Hay Death By China (1)
Tàu ví như một con quái vật, cả thế giới xúm nhau vổ béo, mặc dầu ai cũng biết nó có thể trở chứng bất cứ lúc nào.
Thật vậy, cách đây hơn hai thế kỷ (năm 1816), nhân đọc một tài liệu về chuyến du hành Trung hoa của vị Đại sứ Anh đầu tiên ở bên Tàu (Lord Macartney), Hoàng đế Nả Phá Luân đệ nhứt (1769-1821) của Pháp đã tiên liệu: «Một khi Tàu thức dậy, thế giới sẽ rung chuyển.» (Lorsque la Chine s’éveillera, le monde tremblera), so với thực trạng ngày nay, đó quả là một lời tiên tri.
Cách đây 46 năm (1974), học giả, vừa là chính khách nổi tiếng của Pháp – ông Alain Peyrefitte (1925-1999) – đã lấy lời tiên đoán này làm nhan đề cho một quyển sách dày trên 450 trang (nxb Fayard 1974), người đọc có thể coi đây như một cảnh báo về «họa da vàng».
Từ đó đến nay, không biết bao nhiêu nước bọt và giấy mực bàn về vấn đề này, nhiều người cho hãy còn lâu Tàu mới bắt kịp Tây phương nhứt là so với Mỹ thì khác nào một vực một trời, cũng có lập luận cho rằng Tàu sẽ tự suy vong vì không thể vượt qua bao nổi khó khăn nội bộ (bất công xã hội bùng nổ, suy yếu vì nạn tam phân ngũ liệt như thời Đông châu liệt quốc), đặc biệt với lập luận logique tây phương, cần giúp cho Tàu sung túc, dân tàu quen hưởng thụ, xã hội tàu tất sẽ tự chuyển hóa theo mô hình dân chủ tây phương, ngay hiện nay, vẫn còn một số người tin tưởng là Mỹ đã có sẵn bửu bối để trừ tà ếm quỷ, khi nào muốn, một mình Mỹ có thể xóa sổ họa da vàng, họ càng thêm phấn khích loan truyền cho nhau nhiều tin tức đại loại như: «Cú đấm của Donald Trump làm rung chuyển Trung Quốc như thế nào?!, Donald Trump cho cả Thế giới thấy nền Kinh tế TQ chỉ là ’CON HỔ GIẤY’, Bản thân TQ đã là một khối ung nhọt khổng lồ, nay chỉ cần Donald Trump chọc một lỗ nhỏ, nó sẽ vỡ nát và… ‘GAME OVER’». Tin quá đã!
Tình hình thực tế thực chứng không cho phép lạc quan như thế, không phải lo âu cho chính mình mà lo âu cho thế hệ mai sau.
Nhớ lại từ khi Tàu bắt đầu mở cửa theo chủ trương thực dụng vào cuối thập niên 1970 của Đặng Tiểu Bình (1904-1997) – cha đẻ của chính sách đổi mới, cho rằng «mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột», tín hiệu cho biết không còn xem chủ nghĩa tư bản là xấu (đối nghịch với chủ nghĩa cộng sản), bắt đầu khuyến khích phát triển đất nước theo mô hình kinh tế thị trường, lãnh đạo các nước tây phương có thể nghĩ rằng đã đến lúc cần giao thương với Tàu để chuyển hóa xã hội vốn khép kín này theo mô hình dân chủ tây phương, nay vở lẽ ra thì liệu đã muộn rồi chăng?
Nghĩ kỹ lại thì Tàu chẳng giấu giếm gì tham vọng của họ, khi đề ra chính sách «thao quang dưỡng hối», hiểu theo nghĩa thông thường là giấu mình chờ đợi thời cơ, nay thời ẩn mình đã qua, cơ xuất đầu lộ diện đang tới, Tập Cận Bình đang tỏ ra thách thức công khai thế giới nhứt là Mỹ, vòi bạch tuộc tua tủa khắp nơi, rõ rệt nhứt là nơi nào Mỹ co vòi lại là Tàu trám vào ngay, không ngần ngại công bố thời biểu thống trị thế giới.
Vậy Tàu không ngừng lớn mạnh như thế nào? Tây phương đang hụt hơi ra sao?
