Phỏng Vấn Giáo Sư Luật Tạ Văn Tài: Ảnh Hưởng Của Trung Quốc Tại Các Trường Đại Học Quốc Tế

Sinh viên Drew Pavlou trước đại học Queensland University, Úc châu

Một sinh viên Úc tại Đại học Queensland ở miền Bắc nước Úc, anh Drew Pavlou, mới bị trường này tạm đuổi học trong hai năm vì đã tổ chức biểu tình ủng hộ phong trào đòi dân chủ của sinh viên Hong Kong và bênh vực người Hồi giáo Uighur bị Trung Quốc trấn áp.

Queensland University – gọi tắt là UQ, là một trong các trường thuộc top 10 của Úc. Theo báo chí địa phương, trường này có nhiều du sinh Trung Quốc và lệ thuộc nặng nề vào nguồn thu nhập này.

UQ bị tố cáo là có quan hệ quá thân thiết với Bắc Kinh khi trao bằng danh dự rồi mời Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Brisbane làm giáo sư thỉnh giảng.

Cuộc biểu tình

Ngày 24/7 năm ngoái, Drew Pavlou, 20 tuổi, tổ chức một cuộc tụ tập nhỏ ở St Lucia, cơ sở chính của Đại học Queensland tại thành phố Brisbane, với sự tham gia của một nhóm từ 15 tới 20 sinh viên. Drew và nhóm bạn muốn đồng hành với sinh viên Hong Kong, phản đối các nỗ lực mà họ cho là phản dân chủ ở Hong Kong, chống đàn áp thiểu số người Uighur ở Tân Cương, và bày tỏ lo ngại về những liên hệ giữa Đại học Queensland với Bắc Kinh.

Trên trang Facebook của mình, Drew cho biết anh và các bạn coi đây là một sinh hoạt bình thường của sinh viên, nên thiếu chuẩn bị, tới giờ chót phải chạy đi mượn cái loa để gây chú ý.

Nhưng những gì xảy ra sau đó, theo lời anh sinh viên này, là ‘một cơn ác mộng’. Ước lượng 200 ‘sinh viên’ thân Trung Quốc – nhiều người lớn tuổi hơn và không có vẻ gì là sinh viên, đã xông vào tấn công, cướp micro, thụi vào đầu và kẹp cổ nhóm sinh viên chỉ định biểu tình trong ôn hòa.

Cảnh sát Brisbane đã huy động một lực lượng đông đảo tới để giải tán đám đông hỗn loạn. Muốn duy trì hoà bình và lo ngại nhóm Pavlou ít người có thể gặp nguy hiểm, cảnh sát khuyên họ rút lui.

Ký giả Shannon Molloy tải một bài báo trên trang tin tức NEWS.Com.Au hôm 24/6/2020, thuật lại các diễn tiến như sau.

Đêm cùng ngày cuộc biểu tình, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng một bài viết mạnh mẽ đả kích cuộc xung đột ở Đại học Queensland, và công khai tên tuổi kèm theo hình ảnh của Drew Pavlou, gọi anh sinh viên Úc là “một kẻ ly khai”. Ở Trung Quốc ly khai là một tội hình sự, có thể bị án tử hình.

Ngày hôm sau, 25/7/2019, Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở Brisbane Xu Jie ra thông báo, lặp lại cáo buộc của Hoàn cầu Thời báo, tố cáo “động cơ mờ ám” của các hoạt động chống Trung Quốc ở Đai học Queensland, khen ngợi ‘hành động yêu nước tự phát’ của du sinh Trung Quốc, và tố cáo cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong của nhóm sinh viên của anh Pavlou là “hành vi ly khai chống Trung Quốc”.

Drew Pavlou phản bác rằng những lời lẽ của nhà ngoại giao Trung Quốc có tính cách khích động, khiến anh và gia đình anh trở thành mục tiêu bị dọa giết và bị hành hung.

Không lâu sau cuộc biểu tình ngồi, Pavlou bị nhà trường kỷ luật. Pavlou tố cáo ông Tổng Lãnh sự Xu Jie và Đảng Cộng sản Trung Quốc là đã chi phối UQ, dẫn tới việc anh bị đuổi học trong hai năm. Vụ việc này đã gây ra một làn sóng phản đối trong giới sinh viên Úc, gây quan tâm trong giới khoa bảng và một số chính khách ở Canberra. Một luật sư hàng đầu của Úc đã giúp Drew miễn phí để kiện UQ và cả ông Xu Jie.

