Vũ Linh: Suy Nghĩ Hậu Bầu Cử

Cuộc bầu cử giữa mùa vừa qua đã có những kết quả vừa dễ hiểu, vừa khó hiểu.
Dễ hiểu khi thấy đảng CH đã không thua đậm như đảng DC trong những cuộc bầu giữa mùa đầu tiên dưới hai tổng thống DC Clinton và Obama, vì dù muốn hay không, TT Trump đã đạt được nhiều thành quả lớn, bất kể những tấn công tàn bạo chẳng những của đảng đối lập DC, mà quan trọng hơn nhiều, của toàn bộ hệ thống TTDC, ròng rã suốt hai năm qua. Chứng tỏ việc TTDC đầu độc dân Mỹ cũng không hiệu nghiệm lắm vì dân Mỹ coi vậy chứ không ngây ngô dễ tin lắm. Nếu hoàn toàn tin theo TTDC và phe đối lập DC thì đúng ra DC bây giờ đã phải chiếm 400 ghế dân biểu và 90 ghế thượng nghị sĩ rồi.
Khó hiểu vì theo các thống kê chính thức, tổng cộng, các ứng cử viên DC đã thu được khoảng một chục triệu phiếu nhiều hơn các ứng cử viên CH, nhưng chỉ thắng khít khao tại Hạ Viện trong khi thua tại Thượng Viện.
Tại sao lại có tình trạng chéo cẳng ngỗng vậy? Ta thử coi lại.

Trong thể chế dân chủ kiểu Mỹ, có hai việc có thể coi như là hai viên gạch dùng làm nền tảng:
1. Tất cả đều được quyết định bằng phổ thông đầu phiếu, mỗi người một lá phiếu, ngang nhau, tự do quyết định mà không cần Nhà Nước ‘giới thiệu’ hay chỉ dạy gì hết.
2. Nước Mỹ là một liên bang của 50 tiểu bang, tương đương với 50 nước được kết hợp chặt chẽ trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao, và quốc phòng, nhưng có quyền ‘tự trị’ rất rộng rãi trong các vấn đề nội bộ, không phải là một quốc gia thuần tuý với 50 tỉnh lệ thuộc một chính quyền trung ương.
Trong bối cảnh đó, ta có thể thấy hậu quả trực tiếp là trong nội bộ mỗi tiểu bang, tất cả đều được quyết định bởi đa số phiếu. Cụ thể là thống đốc sẽ là người có được tổng số phiếu cao nhất trong cuộc bầu của tiểu bang, bất kể khác biệt từng vùng, từng tỉnh. Cũng như các thượng nghị sĩ hay dân biểu trong các địa hạt của mình thắng nhờ số phiếu cao nhất. Vì mỗi tiểu bang được coi như một quốc gia đơn thuần trong đó đa số thắng thiểu số. Rất giản dị.

Nhưng ở cấp liên bang thì mọi chuyện lại rắc rối hơn tơ vò.
Một liên bang là một tập hợp của nhiều ‘nước’. Muốn có liên bang, quyền lợi và tiếng nói của những ‘nước’ đó phải được tôn trọng và bảo vệ, bất kể ‘nước’ nhỏ đến cỡ nào. Nếu trong liên bang, tiếng nói và quyền lợi của các ‘nước’ nhỏ không được tôn trọng thì những ‘nước’ nhỏ này không có lý do gì tham gia và liên bang sẽ tan vỡ ngay. Nếu tất cả các chức vụ cấp liên bang được quyết định bằng số phiếu của đa số trên cả nước, thì nước Mỹ không còn là một liên bang nữa, mà đã biến thành một quốc gia thuần nhất, ‘thống trị’ bởi các vùng đông dân nhất như New York, Cali, Texas, Florida,… trong khi các vùng ít dân như Wyoming, Montana, Vermont,… sẽ chẳng có tiếng nói gì hết. Câu hỏi ngay trước mắt, nếu không có tiếng nói gì hết thì tại sao lại phải ở trong liên bang.
