“Tôi ở chơi mấy tháng Hè với bà chị tôi, cùng khi đó thì cháu trai con bả bị bệnh trái dạ. Tôi cứ sợ bị lây. Tôi năm nay đã gần ba mươi tuổi rồi, liệu tôi có bị lây bệnh không bác sĩ và làm sao ngừa bệnh này”?
Cô Hương – SaiGon Nhỏ
Xin góp ý như sau.
Nếu trong đời cô chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu, thì cô vẫn bị lây, vì bệnh này có thể xảy ra ở người lớn cũng như trẻ con. Khi gần người bệnh, ta có 90% nguy cơ bị lây, và bệnh cũng rất nguy hiểm vì vài biến chứng của nó như sưng phổi, viêm não, nhiễm độc ngoài da.
Hàng năm, ở Mỹ, có tới hơn 60.000 người lớn bị bệnh thủy đậu.
Nguyên nhân
Bệnh do loại virus varicella-zoster (human herpesvirus type 3). Bệnh lan truyền do không khí chứa siêu vi trùng gây bệnh, khi người bệnh ho, hắt hơi virus sẽ phát tán trong không khí hoặc do tiếp xúc với chất nước ở những mụn đậu, nước mũi người bệnh.
Bệnh bắt đầu lây khoảng hai ngày trước khi mụn đậu xuất hiện, kéo dài cho tới khi mụn đậu khô và đóng vẩy.
Ai hay bị bệnh
Những người sau đây hay bị lây bệnh, nếu chưa bao giờ bị bệnh, và khi làm việc ở môi trường nhiễm bệnh:
• giáo chức dạy học sinh nhỏ tuổi,
• nhân viên chăm sóc trẻ em ở trung tâm giữ trẻ,
• học sinh trung học,
• nhân viên quân đội, thân nhân người có bệnh thủy đậu, nhân viên y tế.
• Vì bệnh này có ở mọi quốc gia, nên khi ta đi du lịch, cũng cần cẩn thận.
• Phụ nữ có thai mà chưa bị bệnh thủy đậu bao giờ, cũng có nhiều nguy cơ lây bệnh, và bệnh có thể gây nhiều khó khăn cho cả mẹ lẫn thai nhi như sanh non, sưng phổi, hài nhi mang tật nguyền ở tứ chi, thủy tinh thể đục.
Hiện nay, khi nhập cảnh Hoa Kỳ, người nhập cảnh bắt buộc phải khai đã có bệnh hay đã được chích ngừa thủy đậu. Trường hợp của cô, nếu chưa bao giờ bị bệnh thủy đậu, thì cô có nhiều nguy cơ mắc bệnh này, đề nghị cô đi khám bác sĩ để chích ngừa.
Mỗi năm, ở Mỹ có tới cả hơn 4 triệu trẻ em tuổi từ 1 đến 14 tuổi mắc bệnh này, cả gần 10.000 phải nhập viện vì bệnh nặng.
Dấu hiệu
Bệnh xuất hiện sau 2-3 tuần lễ tiếp xúc với người bệnh.
Bệnh nhân thấy đau nhức cùng mình, nóng sốt, ăn mất ngon. Vài ngày sau, mụn đậu bắt đầu xuất hiện, trước hết là ở ngực, bụng, lưng rồi lan lên mặt, tay chân. Trung bình có từ 100 tới 250 mụn, phẳng đỏ, rồi chứa đầy nước trong trước sau đó đổi ra đục lờ. Độ 1 tuần lễ sau mụn khô và đóng vẩy. Hai tuần sau, vẩy rụng để lại vết sẹo. Các mụn này rất ngứa, khi gãi dễ gây nhiễm độc ngoài da.
Tất cả trẻ em nếu chưa mắc bệnh, đều có thể bị thủy đậu, nhất là ở tuổi đi học, hoặc ở các nhà giữ trẻ. Khi trẻ con bị bệnh, cần nghỉ học cho tới khi các mụn hoàn toàn khô, để tránh truyền bệnh cho người khác.
Điều trị
Ở trẻ em, bệnh thường không trầm trọng. Ngược lại, bệnh nặng hơn ở người đứng tuổi, bệnh nhân bị rối loạn tự miễn hoặc đang hóa trị, dung nhiều corticosteroid.
Với bệnh nhẹ, chỉ cần chăm sóc điều trị dấu hiệu.