Giáo sư Tạ Văn Tài là người theo dõi kỹ câu chuyện này, và cũng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường đại học ở nước ngoài. Ông dành cho VOA-Việt ngữ cuộc phỏng vấn sau đây.

VOA: Thưa Giáo sư có những chi tiết gì mới về câu chuyện của cậu sinh viên Úc ở đại học Queensland, Drew Pavlou, và câu chuyện này nói gì về ảnh hưởng của Trung Quốc ở các trường đại học trên thế giới, kể cả các trường có uy tín nhất?

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Biểu tình ngồi như thế đáng lẽ ra chỉ là một chuyện thường, rất nhỏ của sinh viên hành xử quyền tự do biểu thị ý kiến rất truyền thống trong các đại học, thì lạ thay, nó đã trở thành một biến cố chính trị quốc tế ồn ào vì bị Đảng Cộng sản Tàu, qua tổ chức Viện Khổng Tử và Hán Ban là cấp trên của nó, và Toà Lãnh sự Tàu, với Mặt trận Thống nhất, đã xúi 500 người Tàu, nhiều tuổi, không giống sinh viên, tới xô xát bằng võ lực và áp đảo nhóm nhỏ sinh viên Pavlou, giống như đã dàn cảnh can thiệp năm trước, 2018, tại thành phố Rockingham gần dó — và như thế là can thiệp thô bỉ vào sinh hoạt tự do dân chủ ở khuôn viên đại học.

Biến cố tại Đại học Queensland này là một thí dụ thêm cho lời nhận xét trong Môt cuộc nghiên cứu của Australian Strategic Policy Institute, rằng Tàu Cộng đã can thiệp vào nhiều lãnh vực cuả đời sống Úc Châu qua Mặt trận Thống nhất (United Front) của họ, và tổ chức dưới quyền là các Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc. Chính tờ Nhân Dân Nhật Báo, từ 2013, đã ghi nhận sự chỉ huy trực tiếp này của Phòng Giáo dục của Toà Đại sứ Tàu.

Tổng Lãnh sự Tàu là Tiến sĩ Xu, có bằng danh dự do UQ tặng, cũng nhắc lại “tội ly khai” cuả nhóm Pavlou, tuy phát ngôn của họ về Hong Kong và người Uighur chỉ bàn về nhân quyền, và họ hành xử quyền tự do phát biểu của công dân Ủc trong lãnh thổ Úc. Sau đó, Pavlou lại bị thêm một loạt lời dọa giết, kể cả, theo lời Pavlou, “lời dọa hiếp mẹ tôi trước mặt tôi, rồi giết mẹ và tôi. Thật là man ri mọi rợ”.

Anh Pavlou tức giận, không chùn bước, lại tổ chức biểu tình phản đối. Đại học Queensland bèn triệu anh tới một phiên xét xử kỷ luật vào đúng 12 giờ ngày 31/7, đúng vào ngày giờ anh định tổ chức biểu tình. Anh không tới phiên họp, hội đồng kỷ luật, coi như một sự đàn áp và yêu cầu gặp Viện trưởng để bàn về liên hệ của Đại học với Tàu. Anh tranh cử và trúng cử vào Ban Giám hiệu của Đại học với tư cách đại diện sinh viên. Trong phiên họp, họ dọa trục xuất anh và làm hồ sơ 186 trang, nói anh vi phạm kỷ luật.

Sau những quay quắt trên, anh bị trầm cảm. Nhưng rồi anh quyết định xông lên, đấu tranh, đưa cho báo chí chi tiết các giai đoạn trong cuộc đấu tranh của anh, và cách xử tệ của trường đại học. Do đó, có 40.000 chữ ký ủng hộ anh trên các báo New York Times, Wall Street Journal, The Australian. Rồi luật sư nổi danh Tony Morris nhận biện hộ miễn phí cho anh trước Hội đồng Kỷ luật. Khi đến nơi, họ thấy toàn là nhân viên ăn lương của Đại học và chắc chắn sẽ nghe lệnh xử anh có lỗi và đuổi anh khỏi Hội đồng Giám hiệu và không cho anh tốt nghiệp, cho nên anh và luật sư bước ra khỏi phiên họp. Ông viện trưởng buộc phải xét lại vấn đề. Anh và luật sư quyết định kiện lên Toà Tối cao, đòi bồi thường thiệt hại 3 triệu rưỡi AUD.

