Dân Số Việt Nam 100 Triệu: Cầm “Vàng” Đừng Để Vàng Rơi

LTS: Tháng 4/2023, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dân số Việt Nam tròn 100 triệu người. Bên cạnh những lợi thế, việc trở thành cường quốc về dân số cũng khiến chúng ta gặp nhiều thách thức về an sinh xã hội, việc làm, giáo dục…

Dân số Việt Nam đang mất cân bằng giới tính sinh nghiêm trọng, tốc độ già hóa dân số quá nhanh khi an sinh xã hội dành cho người già phát triển chưa kịp… lao động nhiều nhưng trình độ thấp; thanh niên quan hệ tình dục sớm nhưng lại thiếu kiến thức để giữ gìn sức khỏe…

Dân Việt khởi đăng loạt bài “Dân số Việt Nam tròn 100 triệu: Cầm “vàng” đừng để vàng rơi” để phân tích về những cơ hội và thách thức mà Việt Nam gặp phải khi trở thành cường quốc về dân số.

* * *

Dân số Việt Nam đạt mốc 100 triệu dân, trở thành nước đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 8 Châu Á, thứ 3 khu vực Đông Nam Á. 100 triệu dân, 100 triệu cơ hội, 100 triệu sức mạnh mà muốn tận dụng được nguồn lực “vàng” này cần có những giải pháp “đãi vàng” tốt hơn.

Kỳ I: Gấp rút “đãi vàng” dân số

Từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng, khi người trong độ tuổi lao động cao. Việt Nam đã đặt ra nhiều giải pháp để tận dụng nguồn lực lao động, giúp đất nước vươn lên làm giàu.

Đến nay đã 16 năm nhưng nhiều chuyên gia đánh giá chúng ta “đãi vàng” chưa thành công. Hiện vẫn còn khoảng 20 năm nữa để chúng ta gấp rút “đãi vàng” dân số để làm giàu trước khi bước vào dân số già.

“Mỏ vàng” dân số lớn

Từ năm 2007, dân số Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng. Chuyên gia dân số, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 30-35 năm (từ năm 2007 đến khoảng 2035).

Hiện tỷ lệ người từ 15 đến 64 tuổi của nước ta là 67,5%. Dân số 100 triệu người tương đương với hơn 67 triệu người có khả năng lao động, một “mỏ vàng” đáng trân quý.

Chuyên gia dân số, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, dân số Việt Nam tròn 100 triệu người tương đương với hơn 67 triệu người có khả năng lao động, một “mỏ vàng” đáng trân quý. (Ảnh Gia Khiêm)

Theo tiêu chí của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), một quốc gia có tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi tối đa chiếm 30% và người già từ 65 tuổi trở lên chiếm dưới 15% tổng dân số, được coi là trong thời kỳ dân số vàng.

Đây là cơ cấu rất hiếm gặp được đánh giá quý và hiếm như vàng.

“Nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực “vàng” này sẽ tạo đà để tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã có bước phát triển kinh tế “thần kỳ” trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng này”, GS Cử chia sẻ.

GS Cử cho rằng, rất may là Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng cùng với thời kỳ đổi mới kinh tế.

Việt Nam đã xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Do đó, kích thích đầu tư cả ở khu vực nhà nước, tư nhân và đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này, tạo cơ hội việc làm cho thị trường lao động rộng lớn của Việt Nam. Người lao động về cơ bản được tạo việc làm, có thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam trong những năm qua là tương đối thấp.

Thời kỳ trước Covid-19 (năm 2019 đổ về trước), tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta chỉ khoảng 1,5%. Người lao động có việc làm là yếu tố làm cho Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây.

“Đó là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta “đãi vàng” tương đối rộng rãi trong thời gian qua. Nếu chúng ta bước vào dân số vàng mà không có việc làm thì coi như “vàng đổ sông đổ bể”. Nhưng Việt Nam đã kết hợp được với thành tựu đổi mới nên chúng ta đã tận dụng được dân số vàng”, GS Cử phân tích.

Nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực “vàng” dân số sẽ tạo đà để tăng trưởng kinh tế nhanh. (Ảnh Phạm Hưng)

Về điều này, GS. TS Giang Thanh Long, Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số – phát triển và an sinh xã hội cũng nhận định:

“Với 100 triệu người, Việt Nam có hơn 2/3 dân số trong độ tuổi 15-64 (tương đương 67,4 triệu người), cho thấy một tiềm năng thị trường nội địa rộng lớn. Với dân số trẻ như vậy thì thu hút được đầu tư trong và ngoài nước cho tăng trưởng kinh tế với nhiều ngành nghề khác nhau.

