Lại Tư Mỹ: Bài Phát Biểu Của Trưởng Ban Tổ Chức Ngày Giỗ Cố TT Ngô Đình Diệm 26/10/2018 Tại Boston

Kính thưa quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, quý vị đại diện chính quyền Tiểu bang Massachusetts, quý Hội đoàn, đoàn thể, quý cơ quan truyền thông báo chi, cùng quý đồng hương kính mến.
Đại diện Ban tổ chức, chúng tôi trân trọng chào mừng sự hiện diện của quý vị trong ngày Lễ trọng đại, kỷ niệm ngày khai sinh Việt Nam Cộng Hòa, ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 lịch sử, đồng thời tưởng niệm đến cái chết bi thương của vị sáng lập nền đệ nhất Cộng Hòa: Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm và Bào đệ của Người là Ông Cố vấn Ngô đình Nhu
Kính thưa quý vị, là người Việt Nam, cứ vào những ngày tháng này, lòng chúng ta lại tràn đầy những cảm xúc vô cùng mãnh liệt, hân hoan, vui sướng, tự hào, vì cách nay đúng 62 năm, Việt Nam chính thức là Quốc gia độc lập, thoát khỏi gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp, nền Quân chủ, phong kiến cáo chung, và một nước Việt Nam Cộng Hoà được khai sinh, ngày Quốc Khánh 26 tháng 10 năm 1956 được long trọng tuyên cáo trước quốc dân và toàn thế giới. Nhưng đồng thời, chúng ta bùi ngùi, xúc động và tiếc thương, vị sáng lập những điều tốt đẹp nhất này cho Việt Nam thân yêu đã bị thảm sát: Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm, chúng ta thành tâm, trong Lễ giỗ lần thứ 55 này, cầu nguyện cho Linh hồn Gioan Baotixita Ngô đình Diệm và Giacôbê Ngô đình Nhu, bào huynh của Người được yên nghỉ trong ân sủng của Thiên Chúa.
Kính thưa quý vị, trong lịch sử dân tộc, có lẽ, chưa một giai đoạn nào bi thảm như thời gian vừa qua, khi thế chiến lần thứ 2 kết thúc, với sự phân chia vùng ảnh hưởng của các cường quốc, sự bành trướng mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt tại Việt Nam, lợi dụng cơ hội, chính quyền Pháp tại Đông dương bị quân đội Nhật đảo chính vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, cộng sản Việt Nam cướp chính quyền, tuyên bố ngày 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Độc lập, ngày Quốc khánh, nhưng thực tế, ngày 6 tháng 3 năm 1946, Hồ chí Minh ký hiệp ước sơ bộ, chính thức cho phép Pháp quay trở lại miền Bắc, mục đích là mượn tay người Pháp để tiêu diệt các đảng phái Quốc gia, chỉ một thời gian ngắn, vì quyền lợi mâu thuẫn, Hồ chí Minh phát động cuộc chiến tranh Việt Pháp vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, áp dụng chính sách “tiêu thổ kháng chiến” hủy hoại toàn bộ đất nước và tài sản quốc gia một cách vô ích, nhưng mục đích thâm sâu của Cộng sản là tiêu diệt toàn bộ giai cấp “Trí, Phú, Điạ Hào” tại miền Bắc.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Thỏa hiệp Geneve ký kết chia đôi lãnh thổ Việt Nam, Miền Bắc thuộc Việt Minh nắm quyền, lấy sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Viêt Minh trên bàn Hội nghị Geneve công nhận Pháp nắm quyền kiểm soát dân chúng miền Nam, do cựu Hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng trong Liên hiệp Pháp, với ý đồ tổ chức cuộc Tổng tuyển cử vào năm 1956 để nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam.