Do vũ khí thô sơ, thua các trận chiến tranh nha phiến (khởi từ 1839), Tàu buộc lòng chấp nhận nhiều thỏa hiệp bất bình đẳng (bồi thường chiến phí, mở cửa cho Tây phương tự do giao thương, mất một số vùng đất (nhượng địa Hong kong, Macao), kế tiếp là gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến Trung-Nhựt (1937-45), sau cùng lại phải sống dưới chế độ khắc nghiệt giáo điều cộng sản (từ 1949) do Mao Trạch Đông lãnh đạo, bị Mỹ bỏ rơi lần thứ nhứt, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra Đài Loan, lập ra Trung Hoa dân quốc, kế lại bị Mỹ bỏ rơi lần thứ hai vào năm1971 khi Nixon đi đêm với Mao Trạch Đông, chỉ thừa nhận một nước Tàu duy nhứt trong vai trò ngũ cường, tức công nhận Đài Loan thuộc Tàu, tuy vậy vẫn được Mỹ hậu thuẫn, đây là điểm mâu thuẫn kỳ lạ trong mối bang giao quốc tế, tương tự như Hong kong, trả lại đất với điều kiện được hưởng qui chế đặc biệt «nhứt quốc lưỡng chế», tức tuy thuộc Tàu nhưng vẫn duy trì hệ thống điều hành và sinh hoạt dân chủ trong thời hạn 50 năm (kể từ 1997), hiện nay thì gọng kềm của Tàu đã xiết chặt, Đài Loan thì luôn bị đe dọa.
Nên nhớ lúc bị ngũ cường xâu xé, nước Tàu rất nghèo, dân tàu đói khổ triền miên, câu chào đầu môi khi họ gặp nhau là hỏi «ăn gì chưa» (你吃了吗?Nǐ chī le ma?) thay vì hỏi thăm sức khỏe như thường thấy hiện nay (你好吗?Nǐ hǎo ma?), có thể nói nước Tàu chỉ mới thực sự bắt đầu khởi sắc từ khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, từ đó nước Tàu phát triển nhanh chóng một cách thần kỳ, tận dụng mọi thời cơ như lúc Mỹ bận rộn với nạn khủng bố vào đầu thiên niên kỷ, sa lầy ở Trung Đông cho đến tận ngày nay, khoảng cách giữa Mỹ và Tàu thu hẹp dần, nhiều dự báo kinh tế đều cho biết là Tàu sẽ vượt qua Mỹ vào giữa thế kỷ này, tức trong vòng ba thập niên nữa, ngoại trừ một biến cố quan trọng nào làm cho Tàu suy sụp, còn việc chận đứng đà phát triển hầu như bất khả thi, vấn đề còn lại là cần cố làm giảm đà tiến hiện nay, muốn thế thì cả thế giới phải hợp lực lại, tạo một thế liên minh vững chắc, tin cậy lẫn nhau, nhứt hô bá ứng khi cần, rất tiếc điều này cũng không còn nữa, nhứt là kể từ khi đầu tàu Mỹ tách khỏi đoàn tàu chạy một mình, «nước Mỹ trên hết».
Thử xem tiến độ phát triển của Tàu trong vòng 30 năm qua:
(*) Tổng sản lượng quốc gia, theo tiếng Pháp là PNB (Produit national brut global), tiếng Anh: GDP (Gross domestic product), đơn vị là tỷ Mỹ kim tính theo thời giá, nguồn tài liệu: Knoema
Đồ biểu trên cho thấy cách đây 30 năm (1900), Tàu chưa ở trong nhóm 10 nước giàu nhứt thế giới (top 10), vậy mà 10 năm sau đã ngoi lên hàng thứ 6, năm 2010 nhảy lên hàng thứ nhì sau Mỹ, qua mặt Nhựt, Đức, Pháp, Anh, từ đó tỷ lệ chênh lệch giữa Mỹ và Tàu không ngừng thu hẹp, từ 8 lần rưỡi lên còn 1 lần rưỡi hiện nay:
Trước đây, chắc không mấy ai ngờ tới, trong vòng không đầy 30 năm, từ một nước nghèo nàn lạc hậu, Tàu thu ngắn khoảng cách với Mỹ, qua mặt các cường quốc khác vươn lên ngôi vị số hai hiện nay, với đà này, chắc cũng khó (hay dễ) hình dung cục diện thế giới trong vòng 30 năm tới? Theo hầu hết các dự báo kinh tế tây phương thì vào giữa thế kỷ này, đúng vào cái mốc đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông thống lãnh nước Tàu 1949 (Mỹ bỏ rơi đồng minh lần thứ nhứt), Tàu sẽ qua mặt Mỹ, đồ biểu dưới đây thể hiện khuynh hướng đó:
Đối chiếu GDP Mỹ/Tàu (đơn vị : tỷ mỹ kim)
Sự thực, nếu quan sát kỹ thì mối bang giao quốc tế cổ kim đều bị chi phối bởi định luật:
Tương quan quốc tế = Tương quan quyền lực [sức mạnh quốc phòng] + Tương quan quyền lợi [sức mạnh kinh tế].
