Phạm Đỗ Chí: ‘Di Sản Của Miền Nam Nay Vẫn Còn Rất Quan Trọng’

Việt Nam vẫn chưa có luật biểu tình (Hình của CHAU DOAN/GETTY IMAGES)

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua sau khi chiến tranh Nam- Bắc chấm dứt ngày 30/04/1975. Đây là dịp đánh giá lại “hội chứng Việt Nam” hay Vietnam syndrome, từ 45 năm qua, để xác định tại sao trên 4 triệu người Việt đã phải rời xa xứ sở từ năm 1975 và trong các năm tiếp sau, đồng thời đánh giá những gì xã hội, nền kinh tế và chính trị VNCH để lại.
TS Phạm Đỗ Chí từ Florida, Hoa Kỳ cho rằng việc xây dựng miền Nam là tri ân những thành tích của các bậc cha anh và di sản của họ nay vẫn còn rất quan trọng, thậm chí càng ngày càng rõ rệt.
Đầu tiên, ông nói với BBC News Tiếng Việt về các vấn đề kinh tế.

Di sản Cộng Hòa cho VN bây giờ là gì?

TS Phạm Đỗ Chí: Yếu tố nổi bật nhất cho nền kinh tế của nước Việt Nam thống nhất bây giờ là số tiền khổng lồ của người Việt từ khắp thế giới gửi về hàng năm, từ vài chục triệu đô la những năm đầu 1975-76 lúc mới lập nghiệp còn khốn khó nơi xứ người, đến trên chục tỷ mỗi năm sau này cả để trợ giúp người thân và đầu tư cá nhân, con số tổng cộng có thể lên tới ước chừng 200 tỷ đôla.
Con số đó vượt qua bất cứ viện trợ kinh tế nào mà Việt Nam đã nhận được, và nhất là đã đóng vai trò xương sống cho kinh tế miền Nam những năm đầu sau thống nhất, tránh sụp đổ ngay sau thập niên đầu sau 1975 lúc bên bờ vực thẳm của sự thiếu cả lương thực và thuốc men. Từ đó miền Nam đã phát triển dần và trở thành đầu tàu kéo theo phát triển của cả nước.
Ngoài nền tảng đóng góp tài chính khổng lồ như trên, so sánh thời kỳ 21 năm dưới VNCH với thời gian ít hơn một nửa trong 45 năm của nước VN thống nhất, hai di sản kinh tế nổi bật truyền lại của VNCH là:

Thành công trong phát triển nền kinh tế thị trường thực sự

Dù chưa được quen thuộc nhiều với các định chế kinh tế và tài chính quốc tế hay các nền kinh tế tư bản lớn, VNCH đã biết sớm theo các qui luật của nền kinh tế thị trường và nhất là nhấn mạnh vai trò khu vực tư nhân.
Điều này tương phản hoàn toàn với nền kinh tế VN bây giờ, sau 45 năm thống nhất, vẫn loay hoay với lý thuyết “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà không ai chứng minh được là có thật. Các thay đổi lớn sau hơn ba thập niên Đổi Mới từ những năm 1986-1989 đã giúp VN có một bộ mặt tương đối phồn thịnh ở các thành thị, nhưng đi dần vào bế tắc nếu không có các cải cách thể chế chính trị song hành với cải cách kinh tế ở giai đoạn tới.

Thành công với Cách mạng Xanh

Tôi muốn nói tới chính sách “Cải Cách Điền Địa” dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa được tiếp nối bởi “Người Cày Có Ruộng” dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhằm lấy lại các mảnh ruộng bao la nằm tập trung trong tay một số nhỏ đại điền chủ từ thời Pháp thuộc, phát đất rộng rãi cho các tầng lớp nông dân và khuyến khích tự do trồng trọt, nhất là lúa gạo, để miền Nam tự cường.
Ngoài ra, và quan trọng nhất, là những năm về sau Chính phủ VNCH đã cho áp dụng một chính sách qui mô cho gieo hạt lúa mới “Thần Nông” trên toàn vùng đồng bằng Cửu Long, làm tăng gia đột biến năng suất trồng lúa và mức sản xuất gạo của đất nước, đưa đến cả khả năng xuất cảng gạo bắt đầu vào năm 1974. Đây là thành tích kinh tế đáng kể của VNCH khi cuộc chiến tương tàn cũng đi vào giai đoạn ác liệt nhất.

