lên khỏi hồ bơi, tôi đã xin các nữ sinh viên có mặt trả tôi $5.00 một người vì họ đã được xem màn bơi khoả thân mà không phải mua vé vào cửa. Rất tiếc thời gian ấy tôi đã đi Jackson Missisippi.
Tôi rời UTA đi Mississippi làm việc cho trung tâm xã hội Công Giáo của địa phận Jackson và theo học cao học tại trường đại học da đen, Jackson State University (JSU). Sau hai năm làm việc và hoàn tất chương trình học, các giáo sư ai cũng khuyến khích tôi nên nộp đơn xin học ở những đại học danh tiếng về Xã Hội Học để tiếp tục đường học vấn, nhưng tôi quyết định trở lại UTA theo học chương trình tiến sĩ vì nơi đây tôi có người thân quen và còn bạn bè. Đấy cũng là thời gian phong trào kháng chiến gây hoang mang và hy vọng cho nhiều sinh viên. Sự liên hệ và các sinh hoạt hồn nhiên của sinh viên thế hệ 75 bị chuyển hoá thành các sinh hoạt chính trị, đôi khi quá khích. Một số sinh viên gặp nhau không còn tự nhiên nữa, nhưng nhìn nhau nghi ngờ. Sự chụp mũ không chỉ xảy ra trong cộng đồng người lớn, nhưng đã lây lan vào các hội sinh viên gốc Việt khắp nơi ở Hoa Kỳ.
Một đêm tôi đang nằm ghế sôfa học bài, Lương lầm lũi mở cửa phòng về, không chào ai. Tôi chưa kịp hỏi chàng đi đâu về mà mặt mày trông nghiêm trọng thế. Lương đến gần sôfa, nhìn tôi lo ngại như sắp tiết lộ một thông tin quan trọng và nguy hiểm.
“Anh Miên, anh biết gì không?” Lương hỏi.
“Mày hỏi vậy, sao tao trả lời được.” Tay cầm quyển sách nặng, tôi vẫn nằm trên sôfa.
“Nhóm kháng chiến phao tin anh là cán bộ Cộng Sản.” Lương e ngại nhìn tôi.
“Thế mày nói gì với họ?” Tôi vất quyển sách xuống nền nhà, vội vàng ngồi dậy.
“Nói gì bây giờ, chúng đánh mất mạng.” Lương trả lời chậm rải.
“Đ.M. mày nghe họ nói những điều bịa đặt mà không bênh bạn.” Tôi văng tục.
“Bênh anh bị lây vạ, toi mạng.” Lương Tụt cười khan, rồi kể tiếp những tin đồn về tôi, nghe như chuyện điệp viên.
Tôi bị đồn là người được Cộng Sản trao sứ mệnh lũng đoạn tinh thần sinh viên Quốc Gia ở các đại học. Bằng chứng, nhóm phao tin đồn đưa ra, tôi đã từng làm chủ tịch hội sinh viên, nhưng cái tên Trần Thu Miên không có trong danh sách sinh viên của đại học. Cũng may lúc ấy, có lẽ, vì là sinh viên Việt gốc Tỵ Nạn duy nhất đang theo học tiến sĩ trong trường, và báo sinh viên có bài viết về tôi nên tin đồn chỉ được phao trong nhóm sinh viên quá khích. Nhưng sau khi Lương Tụt cho tôi thông tin tình báo chàng nghe được, tôi cũng nhận thấy cử chỉ của một vài sinh viên trong nhóm quá khích khi họ gặp tôi trong cầu thang máy thư viện. Trước tin đồn, những sinh viên này luôn tỏ ra thân mật và tử tế khi gặp tôi, nhưng sau này họ tránh mặt, và quay đi không thèm chào hỏi như trước.
Tôi sẽ kể bạn nghe về thời sinh viên Tỵ Nạn say mê lý tưởng kháng chiến đến nỗi có những cặp tình nhân, hay vợ chồng sinh viên phải chia tay nhau vì một trong hai người say mê lý tưởng kháng chiến cực đoan. Sinh viên ở khắp nơi và bất cứ thời đại nào cũng dễ bị các lãnh tụ hay phong trào chính trị lũng đoạn sự hồn nhiên và nhiệt huyết tuổi trẻ. Bây giờ thế hệ sinh viên ấy đang bước vào tuổi cuối đời. Tôi biết họ và tôi đều chia chung một ước mơ tự do hạnh phúc cho quê hương Việt Nam. Tôi cầu xin cho họ đã tìm được con đường đi tốt đẹp cho đời mình và tiếp tục đóng góp tâm huyết để làm đẹp cuộc đời chung quanh.