Đại học Queensland thảo một văn bản nói về cuộc biểu tình và gửi cho Lãnh sự Tàu xin “review”, xem có cần sửa gì không, và chối phắt việc kỷ luật anh Pavlou không phải là căn cứ trên việc anh biểu tình hay lời anh cáo buộc Đại học bị Tàu chi phối. Luật sư Morris mỉa mai: “Chưa bao giờ một đại học độc lập ở Úc Châu lại phải xin lãnh sự ngoại bang coi lại, sửa lại văn bản của mình”. Mà lại còn nói quanh là không có vấn đề tự do ngôn luận trong vụ này.

Anh Pavlou nói Queensland University hành hạ anh vì sợ chính phủ Tàu dọn sinh viên Tàu đi nơi khác, do đó sẽ mất lợi nhuận 1 tỷ trong 10 năm tới, trong đó 20% ngân sách đại học do 9.000 sinh viên Tàu đóng tiền.

VOA: Thưa nói tới ảnh hưởng của Trung Quốc tại các trường đại học nước ngoài, xin Giáo sư phác họa một bức tranh toàn cảnh về sự hiện diện của các học viện Khổng Tử trên thế giới. Một số nước phương Tây như Thụy Điển đã đóng cửa hẳn các học viện Khổng Tử. Và chính phủ Úc, chính phủ Mỹ cũng cảnh báo về mối nguy của các học viện này. Xin Giáo sư cho biết ý kiến?

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Theo môt danh sách các Viện Khổng Tử tôi đã được đọc vào tháng 4/2020, thì vào năm 2017, có khoảng 103 viện Khổng Tử tại các đại học Mỹ, lập nhanh chóng trong nhiều năm từ 2004 đến 2017, nhưng vào tháng 4/2020 chỉ còn 86 – vì 35 viện đã bị đóng cửa, trong đó Viện Khổng Tử tại Đại học Massachusetts, và nhiều viện khác cũng sẽ đóng cửa. Năm 2014, tại Âu châu, một hội nghị đã nêu chuyện Viện Khổng Tử kiểm duyệt tài liệu, và Hiệp hội Các Giáo sư Đại học Mỹ phát hành một tờ trình, mong muốn các đại học đóng các Viện Khổng Tử hay xét lại các hợp đồng để bảo toàn tự do trong đại học, vì hầu hết các hợp đồng đó có các nhượng bộ bất khả chấp nhận để viện Khổng Tử theo đuổi các mục tiêu và thực hành của chính phủ Tàu, nhất là trong việc tuyển chọn nhân viên, nội dung chương trình học và hạn chế tranh luận. Các đại học cứ lờ các cảnh báo này của các giáo sư. Nhưng trong một năm rưỡi vừa qua, chính phù Mỹ đã có báo động lớn hơn về các hành động can thiệp của chính phủ Tàu, nhất là về tình báo, trong các đại học Mỹ. Giám Đốc FBI nói với một ủy ban Thượng viện mối lo về các Viện Khổng Tử. Nghị sĩ Marco Rubio (Florida) và Ted Cruz (Texas) và dân biểu Moulton của Masachusetts kêu gọi kiểm tra và đóng Viện Khổng Tử. Năm qua, một số đại học đã đóng viện Khổng Tử, vì ít sinh viên ghi danh, ngân sách khiếm hụt và Luật Chuẩn chi Quốc phòng không cho tài trợ các chương trình học chữ Tàu ở những nơi có viện Khổng Tử, trừ khi được đặc cách.

Các nhà lập pháp ở các nước khác cũng bắt đầu hoài nghi Viện Khổng Tử. Thí dụ: Thuỵ Điển đóng tất cả các viện Khổng Tử, coi như là cơ quan đột nhập nguy hiểm cho an ninh, như ‘con ngựa thành Troa’ thời Thựợng Cổ.

Các Viện Khổng Tử đã thất bại ê chề. Theo tờ South China Morning Post, nhà cầm quyền Trung Quốc gần đây đã từ bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử, đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và Giáo dục ngôn ngữ, sau khi bị nhiều nước trên thế giới đóng cửa các học viện, và tố cáo các Viện Khổng Tử là công cụ tuyên truyền và tình báo của Bắc Kinh.