Mặt khác nếu dân số của mình tay nghề, trình độ học vấn ngày được cải thiện có tư duy sáng tạo thì đó là lợi thế rất lớn. Như vậy, trong bối cảnh này, việc tận dụng lợi thế về quy mô và chất lượng dân số sẽ giúp Việt Nam bứt phá, thực hiện tầm nhìn xây dựng một Việt Nam hùng cường, có thu nhập cao vào năm 2045″.

Lao động đông nhưng chưa “chất”

Theo GS Cử, để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc và phải đủ trình độ; những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao.

Thời gian qua, tuy Việt Nam đã có nhiều chương trình, giải pháp để nâng cao chất lượng lao động, tuy nhiên, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn vẫn rất cao, chất lượng “vàng” của Việt Nam vẫn ở mức thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 51,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, có tới 73,8% số người trong độ tuổi lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; chỉ 26,2% lao động có chuyên môn kỹ thuật (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học).

Tính đến quý I/2023, trong số 52,2 triệu người thuộc lực lượng lao động, vẫn có khoảng 38,1 triệu lao động chưa qua đào tạo.

GS Cử nhận định, chúng ta mới tận dụng nguồn “vàng” ở mức “đảm bảo việc làm cho người có khả năng lao động” còn việc làm năng suất cao, thu nhập lớn vẫn chưa đạt yêu cầu.

Phân tích về nguyên nhân, GS Cử cho rằng, trong lao động ở Việt Nam vẫn còn 30% lao động ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển (khoảng 3% đến 4%).

Hơn nữa, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn rất cao chưa được đào tạo lên đến hơn 70%, cũng có nghĩa cứ 4 lao động ở Việt Nam thì có đến 3 lao động chưa được đào tạo.

“Thậm chí, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 7%. Như vậy, tuyệt đại bộ phận là lao động giản đơn, thế thì làm sao mà năng suất cao được”, GS Cử lo lắng.

Theo GS Cử, thách thức của chúng ta để tận dụng thời kỳ dân số vàng thành công là tạo ra nhiều việc làm nhưng phải là việc làm tốt, có năng suất cao, hàm lượng chất xám nhiều. Như vậy, chúng ta mới tận dụng được triệt để, đầy đủ cơ hội dân số vàng, “đãi” được “vàng có chất lượng cao”.

30% lao động “vàng” còn ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và có tỷ lệ chưa qua đào tạo còn rất cao khiến cho chất lượng “vàng” của Việt Nam chưa được tốt. (Nông dân tại đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Chúc Ly)

“Mỏ vàng ngoài tự nhiên mà chúng ta chưa khai thác thì vẫn còn nhưng mỏ vàng dân số nếu như chúng ta không khai thác, tận dụng được thì sẽ biến mất, vĩnh viễn không quay lại”, GS Cử chia sẻ.

Vì vậy, GS Cử cho rằng, chúng ta cần tích cực khai thác, “đãi vàng” có chất lượng nhất bằng các giải pháp chính sách đồng bộ hơn.

Từ các chính sách về kinh tế đến giáo dục, y tế, sức khỏe, an sinh xã hội để tạo ra một lực lượng lao động với sức khỏe tốt, chất lượng cuộc sống tốt, khi đó họ sẽ lao động, cống hiến, tạo năng suất lao động hiệu quả.

Riêng về lao động nông thôn, GS Cử cho rằng, giải pháp tốt nhất là công nghiệp hóa lao động nông nghiệp nông thôn. Khi công nghiệp hóa, người dân mới có nhu cầu được đào tạo, nâng cao năng suất lao động.

Chứ nếu người dân cứ đi cày đi cấy theo kiểu “cha truyền con nối, con trâu đi trước cái cày theo sau” thì người lao động không có nhu cầu được đào tạo. Nếu công nghiệp hóa, nếu không được đào tạo sẽ bị đào thải và người nông dân buộc phải đi học và năng suất lao động sẽ tăng cao.

“Nếu chúng ta vẫn lao động “chân tay” thì khó lòng có năng suất lao động cao, “vàng” có đãi được cũng kém chất lượng”, GS Cử nhận định.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), ngoài hai quốc gia tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ, 12 quốc gia hiện nay có quy mô dân số trên 100 triệu dân bao gồm Mỹ (gần 340 triệu), Indonesia (277 triệu), Pakistan (trên 239 triệu), Nigeria (trên 222 triệu), Brazil (trên 216 triệu), Bangladesh (trên 172 triệu), Nga (trên 144 triệu), Mexico (trên 128 triệu), Ethiopia (trên 125 triệu), Nhật Bản (trên 123 triệu), Philippines (trên 116,9 triệu), Ai Cập (trên 112 triệu).

Dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, đứng thứ 8 ở Châu Á và thứ 3 Đông Nam Á.

* * *

Kỳ II: Nguy cơ “thừa nam thiếu nữ”, cần “nhập khẩu” hàng triệu cô dâu

Một trong những thách thức của dân số 100 triệu hiện nay của Việt Nam là mất cân bằng giới tính khi sinh. 15-20 năm nữa, chúng ta đối diện với tương lai “thừa nam, thiếu nữ” phải “nhập khẩu” cô dâu như Ấn Độ, Trung Quốc.

Tình trạng “thừa nam thiếu nữ” lan rộng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ “thừa nam, thiếu nữ” trong vài chục năm tới.

Năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 113,7 (không đạt mục tiêu đề ra là 111,4). Thậm chí, một số địa phương có tỷ số MCBGTKS ở mức rất cao như Nghệ An (116,6), Sơn La (117)… Việt Nam đang là quốc gia có tỷ số MCBGTKS cao thứ 3 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Vấn đề MCBGTKS khi sinh ở Việt Nam đã được đặt ra từ năm 2006, khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 bé trai/100 bé gái.

Cho dù ngành dân số có nhiều nỗ lực và đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này nhưng việc MCBGTKS vẫn liên tục gia tăng qua các năm, có giảm cũng chỉ giảm nhẹ rồi lại giao động ở mức 112-114 trẻ gái/100 trẻ nam.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ II): Nguy cơ "thừa nam thiếu nữ", cần "nhập khẩu" hàng triệu cô dâu - Ảnh 1.MCBGTKS ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. (Ảnh minh họa: Tào Nga)

Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định, MCBGTKS ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn.

Xét ở phạm vi vùng kinh tế – xã hội, năm 2006 có 3/6 vùng MCBGTKS thì đến năm 2021 cả 6/6 vùng đã bị MCBGTKS ở cả thành thị và nông thôn. Ngay như tại Tây Nguyên, năm 2020 chưa bị MCBGTKS, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cân bằng (106/100), nhưng đến năm 2021 đã tăng lên mức 108/100, cũng bị mất cân bằng.

Tình trạng MCBGTKS đặc biệt cao ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (114,1) tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (110,6). Đặc biệt có 6 tỉnh có tỷ số MCBGTKS rất cao trên 120 bé trai/100 bé gái như: Bắc Giang (126,8/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Sơn La (121,8/100), Hòa Bình (121,8/100), Bà Rịa – Vũng Tàu (121,1/100).

Lựa chọn giới tính từ lần sinh đầu tiên

Phân tích kết quả điều tra dân số tại Việt Nam, các chuyên gia dân số nhận định, MCBGTKS Việt Nam có nhiều điều khác biệt so với nhiều nước châu Á.

Thông thường người ta sẽ cho rằng bà mẹ trình độ văn hóa thấp thì sẽ có tư tưởng phong kiến nặng nề, trọng nam khinh nữ, muốn đẻ con trai cho nhà chồng để nối dõi, thờ phụng tổ tiên nhà chồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại trái ngược hoàn toàn.

“Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên (110/100), tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu”, ông Hoàng chia sẻ.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ II): Nguy cơ "thừa nam thiếu nữ", cần "nhập khẩu" hàng triệu cô dâu - Ảnh 3.Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên. (Ảnh minh họa: Phạm Hưng)

Bên cạnh đó, mức độ MCBGTKS cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Năm 2019, tỷ số GTKS trong nhóm nghèo nhất là 108,2 trẻ trai/100 trẻ gái so với 112,9/100 ở nhóm giàu nhất.

Trong Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2020 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố cho thấy, khoảng 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời vì là con gái.

Điều này phản ánh thực trạng đáng báo động về tình trạng “trọng nam khinh nữ”, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi cũng như tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.

Chỉ ra nguyên nhân MCBGTKS rất nhiều năm qua không có chuyển biến dù chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, học thức của người dân đã cao lên, chuyên gia dân số, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định, định kiến “trọng nam khinh nữ” đã “kết tinh”, ăn sâu vào nếp nghĩ, văn hóa, lối sống của người dân hàng nghìn năm nên không dễ thay đổi một sớm một chiều.

