NHO
Nho là loại quả mọng xanh hoặc tím mọc thành chùm trên cây leo. Nho có thể ăn tươi hoặc dùng làm rượu vang.
Cũng như nhiều loại trái cây khác, nho có nguồn gốc ở vùng Trung Á, nhưng ngày nay nho được trồng ở khắp mọi nơi.
Loại nho
Nho gồm có hai loại chính: nho Âu châu để ăn và làm rượu; nho Mỹ để lấy nước, làm mứt. Theo nhiều người, nho Âu châu ngon hơn và có nhiều chất dinh dưỡng hơn nho Mỹ. Có nho trắng và nho đỏ, nho có hột và không có hột.
Các loại nho thường dùng là: nho vỏ xanh Thompson không hột, Calmeria, Almeria, Perlette; nho vỏ đỏ tươi như Tokay và Red malaga; nho đỏ Emperor; nho đen Ribier; nho xanh đen Concord.
Giá trị dinh dưỡng
Nho có nhiều đường, sinh tố C và một ít chất xơ.
Khi mua nên lựa nho mập chắc, mầu tươi, dính vào cuống còn xanh và dễ uốn. Nho có vỏ nhăn, thịt nhũn là đã hư.
Mang nho về, nếu chưa ăn ngay thì gói trong túi nylon, cất trong tủ lạnh. Không nên rửa nho trước khi cất vì nước đọng lại làm nho mau hư.
Nho rất dễ ăn và vẫn được coi như một thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng.
Tác dụng y học
Nho đỏ có hóa chất Resveratrol, được coi như có công dụng làm giảm nguy cơ bệnh động mạch vành.
Một nhóm nghiên cứu gia tại Đại học Illinois thấy là Resveratrol còn có đặc tính chống viêm tế bào và chống ung thư.
Năm 1927, bác sĩ A.M. Liebstein ở Nữu Ước tuyên bố với các đồng nghiệp rằng nho rất tốt cho mọi chứng khó chịu bao tử, cảm sốt, bệnh gan, thận và nhiều bệnh khác nữa. Năm sau đó, một kiều dân Nam Phi nói là nho chữa khỏi bệnh ung thư bụng của bà ta.
Các nhà nghiên cứu tại Canada lại nói là nho có thể tiêu diệt một số virus cấy trong phòng thí nghiệm.
Ăn nho
Nho có thể ăn nguyên trái, làm xà lách hoặc xay thành nước nho. Nho là trái cây lý tưởng để làm rượu vang.
Nho khô cũng rất phổ biến và có nhiều đường. Một cốc nho khô khoảng (200mg) có khoảng 400 calori, với 3g sắt, 10g chất xơ, 1090 mg kali.
Để có 1kg nho khô cần có 4kg nho tươi. Nho khô là món trái cây khô được nhiều người ưa thích. Hiện nay, tiểu bang California của Hoa Kỳ sản xuất nho khô nhiều nhất trên thế giới, rồi đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ý.
Xin lưu ý những ai bị dị ứng với aspirin là trong nho có acid salycylates, hoạt chất chính của aspirin.
DƯA
Theo các nhà thực vật học thì dưa có nguồn gốc từ châu Phi rồi lan tràn sang các nước châu Á, châu Âu.
Vào thế kỷ thứ 15, dưa xâm nhập Pháp quốc và làm nhiều người ưa thích đến nỗi một văn nhân thời ấy đã viết bài ca tụng, liệt kê hơn năm mươi cách ăn dưa gồm cả nấu súp, rán ăn với muối và hạt tiêu… Các truởng giả nước Anh còn kiêu hãnh trồng dưa trong nhà lồng kính của mình để làm cây cảnh.
Từ Anh, dưa được đưa sang châu Mỹ.
Ngày nay dưa được trồng khắp nơi, nhất là các quốc gia có diện tích trải rộng theo nhiều miền khí hậu khác nhau như Hoa Kỳ, Úc Châu.
Các loại dưa
Có nhiều loại dưa khác nhau như dưa đỏ (canteloupe), dưa bở ruột xanh (honeydew), dưa hấu (water melon), dưa casaba, dưa crenshaw….
Mặc dù chứa nhiều nước, nhưng dưa cũng có nhiều chất dinh dưỡng như carbohydrate, đường, chất xơ hòa tan pectin; folate, sinh tố C, kali. Dưa mầu vàng có nhiều sinh tố A và beta carotene.
Nửa trái canteloupe có 2g chất xơ, 2860mcg sinh tố A, 45mcg folate và 113 mg sinh tố C.
Dưa hấu có ít những chất vừa kể hơn: một miếng dưa hấu có 535mcg sinh tố A, 11mcg folate, 46 mg sinh tố C.
Dưa có ít năng lượng: một miếng dưa 120g cung cấp 35 calori. Vì thế ăn nhiều dưa mà không sợ lên cân.
Dưa chín cây ăn rất ngon, ngọt, mát và nhiều nước . Mỗi loại dưa có một hương vị đặc biệt khác nhau.
Cất giữ
Mua canteloupe, nên lựa trái tròn, chắc, vỏ mầu kem tươi.
Dưa hấu chín có vỏ nhẵn, tròn trĩnh với mầu xanh kem. Khi gõ nhẹ vào vỏ quả dưa nghe âm thanh dội lại và khi lắc, hột bên trong như rung động (rattle hollow sound). Dưa chín cây thì cuống rụng để lại vết thẹo nhẵn, hơi lõm vào. Dưa hái non thì cuống còn dính vào rốn dưa.
Dưa hấu bổ sẵn dễ lựa hơn: mua miếng nào có mầu đỏ tươi với hột mầu đen hoặc nâu sậm.
Cất dưa đã bổ trong tủ lạnh thì có thể để dành ăn dần được dăm ngày. Dưa còn nguyên trái thì để dành được lâu hơn.
Ích lợi y học
Beta carotene trong dưa có thể làm giảm nguy cơ ung thư cuống họng, phổi, thanh quản. Folate làm giảm nguy cơ cơn suy tim và tật chẻ hàm ở trẻ sơ sinh.
Các nghiên cứu ở Á Căn Đình và Đức cho hay dưa canteloupe có công dụng chống máu đông giống như hành, tỏi, gừng. Canteloupe cũng được người Trung Hoa dùng để chữa bệnh viêm gan.
Hột dưa được dùng để chữa sán lãi ở Guatalama, chữa ung thư ở Phi Luật Tân, làm lợi tiểu tiện ở Ấn Độ./.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
www.bsnguyenyduc.com
Be the first to comment