Đỗ Văn Phúc: Người Bạn Đồng Minh, Một Tấm Lòng…

Đại Úy Dennis Kim và các chiến sĩ Biệt Động Quân năm 1966

Cựu Đại Úy Dennis S. Q. Kim là người Mỹ gốc Đại Hàn, gia nhập Quân Lực Mỹ ngày 12 tháng 6 năm 1964. Ông tham chiến ở Việt Nam hai vòng. Lần đầu từ tháng 6, 1966 đến tháng 6, 1967 với tư cách Cố Vấn cho các Tiểu Đoàn 34, Tiểu Đoàn 38 BĐQ. Lần thứ hai là từ tháng 6, 1968 đến tháng 6, 1969 và được bổ nhiệm làm Cố Vấn Trưởng tại Khoa Chiến Thuật của Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân ở Dục Mỹ. Trong hình trên, ông Kim (người đứng thứ 4 từ phải) chụp với Ban Chỉ Huy Tiểu Đoàn 34 BĐQ vào năm 1966 trong khi chờ Trực thăng vận vào Chiến Khu D. Người cúi bên cạnh ông Kim là Thiếu Tá Nguyễn Văn Xiển, Tiểu Đoàn Trưởng.

Tuy đã về hưu từ lâu, ông vẫn giữ mối tình son sắt với những chiến hữu VNCH, nhất là các cựu quân nhân Biệt Động Quân. Ông có một bộ sưu tập khá đầy đủ các phù hiệu, huy hiệu QLVNCH cả từ thời xa xưa khi còn là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Tháng 4 năm này 2020, ông Kim đã thực hiện một chuyến đi Việt Nam trong một tuần, không phải kiểu du lịch vui chơi, mà là trở về chiến trường xưa để thoả mãn ký ức và đồng thời, tìm gặp lại các chiến hữu Việt Nam từng sát cánh chiến đấu với ông hơn 50 năm trước. Ông cũng bỏ thì giờ và tiền túi để gặp gỡ họ, rồi cùng thăm viếng thắp nhang cho tử sĩ VNCH ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà. Ông còn thăm mộ hai anh em cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai và một ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ VNCH.

Ngày thứ hai của chuyến đi, ông đã cùng vài bạn cũ vượt 300 cây số đường bộ để thăm một cô con gái người chiến hữu cũ mà lúc ông còn tại chức, bà này chỉ vừa lên 6 tuổi. Trong hồi ký, ông viết lên những cảm tưởng xúc động khi thấy các cựu chiến sĩ VNCH phải chịu đựng hàng nửa thế kỷ những bạc đãi, kỳ thị phi lý từ phía nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. (All have suffered under the present rule, and have continued to suffer under the victor’s boot. No matter what is told, I have seen and better understand NOW what they and their families are presently experiencing 44 years later.)

Ngày thứ 6 của chuyến đi, ông Kim viếng thăm mộ phần của cố Chuẩn Tướng Trần Văn Hai và cố Trung Tá Nguyễn Văn Xiển, là vị Tiểu Đoàn Trưởng mà ông Kim từng sát cánh trong vai trò cố vấn. Ông Kim cho hay ông từng gặp cố Chuẩn Tướng Trần Văn Hai khi Tướng Hai còn là Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân. Tại mộ phần hai vị này, ông Kim đã dọn mâm cơm thịnh soạn theo cung cách truyền thống của người Việt Nam và đã rót rượu dâng hiến hai người chiến hữu mà ông quý mến. Trước khi rời, ông còn bỏ tiền túi ra tặng người quanh đó và yêu cầu họ chăm sóc các bia mộ chu đáo.

Sau đó, ông Kim cùng các cựu chiến hữu đi thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà và một ngôi mộ tập thể mà các hài cốt được gom góp từ nhiều nơi khác nhau. Ông bày tỏ sự căm giận khi khu mộ này cũng bị nhà cầm quyền đưa vào vùng đất quy hoạch phát triển. Ông coi đó như là sự thù hận của Cộng Sản miền Bắc đối với người miền Nam vẫn còn dai dẳng chưa ngưng.
Ông Kim cũng không bỏ qua cơ hội đến thăm mộ phần cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Ông buồn vì hai ngôi mộ này quá đơn sơ so với những ngôi mộ khác trong nghĩa trang. Ông cũng cho biết có những đôi mắt cú vọ theo dõi họ khi đến thăm nghĩa trang này.

Kết thúc chuyến đi ông bày tỏ cảm giác vừa vui vừa buồn. Một trong những kỷ niệm không vui là việc quấy nhiễu của một chú bé đánh giày ma mánh; nhưng bù lại, ông đã rất vui khi gặp một em bé gái bán vé số hồn nhiên, phúc hậu. Cũng chuyến đi này, ông đã nhận đươc một phiên bản bức tượng ba người lính Biệt Động Quân mà trước 1975 đã được dựng lên ở Ngả Sáu Sài Gòn. Bức tượng nhỏ này là quà của một người bạn ở Pháp đã giữ cho ông từ ba năm nay mà đến phút chót ông mới tìm cách đem ra khỏi Việt Nam vì trong những ngày ở đây, ông luôn bị theo dõi bởi đám công an chìm nổi. Là một nhà sưu tập các vật dụng chiến tranh Việt Nam, ông cũng nhận được từ một cựu binh sĩ Pháo Binh Dù VNCH một chiếc nón sắt mà anh này từng đội khi còn ở quân trường.

Trong một tấm ảnh chụp tại Châu Đốc, trên vách tường một trường học nơi ông Kim đến, đã có ai đó viết vội lên hai chữ Anh ngữ “You Me” như một thông điệp ngắn gọn chào mừng ông. Điều này làm ông vô cùng xúc động.

Qua hồi ký kèm hàng chục tấm hình mà cựu Đại Úy Dennis Kim đăng trên trang face book của ông, chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng son sắt của một bạn đồng minh tuy chiến tranh đã kết thúc 45 năm qua. Thật xót xa khi so với những cựu quân nhân VNCH ngày nay áo gấm về làng, đi về nước Việt Nam còn trong tay kẻ thù để vui chơi, làm ăn buôn bán hay thụ hưởng tuổi già và khi trở lại Hoa Kỳ thì chỉ biết phô trương những hình ảnh cọ má kề vai với các cô gái trẻ hở hang bên chiếc bàn ê hề rượu thịt.

Nhân ngày Memorial, chúng tôi xin gửi muôn vàn lời cám ơn và khâm phục đến cựu Đại Úy Dennis Kim.

Texas, Memorial Day – May 25, 2020

Đỗ Văn Phúc

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*