Nước VN thống nhất sau tháng 4, 1975 mới chỉ nhận ra tầm quan trọng của chính sách sản xuất lúa gạo tự do với Đổi Mới từ năm 1986 khi đến bờ vực của nạn đói, lúc không sản xuất đủ gạo ăn và dân chúng bắt đầu phải trộn cơm với bo bo từ những năm 1980. Từ khi chính phủ trung ương ở Hà Nội thay đổi chính sách bằng “ngòi bút” từ nghị quyết năm 1986 cho phép dùng giá cả và sản xuất tự do, di chuyển gạo từ vùng thừa sang vùng thiếu, đã làm lại cuộc “cách mạng xanh” nói trên của VNCH, khởi đầu toàn chiến lược đổi mới nông nghiệp và tiếp đó “lột xác” toàn nền kinh tế trong ba thập niên theo sau.
Điều đáng lưu ý là cuộc cách mạng này đã được thừa hưởng di sản có sẵn của chính sách tự do trồng trọt ở đồng bằng Cửu Long, diện tích trồng đã được phân phối rộng và công bằng ở miền Nam, và nhất là kiến thức nông gia trong việc canh tác lúa “Thần Nông” đã có sẵn. Đáng kể hơn là việc có thể đem kỹ thuật và giống lúa này ra đồng bằng sông Hồng ngoài Bắc, khiến mức sản xuất lúa gạo của cả nước tăng kỷ lục, và không ngạc nhiên khi chỉ chục năm sau VN đang từ thiếu gạo ăn trong nước, trở thành xứ xuất cảng gạo hạng ba thế giới sau Thái Lan và Ấn Độ.

Phát hiện ra mỏ dầu khí ở Biển Đông

Vấn đề ngày nay mang tính thời sự là dầu khí nhưng thực ra VNCH đã còn khuyến khích tìm ra một số giếng dầu đầu tiên vào các năm 1973-74 ở thềm duyên hải Vũng Tàu, chỉ tiếc là chưa kịp thì giờ và vốn đầu tư khai thác để tìm ra dung lượng lớn đáng kể đủ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, tình trạng thiếu an ninh do cuộc chiến tiếp diễn hàng ngày đã là yếu tố quyết định khiến các nhà đầu tư ngần ngại.
Nhiều quan sát viên quốc tế và nhà bình luận chính trị sau này đã tiếc cho VNCH là chưa đủ thời gian để khai thác các mỏ dầu và khí ngoài khơi khổng lồ, nhất là đủ để hấp dẫn các hãng dầu Hoa kỳ. Nếu có, và nếu các hãng này ký kết khai thác với chính phủ miền Nam dạo đó, chưa chắc gì có cảnh Henry Kissinger ký kết bán đứng VNCH vào năm 1972, sửa soạn cho hiệp định ngừng bắn Paris 1973 và ngày nhân dân miền Nam phải bỏ cuộc tháng 4/75.
Sau 1975, nước Việt Nam thống nhất thừa hưởng trọn vẹn và dầu khí từ miền Nam trở thành tài nguyên chủ lực của nền kinh tế VN bây giờ. Ngoài việc đem lại số xuất cảng đáng kể hàng năm cho dân chúng và nguồn lực phát triển, đáng tiếc là một phần tài nguyên đó cũng bị mất mát do tham nhũng và đầu tư phung phí như các tài liệu điều tra mới đây về đầu tư ở Venezuela chỉ ra. Không cần nhìn đâu xa phức tạp hơn, phải chăng phần di sản khác cả vài trăm tỷ của VNCH cho VN bây giờ là đây? Trong khúc hát chính trị về “Khúc Ruột Ngàn Dặm”, liệu giới hữu trách và đồng bào nơi quê nhà có công bằng nhìn ra điều này?