Để bảo đảm sự tồn tại lâu dài của liên bang, các ‘Cha Già lập quốc’ đã lập ra một thể chế trong đó tiếng nói của các tiểu bang nhỏ và ít dân vẫn được tôn trọng. Bằng nhiều cách.
Thứ nhất là các tiểu bang bầu tổng thống của liên bang theo ý tiểu bang đó, rồi đại diện của tiểu bang sẽ đi bầu tổng thống cho cả liên bang. Tiếng nói của những đại diện đó nặng hay nhẹ cũng tùy tiểu bang đông hay ít dân. Nhưng tiếng nói của các tiểu bang lớn không có tính cách áp đảo tuyệt đối nữa. Ví dụ cụ thể: Cali (40 triệu dân) có dân số lớn gấp 80 lần dân số Wyoming (0,5 triệu dân), nhưng số cử tri đoàn của Cali (55), chỉ hơn Wyoming (3) có 18 lần. Nghiã là một ứng cử viên tổng thống liên bang nếu biết chắc sẽ thua ở Cali thì phải đi tìm phiếu ở 20 tiểu bang cỡ Wyoming để bù đắp. Hay 4 tiểu bang cỡ Michigan.
Tổ chức chính trị này chẳng có gì là bí hiểm hay khó hiểu. Đứa con nít tiểu học cũng đã được dạy để hiểu rồi. Những người cho đến giờ này vẫn còn gân cổ ra khiếu nại việc bà Hillary được nhiều phiếu hơn không phải không biết chuyện này, kể cả bà Hillary, nhưng vẫn ôm cứng cái lập luận ngớ ngẩn này chỉ vì đó là cách lè nhè duy nhất để tự an ủi vì đã thua quá đau thôi. Luật chơi như vậy, muốn thắng phải theo luật đó. Cũng như trong trận đấu túc cầu, muốn thắng phải đá lọt lưới, chứ không phải là giữ banh lâu. Sách lược của ông Trump là đi kiếm phiếu ở 30 tiểu bang nhỏ và vừa, trong khi bà Hillary rung đùi với Cali và New York, để rồi thua và khóc. Nguyên tắc sơ đẳng như vậy mà không hiểu thì thật sự không xứng đáng làm tổng thống.
Thứ nhì là những tiểu bang nhỏ đó cũng có quyền tham gia vào ngành lập pháp qua sự hiện diện của họ trong Hạ viện, theo tỷ lệ dân số, và trong Thượng Viện khi tất cả các tiểu bang, bất kể lớn như Cali hay nhỏ như Wyoming cũng đều có đúng 2 đại diện.
Trong những thập niên qua, ta thấy rõ ràng vài chuyển động lớn trong xã hội Mỹ: dân Mỹ trẻ và trí thức bỏ thôn quê và tỉnh nhỏ di cư qua các tiểu bang lớn dọc theo hai bờ biển Đông và Tây. Ngoài ra, các tiểu bang dọc bờ biển này cũng là nơi đón nhận di dân mới nhập cư, phần lớn là dân lợi tức thấp từ Trung và Nam Mỹ, cũng như từ Á Châu. Trong khi dân cư các vùng thôn quê và tỉnh nhỏ vẫn giữ khuynh hướng bảo thủ, thì dân cư các tỉnh lớn chuyển mạnh về hướng cấp tiến, ủng hộ đảng DC, vì nhiều lý do như vì tính ô hợp đa dạng, ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nhu cầu trợ cấp, dễ kiếm công ăn việc làm,… Một yếu tố thuận lợi nữa cho đảng DC là khối dân da trắng lười đẻ nên số dân da màu, đen, nâu và vàng, thường ủng hộ đảng DC, phát triển nhanh hơn.
Bản đồ dưới đây cho thấy sự tập trung của cử tri Mỹ: màu đỏ là vùng CH. Màu xanh là vùng DC. Nếu tính diện tích thì CH lớn hơn DC gấp mấy chục lần, nhưng lại không phải là những vùng có các tỉnh lớn, đông dân. Ngay tại Cali, vùng CH kiểm soát lớn gấp 4 lần vùng DC, nhưng tất cả các thành phố lớn đều nằm dọc biển và sát biên giới Mễ, theo phe DC.