Tiệc Vịt
Trong các nhà văn nhà thơ Việt Nam tôi ngưỡng phục có Ngài Tản Đà và Ngài Vũ Bằng. Đối với Ngài Vũ Bằng, tôi mê đọc sách ông viết về các món ăn dị kỳ của Miền Nam và kỷ niệm về Miền Bắc chan chứa trong các món ăn khơi lên từ ký ức tha hương. Còn Tản Đà, tôi được biết qua các bài thơ tuyển chọn trong chương trình trung học Việt Nam trước 75 và các huyền thoại được nghe, hay đọc về ông, nhất là nghệ thuật ăn nhậu. Sách của ông tôi không tìm thấy ở tiệm sách thời đi học. Tôi mê Tản Đà vì mê phong thái ngang tàng và cách ông bàn về ăn nhậu.
…Trăm năm hai chữ Tản Đà
Còn sông còn núi còn là ăn chơi…
(Thú Ăn Chơi)
Nhà văn Hồ Sỹ Tế trong bài viết “Ẩm Thực Với Tản Đà” đăng trên mạng Du Lịch Việt Nam kể về tiệc rượu Thần của Tàn Đà gồm có ba món luộc gọi là Tam Sinh, thủ lợn (đầu Lợn luộc nguyên cái đầu), gà luộc cả con, và vịt luộc cả con. Tản Đà khuyên chủ nhà nên bầy nguyên đầu heo luộc, nguyên con gà luộc, và nguyên con vịt luộc giữa bàn ăn, và bạn nhậu ăn đến đâu, thẻo đến đấy, rồi nâng ly uống rượu thì mới ngon. Tuyệt đối không đãi khách cơm vì các Thần Thánh không dùng cơm, chỉ ăn thịt luộc chấm muối, uống rượu, và dùng tí xôi. Tôi thì khác với Ngài Tản Đà, vì mỗi lần rước bạn bè đến nhậu, cô vợ thích bày năm bảy món, nhiều lần tôi phát biểu là sao lại bày ra nhiều món quá. Cô vợ liền tặng cho một cái nguýt dài trăm dặm rồi phán:
“Khi anh ngồi xuống bàn là anh toạ thiền tại chỗ. Ngồi năm sáu tiếng mà không dọn nhiều món thì làm sao giữ bạn bè lại được.”
Nghe vợ nói vậy, làm sao cãi lại được. Chúng tôi thường chấm dứt tiệc rượu thân hữu với một món có nước, như miến gà, cháo lòng, cháo gà, hay cháo vịt để lúc ra về, bạn bè bớt khô cổ vì rượu hay vì bàn cãi hát hò liên miên.
Trong các món ăn đời sinh viên, cháo vịt là món ăn rất lạ đối với tôi. Lý do đơn giản: Thời còn ở quê nhà năm xưa, tôi chưa từng ăn cháo vịt bao giờ. Dù được sinh ra ở Bến Tre, nơi có đồng ruộng, sông ngòi, và vịt được nông dân nuôi từng đàn, nhưng trong ký ức tuổi thơ tôi không có hình ảnh hay kỷ niệm gì về món thịt vịt hay cháo vịt. Dĩ nhiên tôi còn nhớ mẹ hay chị đã “rán” trứng vịt và cả trứng ngỗng cho nhà ăn, nhưng không nhớ món thịt vịt. Khoảng 5 hay 6 tuổi gia đình tôi di cư lên cao nguyên Lâm Đồng, và kể từ đó tới ngày ra đi làm thân biệt xứ, tôi chưa từng ăn thịt vịt. Hình như dân làng quê tôi ở Kim Phát, Lâm Đồng không ai nuôi vịt. Học xong tiểu học, tôi được gửi vào Tu Viện Châu Sơn học tu suốt thời niên thiếu, và cả thời gian học ở Châu Sơn tôi cũng không nhớ là đã được ăn thịt vịt.