BBC: Còn về tổ chức chính trị và xã hội, có ý kiến cho rằng thực chất VNCH là quốc gia thời chiến, nhiều đảo chính quân sự, đấu tranh phe phái, xung khắc tôn giáo, nhưng gạn lọc lại thì xã hội và hệ thống pháp luật thời đó để lại dấn ấn gì?
TS Phạm Đỗ Chí: Tôi nghĩ quan trọng hơn cả trong di sản chính trị VNCH là nền dân chủ pháp quyền.
Nền dân chủ phôi thai của Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963) trong khung cảnh mới dành lại độc lập và nền dân chủ được củng cố thêm của Đệ Nhị Cộng Hoà (1967-1975) tuy khiêm nhượng và tương đối, do bị đe dọa hàng ngày bởi cuộc chiến, vẫn cho phép nhân dân miền Nam sống hạnh phúc trong khuôn khổ nhân quyền được tôn trọng theo hiến chương Liên Hiệp Quốc và các quyền tự do căn bản nhất như bầu cử, ngôn luận, hội họp, biểu tình v.v… vẫn được thực thi.
Chủ trương pháp trị, hay thượng tôn pháp luật (“rule of law”) của cả hai nền Cộng hòa với bầu cử Quốc hội và Tổng Thống tương đối tự do; nền hành chánh trung ương và địa phương được điều khiển bởi các chuyên viên kỹ trị được đào tạo bài bản trong các trường chuyên môn (thí dụ nổi bật là Học viện Quốc gia Hành chánh của miền Nam). Ở mỗi tỉnh, người tỉnh trưởng là nhân vật chính trị hay quân sự do Chính phủ trung ương bổ nhiệm, nhưng Phó Tỉnh trường thường là chuyên viên kỹ trị.

Trái lại, Việt Nam thống nhất bây giờ trong chế độ Cộng sản mới chỉ cổ võ cho bầu cử tự do nhưng chưa bao giờ thực hiện trong thực tế qua các cuộc ứng cử và bầu cử các Hội Đồng Nhân Dân và Đại Biểu Quốc Hội.
Tương tự, nước Việt Nam bây giờ mới bắt đầu học hỏi kinh nghiệm về cải cách hành chánh như dưới thời VNCH và cử chuyên viên kỹ trị ở cấp trung ương và địa phương. Quốc Hội bây giờ mới sửa soạn các dự thảo luật đề nghị bổ sung thẩm quyền của thủ tướng trong việc áp dụng những mô hình mới về tổ chức bộ máy từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc chính phủ trung ương, và chính quyền địa phương cấp Tỉnh và cấp Huyện. Theo đó, thủ tướng cũng có thêm quyền thành lập, sát nhập, hay giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc cấp Tỉnh và cấp Huyện.

Nhưng đáng kể hơn cả là các tổ chức Xã hội Dân sự

Các tổ chức này dưới thời VNCH được tự do thành lập và hoạt động với qui chế tự trị về cả hành chính và tài chính. Thí dụ như Tổng liên đoàn Lao công hay các tổ chức chính trị, xã hội và hiệp hội.
Ngược lại nhà nước thống nhất đã 45 năm vẫn trì hoãn không trình ra quốc hội hai dự luật lập hội và biểu tình, mặc dù hai quyền này của dân đã quy định trong Hiến Pháp 2013.
Người dân cũng không được quyền ra báo, như đã quy định trong “quyền tự do ngôn luận” ở Điều 25 Hiến pháp 2013. Tôi xin nhắc Điều 25 viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