Nói cách khác, trên phương diện chính trị, cấu trúc dân số Mỹ càng ngày càng có lợi cho đảng DC, về lâu về dài nếu tính theo dân số. Năm 2020 sẽ có thống kê dân số mới và ta sẽ thấy dân số Mỹ gia tăng nhiều, nhưng lại tập trung nhiều tại các tiểu bang ven biển. Nghĩa là số dân biểu liên bang có thể sẽ tăng vào năm 2022 tại New York và Cali. ‘Có thể’ nhưng chưa chắc chắn vì sự gia tăng đó có thể bị xóa bớt vì số dân da trắng cao niên bỏ đi qua những tiểu bang miền nam như Florida và Texas. Dù sao thì cách biệt ý thức hệ giữa các tiểu bang hai ven biển với các tiểu bang ở giữa sẽ ngày càng sâu đậm.
Phe ta và TTDC nhìn vào sự chuyển hướng này và đã quá lạc quan, cho rằng đảng CH đã đi vào cõi chết, xúm lại tiên đoán bà Hillary sẽ đắc cử năm 2016. Họ quên mất khối da trắng vẫn còn chiếm hơn 70% dân số Mỹ. Tiếng nói của họ vẫn còn rất nặng ký nếu họ chịu lên tiếng và đi bầu. Khi 8 năm của TT Obama đưa nước Mỹ vào tình trạng thiên tả quá xa, với những chuyện ‘phải đạo chính trị’ quá lố bịch, đụng chạm mạnh đến những giá trị văn hoá, tôn giáo và nhân bản bảo thủ, cũng như kinh tế lụn bại khiến cả triệu dân lao động da trắng (và cả da đen, da nâu) thất nghiệp gặp khó khăn tài chánh, thì họ bực mình, ra khỏi nhà, đi bầu cho một chuyển hướng để hy vọng cuộc sống của họ khá hơn. Đó chính là lý do tại sao ông Trump hạ được bà Hillary.

Hậu quả là gì?

Hậu quả đầu tiên ta đã thấy trong kỳ bầu cử tổng thống vừa qua: nhờ phiếu của các tiểu bang đông dân hai ven biển, nhất là New York và Cali, bà Hillary đã có nhiều phiếu cử tri hơn, nhưng vì thể thức bầu bán liên bang qua cử tri đoàn, ông Trump đã đắc cử vì đã thắng tại nhiều tiểu bang hơn (30 tiểu bang). Ta có thể tiên đoán hiện tượng này sẽ trở thành khá phổ biến trong tương lai: nghiã là ứng cử viên CH sẽ vào Toà Bạch Ốc trong khi ứng cử viên DC được nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc hơn. Đây là lý do chính đảng DC đang đòi thay đổi thể thức bầu tổng thống, hủy thủ tục bầu theo cử tri đoàn đại diện cho các tiểu bang. Đây là chuyện khó đạt được nếu không muốn liên bang tan rã.
Hậu quả thứ nhì ta đã thấy trong cuộc bầu quốc hội vừa qua: vì có đông dân hơn, DC sẽ có nhiều hy vọng chiến thắng tại Hạ Viện vì Hạ Viện được bầu theo dân số, phần lớn là nhờ khối dân thiểu số da đen và da nâu, và giới trẻ, phụ nữ và trí thức thành thị, trong khi tại Thượng Viện, CH vẫn thắng vì bầu theo số tiểu bang, và đa số các tiểu bang nhỏ, ít dân thiểu số hơn, vẫn còn khuynh hướng bảo thủ, ủng hộ CH. CH cũng sẽ tiếp tục nắm đa số ghế thống đốc, vẫn giữ quyền tại các tiểu bang nhỏ, ít dân, ít thành phố lớn.
