Tòa Đô chánh Sài gòn năm 1954
Nhân ngày 20/7/2020, kỷ niệm 66 năm đất nước bị chia đôi, thử nhìn lại vai trò của thành phố Sài Gòn trong quá khứ và hiện tại:
1. Địa vị của Sài Gòn trong lịch sử Việt Nam: Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông
Trước thế kỷ thứ 17, tại Miền Nam đã có các dân tộc Phù Nam, Bồn Man, Chàm, Chân Lạp (chúng ta thường gọi là người Miên hay Khmer) đến khai thác những chỗ đất cao như vùng Trà Vinh, Sóc Trăng,v.v… Đa số phần đất còn lại chưa có người ở là một vùng đất mênh mông, nhiều chỗ còn hoang vu, đồng lầy ngập nước với những cánh rừng tràm và cây đước mọc um tùm, muỗi mòng, rắn rết, cá sấu, cọp beo, thú dữ, đĩa đói… Qua các đợt Nam tiến, các chúa Nguyễn đã quy tụ những người dân có máu phiêu lưu mạo hiểm, có tinh thần tranh đấu, cho đi lập nghiệp ở đất mới. Họ đã phải đối đầu với quân thù, với ma thiêng nước độc, cọp beo thú dữ, cá sấu, rắn rết, muỗi mòng, đĩa đói… Bàn tay của họ đã dựng nên nhà cửa, ruộng vườn, lập thành làng mạc. Trên phần đất vô chủ nầy, ai có sức mạnh thì làm chủ, ai có công lao khó nhọc thì tạo nên ruộng vườn, nhà cửa, làng mạc. Thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) quân đội của chúa Nguyễn rất hùng mạnh, hai danh tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đã đem quân đánh chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam của vua Lê chúa Trịnh trong 6 năm và đã đốt cháy 3 chiếc tàu của Hòa Lan do Van Liestvel chỉ huy ở trên biển Đông, chỉ còn một người sống sót chạy về Batavia (Nam Dương), đã làm cho tất cả các nước trong vùng phải kiêng nể. Vua Chân Lạp đã chịu thần phục chúa Nguyễn và triều cống hàng năm. Năm 1692, đầu đời chúa Nguyễn Phúc Chu, toàn bộ lãnh thổ Chiêm Thành đã thuộc về chúa Nguyễn.
Để bảo vệ những nơi có người Việt đến khai khẩn đất hoang, chúa Nguyễn đã cho đóng quân bên cạnh quân đội Chân Lạp. Tại những vùng đất mới, chúa Nguyễn đã cho tổ chức những lực lượng tự vệ gồm có binh sĩ và gia đình của họ kết hợp với dân đến định cư, lập nghiệp. Họ đã thành lập những làng gọi là “đồn điền”, thời bình thì làm ruộng, khi có chiến tranh thì họ là lực lượng chiến đấu tự vệ. Đó là chính sách “tịnh vi nông, động vi binh” đã có từ thời Lý, Trần, Lê… ở nước ta.
Lợi dụng lúc chú cháu vua Miên là Nặc Ông Chân và Nặc Ông Đài tranh quyền, chúa Hiền lấy lý do bảo vệ người Việt nên ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh đem 3.000 quân vào đóng ở Bà Rịa, bắt được Nặc Ông Chân, sau đó tha cho về và bắt phải triều cống nước ta. Sau khi Nặc Ông Chân chết, Nặc Ông Nộn và Nặc Ông Đài tranh nhau ngôi vua. Đài qua cầu viện vua Xiêm (Thái Lan), Nộn thì chạy sang cầu cứu với chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn đánh Nặc Ông Đài tại Sài Gòn, Đài bỏ chạy qua Nam Vang và chết ở trong rừng. Chúa Nguyễn chia đôi nước Chân Lạp cho Nặc Ông Thu (là con dòng trưởng) làm vua một nửa nước và Nặc Ông Nộn làm vua phần còn lại. Hai vua Miên đều dưới quyền của chúa Nguyễn, hằng năm phải triều cống. Người Miên (Chân Lạp) dần dần suy yếu, cho đến thời chúa Nguyễn Phúc Ánh (1790-1800), thì còn lại 12 thủ lãnh người Miên chiếm cứ 12 vùng chung quanh Gia Định. Trước khi Nguyễn Phúc Ánh thắng Tây Sơn, thống nhất đất nước vào năm 1802, tất cả 12 thủ lãnh người Miên nầy đã theo về với ông.
