Bác Sĩ Thời VNCH Tạo Thêm Lịch Sử Trong Ca Phẫu Thuật Tách Hai Bé Song Sinh Dính Liền

Bác sĩ Trần Đông A trong cuộc họp báo ngày thứ Tư, 15 tháng 7, 2020. (VnExpress)

SÀI GÒN – Vào ngày thứ Tư vừa qua, Bác Sĩ Trần Đông A, 79 tuổi, đã được báo chí toàn quốc tại Việt Nam loan tin với đầy sự ngưỡng mộ và thán phục. Đây là một sự kiện đáng kể cho một y sĩ từng là bác sĩ quân y cấp bậc Thiếu Tá trong binh chủng Nhảy Dù của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ông từng bị đi tù cải tạo, phải phấn đấu rất nhiều để được sống còn dưới chế độ cộng sản và cuối cùng được kính trọng như hôm nay.
Ca mổ hai bé song sinh hôm thứ Tư diễn ra sau 32 năm từ ngày ông Trần Đông A tạo một lịch sử khác trong ngành y khoa Việt Nam.
Theo tường thuật của báo chí trong nước hôm thứ Tư, từ phòng mổ bước ra trong ca mổ mới nhất, vị bác sĩ lớn tuổi đầy kinh nghiệm này đã tươi cười và thông báo, “Đến lúc này, mọi thì mổ diễn ra theo như dự tính.”

Bác sĩ Đông A đã từng chỉ huy nhiều ca mổ tách dính song sinh tại Việt Nam. Ông nói, “Ba-mươi hai năm sau cuộc mổ tách thành công cặp song sinh đầu tiên, ca phẫu thuật hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế Việt Nam về tách dính trẻ song sinh dính liền.”
Bác sĩ A là một trong chín bác sĩ ngoại viện chủ chốt, tham vấn cho kíp mổ. Ông vào phòng mổ ngay từ sáng sớm, túc trực đến chiều, khi tách rời thành công hai cháu, mới ra ngoài.
Bác sĩ Đông A cho biết các thì mổ an toàn, đúng như dự liệu. Ở thì thứ ba, khi đục xương chậu, hai bé mới mất máu và được truyền bù máu ngay. Các êkip tại hai phòng mổ đang tách hai bên khung chậu của mỗi bé, nối thông đường tiết niệu, đường ruột, tiến hành đóng bụng.
Ông nhận định khả năng hồi phục của hai bé sau mổ tách rất khả quan. “Nếu đóng được xương mu, khép xương chậu tốt, các cơ quan nội tạng sẽ vào đúng vị trí, các cháu sẽ đứng dậy và đi lại được,” bác sĩ nói.

Vào năm 1988, giáo sư, bác sĩ Trần Đông A chỉ huy ca mổ tách cặp song sinh trai dính liền Nguyễn Việt – Nguyễn Đức hiếm có. Sự thành công đó đã giúp ông được ghi tên vào sách kỷ lục Guinness Thế giới năm 1991.
Năm ấy, bác sĩ Trần Đông A cùng 62 bác sĩ mổ cho hai anh em Việt – Đức dính liền bụng chậu, giống như cặp Trúc Nhi – Diệu Nhi năm nay. Trường hợp dính liền bụng chỉ chiếm 6% trong các ca sơ sinh dính liền. Việt và Đức chào đời với ba chân, một trong hai người đã bị bại não. Ca mổ tách dính khi đó chưa từng có trong y khoa thế giới. Sau 15 giờ mổ lịch sử, đến nay kỷ lục đó vẫn chưa bị phá vỡ.

Từ đó, bác sĩ Đông A luôn có mặt trong những ca bệnh hiểm nghèo hiếm gặp nhất ở Việt Nam, bao gồm hầu hết các ca tách dính song sinh, ca ghép gan đầu tiên cho trẻ dưới 2 tuổi từ người sống. Giờ đây, ông được chứng kiến thế hệ học trò là bác sĩ Trương Quang Định dẫn dắt một ca đại phẫu phức tạp không kém.
Dưới đây là hai bài viết trên Facebook về bác sĩ Trần Đông A ngày thứ Tư.