Trong tình trạng này, khó có thể thấy một kịch bản trong đó một đảng nắm trọn quyền hành pháp và cả hai viện quốc hội trong lâu dài. Nhiều lắm là quốc hội được bầu ‘theo đuôi’ tổng thống, và đảng của tổng thống mới đắc cử có thể chiếm trọn cả hai ngành hành pháp và lập pháp, nhưng giỏi lắm chỉ kéo dài được hai năm. Đây là chuyện các TT Clinton, Bush, Obama và Trump đều trải qua, và trong tương lai, sẽ tiếp tục như vậy. Những người đang nhẩy tưng tưng mừng việc DC chiếm được Hạ Viện dường như chưa hiểu vấn đề này trọn vẹn.
Chiến thắng tại Hạ Viện thật ra chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến tổng thống. TT Clinton và TT Obama mất Hạ Viện, tuy không còn ra được luật gì quan trọng, nhưng rồi vẫn đắc cử nhiệm kỳ hai. Dân chúng muốn cầm chân không cho tổng thống đi quá xa nhưng rồi vẫn chịu để họ làm đủ hai nhiệm kỳ. Nhất là với TT Trump khi họ vẫn để cho ông kiểm soát Thượng Viện là cơ chế giúp ông có nhân sự cần thiết để tiếp tay ông.
Điều đáng nói là phe DC, miệng hô hào đa dạng, tôn trọng đủ thứ quyền của dân, kể cả quyền tự do ngôn luận, quyền tự do bầu bán, hô hào mọi người tôn trọng ý dân, cũng là cái đảng trên thực tế chống đa dạng, bác bỏ bầu cử nếu không hợp ý mình, coi ý dân không quan trọng bằng quyền lợi đảng,…
Còn nhớ trong mùa tranh cử tổng thống vừa qua, ông Trump tuyên bố đại khái trước khi ông nhìn nhận kết quả bầu cử, ông sẽ phải xác nhận trước kết quả là trung thực không có gian lận. Phe ta, từ TT Obama đến bà Hillary đến cả thế giới của TTDC khua chiêng trống vỡ chợ luôn về việc tay Trump này dám cả gan có ý đồ không chấp nhận ý dân, bác bỏ kết quả bầu cử. Sau khi kết quả bầu cử cho thấy ông Trump đắc cử thì cũng cả cái khối DC này lòi cái đuôi giả dối, tìm mọi cách bác bỏ kết quả bầu cử, như ta đã biết, khỏi cần bàn thêm. Điều đáng nói là nếu có người nào ngạc nhiên về thái độ đó của ‘phe ta’ thì người đó thực sự đã không theo dõi các cuộc bầu cử gần đây.
Thái độ tìm mọi cách xóa kết quả bầu cử mình không thích không phải lần đầu tiên xẩy ra trong lịch sử chính trị cận đại Mỹ. Năm 2000, sau khi ứng cử viên CH Bush con thắng, ông Gore của ‘phe ta’ đã thưa kiện đủ cách, đưa đến việc kiểm phiếu ra tòa liên miên tại Florida, trì hoãn kết quả bầu cử đến hơn một tháng.
Phe CH có làm vậy không? Năm 1960, ứng cử viên của đảng DC, John Kennedy thắng ông Nixon khít nút, đâu có hơn 110.000 phiếu trên cả nước. Phe CH đòi đếm phiếu lại tại tiểu bang Illinois vì nghi ngờ đảng DC tại đây thông đồng với đám mafia, gian lận phiếu một cách quy mô tại đây, nhất là tại thành phố Chicago, thủ phủ của mafia. Nhưng ông thua cuộc Nixon bác bỏ việc đòi đếm phiếu lại. Ông cho rằng nếu đếm phiếu lại thì người thắng, bất kể là Nixon hay Kennedy cũng sẽ gặp khó khăn điều khiển đất nước vì uy tín dù sao cũng đã sứt mẻ. Nhìn vào thái độ của Nixon và Gore thì thấy khác biệt tư cách giữa CH và DC.