Từ thời lập quốc đến thế kỷ thứ 10, biên giới nước ta mới đến Đèo Ngang (Hà Tĩnh sang Quảng Bình). Cuộc Nam tiến thời Lê Thánh Tông (thế kỷ 15, 16) quân ta mới đến Đèo Cả (tỉnh Phú Yên). Bảo vệ và phát triển vùng đất mới từ Đèo Ngang trở vào là công lao của Nguyễn Hoàng và con cháu của ông. Cho đến đời Nguyễn Phúc Tần (1649-1687), Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) thì người Việt mới có mặt ở vùng Đồng Nai, Cửu Long (Miền Nam ngày nay). Diện tích xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn mở mang còn lớn hơn diện tích nước Việt Nam từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần và Hậu Lê. Nói lên điều đó để thấy rằng việc nhà nước CSVN hiện tại xóa bỏ tên Sài Gòn là phủ nhận công lao của tiền nhân đã ba trăm năm mở mang vùng Đồng Nai – Cửu Long tức Miền Nam nước Việt của chúng ta ngày nay.
Tổ tiên của những người Miền Nam chính là dân Ngũ Quảng vào (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi) những danh tướng như Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Bình), Nguyễn Cư Trinh (Thừa Thiên), Châu Văn Tiếp (Bình Định), Đỗ Thành Nhân (Thừa Thiên), Nguyễn Văn Thành (Thừa Thiên), Lê Văn Duyệt (Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu, Quảng Nam),v.v.
– Sự có mặt của người Hoa (Minh hương) dưới thời các chúa Nguyễn:
Dưới thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1649-1687) người Mãn Châu xâm lăng Trung Hoa, lật đổ nhà Minh, lập ra nhà Thanh. Những người trung thành với nhà Minh đã bỏ nước ra đi, đem quân đội và gia đình đến nước ta xin theo chúa Nguyễn. Sách “Đại Nam Thực Lục Tiền Biên” và “Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên” do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn (ghi chép công nghiệp các chúa và các công thần thời các chúa Nguyễn) cho biết:
“Vào một ngày tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679) tức năm thứ 31 dưới triều đại chúa Hiền Vương, hai quan phòng giữ cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên) và Đà Nẵng (Quảng Nam) bỗng phát hiện một đoàn chiến thuyền của Trung Quốc kéo đến nước ta. Lệnh cấp báo được ngựa trạm trình về kinh đô Phú Xuân (Huế) và toàn bộ hải quân của xứ Đàng Trong được lệnh phải phòng giữ cửa biển thật nghiêm ngặt. Nhưng đoàn chiến thuyền kia đã dừng lại ở ngoài khơi và một chiếc thuyền nhỏ chở phái đoàn khách đã đáp vào bờ với những lễ vật và tờ tấu trình bày hoàn cảnh của họ: Đó là những quan quân nhà Minh, bị người Mãn Châu (Nhà Thanh) xâm lăng, không chịu khuất phục cường quyền và để tỏ lòng trung thành với nhà Minh nên họ đã bỏ nước ra đi, đến xứ Đàng Trong, xin được phục vụ và thề hứa tuyệt đối trung thành với chúa Nguyễn. Đạo quân thứ nhất do Dương Ngạn Địch (nguyên Tổng binh Long Môn) chỉ huy, với phó tướng Hoàng Tiến. Đạo quân thứ hai do Trần Thượng Xuyên, (nguyên Tổng binh ở Cao Lôi Liêm, tỉnh Quảng Đông) chỉ huy, với phó tướng Trần An Bình. Toàn bộ lực lượng của họ gồm có 50 chiến thuyền với 3.000 binh sĩ và gia đình”.
Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (tức Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế của nhà Nguyễn), sinh năm 1620, lên nối nghiệp chúa cai trị xứ Đàng Trong từ năm 1648 đến 1687 là người anh hùng đã từng đem quân đánh chiếm 7 huyện phía Nam sông Lam (Nghệ An) của họ Trịnh trong 6 năm và cũng đã tiêu diệt Chiêm Thành và thôn tính đất Chân Lạp, biến xứ Đàng Trong thành một nước giàu có, hùng mạnh vào bậc nhất ở vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, uy danh vang dội đến nhà Minh, nhà Thanh bên Trung quốc. Thương nhân người Hoa, Nhật Bản, Mã Lai, Thái Lan (Xiêm La), Phi Luật Tân và các nước Tây Phương như Hòa Lan, Tây ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, v.v… cũng đã vào ra buôn bán ở các cửa biển nước ta, đã làm cho Hội An (Quảng Nam) và các nơi khác ở xứ Đàng Trong trở thành những thành phố thương mãi sầm uất.
Được tin cấp báo, Hiền Vương liền triệu tập một cuộc họp tại Huế để bàn về vấn đề nầy. Các quan trong triều đã nhận định rằng: “Phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dùng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt” (Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, bản Hán văn, quyển 6 tờ 14 b bản dịch của Trần Vinh Anh, Lê Ngọc Bích, Nguyễn Đức Cung, Nguyễn Lý-Tưởng, nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974 và Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, Hà Nội, 1962, q.5 trang 125)
Với lập luận trên, triều đình chúa Nguyễn đã có hướng giải quyết là chấp thuận cho họ vào tỵ nạn ở nước ta và được làm dân của chúa Nguyễn, phục vụ xứ Đàng Trong. Tờ trình của các quan tâu lên chúa Nguyễn có đoạn viết như sau: “Nay đất Đông Phố, nước Chân Lạp, đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm. Triều đình chưa rỗi mà kinh lý (khai thác, mở mang), chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai thác để ở, làm một việc mà lơi ba điều” (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch, Hà Nội, 1962, q.5 tr.125). Chúa theo lời bàn, bèn đặt yến tiệc ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức, khiến đến ở đất Đông Phố.