* * *

Huong Nguyen: Kỷ niệm về một người thầy-bác sĩ

Năm 1984, tôi là sinh viên năm thứ tư đại học y khoa… Tôi thường vào thư viện của bệnh viện Nhi Đồng 2 để đọc sách. Lúc đó, BS Trần Đông A cũng thường vào thư viện tìm sách đọc để chuẩn bị cho ca mổ tách đôi cặp song sinh Việt – Đức. Ngày ấy, làm gì có mạng internet để tham khảo. Đang đọc, Thầy ngẩng đầu lên hỏi tôi, “Em sinh viên năm mấy?” Tôi trả lời, “Dạ, em năm thứ tư.” Thầy gật đầu, “Đọc sách tốt lắm!”
Khi tôi lên năm thứ năm, được đi thực tập chuyên khoa phẫu nhi với Thầy. Thời gian ngắn ngủi nhưng tôi học được ở Thầy bao nhiêu điều quý báu của một người thầy thuốc tài đức vẹn toàn. Thầy là bác sĩ của VNCH, phải vượt biết bao khó khăn để được tồn tại và tôn trọng.
Thầy nói nhóm sinh viên chúng tôi xòe hai bàn tay ra. Thầy nói, bàn tay của tôi vừa dài, vừa thon nhỏ, có thể làm phẫu nhi được. Thế là từ đó, tôi ôm mộng làm bác sĩ phẫu nhi. Tôi tích cóp tiền mua rất nhiều sách phẫu nhi về đọc. Nhưng số phận cho tôi làm bác sĩ nội khoa và chọn chuyên khoa thận nhân tạo suốt đời…
Hôm nay, qua mạng, tôi biết Thầy còn mạnh khỏe, còn minh mẫn, và tham gia ca mổ tách đôi hai bé Trúc Nhi – Diệu Nhi, tôi vô cùng xúc động…

Cầu mong Thầy luôn khỏe mạnh, minh mẫn, luôn là ngọn hải đăng soi đường cho bao thế hệ y khoa giữa biển đời mênh mông, nhiễu nhương này!

* * *

Nguyễn Đắc Quyền:

Ca mổ Song Nhi hôm nay có sự hiện diện của BS Trần Đông A, nguyên Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Quân Y, Sư Đoàn Nhảy Dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc Thiếu Tá.

Sau khi ra trường, ông phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng tham gia Trận Làng Vây và Trận Khe Sanh với tư cách là một y sĩ quân y. Nổi danh là một bác sĩ phẫu thuật giỏi, dũng cảm, ông thường xuyên phải thực hiện các ca mổ ngay tại chiến trường trong các phòng mổ dã chiến và là y sĩ có số ca mổ dã chiến nhiều nhất trong Sư Đoàn Dù. Ông được khen thưởng nhiều huy chương (ít nhất 5 anh dũng bội tinh) kể cả một huân chương của Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ. Ông từng được gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas để nâng cao tay nghề. Năm 1975, ông là Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Quân Y, Sư Đoàn Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc Thiếu tá.

Sau năm 1975 ông bị gọi đi học tập cải tạo hai năm tại trại cải tạo Suối Máu. Sau khi được trả tự do, ông được phân công về công tác tại Bệnh Viện Nhi Đồng 2.
Năm 1991, ông được ghi tên vào Sách Kỷ lục Guinness sau một ca mổ hy hữu năm 1988 chưa từng được ghi trong y văn: mổ cho hai cháu bé song sinh dính nhau dạng ISOCHIO – PAGUS có 3 chân, trong đó một trong hai cháu đã bị bại não.

Sau khi rời khỏi chức vụ Phó Giám Đốc Bệnh Viện Nhi Đồng 2, ông vẫn tiếp tục hành nghề y. Hiện ông đang phụ trách chương trình thành lập Trung Tâm Ghép Tạng Trẻ Em Bệnh Viện Nhi Đồng 2, Chủ Nhiệm Bộ Môn Ngoại Nhi Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại Học Y Dược.

Theo Viễn Đông Daily News ngày 15/7/2020

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/bac-si-thoi-vnch-tao-them-lich-su-trong-ca-phau-thuat-tach-hai-be-vibohUzP.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*