Với ngứa da, áp khăn thấm nước lạnh hoặc thoa thuốc chống histamine (benadryl…)
Không gãi mụn ngứa hoặc chọc vỡ mụn nước để tránh nhiễm với vi khuẩn lạ và lây lan bong nước với hậu quả là các vết sẹo khó coi, khiến bé bị mặc cảm khi lớn lên.
Tắm rửa thường xuyên, giữ quần áo sạch sẽ.
Không thoa kem kháng sinh, không thoa phấn rôm trên vùng da bị nhiễm.
Nếu bội nhiễm, có thể uống kháng sinh do bác sĩ biên toa.
Trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể cho dùng thuốc chống virus như acyclovir, famciclovir.
Hậu quả lâu dài
Sau khi bệnh thủy đậu lành, siêu vi này có thể ở tình trạng nằm ngủ cả nhiều năm trong hạch của rễ sau dây thần kinh tủy sống, rồi đến một thời gian nào đó sẽ tái hoạt động và gây ra bệnh Zona-thần-kinh còn gọi là shingles.
Shingles có ở mọi lứa tuổi nhưng thường hay thấy từ 50 tuổi trở lên.
Bệnh cũng thường có ở:
– Người bị suy giảm tính miễn dịch
– Người nhiễm HIV
– Người bị bệnh đang ở trong tình trạng tăng phát triển tế bào mới như ung thư
– Bệnh nhân đang điều trị với hóa chất ức chế miễn dịch
– Người tiếp nhận ghép bộ phận cơ thể
– Sau những căng thẳng tinh thần.
Virus tấn công rễ dây thần kinh tủy và vùng da chịu ảnh hưởng của dây thần kinh này.
Chủng ngừa
Hiện nay, đã có thuốc chích ngừa bệnh thủy đậu như Vavirax.
Hội Nhi Hoa Kỳ và Trung tâm CDC đưa ra đề nghị chích ngừa như sau:
Khi em bé ở tuổi 12 tới 15 tháng thì chích liều đầu tiên.
Khi bé được 4-6 tuổi thì chích lần thứ hai.
Người từ tuổi 13 trở lên mà chưa bao giờ chích ngừa thủy đậu cần chích hai lần, cách nhau từ 4 đến 8 tuần lễ.
Người từ 13 tuổi trở lên mà chỉ chích một lần và chưa bị bệnh trái rạ thì chích liều thứ hai.
Phụ nữ trong tuổi có thai và người mang bệnh mãn tính đều cần chích ngừa.
Đậu mùa thường xẩy ra vào mùa Đông-Xuân từ tháng 2 đến tháng 5, cao điểm là tháng 3-4. Vì vậy nên chích ngừa trước thời điểm này để được bảo vệ với bệnh.
Vaccin có thể tạo ra mấy rủi ro nhẹ như nóng sốt, hơi sưng đảu chỗ kim chích hoặc nổi ban da rất nhẹ. Hãn hữu lắm mới có phản ứng mạnh như cơn co giựt, sưng phổi.
Một số rất nhỏ các em (2%) đã chích ngừa mà vẫn có thể bị trái rạ, nhưng bệnh thường là nhẹ hơn.
Thuốc chủng ngừa cũng bảo vệ nếu ta vừa tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 72 giờ.
Không chủng ngừa nếu:
– đang bị bệnh trầm trọng
– đang có thai
– đang dùng thuốc corticosteroid liều cao
– bị rối loạn tự miễn, suy nhược miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư hoặc nhận cấy ghép tạng phủ
– dị ứng với kháng sinh neomycin
– trẻ em đang uống thuốc loại salicylate vì rủi ro bị hội chứng Reye với.
Phụ nữ mới chích ngừa cần đợi một tháng rồi mới có thai.
Thuốc chích ngừa trái rạ được hợp thức hóa tại Hoa Kỳ từ năm 1995, rất công hiệu và đã giảm thiểu số người bị bệnh. Theo thống kê kết quả ở Mỹ và Nhật, thuốc ngừa có công hiệu kéo dài từ 10 tới 20 năm.
Một số tiểu bang tại Hoa kỳ bắt buộc phải có giấy chứng nhận chích ngừa thủy đậu trước khi trẻ em được nhận vào nhà giữ trẻ hay trường mẫu giáo.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Be the first to comment