Có thể nhận thấy ở người có học thức, thậm chí GS, TS vẫn có tư tưởng muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường”. Tỷ lệ MCBGTKT ở các bà mẹ có học vấn cao lại cao hơn bà mẹ có học vấn thấp.

“Nguyên nhân nữa là việc lạm dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào việc lựa chọn giới tính của trẻ em không chỉ trong bào thai mà còn ngay từ khi thụ thai. Đây là xu hướng rất nguy hiểm, vượt qua pháp luật. Pháp lệnh Dân số 2003 đã nghiêm cấm điều này, tuy nhiên vẫn nhiều người lách luật, vi phạm.

Trong khi đó việc kiểm tra, giám sát không sâu sát, chưa có hình thức xử lý nghiêm các vi phạm này”, GS Cử chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tân – nguyên Phó Tổng cục trưởng Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cũng đồng ý với quan điểm này.

Theo ông Tân, tình trạng MCBGTKS tăng cao ở bà mẹ có học thức là do chị em dù có học thì vẫn nặng tâm lý ưa thích con trai. Đồng thời họ có học thức, có tiền nên đã sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi hiện đại: Siêu âm, kích trứng, chọn ngày thụ thai, lọc tinh trùng…

Ông Hoàng cho biết thêm, việc trọng nam khinh nữ còn do hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, trong khi họ cần sự chăm sóc về y tế.

Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Nhiều người vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.

Ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động chân tay của nam giới. Vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình.

Bên cạnh đó, những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con cũng là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ II): Nguy cơ "thừa nam thiếu nữ", cần "nhập khẩu" hàng triệu cô dâu - Ảnh 5.15-20 năm nữa, nguy cơ hàng triệu đàn ông thiếu phụ nữ để “kết đôi”. (Ảnh minh họa: Gia Khiêm)

Thừa nam, thiếu nữ, phụ nữ càng dễ bị bạo lực

Trái với suy nghĩ “thừa nam thiếu nữ” thì phụ nữ càng “có giá”, việc MCBGTKS dẫn đến hệ lụy phụ nữ càng đứng trước nguy cơ bị bạo lực gia đình, tảo hôn, ép hôn, buôn bán phụ nữ, mại dâm…

Theo ông Hoàng, một trong những hệ lụy trước mắt của MCBGTKS là “sức ép hôn nhân” khi thiếu hụt nữ giới vào 10-20 năm nữa.

“Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Điều này khiến cho nhiều nam giới khó có khả năng lấy vợ; đặc biệt là ở nhóm nam giới có nền tảng kinh tế – xã hội thấp”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo ông Hoàng, tình trạng này sẽ dẫn tới cấu trúc gia đình bị phá vỡ; người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng… Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc…

Ông Hoàng chia sẻ, để giải quyết tình trạng MCBGTKS, cần can thiệp, giải quyết nguyên nhân căn bản, gốc rễ của vấn đề là “định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái” đã “ăn sâu” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông theo các nhóm đối tượng; đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGTKS đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, quy định về cấm lựa chọn giới tính khi sinh; tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế để vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số…

“Tình trạng MCBGTKS chỉ được giải quyết triệt để khi Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp lâu dài và bền bỉ với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, ông Hoàng nhấn mạnh.

* * *

Kỳ III: Xu hướng “lười đẻ” lan rộng

Việt Nam vẫn đang đạt mức sinh thay thế, 1 phụ nữ có 2 con, tuy nhiên tại nhiều vùng có tình trạng phụ nữ “lười đẻ”, chỉ đẻ 1 trẻ hoặc không có con, trì hoãn việc có con. Điều này dẫn đến nguy cơ đẩy nhanh tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Lười đẻ vì… sợ đủ thứ

Chị Mai Loan (35 tuổi, sống tại TP.HCM) đang có 1 cậu con trai đã 10 tuổi nhưng hai vợ chồng đã lười đẻ, xác định không sinh tiếp.

Chị Loan chia sẻ, hai vợ chồng từ Cà Mau lên TP.HCM học và lập nghiệp. Mới cưới, hai vợ chồng đi thuê nhà 15m2, chi tiêu tiết kiệm. Khi sinh con, hai vợ chồng và đứa con khóc ra rả trong căn nhà trọ chật chội chị đã muốn phát điên.