Khác biệt tư cách đó vẫn tồn tại cho đến cuộc bầu tổng thống vừa qua, qua thái độ của cánh ủng hộ bà Hillary khi họ nhất quyết hô “Not My President”. Và cho đến ngày hôm nay luôn khi phe thua cuộc DC đòi đếm phiếu lại tại Florida, đếm lại kết quả bầu thống đốc và cả kết quả bầu thượng nghị sĩ. Trong khi bà DC Stacey Abrams nhất định không chịu thua trong cuộc tranh cử thống đốc Georgia dù đã thua đậm. Qua cuộc đếm phiếu ròng rã cả tuần, bà DC Sinema đã thắng khít nút bà CH McSally tại Arizona. Thay vì đòi đếm phiếu lại, bà McSally đã chấp nhận kết quả bầu cử. Lại một sự khác biệt trong tư cách của các ửng cử viên CH và DC. Hiện nay, ứng cử viên DC thua cuộc đang kiện cáo đòi đếm phiếu lại tại hơn một tá nơi khác.
Như mọi người đã biết, kết quả bầu cử tại Florida cho thấy phe CH thắng cả hai ghế thống đốc và thượng nghị sĩ. Nhưng vì thắng khít nút nên bên thua có quyền đòi hỏi đếm phiếu lại. Bây giờ ‘phe ta’ khám phá ra mánh đếm phiếu mới, có lợi hơn, đòi đếm lại những lá phiếu ‘tạm thời’, gọi là ‘provisional votes’. Đây là những lá phiếu của cử tri khi đến bầu đã không hội đủ điều kiện bầu, chẳng hạn như không có giấy chứng minh địa chỉ, không có giấy chứng minh là công dân Mỹ,… Để bảo đảm công dân chân chính không mất tiếng nói vì sơ ý quên giấy tờ ở nhà, họ được phép bầu, nhưng lá phiếu của họ chỉ có giá trị tạm thời, cho đến khi họ trở lại phòng phiếu, trình ra đủ giấy tờ xác nhận tình trạng hợp lệ thì lá phiếu của họ mới chính thức được nhìn nhận.
Trên thực tế, một số ít người thực sự quên giấy tờ ở nhà thật, và đảng DC đang cho người đi lùng từng người, đến tận nhà để lấy giấy tờ của họ để hợp thức hóa lá phiếu của họ. Nhưng phần lớn những người bầu ‘tạm thời’ thực sự là bất hợp lệ. Các luật sư của DC đã lên tiếng đòi không được gạt qua phiếu của những người ‘không giấy tờ’ -undocumented-. Có nghiã là trong số phiếu tạm thời, đã có nhiều phiếu của di dân ‘không giấy tờ’, tức là di dân lậu, nhưng phe DC vẫn muốn nhìn nhận những phiếu này.
Đây là cái mánh gian lận mới của DC. Trên nguyên tắc, kiểm phiếu có thể lôi ra những phiếu tạm thời bất hợp lệ để loại những phiếu đó ra, nhưng cũng có thể là cơ hội bỏ thêm phiếu tạm thời vào, nếu những người chịu trách nhiệm kiểm soát là… ‘phe ta’. Tại quận Broward (thành phố Fort Lauderdale trong vùng đông nam Florida), là nơi khoảng 700.000 phiếu đang được đếm lại, Giám Sát Bầu Cử của quận Broward, bà da đen Brenda Snipes bị nghi ngờ đã trộn những phiếu tạm thời bầu cho ‘phe ta’ vào số những phiếu hợp lệ, tăng số phiếu của phe ta lên. Bây giờ, bà chịu trách nhiệm kiểm phiếu, tức là bà sẽ ‘kiểm soát’ lại những việc chính bà đã làm (?!), chẳng có gì cấm bà Snipes thay vì loại bỏ những phiếu tạm thời, lại chôn vùi những phiếu đó kỹ hơn, hay thậm chí trộn thêm một số phiếu tạm thời bầu cho ‘phe ta’ vào. Phe CH đã mau mắn huy động cả dàn luật sư vào việc kiểm phiếu, nhưng dù sao bà Snipes và nhân viên của bà cũng vẫn là những người tay cầm lá phiếu để đếm.