Họ đã được chúa Nguyễn cho vào khai phá vùng Bến Tre, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Biên Hòa… ngày nay. Họ lập chợ ở bờ sông, mở sòng bài, tổ chức hành chánh, kiểm tra dân số, thu thuế ruộng, đất, thuế bến đò, thuế buôn bán để nuôi quân và nộp cho chúa Nguyễn. Họ có công dẹp yên các cuộc nổi loạn của người Miên ở trong vùng. Thuyền buôn Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến đến buôn bán, bà con người Hoa nghe tin tìm đến lập nghiệp… đã biến vùng nầy thành một nơi trù phú. Về sau, phó tướng là Hoàng Tiến nổi loạn giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch để tranh quyền. Chúa Nguyễn ra lệnh cho Nguyễn Hữu Cảnh, (Khâm Sai Kinh Lược ở Biên Hòa) đem quân bắt Hoàng Tiến giết đi, rồi đưa sĩ quan người Việt vào chỉ huy lính người Minh, cho lập ra những làng dành cho người Hoa gọi là Minh hương.
Trần Thượng Xuyên, là người có công lớn trong việc bình định nước Chân Lạp, vào sinh ra tử, nhiều trận đánh thắng người Miên, đem lại ổn định cho dân chúng. Sau khi qua đời, dân những nơi ông đã đóng quân trấn nhậm, lập đền thờ để nhớ ơn. Hiện nay tại Biên Hòa và Vĩnh Long đều có đền thờ Trần Thượng Xuyên. Con trai của ông là Trần Đại Định cũng đã phục vụ chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh, là người trung thành, ngay thẳng, lập được nhiều công và cũng được ghi tên vào sử sách.
Mạc Cửu ở Hà Tiên là người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, trung thành với nhà Minh, không chịu theo tập tục của nhà Thanh (Mãn Châu), đem gia đình theo đường biển chạy về phương Nam, đến đất Sài Mạt nước Chân Lạp (Kampuchia), chiêu dụ người Hoa, Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ, Chân Lạp (Miên)… đến tụ tập buôn bán, bèn mở sòng bạc kiếm lời; lại gặp được hầm chôn giấu tiền bạc nên chẳng bao lâu trở nên giàu có, bèn bỏ Sài Mạt đi đến xứ Phương Thành, chiêu dụ dân phiêu bạt các nơi đến Phú Quốc, Cần Bột, Giá Khê, Luống Cày, Hương Úc, Cà Mau lập được 7 xã. Nghe đồn nơi ấy thường có tiên hiện ra trên sông nên đặt tên là Hà Tiên. Đất nầy dựa vào núi, dọc theo biển có thể tụ tập buôn bán làm giàu được.
Người nước Xiêm (Thái Lan) thường đến xâm phạm, dân Chân Lạp nghe giặc đến bèn bỏ chạy, Mạc Cửu bất đắc dĩ phải xin hàng tướng Xiêm, được vua Xiêm cho ở tại núi Vạn Tuế. Nhân nước Xiêm có nội biến, ông liền bỏ núi Vạn Tuế về đất Lũng Kỳ, dân phiêu bạt về với ông mỗi ngày một đông. Nhận thấy đất Lũng Kỳ chật hẹp nên ông dời về Phương Thành, dân buôn bán theo về với ông càng ngày càng đông, chẳng mấy chốc đất Phương Thành càng ngày càng phồn thịnh.
Lúc bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đang cai trị xứ Đàng Trong, là người văn võ kiêm toàn, tiếng tăm lừng lẫy đến tận nhà Thanh và các nước Đông Nam Á, người Trung Hoa, Nhật Bản và Âu Châu tới buôn bán tấp nập ở các cửa biển, nhất là Hội An. Người Hoa và người Việt tuy khác tiếng nói nhưng cùng chung một văn tự (chữ Hán) nên Mạc Cửu tuy ở xa mà cũng biết rõ tin tức. Nhân có người bạn là Tô Quân, khuyên Mạc Cửu: “Người Chân lạp tính tình gian xảo, thiếu trung hậu, nên theo về với chúa Nguyễn để vạn nhất có điều gì còn có chỗ nhờ cậy lâu dài”. Mạc Cửu nghe theo. Tháng 8 năm Mậu Tý (1708) tức năm thứ 17 đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng đàn em là Trương Cầu, Lý Xá mang lễ vật đến Huế yết kiến chúa Nguyễn, dâng đất Hà Tiên. Nguyên đất nầy là do chính Mạc Cửu khai phá, xây dựng nên. Chúa Nguyễn không nhọc công chinh chiến mà có, lại thấy bọn họ tướng mạo oai hùng, tới lui cung kính và có lòng trung thành bèn thu nhận đất mới nầy, đặt tên là trấn Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh. Mạc Cửu được chúa Nguyễn ban cho ấn kiếm, cờ hiệu, được quyền cai trị dân trên một dải đất bao gồm vùng Hà Tiên, Châu Đốc, Rạch Giá, Long Xuyên, Cà Mau… ngày nay. Chúa cho mở yến tiệc khoản đãi rồi tiễn chân ra về. Mọi người đều hoan hỷ vui mừng.
