Duyên Trần hàng đêm giành khoảng 3 tiếng đồng hồ để may khẩu trang cho nhóm Auntie Sewing Squad, một mạng lưới với hàng trăm tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ cung cấp khẩu trang miễn phí cho những cộng đồng dễ tổn thương và ít được quan tâm.
Duyên Trần và Mai-Linh Hong là hai trong số những thành viên gốc Việt của nhóm Auntie Sewing Squad, một mạng lưới với hàng trăm tình nguyện viên trên khắp nước Mỹ tham gia may khẩu trang cho những cộng đồng dễ tổn thương và ít được quan tâm.
“Hàng ngày sau bữa tối, tôi dành khoảng 3 đến 3 tiếng rưỡi để may”, Duyên, một người nhập cư cùng gia đình vào Mỹ năm 1992 khi cô mới 4 tuổi và hiện đang sống ở Los Angeles, California, nói. “Tôi luôn mong chờ lúc đó bởi vì nó giúp tôi cảm thấy được kết nối với những người khác trong lúc chúng ta phải cách ly toàn xã hội và để biết rằng tôi đang đóng một vai trò thông qua chiếc máy may của mình”.
Duyên đã may 1.200 khẩu trang miễn phí cho những người có nhiều nguy cơ, như những công nhân nông trại ở Oxnard, California, hay những người thổ dân của cộng đồng Navajo Nation cũng như những gia đình không giấy tờ ở Maryland và các gia đình đang xin tị nạn ở Texas.
Duyên chưa bao giờ học may nhưng cô lớn lên với sự quan sát cũng như giúp đỡ khi mẹ cô, là một thợ may, và bố, cùng làm trong một cửa hàng may đồ, nên đã nhanh chóng phát triển được kỹ năng may vá, mà cô gọi là di sản của gia đình, để đóng góp vào nhóm Auntie Sewing Squad.
Dù đã bận bịu với việc may khẩu trang miễn phí hàng đêm trong 3 tháng qua nhưng Duyên, từng có 10 năm làm về giáo dục sức khoẻ cộng đồng, không cảm thấy bị đảo lộn trong cuộc sống mà trái lại, cô cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn khi làm ra những thiết bị giúp bảo vệ cuộc sống của người khác trong đại dịch.
Mai-Linh Hong và con trai 4 tuổi bên chiếc máy may mà cô dùng để may khẩu trang cho nhóm Auntie Sewing Squad. (Photo courtesy of Mai-Linh Hong)
Cũng như Duyên, Mai-Linh dùng kỹ năng may vá mà cô học từ mẹ mình, người đã đưa gia đình cô tới Mỹ tị nạn vào đầu thập niên 1980 khi cô mới vài tuổi, để đóng góp cho nhóm.
Mỗi ngày, Mai-Linh may được khoảng 20 khẩu trang và các sản phẩm của cô được chuyển từ Pennsylvania tới nhiều cộng đồng dễ tổn thương trên khắp nước Mỹ, gồm người thổ dân Mỹ, người nhập cư và người đang tìm cách được tị nạn.
Mẹ của Mai-Linh, hiện đang sống ở Virginia, cũng tham gia may khẩu trang cho nhóm. Mai-Linh còn đang truyền cảm hứng cho đứa con trai 4 tuổi của mình về kỹ năng may vá, và là một giáo viên, cô nói sẽ kết hợp kỹ năng này vào việc giảng dạy của cô ở trường. Mai-Linh lấy cảm hứng từ Giáo sư Grace J Yoo của trường Đại học Tiểu bang San Francisco, người đang dùng khoá học hè của mình để dạy các sinh viên may khẩu trang đóng góp cho nhóm Auntie Sewing Squad.
“May vá là kỹ năng sinh tồn”, Mai-Linh nói. “Qua may vá, tôi thông hiểu được việc mẹ tôi đã phải xoay xở thời tị nạn”.
Cả Duyên và Mai-Linh tham gia nhóm Auntie Sewing Squad qua mạng Facebook từ đầu tháng 4.
‘Biệt đội các bà cô may vá’
Khi Kristina Wong, một nghệ sỹ biển diễn ở Los Angles, đăng một tấm hình của bản thân đeo 1 chiếc khẩu trang tự chế kèm những lời nhắn trên trang Facebook cá nhân trong đó viết “Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch mà không có khẩu trang, tôi có thể gửi cho bạn một chiếc nếu bạn không nề hà những đường chỉ lộn xộn. Nó được may bằng máy Hello Kitty của tôi”, cô không nghĩ rằng đó là khởi điểm của một mạng lưới của hơn 800 thành viên trên toàn nước Mỹ.