Nhờ đó có thể hiểu vì sao trước đây Tàu phải riu ríu ký các Hòa ước bất bình đẳng, một thời kỳ kèn cựa trong các cuộc thương lượng và bây giờ ló mòi muốn chơi trội, họ không còn ngoan ngoản chấp nhận mọi sự trừng phạt, điều này cho thấy ưu quyền toàn cầu của Mỹ đang bị thách thức.
Trong khi ngân sách quốc gia nhiều nước phát triển vẫn không ngừng thâm thủng, càng thâm thủng nặng sau vụ đại dịch Covic 19, đây là món nợ sớm muộn gì cũng phải trả, càng kéo dài, càng chồng chất, càng thiệt hại cho các thế hệ mai sau, trong số này Mỹ tuy là cường quốc số một nhưng lại mang công nợ nhiều nhứt thế giới.
Theo đồng hồ công nợ đặt tại khu Manhattan-Nửu ước, Mỹ (https://www.usdebtclock.org/)
Nợ của Mỹ ghi nhận ngày July 4, 2020
Theo các con số chính thức trên thì tổng số nợ của Mỹ hiện nay là trên 26 ngàn tỷ Mỹ kim, tăng hơn gắp đôi cách đây 20 năm, tính bổ đồng trên 80 ngàn Mỹ kim cho mỗi công dân Mỹ (nam phụ lão ấu), nguồn gốc nợ nần là do nhập cảng luôn nhiều hơn xuất cảng, hiểu
nôm na là tiêu xài vượt quá khả năng thu nhập, các chủ nợ, số nợ và tỷ lệ tiêu biểu qua hình cầu dưới đây:
Infographic: The Countries That Own the Most U.S. Debt
Chủ nợ quan trọng nhứt là Tàu (1113 tỷ Mỹ kim),… Có người nghĩ là để giảm nợ, Mỹ chỉ cần phá giá đồng Mỹ kim, số nợ tức thì sẽ giảm theo với tỷ lệ phá giá, thực tế không đơn giản như thế, vì ngoài Tàu, Mỹ còn nợ nhiều nước đồng minh khác như Nhựt (1064 tỷ), Anh (300 tỷ), Ba Tây (300 tỷ), … và tệ hại nhứt là sự phá giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính đời sống người dân Mỹ (vật giá gia tăng, tiền tiết kiệm bổng chốc mất theo tỷ lệ lạm phát), muốn bớt nợ cần giảm bớt nhập cảng, dần dần giảm bớt mức thâm thủng cán cân mậu dịch như hiện nay:
Thâm thủng cán cân mậu dịch Mỹ/Tàu (Đơn vị: tỷ mỹ kim)
Trong khi TT Trump nghĩ đơn giản là cứ tăng thuế suất nhập khẩu là có thể tái lập thế quân bình, nhưng từ khi khởi động chiến tranh thương mại từ hơn 2 năm nay (22/3/ 2018), Mỹ chẳng đạt được kết quả đáng kể nào ngoài việc tự an ủi bằng mấy lời hứa, nếu không nghiên cứu kỹ, việc vội vã sử dụng biện pháp tăng thuế suất nhập khẩu sẽ bị phản tác dụng như ném một boomerang, rốt cuộc người tiêu thụ, giới nông gia cũng như hàng chục ngàn xí nghiệp Mỹ đang ăn nên làm ra tại Trung quốc bị lãnh đạn.