Khi Lương Tụt dọn đến ở, tình trạng kinh tế của tôi đã khá hơn thời theo học bậc cử nhân vì sau hai năm làm chuyên viên xã hội ở Jackson Mississippi tôi để dành được một số tiền, dù khiêm nhường, nhưng có ngân quỹ để đối phó với những việc bất ngờ. Thêm vào, nhờ trường cho học bổng đủ trang trải học phí và tiền ăn, tiền lương dạy học hai lớp một năm cộng thêm tiền lương làm việc cho một chương trình nghiên cứu của vị giáo sư đỡ đầu nên tôi đã thoát được cảnh đói nghèo thời học chương trình Cử Nhân. Tôi không phải làm hai ba việc như quét dọn thư viện ban đêm rồi ban ngày làm ở tiệm bán sách và phòng sinh viên giải trí để đủ tiền nuôi đứa cháu mới vượt biên sang. Có tiền nên việc ăn uống cũng khá hơn trước, nhất là cháu tôi còn bé, cần dinh dưỡng đầy đủ. Lần đầu tôi được ăn cháo vịt là do Lương Tụt trổ tài đầu bếp của chàng. Tôi không còn nhớ nguyên nhân nào đưa đến việc nấu cháo vịt, có lẽ chúng tôi có buổi tiệc nhậu chồm hổm trên nền nhà chăng? Vịt đông đá mua ở chợ thực phẩm Hoa Kỳ không có đầy đủ cổ, đầu, và chân còn móng như vịt tươi mua ở tiệm thực phẩm Á Châu thời này. Con vịt thân hình son sẻ mà phòng trọ lại thặng dư miệng ăn nên phải tìm cách làm sao cho món vịt dôi thêm. Nếu chỉ luộc vịt nhậu kiểu Tản Đà thì chỉ trong chớp mắt, cả thân xác con vịt liền biến mất ngay.
Chúng tôi, một nhóm sinh viên nam sống chung trong phòng trọ chật hẹp, buổi chiều thường là lúc có đông đủ trong phòng và đa số cởi trần mặc quần lót trong nhà. Thuở ấy thân hình còn gọn ghẽ, bụng chưa phệ ra như bây giờ. Cũng may, buổi sáng ngủ dậy đứa nào cũng vội vã đi học nên không có cảnh mặc quần lót chạy quanh phòng. Chàng Lương Tụt và tôi mình trần, quần lót hoen ố, xốc xếch, đứng trổ tài làm bếp.
“Tao làm món mề gà xào với cà chua.” Tôi nhìn Lương bảo.
“Anh để em lo con vịt.” Lương tình nguyện bằng giọng rất tự tin.
“Mày tính làm gì?”
“Luộc vịt, lấy nước nấu cháo, còn thịt để làm gỏi. Mình có bắp cải xanh mà.”
Bếp chật nên tôi làm món mề gà trước, dành chỗ cho Lương lo hai món vịt. Trong khi chờ vịt luộc, Lương đứng thái bắp cải sẵn cho món gỏi. Nhìn cách thái rau của Lương tôi có cảm giác là chàng biết nấu ăn. Khi con vịt luộc vừa nguội đủ, Lương cẩn thận gỡ da vịt ra riêng, rồi xé thịt thành sợi trộn chung với rau để hoàn thành món gỏi. Bộ xương khiêm nhường được cho lại nồi nước luộc vịt làm món cháo. Chàng rang gạo vừa đủ vàng rồi đổ gạo rang vào nồi nước đang sôi tạo lên âm thanh xèo xèo, hấp dẫn. Hình ảnh chàng sinh viên mê đọc chuyện chưởng đứng chăm chú cắt những miếng da vịt thành sợi mỏng tanh như sợi chỉ để rắc lên mặt tô cháo, đối với tôi là một một hình ảnh lạ kỳ đáng nhớ. Tôi chưa bao giờ được nhìn mẹ hay chị mình thái da gà mỏng tanh như Lương Tụt đã làm. Tiệc nhậu được bầy giữa nền phòng khách của phòng trọ và các món ăn được đặt trên các tờ báo cũ để thức ăn không bị rơi hay đổ lên thảm nền nhà. Ngoài món gỏi vịt và mề gà xào cà chua, tôi không nhớ còn món gì khác nữa.