Đã thế, không ít lần chị bật khóc vì không có tiền mua sữa cho con, con ốm cũng vay mượn khắp nơi. Khi con đi học cũng lại một phen chật vật tìm trường, tìm lớp cho con.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ III): Xu hướng "lười đẻ" lan rộng - Ảnh 1.Nhiều gia đình trẻ “lười đẻ” để tập trung cho sự nghiệp và nâng cao chất lượng sống. (Ảnh minh họa: Pixabay)

“Con 5 tuổi, bố mẹ hai bên giục đẻ nhưng hai vợ chồng nghĩ lại cảnh nuôi con mà sợ. Bây giờ con lớn, tôi đi học văn bằng 2, chồng chuẩn bị thăng chức, rảnh rỗi còn đi ăn, đi chơi sung sướng, nghĩ đến cảnh nằm nhà ôm bầu, chăm con mà hãi. Sợ đẻ luôn”, chị Loan chia sẻ.

Chị cũng cho biết, nếu chị sinh con gái có khi còn cố đẻ thêm nhưng có trai rồi, bố mẹ chồng cũng không giục giã nữa. Theo chị Loan, bạn bè chị cũng có nhiều người sinh 1 con và không hề có ý định đẻ thêm.

Danh sách 21 tỉnh có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế (dưới 2 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ):
TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Chị Bích Hà (37 tuổi, ở An Giang) cho biết, chị đẻ 1 con gái rồi cũng lười đẻ: “Đẻ cho biết đẻ thôi. Mình còn có mục tiêu cho con đi du học, tích cóp của cải cho con. Đẻ 2 con vừa khó mà lo cho con được đầy đủ mà bản thân cũng khó rảnh rang để sống cho mình được”.

Hay như vợ chồng chị Hồng Thu (27 tuổi, công nhân tại TP.HCM) đã cưới nhau được 5 năm nhưng chưa có con và cũng “không dám đẻ”.

“Vợ chồng em đều là công nhân, đi thuê nhà, cuộc sống chỉ no theo đúng nghĩa đen chứ chưa “đủ”. Chúng em dự định đi làm 1-2 năm thì có con nhưng lại dính vào Covid-19, nghỉ việc hơn 1 năm. Vừa hết dịch đi làm lại thì công ty cho nghỉ việc hàng loạt, em mất việc chưa xin lại được. Giờ có mỗi chồng em đi làm công nhân, em làm giúp việc theo giờ. Cuộc sống khó khăn lắm, sao dám đẻ”.

Theo xu hướng hiện nay, “lười đẻ” không chỉ xuất hiện trong các gia đình khá giả nhưng bận rộn công việc, thăng tiến xã hội mà còn ở các các gia đình kinh tế khó khăn, không ổn định công ăn, việc làm, điều kiện cư trú.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), sau gần 50 năm vận động “mỗi phụ nữ sinh 2 con”, Việt Nam đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỉ suất sinh (TFR) là 2,09 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và được duy trì trong suốt 16 năm qua.

Tuy nhiên, đang có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền. TFR của nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng xuống dưới 2 con/phụ nữ. Trong khi đó ở 1 số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, TFR lên đến hơn 2,5 con/phụ nữ.

Đáng báo động là xu hướng sinh ít con, thậm chí không sinh con xuất hiện ở nhiều tỉnh, TP trong thời gian qua.

Hiện có 21 tỉnh, TP thuộc Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung có mức sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ). Một số tỉnh mức sinh ở mức rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, trong đó TP HCM nhiều năm gần đây dao động từ 1,3 – 1,5 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Lười đẻ, nguy cơ xã hội toàn người già, ít trẻ em

GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận định, xu thế giảm sinh sẽ nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ III): Xu hướng "lười đẻ" lan rộng - Ảnh 3.Nếu người dân lười đẻ, mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta “trở tay không kịp”. (Ảnh minh họa: Pixabay)

GS Cử lý giải, người đang trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay trong khoảng dưới 35 tuổi. Đây là lứa tuổi lớn lên trong thời kỳ mở cửa hội nhập, có nhiều thay đổi về lối sống, suy nghĩ. Thanh niên thích dùng thời gian để học tập, lao động, thăng tiến và hưởng thụ hơn là dành cho việc sinh con, nuôi dạy con.

Khi TFR của Nhật Bản xuống đến 1,4 con vào năm 2015, Nhật đã làm mọi cách để “kích cầu sinh đẻ” nhưng đã quá muộn. Nhật Bản sụt giảm dân số nghiêm trọng, già hóa dân số, thiếu hụt lao động.