Với danh nghĩa quan Tổng Binh của chúa Nguyễn, danh chính ngôn thuận, Mạc Cửu cho xây thành quách, tổ chức quân đội, hành chánh, đặt quan cai trị tại địa phương, xây dựng cơ sở, kiểm tra dân số, chiêu hiền đãi sĩ, đón tiếp nhân tài, tổ chức làng mạc, khai khẩn đất hoang… dân chúng theo về mỗi ngày một đông, chẳng bao lâu Hà Tiên trở thành phố thị phồn hoa, đô hội. Ông mất năm 1735, hưởng thọ 80 tuổi. Ông là người đã đóng góp công lao rất lớn cho việc bình định mở mang vùng Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau ngày nay, được tặng chức Nhai trấn Thượng trụ quốc Đại tướng quân Võ nghị công, năm 1823 dưới thời vua Minh mạng, ông được phong Thuận Nghĩa Trung Đẳng Thần, cho phép dân xã Mỹ Đức ở Hà Tiên được thờ tự như cũ.
Con ông là Mạc Thiên Tứ, một người văn võ song toàn vừa là danh tướng đánh Đông dẹp Bắc, giữ vững giang sơn, mở rộng bờ cõi; vừa là nhà thơ, nhà văn, đã lập ra Chiêu Anh các tiếp đãi nhân tài, có tác phẩm Hà Tiên Thập Vịnh để lại cho đời sau. Khi Tây Sơn nổi lên, chúa Nguyễn bị giết, ông theo phò chúa Nguyễn Phúc Ánh lưu lạc qua Xiêm, bị người Xiêm bắt giam và chết trong tù.
Họ Mạc vì trung thành với nhà Minh, không chịu làm tôi người Mãn Châu (nhà Thanh), đã bỏ nước ra đi đến quy thuận chúa Nguyễn và trải qua nhiều đời trấn giữ vùng biên cương, vào sinh ra tử, mở mang bờ cõi, xây dựng phố chợ, làng mạc làm cho đất Hà Tiên trở nên phồn thịnh. Họ Mạc đã tận trung với chúa Nguyễn, một lòng chết sống với quê hương dân tộc Việt Nam
Người Hoa đối với nước ta thời đó, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng cùng chung một văn tự (chữ Hán) nên việc giao thiệp giữa họ với ta không khó khăn lám. Sống ở nước ta một thời gian, họ dần dần hiểu và nói được tiếng Việt, trải qua một hai thế hệ, con cháu của họ đã thực sự trở thành người Việt.
Trong cuộc Nam tiến, người Việt đã không đi sâu vào vùng Rừng Lá (là vùng đất dọc theo quốc lộ I từ Phan Thiết đến Long Khánh ngày nay) theo kiểu tằm ăn dâu, mà lại theo đường biển xâm nhập vùng Bà Rịa, Đồng Nai, Bến Tre, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên…
Sau khi Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa đã thuộc về người Việt thì vùng Rừng Lá đương nhiên là phần lãnh thổ của nước ta. Nhưng mãi cho đến giữa thế kỷ 19, khi người Pháp dòm ngó nước ta thì vùng nầy mới được khai thác. Đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp mở mang quốc lộ I nối liền Sài Gòn với Phan Thiết thì vùng nầy càng phát triển mạnh nhất là ngành khai thác gỗ và lập các đồn điền cao su, cà phê và trồng cây ăn trái… Sau 1954, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đưa dân từ miền Trung và miền Bắc vào và nhất là sau 1975, khi đất nước hòa bình toàn bộ vùng nầy, từ bờ biển cho đến tận rừng sâu đã tràn ngập người Việt đến định cư, sinh sống.