Điều đáng quan ngại nữa là tuy bề ngoài ăn nói mạnh miệng nhưng ở hậu trường lại khác, nếu đúng như tiết lộ của nguyên Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong cuốn hồi ký ‘The room where it happened’, là do ám ảnh bởi cuộc tái tranh cử vào tháng 11 này, để mua lòng giới cử tri nông dân, TT Trump đã xuống nước trước Chủ tịch Tập Cận Bình, yêu cầu gia tăng nhập cảng nông sản của Mỹ, nếu việc này xảy ra thì khó ai biết “bánh ít đi bánh quy lại” (quiq pro quo) như thế nào, nhưng nhập nhằng giữa quyền lợi cá nhân với quyền lợi đất nước như thế thì quả là tai hại cho nước Mỹ khôn lường (He then, stunningly, turned the conversation to the coming US presidential election, alluding to China’s economic capability to affect the ongoing campaigns, pleading with Xi to ensure he’d win. He stressed the importance of farmers, and increased Chinese purchases of soybeans and wheat in the electoral outcome. I would print Trump’s exact words, but the government’s prepublication review process has decided otherwise. [p.277])
Một sự kiện tương tự là vụ bãi bỏ lịnh trừng phạt (vi phạm cấm vận Bắc Hàn và Iran, đánh cắp công nghệ của Mỹ) công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì (sau Huawei) của Tàu ZTE vào tháng 5-2018, hãng này chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ trong đó có khoản tiền phạt gần 1,7 tỷ mỹ kim để tiếp tục mua các linh kiện điện tử của Mỹ, giới lập pháp lo ngại việc này tác hại đến an ninh quốc gia, đó cũng là lý do chính TT Trump nêu ra để trừng phạt một tháng trước đó, giờ lại đổi ý, lý do vì sao? Theo tiết lộ của báo kinh doanh Business Insider ấn bản ngày 16/05/2017, ba ngày trước khi Washington và Bắc Kinh đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc liên quan đến tập đoàn ZTE, một ngân hàng thương mại Trung Quốc đã đồng ý cấp tín dụng 500 triệu đô la cho một dự án tại Jarkarta, chủ dự án đó chính là đế chế Trump Organization.
Nội vụ đã được kể chi tiết trong cuốn hồi ký của ông J Bolton (từ trang 267), trong đó ghi lại nguyên văn twitter của TT Trump, ông lo ngại Tàu mất quá nhiều công ăn việc làm:
Như vậy, qua lời nói hay lối hành xử biểu kiến, ông Trump là vị TT chống Tàu cộng kịch liệt nhứt (đáp ứng đúng mong mỏi của người việt tỵ nạn cộng sản), đồng thời cũng có tin Tập Cận Bình mong TT Trump tái đắc cử (theo ghi nhận phát biểu của một số người Tàu cũng như nhà bình luận tây phương), đây là một nghịch lý khó tin, nhưng nếu ai biết qua các diễn tiến hậu trường chắc không lấy gì làm lạ, giai đoạn cầm quyền của TT Trump có quá nhiều mảng tối, một số tiết lộ động trời gần đây dầu sao chỉ là muôn một, mọi việc chỉ có thể làm sáng tỏ vào thời hậu Trump.
Tuy Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng Tàu lớn nhứt, nhưng cũng đừng vội tưởng Tàu sẽ suy sụp nếu bị “ngăn sông cấm chợ”, đừng quên đối trọng là sức tiêu thụ hàng tỷ người của Tàu, cứ xem diễn tiến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Tàu hiện nay đủ rõ, nội việc Tàu ngưng mua thịt, sửa, đậu nành, … của Mỹ cũng đủ làm cho giới nhà nông Mỹ điêu đứng, ngoài ra khối nhân công vừa có tay nghề cao, vừa giá tương đối rẻ, Tàu vẫn còn là một địa điểm đầu tư hấp dẫn, cả thế giới còn đang tranh nhau khai thác, hơn nữa, mọi quyết định của Mỹ và Tây phương đều có thể gặp phản ứng trả đủa, đó là chưa nói do Mỹ chủ trương giải quyết song phương, nhiều quốc gia tây phương không ngã theo Mỹ, chưa kể họ còn có thể lợi dụng cảnh đục nước béo cò, chung qui cũng đều do tương quan quốc tế đã thay đổi mà ra cả.