Theo dự báo của Chính phủ Nhật Bản, dân số của đất nước sẽ giảm từ 128 triệu năm 2010 xuống còn 87 triệu người vào năm 2060 và khi đó, khoảng 40% dân số sẽ từ 65 tuổi trở lên.

Việt Nam, dự báo năm 2038, 20% dân số sẽ từ 65 tuổi trở lên (tương đương với hơn 20 triệu người già). Nếu mức sinh thấp thì tốc độ già hóa dân số càng nhanh, đặt ra rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi, thiếu hụt lao động…

Thanh niên có “nỗi sợ” về việc phải dành thời gian chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc nuôi dạy con theo mức sống sung túc như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người không dám đẻ nhiều.

“Chúng ta từng vận động đẻ ít, sinh đủ 2 con nhưng giờ có “khuyến đẻ” thanh niên cũng không đẻ”, GS Cử nhận định.

Các chuyên gia dân số chỉ ra rằng, mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy môn dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.

Đáng nói, chúng ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số nhanh. Dự tính khoảng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già với rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội đặt ra.

Nếu như mức sinh xuống thấp sẽ càng đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, khiến chúng ta “trở tay không kịp”.

Xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người nhà. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, “thu ít mà chi nhiều”.

Ngoài ra, mức sinh thấp làm gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…

Lười đẻ, đẻ 1 con cũng làm gia tăng lựa chọn giới tính khi sinh là trẻ nam làm tăng mất cân bằng giới tính cao hơn nữa (đẻ 1 con nên lựa chọn thai nhi là nam luôn, cho chắc – PV). Hệ lụy là 15-20 năm nữa, ngày càng nhiều đàn ông Việt không lấy được vợ.

GS Cử nhận định, dù xu hướng “lười đẻ” lan rộng nhưng việc ngăn chặn làn sóng này rất khó khăn. Các bài học của Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển… là những kinh nghiệm xương máu. Sau khi vận động và đạt mức sinh thay thế, mức sinh của các nước này tiếp tục giảm đến mức báo động. Phụ nữ Hàn Quốc, Nhật Bản có xu hương sinh 1 con thậm chí không sinh con.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ III): Xu hướng "lười đẻ" lan rộng - Ảnh 5.Mục tiêu của ngành dân số hiện nay là “Mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con” thay vì “Mỗi phụ nữ chỉ sinh 2 con” như trước kia. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Đến giờ, các nước này có nhiều chính sách để hỗ trợ phụ nữ sinh con, hỗ trợ trẻ em từ chăm sóc sức khỏe đến giáo dục thì phụ nữ vẫn… lười đẻ.

Do đó, theo GS Cử, giải pháp hiện nay là điều chỉnh mức sinh cho phù hợp từng vùng miền. Nơi nào có mức sinh thấp cần khuyến khích để họ sinh đủ 2 con, còn vùng nào có số con đông thì lại phải vận động để họ giảm mức sinh xuống.

Về chính sách dân số để điều chỉnh mức sinh hiện nay, bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Tổng cục Dân số  (Bộ Y tế) cho biết: “Nếu như trước đây, chính sách dân số tập trung vào mục tiêu giảm sinh thì nay công tác dân số chuyển sang mục tiêu “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế” trên phạm vi cả nước.

Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con hơn ở những địa phương có mức sinh còn cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế và sinh đủ hai con ở những nơi mức sinh thấp”, bà Thư chia sẻ.

UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030. Chương trình điều chỉnh mức sinh của thành phố nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, phấn đấu thực hiện việc điều chỉnh tăng mức sinh.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 là tổng tỷ suất sinh đạt 1,4 con/phụ nữ vào năm 2025 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 1,4 con), hướng tới 2030 là 1,6 con,

Ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động “mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con”, TP.HCM cũng ban hành các chính sách dân số hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh thấp; mở rộng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và các dịch vụ có liên quan.

* * *

Kỳ IV: “Đau đầu” với già hóa dân số

Thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu người chính là già hóa dân số. Dự báo 15 năm nữa Việt Nam có hơn 20 triệu người già từ 60 tuổi trở lên trong khi “lưới” an sinh dệt chưa được tốt.

 Nỗi sợ “con chê cha mẹ khó”

Chia sẻ với PV Dân Việt, GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em (ĐH Kinh tế Quốc dân) khẳng định, thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu chính là già hóa dân số.

“Số lượng người cao tuổi (NCT) tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng đời sống của NCT Việt Nam còn rất kém. Đa phần NCT sống ở nông thôn, không có thu nhập cố định, tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật, khoảng cách thế hệ giữa NCT và người trẻ quá lớn.