VOA: Thưa, Giáo sư Glenn Anthony May của Đại học Oregon nói có 3 đề tài cấm kỵ đối với chính quyền Trung Quốc là 3 T: Taiwan; Đài Loan, Tibet: Tây Tạng và Tiananmen – biên cố Thiên An Môn. Có lẽ chúng ta có thể thêm một T nữa là các trại tập trung người Uighur ở Tân Cương …Theo Giáo sư tránh né những đề tài “nhạy cảm” đó tác động như thế nào tới tự do học thuật?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Thiết nghĩ nếu các viện Khổng Tử làm đúng tôn chỉ là chỉ dạy ngôn ngữ Trung Quốc, và Học thuyết Khổng Mạnh từ mấy ngàn năm, đề cao các nguyên tắc nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, chúng làm tốt đẹp xã hội mấy ngàn năm của Trung quốc, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam, và vẫn được coi là nhân tố xây dựng kinh tế, xã hôi hiện nay cho tốt đẹp hơn trong các nền kinh tế của các nước mệnh danh là Asian tigers (hổ châu Á) như Đài Loan, Singapore, Hong kong, Đại Hàn thì chuyện các Viện Khổng Tử không bàn đến các vấn đề 3 T hay 4 T nói trên, sẽ không có gì đáng gọi là né tránh các đề tài nhạy cảm, mà phải coi là các vấn đề đó không ở trong sứ mạng đích thực là vinh danh ngôn ngữ và văn minh truyền thống Khổng Mạnh — mà các đại học danh tiếng vẫn tự thi hành, trước khi có các Viện Khổng Tử do Trung Cộng đem qua với mục tiêu chính trị quá lộ liễu đến chỗ phản tác dụng và ngu xuẩn.

VOA: Thưa sở dĩ Trung Quốc bành trướng được ảnh hưởng trên thế giới là cũng nhờ nền kinh tế phát triển không ngừng trong quá khứ. Dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới kinh tế Trung Quốc, xin Giáo sư một nhận định về ảnh hưởng của Trung Quốc trong một thế giới hậu Covid?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Sự khỏa lấp, giấu diếm về nguồn gốc Trung Quốc của COVID 19, nhất là điêu ngoa nói COVID-19 là do phái đoàn quân đôị Mỹ hay do Âu châu đem qua Tàu, là ngược lại các sư kiện lịch sử của diễn tiến lây lan, mà chính các bác sĩ ở Wuhan đã báo cho đồng nghiệp ở Đài Loan trước khi họ bị chính quyền và công an địa phương bịt miệng, bắt bớ — là bằng chứng về sự dối trá cuả Tàu, chậm trễ báo động cho các nước, nay là nạn nhân của đại dịch. Những nước khác không tin Tàu nữa, do đó ảnh hưởng Tàu sẽ giảm sụt. Trước đây, họ cũng đã thấy sự kìm kẹp bằng cái bẫy vay nợ của chủ trương “một vành đai, một con đường” rồi. Một thí dụ: Tổng thống Duterte bỏ bản án Tòa Luật Biển cho Phi chiến thắng, vì muốn nịnh Tàu mà chẳng thu được lợi gì, nay lại lơ là với Tàu, quay lại Mỹ.

VOAThưa Giáo sư, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, có một chiến lược hay chính sách nào có phối hợp để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc?

Giáo sư Tạ Văn Tài: Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố bỏ Thoả ước TPP, thì vẫn để cho cấp dưới tiếp tục xác nhận quyền lợi Mỹ trên Biển Đông và Hoa Đông, vả lại các nước còn lại của TPP đã ký một Thỏa ước sửa đổi không có Mỹ , gọi là Comprehensive and Progressive Agreement for Transpacific Partnership (CPTPP) ký taị Santiago năm 2018. Trump nói sẽ quay lại TPP, nhưng lại do dự. Lại có việc đưa ra Kế hoạch Quad (4 đại cường.)

Riêng Hoa kỳ có 2018 National Defense Strategy đặt ưu tiên chống Trung Quốc. Ngoài ra, có văn bản US Strategic Approach to the People’s Republic of China [Tiếp cận Chiến lược của Mỹ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], nhằm bảo vệ an ninh, các giá trị dân chủ, nhân quyền, tài sản trí tuệ, và quyền lợi kinh tế chống các thách đố của Trung quốc. đối thủ chính của Mỹ.

Quý vị vừa nghe cuộc phỏng vấn với Luật sư Tạ Văn Tài, Tiến sĩ Chính trị học, nguyên Giáo sư Đại học Luật Harvard. VOA-Việt ngữ xin chân thành cảm ơn Giáo sư đã dành cho VOA cuộc phỏng vấn này.

Hoài Hương
Theo VOA tiếng Việt ngày 11/7/2020

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/anh-huong-cua-trung-quoc-tai-cac-truong-dai-hoc-quoc-te/5498337.html?

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*