Trong tình thế nguy cấp đó, Cựu Hoàng Bảo Đại nhận thấy không đủ khả năng để giữ vững Miền Nam tự do, nên đã khẩn thiết yêu cầu Chí sỹ Ngô đình Diệm về nước chấp chánh, đảm nhận vai trò Thủ Tướng
Ngày 20 tháng 6 năm 1954: Chí sỹ Ngô đình Diệm đáp lời mời của Quốc Trưởng Bảo Đại về nước với tư cách Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 7 tháng 7 năm 1954: Thủ tướng Ngô Đình Diệm chính thức nhậm chức, nơi làm việc của Thủ tướng tại Dinh Gia Long, Sài gòn, có toàn quyền về dân sự cũng như về quân sự trong tình trạng vô cùng rối ren, không có thực quyền, Ngân sách Quốc gia trống rỗng, lực lượng vũ trang nằm trong tay các giáo phái cát cứ theo từng vùng, riêng Quốc trưởng Bảo Đại có Ngự Lâm quân, quân đội của Quốc gia dưới quyền Tướng Nguyễn Văn Hinh, mà Nguyễn Văn Hinh là dân Tây có quốc tịch Pháp mang huy hiệu, cấp bậc Pháp, coi thường các viên chức Việt Nam, trong khi quân Pháp nắm quyền kiểm soát lực lượng viễn chinh của mình.
20 tháng 7 năm 1954: thỏa hiệp Geneve chia đôi đất nước!
3 tháng 8 năm 1954: Thời hạn 300 ngày để nhân dân hai miền lựa chọn theo Quốc gia hay theo Cộng sản. Kết quả gần 1 triệu đồng bào miền Bắc ồ ạt bỏ làng quê trốn chạy di cư vào Nam tìm cuộc sống Tự do.
Trong thời gian này, Thủ tướng Ngô Đình Diệm đã khôn khéo thu hồi thực quyền Quốc gia, quy tụ các lực lượng vũ trang Giáo phái, thống nhất quân đội, những tướng lãnh chủ soái có tên như Nguyễn Giác Ngộ, Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh, Nguyễn Thành Phương, Lương Trọng Tưởng, Trịnh Minh Thế … đều mang quân quy thuận trong tinh thần Quốc gia thống nhất, đồng thời, ổn định an cư lạc nghiệp cho đồng bào miền Bắc di cư vào Nam.
Tướng Bảy Viễn với lực lượng Bình Xuyên chuyên khai thác cờ bạc, mại dâm, ma tuý, có tài chánh dồi dào, được người Pháp và Cựu Hoàng Bảo Đại ủng hộ, một mình không đủ uy tín để kêu gọi các giáo phái, các lực lượng chính trị hợp tác, nên Ông yêu cầu Quốc trưởng gởi sứ giả về Việt Nam, kêu gọi các giáo phái và Bình Xuyên hợp tác để chống Ngô đình Diệm.
Lấy cớ để đưa Thủ tướng Ngô đình Diệm ra khỏi Việt Nam, ngày 28 tháng 4 năm 1955, Quốc trưởng Bảo Đại ra chỉ thị, triệu tập Thủ Tướng Ngô đình Diệm trình diện Quốc trưởng tại Pháp để tường trình tình hình.
30 tháng 4 năm 1955: Một cuộc họp lịch sử do Thủ tướng Ngô đình Diệm triệu tập tại Dinh Độc Lập, như là một quốc dân đại hội thu hẹp, gồm các nhân sỹ và đại diện của 18 đoàn thể chính trị miền Nam lúc bấy giờ để góp ý kiến chung trước khi quyết định Thủ tướng có nên đi Pháp hay không.
Cuộc họp đã nhanh chóng chuyển biến thành Ủy ban Cách mạng Quốc gia, bác bỏ lệnh triệu tập của Bảo Đại, và đưa ra 4 nghị quyết:
– Truất phế Bảo Đại – Giải tán Chính phủ Ngô đình Diệm (do Bảo Đại đề cử) – Ủy nhiệm cho Ngô đình Diệm thành lập Tân Chính phủ – Đề nghị đòi Pháp rút khỏi Việt Nam.
22 tháng 7 năm 1955: Tiếng nói của chính quyền Miền Nam lên án thực dân Pháp và Cộng sản chia đôi Lãnh thổ: Ngày Quốc Hận đầu tiên.
