Trần Thu Miên: Nồi Cháo Gà

LTG.  Mời độc giả đọc truyện ký và tuỳ bút về các món ăn của sinh viên không gia đình thời đầu đời tỵ nạn, 1975-1985. Các món ăn chan chứa kỷ niệm dù không cao lương mỹ vị, nhưng đã trở nên những dấu ấn khó quên của một thời đã qua.

Một chiều tháng 10, nắng Arlington – Texas vẫn còn hơi gay gắt. Từ thư viện đại học về phòng trọ, nếu tôi đi bộ nhanh, mất  khoảng 10 phút.  Vì là chiều thứ Sáu nên khuôn viên đại học vắng người hơn thường. Chiều nào dư dả, tôi tạt vào trung tâm sinh viên ăn tối.  Bữa ăn 3 đô la, nhưng nếu một tuần ăn 5 bữa, tốn 15 đô la, số tiền không nhỏ. Lương Work Study (trợ giúp của nhà nước giúp đại học thuê sinh viên nghèo làm việc) xấp xỉ 40 đô la một tuần, đấy là phải làm 20 tiếng giờ. Hôm ấy là ngày giữa tháng nên không dám vào trung tâm sinh viên ăn tối vì phải để dành tiền trả tiền thuê phòng trọ.

Về đến chung cư, vừa mở cửa, đã nghe vọng ra từ phòng vệ sinh.

– “Miên! Ăn cháo gà không?” Quân trịnh trọng  hỏi.
– “Tao ăn cơm với hộp cá Tuna.”
– “Tao nấu đãi mày mà!”
– “OK! ăn  gì cho đỡ đói, ngủ chút xíu, tao phải trở lại thư viện làm lúc 8:00 tối. Sẽ ăn cháo trước khi đi làm.”

Phòng trọ chật hẹp, nhưng lúc nào cũng có ít nhất 4 đứa tá túc không kể những đứa đi học, rảnh, tạt vào tán gẫu. Đứa ở tạm vài tuần rồi dọn ra, đứa ở lì dù không trả tiền thuê nhà được. Phòng không giường, mỗi đứa chiếm một góc, đủ để túi ngủ dung thân. Là chủ phòng, tôi chiếm cái ghế sofa cũ rách được người thuê phòng trước để lại vì không muốn phải khiêng vất đi.

Quân mới dọn vào được một tháng.  Chàng ở chung với nhóm anh em đứa bạn, nhưng gặp chuyện không ổn nên xin dọn đến trú phòng tôi. Người chung phòng chính thức của tôi là Tony Lờ Bu.  Chàng này cũng thuộc loại kỳ nhân. Tôi sẽ kể về Tonny ở một kỳ khác.  Riêng về Quân, chàng thanh niên trán cao, lộ vẻ thông minh hơn người, có tài chơi Lục Huyền Cầm, loại nhạc cổ điển. Chàng có phong cách nghệ sĩ khác người.  Đương nhiên là tôi mến mộ tài chơi guitar nhạc cổ điển của Quân.  Chàng không kể về gia đình nhiều, nhưng cho biết là cháu của vị Thượng Toạ nổi tiếng từ Việt Nam trước 75.  Sang Hoa Kỳ, ngài trụ ở một ngôi chùa Việt Nam và đã được nữ tín đồ giúp ngài giác ngộ.  Ngài lập gia đình với tín đồ và khởi lên giáo phái mới. Đấy là chi tiết duy nhất về gia đình Quân tôi còn nhớ như in.  Tôi quên mất là Quân trú ở phòng trọ của tôi bao lâu.

Từ ngày từ giã đời sinh viên, tôi đi dạy học ở Kentucky, sau một năm, chán những ngày cô đơn buồn nản, bỏ đại học Kentucky, đến đại học Michigan, tình cờ gặp em sinh viên, không ngờ nàng chiếm ngự hồn phiêu du của mình lúc nào không hay, rồi sau hai năm, lại bỏ Michigan đi với  em sinh viên về miền Đông Bắc Hoa Kỳ dạy học. Suốt hơn  ba mươi năm bận rộn với việc làm và đời sống mới, tôi không giữ liên lạc với hầu hết nhóm bạn quen thời sinh viên.  Nhưng vô tình lại có duyên lành gặp vị tăng sư bà con của Quân một vài lần và rất kính phục tài thuyết pháp của ngài. Vợ ngài nổi tiếng làm giò mọc.  Thỉnh thoảng ghé gia đình người bạn, tôi được ăn món bún mọc do vợ ngài làm bán, và lại có dịp được nghĩ về Quân.  Chàng thanh niên khôi ngô nhưng tư tưởng bi quan.  Nhiều lần ngồi nói chuyện tầm phào, Quân vẫn nhắc về số mạng của mình.  Có lẽ đã được thầy tử vi nào chấm cho lá số tử vi, tiên đoán chàng mạng yểu, nên Quân bị ám ảnh rằng mình sẽ tịch sớm. Tới bây giờ tôi vẫn chưa biết dạo đó Quân học ngành gì.  Có lẽ học kỹ sư hay điện toán như hầu hết những sinh viên Việt khác.  Những lúc chàng thở dài ngao ngán về tương lai về số phận, tôi vẫn bảo, “Đ.M. Đức năng thắng số, tao nghĩ mày sẽ sống trăm tuổi.” Dĩ nhiên là chàng không tin tôi.