Dân số Việt Nam 100 triệu (Kỳ IV): "Đau đầu" với già hóa dân số - Ảnh 1.GS Nguyễn Đình Cử khẳng định, thách thức lớn nhất khi dân số Việt Nam tròn 100 triệu chính là già hóa dân số. (Ảnh Gia Khiêm)

Trong khi đó, ở nhiều vùng quê, con cái di cư, NCT neo đơn một mình, không có người chăm sóc”.

Ông Cử chia sẻ mình có vợ chồng người bạn hơn 70 tuổi phải “tha hương”, “đôi lứa chia lìa” vì chồng có lương hưu thì con trai nhận nuôi còn mẹ không có lương hưu, phải vào Nam sống nhờ con gái.

Dự báo dân số, đến năm 2038 Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già (khi số người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 20% dân số), tương đương với hơn 20 triệu NCT.

“Nếu như chúng ta không có các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc tốt cho người cao tuổi thì những câu chuyện như vậy sẽ còn có không ít. NCT neo đơn, không có người chăm sóc, ốm yếu nhưng không có tiền đi chữa bệnh, chưa kể cô đơn, suy sụp về tinh thần…”, GS Cử nhận định.

Theo GS Cử, hiện nay, chỉ 20% NCT có lương hưu – thu nhập cố định nên phần lớn khi mất sức lao động, đau yếu vẫn phải phụ thuộc vào con cái.

Tuy nhiên, nhiều người già rơi vào tình cảnh không có con cái, ít con, con cái đi làm ăn xa, định cư ở nước ngoài hoặc con cái nghèo, con cái “chê” bố mẹ. Khi đó, NCT rơi vào tình trạng tiền ít, bệnh nhiều, cái cần nhiều lại không có, cái có nhiều lại không cần, chất lượng sống cực kỳ thấp.

Do đó, GS Cử cho rằng, để sẵn sàng cho một xã hội “già” thì Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng mạng lưới an sinh xã hội tốt để nâng cao chất lượng sống cho NCT; có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT tốt; xây dựng môi trường xã hội thân thiện với NCT.

“Tuy nhiên, nhiều chính sách cho NCT ở Việt Nam hiện nay đã quá lạc hậu. Đơn cử như chính sách NCT không có lương hưu từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp xã hội (mức hưởng hiện nay là 500.000 đồng/tháng/NCT trên 80 tuổi không có lương hưu – PV). Trong khi đó, từ năm 1967, Liên Hợp quốc đã khuyến cáo, NCT trên 65 tuổi nên được hưởng trợ cấp xã hội.

Tại nhiều vùng núi, vùng sâu vùng xa, tuổi thọ trung bình của người dân tộc còn rất thấp, chỉ hơn 60 tuổi so với tuổi trung bình của Việt Nam hiện nay là hơn 73,6 tuổi. Như vậy, có rất nhiều NCT không có lương hưu, đời sống khó khăn nhưng không bao giờ có cơ hội được hưởng trợ cấp xã hội, thiếu công bằng với nhiều người.

Tôi đã khuyến nghị thay đổi chính sách này rất nhiều lần”, GS Cử chia sẻ.

Chuyện những người quyết rời con cháu, bán đất vào viện dưỡng lão sống cuối đời - Ảnh 6.Hình ảnh người cao tuổi rèn luyện, phục hồi chức năng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. (Ảnh: Viết Niệm)

Khi nhà dưỡng lão chỉ cho người giàu

Chia sẻ về mô hình nhà dưỡng lão dành cho NCT hiện nay, GS Cử cho biết, ông đã từng đi vào nhà dưỡng lão sống và tìm hiểu. Với 6 triệu 1 tháng, 4-6 cụ một phòng, 10 triệu/tháng mới được 2 người một phòng.

“Sống ở phòng tập thể tôi không chịu nổi. Đã khó ngủ thì chớ nhưng vừa thiu thiu lại có cụ ho, rên; rồi có cụ dậy đi vệ sinh, có cụ ngồi kể lể… Thực sự tra tấn về tinh thần và thể xác. Nhưng chi phí 10 triệu/tháng thì số NCT có thể vào được nhà dưỡng lão sẽ rất ít, chỉ dành cho người có thu nhập khá giả”, GS Cử chia sẻ.