24 tháng 9 năm 1955: Tân chính phủ của Thủ tướng Ngô đình Diệm thành lập gồm 21 thành phần đông đủ, tôn giáo và các đảng phái miền Nam.
23 tháng 10 năm 1955: Trưng cầu dân ý, hoàn toàn truất phế Bảo Đại, kiến lập nền Cộng Hoà và suy cử Ngô đình Diệm làm Tổng Thống.
Quốc Hội Lập hiến đã được triệu tập ngay sau đó, ngày 26 tháng 10 năm 1956 là ngày ban hành Hiến Pháp, nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Ngô đình Diệm long trọng tuyên bố trước Quốc Dân và công luận thế giới sự hình thành nước Cộng Hòa Việt nam, thành viên mới của Thế giới Tự Do, chấm dứt trọn vẹn nền thống trị của chế độ thực dân Pháp.
Đại Lễ tiến hành tại tiền đình dinh Norodom, Sài gòn, nơi soái phủ, thực dân Pháp bắt buộc phải trao trả cho Việt nam Cộng Hoà, và trở thành Dinh Độc Lập, biểu tượng thực quyền của Việt Nam.
Kính thưa quý vị, những ngày tháng trọng đại của Dân tộc Việt nam mà chúng tôi lược qua, chẳng phải đơn thuần mà có được, nhiều người cho rằng như một phép nhiệm mầu! Ngô Đình Diệm, với một tinh thần qủa cảm, một ý chí sắt đá, một nghị lực phi thường, một cuộc sống đạo đức và thánh thiện, một quá khứ chống cộng và chống thực dân Pháp không tỳ vết và đặc biệt hơn cả, là tài lãnh đạo sáng suốt và một viễn kiến chính trị sâu sắc và đứng đắn. Đó là việc phải đáp ứng được khát vọng sâu xa nhất và gần như thiêng liêng về việc khôi phục toàn vẹn chủ quyền và nền độc lập thực sự cho toàn dân sau nhiều năm lệ thuộc ngoại bang. Nhờ đó, chỉ trong 18 tháng cầm quyền, ông đã hoàn toàn xoay chuyển được tình thế, biến một vùng đất hỗn loạn triền miên vì chiến tranh thành một Quốc gia ổn định, có kỷ cương và luật pháp, xây dựng một Quân đội Quốc gia có kỷ luật, có khả năng và tinh thần chiến đấu cao độ, sau hết, ông đã kiến tạo thể chế dân chủ, tự do, tiến bộ và đầy hiệu năng với sự hậu thuẫn nhiệt tình của tuyệt đại đa số dân chúng thời đó.
Tiếc thay, vận nước nổi trôi, ước mơ của người Công chính, một lòng vì Dân, vì nước không đạt, vì không đáp ứng những đòi hỏi liên quan đến chủ quyền Quốc gia mà người bạn đồng minh đòi hỏi. Hệ quả tất yếu là tính mạng bị hy sinh và nền Cộng hòa sụp đổ, mở đường cho cộng sản thôn tính Miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975! Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ và tri ân người quá vãng, nhân kỷ niệm Lễ Giỗ lần thứ 55 của Cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô đình Diệm.
Kính thưa quý vị, 43 năm đã trôi qua, cả nước đã quy về một mối, một mối điêu tàn, một mối tang thương, luân lý suy đồi, người dân sống trong tủi nhục hờn căm, giặc tầu đã vào tận hang cùng ngõ hẻm trên quê hương ta! Chưa bao giờ người dân Việt nam hoài niệm và tiếng nuối những ngày tháng thanh bình thịnh vượng mà người dân miền Nam được hưởng dưới chế độ Việt Nam cộng hòa. Hãy cùng hãnh diện và quảng bá đến mọi người dân Việt nam trong nước cũng như hải ngoại, tinh thần ngày Quốc Khánh 26 tháng 10, để từ đó, chúng ta có một mục đích để vươn lên, để tranh đấu cho Việt nam quê hương yêu dấu của chúng ta được độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc như Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hoà đã quy định.
Trân trọng kính chào toàn thể quý vị

Lại Tư Mỹ

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*