Xin trích dẫn một vài sử liệu chứng minh sự quan trọng của Sài Gòn (Gia Định) đối với dân tộc Việt Nam:
Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Đệ I Kỷ, 1963, trang 113 ghi lại công tác xây thành Gia Định vào năm Canh Tuất (1790) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh như sau:
“Thành đắp theo kiểu bát quái, mở tám cửa, ở giữa là cung điện, bên tả dựng nhà Thái Miếu, phía sau miếu là kho tàng, bên hữu đặt cục chế tạo, chung quanh là nhà tranh cho quân túc vệ ở. Giữa sân dựng kỳ đài ba tầng, trên làm toà vọng đẩu bát giác, ban ngày kéo cờ, ban đêm thì kéo đèn làm hiệu cho các quân. Thành xây xong gọi tên là kinh thành Gia Định… Tám cửa thành đều xây bằng đá ong, phía Nam là cửa Càn Nguyên và cửa Ly Minh, phía Bắc là cửa Khôn Hậu và cửa Khảm Hiểm, phía Đông là cửa Chấn Hanh và cửa Cấn Chỉ, phía Tây là cửa Tốn Thuận và cửa Đoài Duyệt. Ngang dọc có tám đường, Đông sang Tây dài 131 trượng 2 thước. Nam sang Bắc cũng thế, cao 13 thước, chân dày 7 trượng 5 thước. Phía ngoài thành là hào, hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước, có cầu treo bắc ngang. Chu vi ngoài thành là 794 trượng. Ở ngoài là đường phố chợ búa, dọc ngang la liệt đều có thứ tự. Hai bên đường quan đều trồng cây thích nghi, gọi là đường thiên lý”
(chú thích: Toà vọng đẩu bát giác là xây theo kiểu bát giác không có mái che. Có mái thì gọi là vọng lâu)
Năm 1822, một phái đoàn Anh Quốc do ông Crawfurd dẫn đầu có yết kiến Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Định. Trong dịp nầy, Crawfurd đã có nhận xét như sau:
“Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt, trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng”.
(trích Nguyễn Thanh Liêm: Tìm hiểu văn hoá Đồng Nai – Cửu Long, đăng trên Tậïp san Tìm Hiểu Văn Hoá Đồng Nai – Cửu Long, số 2, trang 31)
Crawfurd cũng đã nhận xét về sinh hoạt của thành phố Sài Gòn dưới thời Lê Văn Duyệt, như sau:
“Thành phố Saigun (Sài Gòn) không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun (Sài Gòn) độ 3 dặm. Dinh tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông Hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha thứ cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng.
“Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị tổng trấn của họ.
“Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng Giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng Biển Đông” (sđd, trang 32)
Năm 1863, Phạm Phú Thứ đi theo phái đoàn Phan Thanh Giản vào Sài Gòn để đi qua Pháp thương lượng chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị Pháp chiếm đóng dưới thời vua Tự Đức. Ông đã có nhận xét về thành phố Sài Gòn vào thời đó như sau:
“Trước dinh soái phủ, bên kia đường đi là nơi làm việc của tham biện (1). Bên tay mặt, cách vài trăm trượng, xây sở xem xét khí hậu (2); bên tay trái là nhà ở của các quan tham tán (3) và lãnh binh. Tiếp theo đó là kho thuốc súng. Cách chừng một dặm, ở phía trước và bên trái là bãi tập bắn súng tay (4). Sau dinh soái phủ, dựng một vọng gác, trên nhọn, dưới vuông, chân rộng vài trượng, cao đến năm thước, rỗng ở giữa và có xây bậc thoai thoải, giống hình kỳ đài. Xa một chút, bên tay mặt và bên tay trái dinh (5) là trụ sở của phủ Tân Bình. Phía Đông Bến Nghé là kho, gồm hơn mười dãy nhà lợp bằng lá “phạn cái” (6), chứa gỗ, sắt cùng mọi vật liệu kềnh càng. Kế theo là trại lính và xưởng sửa chữa thuyền sắt và kế theo nữa là kho chưa than đá. Phía Tây Bến Nghé, là nhà ở của các quan bố chính, án sát Tây và nhà ở của sở cảng; ngoài chỗ ở của quân ra, tùy theo vùng đất, người ta chia ra từng khu, nơi này thì xây dựng phố xá, nhà tầng cho những người buôn bán và nơi kia thì vét cửa, đào mương hoặc làm đường, đắp lộ. Các thứ cơ xảo của phương Tây như máy luyện thép, máy xay bột máy điện lôi để truyền tin, đều đã được dùng.”