Chỉ vài ngày sau khi Kritina Wong đăng lời gửi tặng khẩu trang miễn phí, cô nhận được khoảng 200 đề nghị, trong đó có những “lời đặt hàng” từ người làm công tác xã hội và y tá, tại thời điểm California đang bắt đầu “bế quan toả cảng” vì đại dịch virus corona bùng phát. Bị ngợp vì “đơn hàng” ào ạt đổ về, Kristina Wong phải tìm kiếm sự giúp đỡ qua Facebook. “Bạn có thể may không?” là dòng đăng tải của Kristina Wong trên Facebook đánh dấu sự ra đời của ‘Auntie Sewing Squad’ – nhóm những chị em may vá với các tình nguyện viên chủ yếu là phụ nữ của các sắc dân thiểu số trên khắp nước Mỹ.
Ban đầu nhóm may khẩu trang cho các bệnh viện nhưng giờ đây khi các y tá đã được trang bị đầy đủ, Kristina Wong nói, nhóm chuyển sang cung cấp cho các cộng đồng không thể tiếp cận được khẩu trang, thậm chí những loại rẻ tiền, vì đói nghèo hoặc trong những tình trạng như không có điện, nước.
“Họ là những người làm trong các trang trại, những người vừa ra khỏi trại giam, những người vô gia cư, các cộng đồng người thổ dân như Navajo Nation, những người không có giấy tờ đang tìm nơi lánh nạn tại biên giới”, Kristina Wong nói và cho biết danh sách yêu cầu cứ dài ra mãi.
Kristina Wong ước tính nhóm Auntie Sewing Squad may khoảng hơn 5.000 khẩu trang mỗi tuần.
“Tôi nhớ là có ngày ở thời điểm năng suất nhất của mình tôi may đến 35 khẩu trang một ngày và tôi đã kiệt sức”, Kristina Wong nói. “Giờ đây các chị em có người có thể may đến 100 chiếc một ngày. Họ thật là đáng kinh ngạc”.
Giờ đây, cô hầu như không may khẩu trang nữa vì bận bịu với việc điều hành nhóm mà cô gọi là một “nhà máy”, đang vận hành hoàn toàn từ nguồn đóng góp tài chính của nhiều cá nhân và tổ chức qua Donor Box.
Trong những ngày đầu hoạt động, cách đây khoảng 3 tháng, các cửa hàng vải phải đóng cửa vì vậy nhóm phải chật vật về nguồn cung, Kristina Wong cho biết. Từ nguồn hiến tặng của bạn bè bằng quần áo cũ, vải vụn, dây chun hay băng đô từ bạn bè, cô cho biết nhóm đã dùng chúng để làm thành khẩu trang.
Giờ đây, quy trình được chuyên nghiệp hoá hơn khi một số chị em tìm nguồn nguyên liệu, những người khác chuyên cắt vải và luồn dây chun, và một số khác thì chuyên may. Có những “bà cô” được giao nhiệm vụ chuyên giám sát việc chuyển đồ để đảm bảo khẩu trang được đưa đến nơi.
Khi các cuộc biểu tình sau cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi, Goerge Floyd, dưới tay cảnh sát da trắng, Auntie Sewing Squad đã cung cấp khẩu trang miễn phí cho những người tham gia biểu tình. Với việc làm đó, Mai-Linh cho rằng Auntie Sewing Squad còn là một nhóm rất có “nhận thức về chính trị và xã hội”.
Đối với Duyên, cô nhận thấy ý nghĩa của những gì mà Auntie Sewing Squad mang lại theo cách nhìn của đạo Phật. “Khi tôi may khẩu trang cho những công nhân nông trại ở Oxnard, tôi thấy cảm động vì biết rằng những khẩu trang tôi may sẽ được đeo trên mặt những người thu hoạch thực phẩm mà sau đó sẽ được đưa lên bàn ăn của tôi”.
Auntie Sewing Squad là một ví dụ điển hình về sự kết nối và theo Duyên, “nó là bài học tốt nhất để thấy tất cả chúng ta cùng kết nối thế nào giữa đại dịch này”.
Đối với Kristina Wong, gần 4 tháng vừa qua là một cuộc chạy đua marathon và cô không biết Auntie Sewing Squad sẽ tiếp tục bao lâu nữa nhưng một điều cô biết chắc là chừng nào còn nhận được yêu cầu từ những cộng đồng dễ tổn thương thì nhóm còn tiếp tục may khẩu trang miễn phí. Đó là cách để Auntie Sewing Squad nói rằng: “Tôi muốn bạn có được sự bảo vệ này. Tôi muốn bạn thấy được sự chăm sóc của chúng tôi”.
Duyên nói cô sẽ tiếp tục may khẩu trang cho tới khi đại dịch kết thúc. Còn Mai-Linh cũng sẽ dành những thời gian rảnh rỗi của cô để tiếp tục may những chiếc khẩu trang đầy ý nghĩa cho đến khi nào chúng không còn cần nữa.
Theo VOA Tiếng Việt ngày 12/7/2020
Be the first to comment