Hãy tưởng tượng một nhóm thanh niên cởi trần chỉ mặc quần lót hình chữ V, có đứa quần đã ố vàng lại lủng thêm vài lỗ, ngồi quanh thức ăn bày trên nền nhà, tay cầm lon bia lạnh, miệng hét hò vang phòng. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, các đĩa thức ăn cũng hết sạch. Dĩ nhiên là phòng ngập khói thuốc lá. Dường như đứa nào cũng hút thuốc, không nhiều thì ít. Dù không còn nhớ chi tiết về buổi họp mặt có món cháo vịt Lương Tụt nấu, và không thể diễn tả được nồi cháo vịt ngon cỡ nào, nhưng đôi khi nhớ về thời sinh viên, tôi vẫn nghĩ đến Lương Tụt và nồi cháo vịt của chàng. Hình như lúc tuổi đời càng ngày càng ngắn lại, ta thường hay nghĩ về những người đã chia chung kỷ niệm trong quá khứ với ta.
Gần đây tôi gặp lại Lương Tụt, chàng sinh viên khuôn mặt chứa đựng nhiều bí ẩn ngày xưa nay là một trung niên có gia đình và đời sống vững chãi. Vợ chồng Lương lộ vẻ hãnh diện và hạnh phúc khi cho tôi biết là các con học hành rất thành công. Tôi quên nói với vợ Lương là chồng cô mê chuyện chưởng và có tài nấu món cháo vịt. Có lẽ nói cũng thừa vì đôi uyên ương này đã xây tổ ấm mấy chục năm rồi, còn bí mật nào nữa đâu để giấu nhau. Khi nảy ra ý viết về kỷ niệm nồi cháo vịt thời sinh viên, tôi điện thoại Lương và bảo chàng rằng tôi sẽ viết một tuỳ bút ngắn kể về nồi cháo vịt Lương nấu ngày xưa.
“Món ấy em học từ bà nội em đấy.” Lương trả lời một cách đầy hãnh diện.
Món ăn, theo tôi, là sợi giây cột ta vào liên hệ gia đình và bạn bè. Giáo Sư Nhân Chủng Học E. N. Anderson, nhận xét trong quyển sách của ông, “Everyone Eats: Understanding Food and Culture,” ấn bản lần thứ hai, NXB New York Universiy Press, 2014, rằng các món ta ăn (hàng ngày) nói lên giai cấp xã hội, sắc dân (quê quán), lối sống, và địa vị xã hội của ta, “Food communicates class, ethnic group, lifestyle affiliation, and other social positions” (tr. 117). Đối với người di dân tha hương, món ăn còn chứa đựng cả một trời quê xưa mênh mang những kỷ niệm của từng giai đoạn cuộc đời. Tôi không may mắn như Lương vì chưa từng được nhìn thấy ông bà Ngoại hay ông bà Nội nên chưa từng được ăn món gì do bà Ngoại bà Nội mình nấu. Đi học xa nhà từ bé, không được nghe về những câu chuyện gia đình nhiều nên tôi không có ý niệm gì về ông bà mình. Có lẽ lúc còn bé, chuyện dĩ vãng gia đình đầy bi kịch nên bố mẹ tôi không nhắc nhiều về ông bà, trừ những lúc gia đình đọc kinh. Dường như ông bà tôi đều chết vì đói trong trận đói lịch sử ngoài Bắc Việt ở thế kỷ 20. Nghe Lương kể chàng học món cháo vịt từ bà Nội, tôi bỗng thấy đời mình bị thiếu một điều không ai cho mình được. Sống hết đời. cũng không được ăn bát cháo bà Nội-bà Ngoại mình nấu như Lương đã được hưởng hạnh phúc ấy.
Bây giờ mình có thể mua chục con vịt tươi về nhà nấu cháo, nhưng không cách gì tìm lại được cảm giác ăn cháo vịt, và không gian của căn phòng trọ nơi Lương Tụt nấu cháo ngày xưa. Cảm ơn đời đã cho mình những kỷ niệm đẹp của một thời dù đã xa quá xa.
Trần Thu Miên
Trần Thu Miên bút hiệu của Trần Thành, G.S. Nhân Xã Vụ Học, Đại Học Dòng Tên, Boston College
Be the first to comment