Đồng hồ báo thức reo lúc bảy giờ tối.  Tôi phải bỏ ghế sofa êm ái đứng dậy đi làm. Quân đang chơi đàn trong một góc phòng, thấy tôi dậy, vội vàng vào bếp dọn cháo.  Nhìn bạn sốt sắng và hăng hái quá, tôi rửa mặt vội, ra ăn cháo cho kịp giờ đi làm. Phòng trọ không có bàn, nên chúng tôi đứng quanh bếp hay ngồi trên nền nhà ăn.

Vừa vào bếp, chàng lấy hai chén nhỏ, trịnh trọng để bên nồi cháo, từ từ mở vung. Nhìn nồi cháo, Tôi giật mình văng tục.

– “Đ.M. mày nấu cháo bằng một đùi gà thì ăn cái đếch gì!”

Quân lẳng lặng, vớt cái đùi gà nhỏ bé khiêm tốn ra khỏi nổi cháo, kiên nhẫn dùng fork xé thịt đùi gà ra những miếng thịt vụn. Chàng thong thả múc cháo trắng vào bát rồi rắc thịt gà lên. Thời ấy nước mắm chưa thịnh hành nên chúng tôi chỉ nấu thức ăn bằng muối.  Chàng lấy hộp muối và hộp tiêu rắc lên hai bát cháo.  Nể bạn, tôi bưng bát cháo lên húp một cách e ngại ngao ngán chán chường.

– “Ăn được không?” Quân hỏi.
– “Cháo mày nấu tao húp một miếng là cạn chén. Không sợ xương gà mắc cổ họng.”
– “Mai nhờ mày chở tao đi chợ.”
Quân nhìn tôi cầu cứu.
– “Ok. Chiều thì tiện, tao làm đến 2:00 giờ.”
– “Xin lỗi, nhà còn mỗi cái đùi gà nằm trong xó freezer tao nấu đại xem sao.”

Tôi không trả lời Quân, rửa bát, rồi vội vã đi thư viện làm việc. Quân trở lại xó nhà ngồi chơi đàn. Tôi lẳng lặng bỏ đi. Thằng Tonny chưa về, thằng Phong gầy thì nay đây mai đó, không biết khi nào đến hay lúc nào đi.

Chiều nay chợt nhớ về căn phòng gần khuôn viên đại học hơn 40 năm rồi. Tôi nhớ Quân, nhớ tiếng lục huyền cầm và những ngón tay chơi đàn nhuần nhuyễn của chàng.  Nhớ tấm poster duy nhất dán lên tường của căn phòng trống trải là bản sao bức tranh Nghệ Sĩ Già Chơi Lục Huyền Cầm (The Old Guitarist) của Picasso. Bỗng nhiên thèm được ăn lại bát cháo của bạn nấu ngày xưa. Không biết bây giờ Quân ở đâu, mấy vợ, mấy con, mấy cháu nội, mấy cháu ngoại rồi. Nếu gặp lại Quân tôi sẽ đi ngay vào thăm trại gà của các bạn Châu Sơn của tôi, xin vài con mang về nhờ vợ nấu cháo mời chàng. Nhưng chắc gì chúng ta tìm lại được hương vị một thời đã qua. Thế nào thì chúng ta cũng gặp lại nhau.

Trần Thu Miên

Trần Thu Miên bút hiệu của Trần Thành, G.S. Nhân Xã Vụ Học, Đại Học Dòng Tên, Boston College

1 Comment

  1. Thời sinh viên tỵ nạn 1975 mà có cháo gà là đế vương chi bảo, 1 trong bát bữu! Mì gói, bánh mì kẹp cheese ngày 3 bửa như thế đã là may mắn!
    Giáo sư Trần văn Thành còn giử ký ức dài lâu hen!

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*