Không những chỉ là thị trường tiêu thụ quan trọng, địa điểm đầu tư hấp dẫn, Tàu còn đang cạnh tranh ráo riết trong lãnh vực kỹ thuật cao, về mặt này họ thường bị chỉ trích là chôm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng làm sao triệt tiêu nạn này, một khi muốn bán các thiết bị máy móc thì phải chuyển giao kỹ thuật, còn tố cáo việc đánh cắp bằng phương tiện tình báo thì định chế quốc tế nào có thẩm quyền xét xử một tội trạng thuộc lãnh vực bí mật quốc gia, cũng đừng vội nghĩ rằng Tàu không có khả năng đổi mới, chỉ đạt được tiến bộ trên cơ sở gián điệp mạng thương mại và đánh cắp tài sản trí tuệ, nên nhớ ngoài tài bắt chước, dân Tàu còn nổi tiếng cần cù và thông minh, họ đã từng có những phát minh nổi tiếng (giấy, kỹ thuật ấn loát, thuốc súng, địa bàn, …), những nhà tư tưởng vĩ đại (Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, …), tự biết các mặt yếu kém, họ cho người ra nước ngoài học hỏi cũng như tung tiền tài trợ các các công trình nghiên cứu ngay tại nước Mỹ, chiêu dụ các chuyên viên tài giỏi ngoại quốc dĩ nhiên kể cả gián điệp công nghệ, hiện nay họ đã thực hiện nhiều bước tiến ngoạn mục trong nhiều ngành nghề khác nhau.
Thật vậy, nhiều chỉ dấu cho thấy Tàu đang cạnh tranh với Tây phương trong mọi lãnh vực, tham vọng này được công khai hóa trong Kế hoạch “Made in China 2025” (*):
Thoạt nghe tưởng là các mặt hàng thông dụng vốn đã tràn ngập thị trường tiêu thụ Tây phương hiện nay, nhưng kỳ thật khác hẳn, đích nhắm tới là các loại sản phẩm công nghệ cao như các chip điện tử bán dẫn, robot, trí thông minh nhân tạo AI, các máy siêu điện toán cực mạnh, thiết bị hàng không, không gian, vừa tự cung, tránh lệ thuộc các linh kiện ngoại quốc vừa tranh đoạt thị trường thế giới, điển hình như hệ thống mạng truyền thông 5G hiện nay, các đầu máy xe lửa cao tốc, các loại phi cơ dân dụng có thể cạnh tranh với các hãng Boeing, Airbus trong tương lai gần, các phương tiện quốc phòng (tự chế hàng không mẫu hạm), các dự án chinh phục không gian (dự án lập trạm không gian có người thường trú như Skylab – NASA của Mỹ, …)
Nhưng trên đây chỉ là bước khởi đầu, tham vọng của Tàu chưa dừng ở đó, giấc mơ Trung hoa còn to lớn hơn nhiều, họ đã vạch ra kế hoạch thực hiện các bước kế tiếp, đến năm 2035 phải ở trong nhóm 5 nước công nghệ hàng đầu thế giới, và bước ba dự trù đến giữa thế kỷ này, vào đúng ngày kỷ niệm 100 năm ngày thành lập chế độ cộng sản (1949), họ sẽ chiếm vị trí hàng đầu cường quốc chế tạo thế giới, càng quan trọng hơn nữa là đánh dấu kết thúc một thế kỷ ô nhục (bách niên quốc sỉ) khởi đầu từ cuộc chiến tranh nha phiến 1840 (1840 – 1949), nên việc cạnh tranh giữa hai cường quốc, thương mại có thể chỉ là phần nổi của tảng băng, dễ sợ là ở điểm đó, dĩ nhiên giấc mộng này có trở thành hiện thực hay không, kéo dài bao lâu còn tùy thuộc tương quan thế lực giữa đôi bên.
