Marilyn Thai, 23 tuổi, giáo viên, Rhode Island và Kenny, 21 tuổi, sinh viên, Washington
Việc Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ và cách lãnh đạo quốc gia, đặc biệt trong việc đối phó với dịch bệnh Covid 19, phong trào “Black Lives Matter” đã khiến nhiều người trẻ Mỹ quan tâm đến chính trị, bầu cử nhiều hơn.
Không ít người trẻ tự đi trả lời cho câu hỏi do chính mình đặt ra, “Tại sao nước Mỹ lại có một Tổng thống như Donald Trump?”.
Ông Trump làm người trẻ quan tâm đến chính trị
Một trong những phản ứng đầu tiên của những người trẻ tại Mỹ là đăng ký tham dự buổi vận động tranh cử của Donald Trump tại thành phố Tulsa, tiểu bang Oklahoma nhưng không đến tham dự.
Một việc làm chưa hề có của những người trẻ từng xảy ra trong quá khứ.
Điều này khiến sự kiện được ban tổ chức thông báo đầy lạc quan có hơn triệu người tham dự, thực tế chỉ hơn 6.000 ngàn người.
Theo tôi ghi nhận, chính Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã làm cho nhiều người, đặc biệt những người trẻ thay đổi thái độ, quan tâm đến chính trị quốc gia.
Một số bạn trẻ gốc Việt được sinh ra tại Mỹ cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, sự ủng hộ ứng viên, chính đảng đã khác nhiều so với ông, cha họ.
Một bạn trẻ 24 tuổi, người Việt, sinh tại Mỹ, sống ở thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, không muốn nêu tên và chia sẻ sâu vì sợ làm ba mẹ vốn là những người ủng hộ Donald Trump buồn đã nói.
“Em không bỏ phiếu trong lần đầu tiên trong đời có quyền bỏ phiếu bầu Tổng thống vào năm 2016 vì nghĩ rằng việc bỏ phiếu sẽ không quan trọng do em sống tại tiểu bang Washington. Đó là một lỗi và em hối hận vì việc thờ ơ của mình có thể đang gây ra quá nhiều tổn hại cho quốc gia. Do đó, lần này em sẽ đi bỏ phiếu.”.
Henry Nguyễn, 23 tuổi, sinh ra tại Mỹ, có bằng kỹ sư và sống cùng gia đình tại thành phố Seattle đã trở thành một người quan tâm đến việc bầu cử sau khi Trump trở thành Tổng thống.
Sau cuộc tranh luận giữa Phó tổng thống Mike Pence với bà Kamala Harris vào tối ngày 7/10, Henry đã gởi cho tôi hình ảnh về cái vỉ đập ruồi.
Anh còn nói thêm, “Hy vọng con ruồi dự báo đúng!”.
Henry nói điều này vì nhớ đến con ruồi ‘tiên tri’ đã đậu trên trán bà Hillary Clinton trong lần tranh luận với Donald Trump vào bốn năm trước và bà Hillary đã thất bại sau đó.
Giới trẻ muốn lên tiếng
Marilyn Thai, 23 tuổi, đang làm giáo viên tại trường cấp ba Blackstone Valley Prep, ở thành phố Cumberland, thuộc tiểu bang Rhode Island, đã chia sẻ suy nghĩ của cô về Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
“Trước đại dịch Covid 19 đầy nguy hiểm, Trump gần như không làm gì để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh giữa lòng nước Mỹ. Những lời tuyên bố về dịch bệnh, thuốc chữa bệnh của ông có hại hơn là lợi.
Bất chấp dịch bệnh với con virus từ Trung Quốc chập chờn phủ xuống trên đầu người dân, ông Trump chỉ muốn hãng xưởng mở cửa, nhân viên tiếp tục đi làm để có lợi cho mình về kinh tế. Điều này cho thấy Tổng thống này không đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.
Donald Trump không quan tâm đến mọi người, ông ấy chỉ quan tâm đến chính mình.
Dù Donald Trump là tỷ phú, nhưng không chắc ông ấy hiểu cách điều hành nền kinh tế của một quốc gia.”
Marilyn cũng cho biết, “Đã gởi thông tin về phong trào “Back Lives Matter” cho ba mẹ cô hiểu để thông cảm, chia sẻ với người da đen và những bất công đang tồn tại với họ.”
Theo Marilyn, vẫn đang có sự kỳ thị không chỉ với người gốc Phi mà cả với các sắc dân khác. Nhưng người gốc Phi chịu nhiều hơn. Phản đối những tư tưởng kỳ thị có cơ hội bộc phát cũng chính là bảo vệ nước Mỹ.
Bởi, với nhiều người Mỹ vẫn có tư tưởng, người da trắng ở đẳng cấp khác hơn các sắc dân còn lại.
Khác với ba mẹ, Marilyn sẽ bầu cho Joe Biden. Dù ông không phải người mang lại sức thuyết phục hoàn toàn. Nhưng với cô không bầu cho Biden mà bầu cho ứng viên khác chỉ có lợi cho Trump.
Một người khác, Kenny, 21 tuổi, sinh ra tại Mỹ và đang theo đuổi ngành luật tại trường University of Washington, ở tiểu bang Washington bày tỏ về Donald Trump.
“Trump thất bại trọng việc xử lý các khủng hoảng ở Mỹ từ dịch bệnh Covid 19 đến phong trào “Black Lives Matter”.
Nước Mỹ có trong tay nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ đứng đầu thế giới, nhưng không một con người nào vận dụng, xử lý nó tồi tệ để đối phó với dịch bệnh Covid 19 như Donald Trump.
Ông không đưa ra biện pháp nào hiệu quả, hoặc làm gương để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Sự xem thường này đã đưa đến bản thân ông cũng bị nhiễm Covid 19.
Donald Trump lạm dụng quyền hạn trong việc đối phó với phong trào “Black Lives Matter”. Trump chọn cách đàn áp thay vì lắng nghe, giải quyết. Do ông ấy cũng là người phân biệt chủng tộc có hệ thống và gây chia rẽ.
Ông Trump cũng không làm cho nền kinh tế Mỹ tốt hơn thời Barack Obama như lời ông đã nói. Nền kinh tế này trong nữa năm nay thì thật tồi tệ.”
Kenny biết anh hoàn toàn khác với ba mẹ trong suy nghĩ về Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Tuy nhiên, anh cũng không có đủ ấn tượng để bỏ phiếu cho Joe Biden.
Thay vào đó anh sẽ bầu cho Jo Jorgensen, một ứng viên tổng thống của đảng Tự Do.
Kenny đã có một chút kinh nghiệm về chính trị. Hai năm trước anh đã cộng tác cùng đội ngũ vận động cử tri bỏ phiếu cho bà Kim Schrier, hiện đang là Dân biểu của Hạ Viện.
Tiếp xúc với một số bạn thuộc thế hệ hai trong cộng đồng Việt ở vùng gần Seattle, tôi thấy họ có quan điểm khác với một số đông thế hệ đầu thường gắn bó với các ứng viên thuộc đảng Cộng Hòa.
Những người trẻ gốc Việt sinh ra tại Mỹ hoặc nhìn nhận, đánh giá chính quyền của ông Trump khác cha mẹ họ, hoặc có thể sẵn sàng hơn trong việc bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ hay đảng khác. Bức tranh này không phải là toàn diện nhưng nói lên một xu hướng trong xã hội Mỹ, nhất là trong giới trẻ gốc Việt.
Võ Ngọc Ánh
Tacoma, tiểu bang Washington
Theo BBC News tiếng Việt ngày 13/10/2020
Be the first to comment