(trích Nhật Ký Đi Tây của Phạm Phú Thứ, bản dịch của Quang Uyển, nhà xuất bản Đà Nẵng, 1999, trang 58)
Chú thích: (1) inspecteur des affaires indigènes (2) đài khí tượng (chiêm hậu sở) (3) tham mưu (4) pháo thủ trường (5) tức dinh soái phủ (6) tre hay dừa nước
Năm 1894 (Thành Thái thứ 6), nhân dịp Toàn quyền De Lanessan về Pháp, Hoàng Cao Khải, đang giữ chức Phụ chính đại thần, Thái tử thiếu bảo, Võ hiển điện đại học sĩ, Khâm sai Bắc Kỳ kinh lược đại sứ tước Diên mậu tử, hiệu Thái Xuyên… từ Huế vào Gia Định để trình bản dự thảo thỏa ước… lần đầu tiên được đặt chân lên đất Sài Gòn – Gia Định, đã phải ngạc nhiên khâm phục sự trù phú, thịnh vượng của miền Nam:
“Đất Gia Định nguyên là đất của bản triều từ thời long hưng (thời dựng nghiệp của nhà Nguyễn), từ ngày thuộc quyền cai trị của nước Pháp, kể đã hơn 30 năm rồi, xe thuyền kéo đến như góp gió, bến đò, đường sá, quán chợ được mở mang mỗi ngày một đẹp đẻ, thấy được sự tươi tốt sầm uất”
(trích văn bia của Lê Văn Duyệt do Hoàng Cao Khải lập ngày 1 tháng 8 năm 1894 tức 1 tháng 7 năm Giáp Ngọ, Thành Thái thứ 6, nguyên bản Hán văn, do Nguyễn Lý-Tưởng dịch ra quốc văn, đăng trong sách Nhà Bè Nước Chảy Chia Hai, 2003, trang 85)
Và đây, tâm tình của một học sinh từ Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954, đã so sánh Sài Gòn với các thành phố lớn của Miền Bắc như sau:
“Tôi vốn là một cậu bé Bắc Kỳ, ngây ngô, theo gia đình vào Nam năm 1954, người lớn gọi đó là cuộc di cư tránh nạn Cộng Sản, còn tôi, với tuổi 12 lúc đó, chỉ đơn thuần cho là một cuộc phiêu lưu hứa hẹn nhiều lý thú. Quê tôi là một làng ngoại ô thành phố Hải Phòng, hàng ngày tôi cuốc bộ khoảng 2 cây số lên tỉnh học, cuộc sống nửa tỉnh, nửa quê đã cho tôi được nhìn những văn minh của đời sống thời đó, nghĩa là không lạ lùng gì với những máy móc, xe cộ, v.v… nhưng khi biết được gia đình tôi sẽ di cư vào Nam, lòng tôi vẫn cứ nôn nao khi nghĩ rằng, mai kia tôi sẽ được đến Sài Gòn, lúc đó có mỹ danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, mà theo lời của một vị Linh Mục quen với gia đình tôi, đã có dịp ghé qua kể lại, thì Sài Gòn là một thành phố đèn điện sáng suốt đêm, xe taxi, xe xích lô máy chạy như mắc cưỡi, người bình dân thì có xe buýt, cứ năm mười phút lại có một chuyến, sự đi lại ngày đêm tấp nập. Đúng là nơi phồn hoa đô hội. Ngoài lòng háo hức muốn sớm biết một thành phố nổi tiếng ra, tôi không còn một ý nghĩ nào khác” (Nguyễn Văn Học, tập san Biệt Động Quân số 17, phát hành tại California Hoa Kỳ, tháng 4/2006, trang 10)
Không phải chỉ có thế hệ 1954 mới mơ ước được thấy tận mắt Thành phố Sài Gòn mà ngay sau 1975, biết bao thanh niên, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở Miền Bắc cũng mơ ước được đi vào Nam một chuyến cho biết Sài Gòn. Người Miền Bắc được đặt chân đến Sài Gòn cũng như được đi ra ngoại quốc vậy!
Trước 1954, mặc dù đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh, nhưng Sài Gòn vẫn như hồi thái bình, không bị Việt Minh phá hoại. Từ 1954 trở về sau, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng như thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói chung là dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Sài Gòn càng phát triển hơn nữa. Nếu kể từ thời các chúa Nguyễn cho đến 1975, trải qua hàng mấy trăm năm với hàng triệu triệu người đã góp công sức mồ hôi và cả xương máu của mình để mở mang, xây dựng Miền Nam, xây dựng Sài Gòn xứng với tên “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Sài Gòn là thành phố quan trọng nhất về kinh tế, văn hoá, chính trị của nước Việt Nam, là thành phố quốc tế, thành phố đa văn hoá gồm đủ mọi sắc dân, mọi ngôn ngữ; là nơi mọi người được sống hạnh phúc, yên ổn làm ăn, nơi đất lành chim đậu, nơi mọi ngừơi mơ ước, tìm đến lập nghiệp… Sài Gòn là trục giao thông quốc tế, đường bộ, đường biển, đường hàng không đều thuận lợi. Trong thế kỷ thứ 18 (năm Canh Tuất, 1790) chúa Nguyễn Phúc Ánh gọi Gia Định là Kinh Thành; trong thế kỷ thứ 19, thời Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn, Sài Gòn được sánh ngang hàng với Bangkok, thủ đô nước Xiêm (Thái Lan), Sài Gòn được gọi là “hòn ngọc Viễn Đông”. Từ 1862 trở đi, sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ bị quân Pháp chiếm đóng, Sài Gòn đã đi tiên phong trong các cuộc cải cách giáo dục, các phong trào học chữ Quốc Ngữ (thay vì học chữ Hán, chữ Nôm) và viết sách báo, tiểu thuyết bằng tiếng Việt, dịch truyện Tàu bằng chữ Hán ra tiếng Việt… với các nhà trí thức tân học trẻ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,v.v… trứơc các cuộc vận động tại miền Trung, miền Bắc hơn nửa thế kỷ! Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời tại Sài Gòn (Gia Định báo, 1865) do Trương Vĩnh Ký chủ trương, trứơc tờ Nam Phong (1917) do Phạm Quỳnh chủ trương tại Hà Nội 52 năm! Sài Gòn là đất mới nhưng đã được xây dựng và phát triển qua nhiều đợt để trở thành một thành phố lớn và quan trọng nhất Việt Nam.