Trong khi Tàu có kế hoạch dài hạn và quyết tâm theo đuổi thì cường quốc số một thế giới hiện nay do giới hạn nhiệm kỳ lãnh đạo là 4 năm, dài nhứt là 8 năm, nhưng chính sách đường lối lại thiếu nhứt quán (quan niệm chỉ đạo khác nhau giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa), chưa kể vị sau có thể phá hỏng các công trình xây dựng của các vị tiền nhiệm, điển hình như TT Trump hiện nay, kể cả rút khỏi hay coi thường các cam kết quốc tế, việc kiến tạo đòi hỏi thời gian lâu dài nhưng phá bỏ thì chỉ trong khoảnh khắc, trong lúc Tàu cố tỏ ra hào phóng để vươn cái vòi bạch tuộc ra năm châu bốn biển thì Mỹ hiện nay cố co vòi lại với chủ trương “nước Mỹ trước đã”, …, lợi thế về phía nào như vậy đã rõ, dầu vậy vẫn có người lạc quan tin là Tập Cận Bình không tài nào đở nỗi những phản ứng loạn xạ của Trump, nhưng cái thế “vô chiêu thắng hữu chiêu” dường như chỉ có trong truyện kiếm hiệp Kim Dung.
Theo hai chuyên gia Pháp, Sophie Boisseau du Rocher và Emmanuel Dubois de Prisque, đồng tác giả, tập sách «La Chine e(s)t le monde» (Trung Quốc là/và thế giới), lấy cảm hứng từ thuật cờ vây, Trung Quốc đẩy các con tốt «đi từng bước một sao cho không mang lại cảm giác bị tấn công», không làm dấy lên một sự phản đối, «cho đến cái ngày mà người ta phát hiện ra, thì lực bất tòng tâm, những con tốt đó đã dệt thành một mạng lưới».
Chuyện đua tài giữa rùa và thỏ tưởng chỉ có trong huyền thoại cổ tích nào ngờ lại sắp xảy ra trong thời hiện đại?
Phải chăng Tàu đang áp dụng binh pháp Tôn Tử: “Bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã, bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã.” (vị tướng đánh trăm trận trăm thắng, chưa phải là vị tướng giỏi trong các vị tướng giỏi, vị tướng không cần xuất quân mà khuất phục được binh lực đối phương mới thực là vị tướng giỏi trong các vị tướng giỏi). Chính giới trí thức Mỹ cũng nhận ra điều này, theo ông Joseph Nye: «Đã qua rồi thời kỳ chỉ biết có diệu võ dương oai, mà phải sử dụng mọi ưu điểm về tư tưởng, văn hóa, chính trị, … để thuyết phục và lôi kéo thế giới, ông gọi đó là ‘nhu lực’ (soft power) khác hẳn với chủ trương ‘cây gậy và củ cà rốt’ (hard power).» (2).
Nhưng theo tâm lý chung, ai có sức mạnh hơn người thường chơi trội, thích sử dụng cơ bắp hơn là lý lẽ thuyết phục, vô tình làm suy yếu thế liên minh, cũng chính là tự làm suy yếu mình.
Âu cũng phù hợp với quy luật tự nhiên sinh – trưởng – thu – tàn, cái gì lên đến tột đỉnh rồi cũng phải rơi xuống, nhìn lại chiều dài lịch sử của nhân loại, bao nhiêu nền văn minh rực rỡ đã nối tiếp suy tàn, thậm chí không còn để lại dấu vết, lịch sử cận đại đã minh chứng, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha vẫy vùng năm châu bốn biển trong thế kỷ 17, 18, kế đến Anh, Pháp làm mưa làm gió trong thế kỷ 19 rồi Mỹ, Liên Xô gần như chia đôi thiên hạ trong thế kỷ 20, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ chiếm địa vị độc cho đến ngày nay, vị trí này đang bị thách thức nghiêm trọng.
Nhân loại sắp bước vào một giai đoạn cực kỳ rối ren, đầy bất trắc, giai đoạn này chưa biết kéo dài bao lâu nên cần phải tập làm quen dần cũng như đang phải cố làm quen với bịnh dịch hiện nay vậy.
LÊ VĂN TƯ
(7-2020)
Ghi chú:
(1) Tên tựa sách của ông Peter Navarro, ấn hành 15/5/2011
(2) Tuần báo le nouvel Observateur (5-11/9/2002): Pour une hyperpuissance soft
– https://levantu39.wordpress.com/
– https://levantu39.wordpress.com/hoặc chuyên đề quốc tế
Be the first to comment