BBC: Hiện là công dân Hoa Kỳ nhưng có thời ông đã là công dân VNCH, ông suy tư gì dịp 30/04 năm nay và muốn chia sẻ điều gì?
TS Phạm Đỗ Chí: Những dòng viết ngắn nhân dịp 45 năm từ biến động lịch sử 30/04/75 không phải là để thêm nước mắt cho một đau buồn còn ghi đậm dấu trong tâm hồn tôi, một công dân Việt Nam Cộng Hòa cũ. Đúng là chúng tôi trên nguyên tắc là người thua với hai cơ hội bỏ lỡ từ thời 1963 của Đệ Nhất Cộng Hòa và 1975 của thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhưng không phải hoàn toàn do lỗi chúng tôi, mà quan trọng hơn là do sự phản bội của nước bạn “đồng minh” Hoa Kỳ. Nhiều tài liệu lịch sử đã chỉ ra việc này do tham vọng cá nhân và phản bội đồng minh của ông Henry Kissinger, mà tác giả không muốn khơi lại làm đào sâu thêm nỗi đau 30/4. Do đó mà chúng tôi đành chấp nhận kiếp tha hương hiện tại do số mệnh đi từ vận nước không khá kéo dài suốt từ bao năm nay.
Theo cách nhìn và cách dùng chữ “Bên Thua và Thắng Cuộc” của ông Huy Đức, nhà báo nổi tiếng ở VN, bên VNCH bị gọi là “Bên Thua Cuộc”.
Tuy nhiên, hôm nay sau 45 năm nhìn lại, chúng ta có thật sự là kẻ thua hay không?
Như tôi đã trình bày ở trên, VNCH không còn nữa nhưng những di sản, bài học cả về mặt chính trị, dù còn sơ khai ở trình độ chung tại châu Á lúc đó như tự do, dân chủ, pháp quyền, đã có các nền tảng ban đầu. Về kinh tế thì xã hội nói chung phồn thịnh, khoảng cách cực giàu hay cực nghèo không có, mọi người không ai đói, cải cách ruộng đất, rồi người cày có ruộng, bác đạp xích lô mỗi chiều đủ ăn nghỉ đạp nằm đọc báo.

Hành trình nhận thức di sản văn học miền Nam

45 năm sau, nhìn lại hành trình dựng nước trong thời chiến: VNCH 1955-1975

Đã nhiều người nói về di sản văn hóa và nghệ thuật đầy sáng tạo, nội dung phong phú. Tôi thấy người dân miền Bắc bây giờ say mê nhạc cũ VNCH và nhạc Vàng, hay nhạc trữ tình lãng mạn Bolero từ Nam tới Bắc. Đó là những gì mà chúng ta hải ngoại và người Việt trong nước ca ngợi là tài sản vô giá, đáng tự hào, về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của VNCH để lại.
Phải tạm xa miền Nam thân yêu, nhưng chúng ta những người miền Nam đã để lại di sản VNCH đáng kể cho cả đất nước và dân tộc hôm nay và tương lai.
Các kênh truyền thông và các cuộc tiếp xúc với người trong nước đều cho thấy đại đa số đồng bào ta đều hướng về di sản đó với lòng thán phục và thiện cảm, cũng như lòng ngưỡng mộ của họ với các nền dân chủ tiến bộ phương Tây. Nhất là các thế hệ trẻ 25-45, lớp người quyết định vận mệnh của đất nước Việt Nam trong 5-10 năm nữa, hy vọng sẽ nối tiếp bó đuốc lãnh đạo và, cùng với thế hệ trẻ gốc Việt lớn lên ở hải ngoại quay về, họ sẽ có thể hướng đất nước về một tương lai tốt đẹp hơn.
Khi tuổi đời chồng chất, và biết thêm chút ít về Kinh Dịch của các bậc cha anh ngày trước, tôi tin vào lẽ tuần hoàn của Trời Đất sẽ phải áp dụng cho quê hương cũ: “Cùng tắc biến, biến tắc thông…”
Trong hàng ngũ di cư tị nạn quanh tôi đây, nhiều người ở tuổi 35-50 là lãnh đạo cũ năm 1975, đã ra đi. Bên kia trời quê hương cũ, những người lãnh đạo tuổi 60-80 bây giờ dù vì quyền hành và sợ tương lai nên không muốn tạo vận hội mới cho đất nước thì là điều hiểu được. Nhưng tôi xin hỏi liệu họ có thắng nổi dòng thời gian và tuổi già trong 5-10 năm nữa? Lúc nhắm mắt, họ chắc sẽ có đôi giây phút suy nghĩ họ đã để lại gì.

Đất nước không thể “TẮC” mãi như thế này, và sắp đến lúc phải có chữ “THÔNG” mà thôi. Gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn, lòng dân ly tán, đã đến lúc chúng ta ngậm ngùi về quá khứ nhưng phải dũng cảm hy vọng.

TS Phạm Đỗ Chí
Theo BBC tiếng Việt ngày 30/4/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*