Theo GS Cử, để “giảm giá” giúp nhiều NCT có thể vào nhà dưỡng lão thì nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ như tiền thuê đất, tiền điện, nước…

“Chúng ta phải tổ chức, đa dạng hóa hình thức sinh hoạt cho NCT, nhất là các cụ neo đơn, có thể là trung tâm dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc tại nhà, có thể là sinh hoạt tập thể ban ngày, các câu lạc bộ sở thích cho NCT…

Ở Hàn Quốc đã thành lập 70.000 “Nhà già” tương đương như “Nhà trẻ” để cho các cụ đến sinh hoạt vào ban ngày và tối về nhà. Các cụ được con cái đưa đến hoặc tự đến, tham gia các hoạt động theo sở thích như hát, ngâm thơ, chơi cờ… Các cụ sẽ không cô đơn nữa và được chăm sóc tốt hơn.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó giám đốc Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) cho biết, hiện tại Diên Hồng đang phải tự thân vận động từ việc mua đất, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị y tế. Chính vì chi phí đầu tư quá lớn nên chi phí trọn gói cho 1 cụ ở trung tâm không thể thấp được.

“Nhu cầu NCT đến với Trung tâm dưỡng lão ngày càng tăng nhưng nhiều cụ kinh tế khó khăn nên cả chúng tôi và các cụ đều “lực bất tòng tâm”.

Nhưng nếu như được nhà nước cấp đất và có chính sách hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tiền điện nước thì hoàn toàn có thể cung cấp được dịch vụ cho NCT có thu nhập thấp.

Giống như ở Nhật Bản, đơn vị dưỡng lão được nhà nước hỗ trợ chi phí xây dựng đến 70% và hỗ trợ NCT chi trả thì số tiền phải đóng còn lại rất ít”, bà Ngân kiến nghị.

Chuyện những người quyết rời con cháu, bán đất vào viện dưỡng lão sống cuối đời - Ảnh 11.NCT tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cổ vũ Việt Nam chiến thắng đại dịch trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. (Ảnh: Diên Hồng)

Áp lực già hóa dân số “thần tốc”

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam gần 12% dân số, tương đương với hơn 12 triệu người. Đến khi già hóa dân số (năm 2038), Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu NCT.

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhận định: “Việt Nam một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, chỉ mất khoảng 27 năm trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước đến hơn 100 năm”.

Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có tới 70% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và đạt 85% vào năm 2030.

NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.

100% NCT không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Về đặc điểm dân số già của Việt Nam, TS Hoàng cho biết, dân số cao tuổi tăng nhanh ở nhóm tuổi cao nhất, số lượng và tỷ lệ người cao tuổi nhóm từ 80 tuổi trở lên tăng nhanh nhất.

Phần lớn người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tỷ lệ người cao tuổi sống ở nông thôn là 67,2% (tương ứng là 7,7 triệu người), gấp 2 lần người cao tuổi sống ở khu vực thành thị và chủ yếu là làm nông nghiệp; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, người cao tuổi chủ yếu sống tại gia đình, với 61,3% người cao tuổi sống chung với con cái, tuy nhiên, ngày càng có nhiều NCT sống một mình do con cái di cư, đi làm ăn xa…

Mặt khác, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao (73,6 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ là là 63,2 tuổi ở nam và 70,0 tuổi ở nữ. Mỗi NCT có từ 3-6 bệnh mãn tính, đối diện với nguy cơ giảm chức năng sống, các hoạt động hàng ngày do quá trình lão hóa.

“Với tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế, xã hội để duy trì ổn định cuộc sống khoẻ mạnh của nhóm người cao tuổi.

Vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng nhu cầu của dân số già, theo dự báo mới nhất là sẽ bắt đầu là năm 2038, sẽ là một thách thức rất lớn ở nước ta”, ông Hoàng nhận định.

“Già hóa dân số là một tất yếu, không có cách nào đảo ngược hay níu kéo chậm lại khi mà mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, dẫn đến tỷ lệ NCT trong tổng dân số ngày càng lớn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt thì sẽ biến thách thức thành cơ hội. Việc cần làm hiện nay là chăm sóc tốt cho sức khỏe NCT để họ tuy già nhưng không yếu, già nhưng vẫn minh mẫn, kéo dài được tuổi làm việc và ít cần người chăm sóc.

Khi đó, NCT không phải gánh nặng lệ thuộc mà vẫn có thu nhập, xã hội không thiếu lao động, các chi phí chăm sóc cho NCT như thuốc men, điều trị bệnh tật cũng sẽ giảm”, GS Cử nhấn mạnh.

Diệu Linh – Gia Khiêm
Theo Dân Việt các ngày 24-27/4/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*