Tùy tiểu bang, số phiếu tạm thời có thể lên tới cả trăm ngàn dễ dàng, do đó nếu kết quả bầu cử xê xích vài ngàn như tại Florida, kết quả ‘kiểm phiếu’ có thể lật ngược dễ dàng, tùy phe nào nắm quyền kiểm soát phiếu. Thua keo này, bày keo khác. Sau khi đếm phiếu bằng máy cho thấy ‘phe ta’ vẫn thua tại Florida, thì bây giờ đếm phiếu bằng tay. Đếm đủ cách cho tới khi nào thắng mới được.
Tìm thắng lợi qua đếm phiếu lại đã trở thành ‘bí kíp’ tranh cử của đảng DC. Dù chưa thành công lần nào nhưng vẫn cứ thử. Chỉ còn hy vọng dàn luật sư CH tinh mắt đề phòng cho kỹ thôi.

Cuộc bầu cử vừa qua cũng phơi bày ra một số diễn biến trong chính trị Mỹ.
Tại tiểu bang Cali, cho đến khi bài này được viết thì vẫn chưa đếm phiếu xong tại nhiều nơi. Tuy nhiên, DC rõ ràng đã thắng lớn tại tiểu bang này. Quận Cam, thành đồng cuối cùng của khối CH tại Nam Cali, có vẻ đã thất thủ trước làn sóng xanh của DC. Cali càng ngày càng chuyển hướng mạnh về phiá DC, phần lớn là do hậu thuẫn của khối di dân Nam và Trung Mỹ, và của khối dân gốc Tầu, không thích chính sách chống Trung Cộng của TT Trump. Khối dân gốc Việt là khối dân Á Châu duy nhất trong đó đa số ủng hộ CH, cho dù truyền thông tỵ nạn Việt hầu hết hùa theo TTDC, chống TT Trump khá mạnh.
Một diễn biến khác: trước bầu cử, hai bên tranh cãi về chuyện ‘cơn sóng xanh’ hay ‘cơn sóng đỏ’. Kết quả là không xanh mà cũng chẳng đỏ, mà là hồng và xanh lá cây.
Cơn sóng hồng vì cuộc bầu vừa qua đã chịu ảnh hưởng lớn của các phụ nữ. Cử tri phụ nữ đi bầu đông hơn tất cả các kỳ bầu giữa mùa trước, trong khi nhiều phụ nữ trẻ đắc cử hơn các cuộc bầu trước.
Cơn sóng xanh lá cây vì chưa bao giờ một cuộc bầu giữa mùa lại bị chi phối bằng tiền nặng như lần này. Khối CH chi ra con số kỷ lục là khoảng 300 triệu đô, nhưng không thấm thiá gì so với khối DC, chi ra tới hơn 600 triệu. Một mình ông Beto O’Rourke tranh cử thượng nghị sĩ Texas chống TNS Ted Cruz, đã chi ra hơn 70 triệu tuy thất bại.
Điều hiển nhiên ai cũng thấy là sau cuộc bầu cử, quan hệ giữa TT Trump và đảng DC cũng như TTDC sẽ tệ hại hơn nhiều.
Trang mạng thiên tả Axios đã cung cấp một danh sách 85 chuyện phe DC tại Hạ Viện có thể sẽ điều tra. Dĩ nhiên đây chỉ là danh sách của Axios, có tính cách phóng đại lố bịch, nhưng ta có thể tin tưởng DC sẽ dòm ngó rất kỹ danh sách này.
Phe DC cũng không nên quên CH còn giữ Thượng Viện, có nghiã là Hạ Viện tung ra một chục cuộc điều tra về TT Trump thì Thượng Viện cũng có thể tung ra một chục cuộc điều tra về TT Obama, bà Hillary, FBI, FISA, Nhà Nước Ngầm trong các bộ Tư Pháp, bộ Ngoại Giao,… Rồi cả TT Trump cũng có thể ra lệnh cho bộ Tư Pháp và FBI điều tra đủ chuyện. Vỏ quít dầy móng tay nhọn.
Coi như diễn đàn này trong năm tới sẽ rất bận rộn với báo cáo và bình luận về đủ loại điều cha điều mẹ.

Vũ Linh
DĐTC ngày 17/11/2018

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*