2. Từ năm 1949, Sài Gòn đã trở thành Thủ Đô của Việt Nam
Năm 1802, sau khi thống nhất đất nứơc, lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long đã chọn Huế (Phú Xuân) làm Kinh đô của nứơc Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, sau khi thôn tính toàn cõi Việt Nam, người Pháp đã đặt Phủ Toàn Quyền tại Sài Gòn (và một Văn Phòng tại Hà Nội) để cai trị toàn cõi Đông Dương gồm 5 xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Mên và Quảng Châu Loan (nhượng địa của Pháp tại Trung Hoa). Từ đó địa vị của Huế lu mờ dần. Năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, vua Bảo Đại tuyên bố độc lập ở trong khối Đại Dông Á của Nhật và xé bỏ các hiệp ước bất bình đẳng mà Triều đình Huế đã ký với Pháp trong thế kỷ 19. Nhưng chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó chưa kịp củng cố nền độc lập của Việt Nam thì Nhật đã đầu hàng Đồng Minh (8/1945) và Việt Minh (do Hồ Chí Minh lãnh đạo) đã tổ chức cướp chính quyền thành công tại Hà Nội (19/8/1945) và 1 tuần sau đó, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị (25/8/1945) trao chính quyền cho Việt Minh.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập, ra mắt Tân Chính Phủ và đã chọn Hà Nội làm Thủ đô của Việt Nam. Nhưng chỉ ba tuần sau, quân Pháp đã trở lại thay thế quân Anh tại Sài Gòn, chiếm đóng và thiết lập bộ máy hành chánh trên các tỉnh, thành phố Miền Nam, đồng thời tiến dần ra Trung, Bắc… Sau những cuộc thương thảo với Pháp thất bại, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Từ 1947 đến 1949, hầu hết các thành phố, thị trấn Việt Nam đều bị Pháp chiếm đóng và thiết lập chính quyền lâm thời… Trứơc 1954, Hồ Chí Minh đã phải bỏ Thủ đô Hà Nội, bỏ thành phố, rút toàn bộ lực lượng ra miền quê hoặc vào chiến khu ở vùng rừng núi miền Trung và miền Bắc… Trên thực tế, Hà Nội không còn là thành phố thủ đô nữa.
Hoàn cảnh những ngừơi quốc gia, không Cộng Sản lúc đó phải “lưỡng đầu thọ địch”, vừa chống Pháp, vừa chống Cộng Sản, một số chạy theo quân Tưởng Gíơi Thạch qua Trung Hoa, một số ở lại và đã bị Việt Minh bắt giam hoặc bị thủ tiêu. Có ngừơi theo Việt Minh để chống Pháp (gọi là thành phần kháng chiến) về sau đã bị nhuộm đỏ, trở thành Cộng Sản. Những ai không hợp tác với Việt Minh, chạy về thành phố thì bị mang tiếng Việt gian, theo Tây, chống lại tổ quốc, chống lại đồng bào… Người quốc gia, theo Việt Minh hay theo Pháp đều mất chính nghĩa. Nếu lập chiến khu tự vệ thì trứơc sau gì cũng sẽ bị tiêu diệt, không chết về tay Cộng Sản thì cũng sẽ chết về tay ngừơi Pháp. Chính vì thế mà các tôn giáo và đảng phái qúôc gia nghĩ đến giải pháp Bảo Đại. Chỉ có Bảo Đại mới có đủ tư cách đoàn kết các tôn giáo, đảng phái và chỉ có Bảo Đại mới có đủ tư cách đại diện cho Việt Nam nói chuyện với Pháp. Trong lúc đó, tại Sài Gòn, Bolaert, đại diện cho nứơc Pháp, kêu gọi những ngừơi “không Cộng Sản” trong hàng ngũ kháng chiến trở về hợp tác. Vì thế đại diện các tôn giáo, đảng phái, nhân sĩ trí thức tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội,v.v… đã qua Hồng Kông gặp cựu hoàng Bảo Đại, yêu cầu ông đứng ra vận động Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Với hậu thuẫn nầy, Bảo Đại đã lên tiếng tranh đấu đòi hỏi Pháp phải trả độc lập cho Việt Nam.
Từ 1947 đến 1949, sau gần hai năm vận động ngoại giao, cựu hoàng Bảo Đại đã đạt được nhiều thắng lợi… Từ thông cáo chung ngày 5/6/1948 tại Vịnh Hạ Long đến thỏa ứơc ngày 8/3/1949, Bảo Đại đã trở thành Quốc Trưởng của nứơc Việt Nam độc lập, có chính phủ, có quân đội, có nền tài chánh và ngoại giao riêng, được quốc tế thừa nhận. Quân đội Pháp có nhiệm vụ bảo vệ cho chính quyền Việt Nam đang còn mới mẻ, đợi khi nào Việt Nam tổ chức được một Quân Đội hùng mạnh thì Pháp sẽ rút lui. Mỹ đã viện trợ cho quân Pháp tại Đông Dương với danh nghĩa bảo vệ thế giới tự do chống lại sự bành trứơng của Cộng Sản. Việt Nam được độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, xứ Nam Kỳ không còn là xứ thuộc địa của Pháp như trứơc nữa mà Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất với ba miền Trung, Nam, Bắc, mỗi miền có một bộ máy hành chánh do vị Thủ Hiến lãnh đạo trực thuộc Chính Phủ Trung Ương đặt tại Sài Gòn. Quốc Trưởng Bảo Đại ban hành Sắc Lệnh bổ nhiệm Thủ Tứơng và thành phần Chính Phủ. Sài Gòn là Thủ Đô của Quốc Gia Việt Nam.
3. Sau Hiệp Định Genève (20/7/1954), nhân tài cả nứơc tập trung vào Sài Gòn
Hiệp định Genève (20/7/1954) nước Việt Nam đã bị chia đôi:
Từ vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị) trở ra Bắc gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa (tức Cộng Sản) do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đặt thủ đô tại Hà Nội.
Từ vĩ tuyến 17 trở vô Nam gọi là Việt Nam Cộng Hoà theo chế độ Tự Do (chủ nghĩa Quốc Gia) do Quốc Trưởng Bảo Đại uỷ quyền cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo, đặt thủ đô tại Sài Gòn. Thủ Tứơng Ngô Đình Diệm tranh đấu bắt buộc quân đội Pháp trú đóng tại miền Nam sau Hiệp định Genève phải rút về nước giành lại chủ quyền cho người quốc gia và thành lập chế độ Cộng Hoà (1955), đối lập với Cộng Sản miền Bắc.
Mặc dù Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà (miền Nam) sau Hiệp định Genève (20/7/1954) nhưng từ 1949, Quốc Trưởng Bảo Đại đã chọn Sài Gòn làm Thủ đô của Quốc Gia Việt Nam. Ngoài ra, cũng sau ngày ký kết Hiệp định nầy, nhân tài của cả nước đều quy tụ về đây. Cả triệu ngừơi đã bỏ nhà cửa, ruộng vừơn, tài sản, cơ nghiệp, mồ mả tổ tiên, bỏ cả quê hương xứ sở, bỏ miền Bắc vào Nam tìm tự do, trốn thoát chế độ Cộng Sản Hà Nội. Các nhà trí thức, giáo sư đại học, văn nghệ sĩ, thương gia, nghệ nhân lành nghề, họa sĩ, nhạc sĩ nổi danh… ngay cả những nhà hàng ăn, những đầu bếp giỏi, những món ăn ngon… từ Bắc, Trung, Nam cũng đều tập trung về Sài Gòn… Vào thời điểm đó, người ta không xem Sài Gòn là nơi dành riêng cho Nam Kỳ lục tỉnh nữa, mà là thủ đô của nước Việt Nam, vì nơi đây đã có mặt hầu hết dân Việt từ khắp mọi miền đất nước tụ hội. Tên Sài Gòn luôn luôn được mọi người nhắc nhở, sử sách ghi chép, nói đến Sài Gòn là nói đến miền Nam, là nói đến lịch sử của dân tộc Việt Nam, là nói đến công lao của hàng triệu triệu người, trải qua hơn ba trăm năm, với biết bao thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu, góp công khai phá miền Đồng Nai-Cửu Long, xây dựng và bảo vệ Miền Nam. Vận mệnh của TP Sài Gòn đi liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, Sài Gòn vẫn là thành phố lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam, là thành phố phát triển, là trung tâm kinh tế, tài chánh, văn hóa, chính trị của cả nước, là nơi quy tụ nhân tài, là sức mạnh của tuổi trẻ. Sài Gòn đã làm lu mờ vai trò Thủ đô của Hà Nội, là hy vọng của dân tộc, có thể làm thay đổi tương lai của Việt Nam…
GS Nguyễn Lý Tưởng
Be the first to comment