Nguyễn Ngọc Duy Hân: 45 Năm Quốc Hận

Tháng Tư một lần nữa lại trở về, năm nay là năm 2020, đánh dấu 45 năm chúng ta đã mất nước. Mùa Quốc Hận 2020 này khắp nơi không được tổ chức các nghi thức Thượng Kỳ & Tưởng Niệm, do nạn dịch Vũ Hán Covid-19 cấm tụ họp đông người, đã buồn lại càng buồn hơn.
Con vi trùng Corona này đã làm xáo trộn xã hội, ngưng trệ sinh hoạt, khủng hoảng kinh tế. Cả thế giới đang điên đầu lo chống đỡ. Riêng gia đình tôi, các con các cháu cũng làm việc trong ngành y tế, nên đành phải cách ly vợ con, cha mẹ – đi làm và ở riêng vì sợ lây bệnh cho người nhà. Đứa cháu nội mới 2 tuổi cũng phải cùng mẹ đi về nhà ông bà ngoại tị nạn vi trùng Vũ Hán, cha con chúng phải tạm cách xa nhau thật thương hết sức.

Mỗi Chúa Nhật chúng tôi luôn tới nhà thờ, mấy tuần nay phải dự Thánh Lễ bằng truyền hình trực tuyến.

Rồi 30 tháng 4 này cũng đành hướng lòng về lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa mà tưởng niệm, không được ra tòa thị sảnh thành phố để dự lễ như những năm trước.
Nhớ lại trong một lần đại diện giới trẻ để phát biểu trước lễ Chào Cờ tại Toronto, Canada, cháu Duy Nam – con trai chúng tôi đã chia sẻ: “Năm nay con 23 tuổi, đã đi chào cờ ngày 30 tháng 4 tại Toronto này 24 lần, một lần khi còn ở trong bụng mẹ”.
Năm nay cháu sẽ không giữ được “record”– truyền thống luôn đến các trung tâm để dự lễ Thượng Kỳ mỗi năm – Không muốn mất đi thông lệ ấy, chúng tôi dự trù sẽ hát quốc ca tại nhà, rồi sẽ tham dự buỗi lễ tổ chức “online” bằng vìễn liên. Chúng tôi cũng sẽ treo lá cờ Vàng trên sân nhà, để hướng lòng tưởng nhớ 45 năm lưu vong, tiếc thương miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm.

Chúng tôi sẽ hướng tâm tình để tri ân cha ông đã dày công hy sinh, xây dựng và bảo vệ mảnh đất quê hương. Sau đó sẽ dành ra phút giây mà tưởng niệm các vị đã tuẫn tiết trong ngày 30 tháng 4, 1975. Họ là những anh hùng đã hiên ngang chọn lấy cái chết thay vì đầu hàng giặc Cộng. Chúng tôi cũng sẽ nhớ đến các chí sĩ Quốc Gia đã bị hãm hại trong thời 1945-1954, nhớ đến các vong hồn bị chết thảm thương vì nạn đấu tố. Nhớ đến hơn chục ngàn người bị chôn sống trong mồ tập thể vào Tết Mậu Thân, hoặc các đồng bào bị pháo kích, bom đạn hoặc các em học sinh ở trường Cai Lậy… Chúng tôi cũng sẽ không quên các chiến sĩ đã hy sinh trong suốt cuộc chiến Quốc-Cộng, đến bao nhiêu đồng bào đã bỏ mình oan ức trên đường vượt biên, vượt biển trốn Cộng Sản tìm Tự Do. Rối đến bao nhiêu Quân, Cán, Chính phải vùi thây trong ngục tù cải tạo. Sau cùng là những vong linh của các tù nhân lương tâm, nhà tranh đấu đã bỏ mình vì công cuộc đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ và toàn vẹn lãnh thổ ngày nay.

Chúng tôi sẽ cùng hát bài quốc ca trong gia đình với nhau. Mỗi khi nghe điệu nhạc này, tôi đều xúc động rất nhiều: “Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền…”.
Lời ca vừa hùng tráng vừa có phần bi thương trong tâm trạng của người dân mất nước, sống ly hương. Ôi, bao giờ chúng ta mới vinh quang trở về hát những lời hát thiêng liêng này trên chính mảnh đất thân yêu của mình?
Nghĩ lại cũng do con vi trùng nguồn gốc Cộng Sản, mà biết bao người dân đã phải cách ly quê cha đất tổ, sống lưu vong trên xứ người bao nhiêu năm nay. Chúng tôi cũng đã rời Việt Nam gần 40 năm, nhưng thâm tâm không bao giờ cho phép mình quên đi lòng ái quốc. Thương cho đa số những người ở lại quê nhà luôn bị mất tự do, bị bưng bít cấm đoán, bị nghèo khổ, sống trong xã hội đầy bất công, lừa dối, tệ nạn và giáo dục thấp kém…

Cả tháng nay, khi không được tới trường, tới chùa, nhà thờ, vào công ty làm việc trực tiếp vì phải giữ khoảng cách xã hội để tránh bệnh dịch lây lan, tôi mới thấy quý những ngày tháng trước đây được thoải mái hội họp, sinh hoạt, tiệc tùng…
Một người bị nhiễm vi trùng Covid-19 may mắn thoát bệnh đã chia sẻ: Ông phải trả cả ngàn đô vào bệnh viện để được dùng máy trợ thở bơm oxy vào phổi. Bao nhiêu năm nay ông đã thở thoải mái không tốn đồng nào, nhưng chưa hề để ý để cảm tạ điều đó. Những người có xe đẹp, quần áo vòng vàng sang trọng cũng không có cơ hội ra đường để khoe của, vật chất có là tất cả không? Trong cơn đại dịch mọi người đang cố gắng nhìn lại, cùng nhau chiến đấu và thay đổi suy tư, cách sống của mình. Mong rằng trong cái khó sẽ có cái khôn, để mọi người thông cảm, biết ơn và yêu thương nhau hơn.

Không được chính thức dự lễ Thượng Kỳ ngày 30 tháng Tư, nhưng chúng tôi cũng an tâm vì biết được rất nhiều người, nhiều nơi vẫn đề ra phong trào “Chào Cờ tại gia”, vẫn quan tâm tới vận mệnh đất nước. Chúng tôi có tham gia trong ban tổ chức lễ Chào Cờ nhiều năm tại Toronto, gần đây cũng nhận được nhiều câu hỏi từ bạn bè: Năm nay mình tính sao đây anh chị? Chúng ta chỉ sợ mất đi màu cờ thiêng liêng trong trong lòng của con dân Việt, chứ các hình thức bên ngoài đều có thể vượt qua được.

Nguyện xin Tiền Nhân luôn phù trì cho con người và đất nước Việt Nam, để tất cả cùng có thể nói với mẹ Việt Nam rằng: “Mẹ ơi, chúng con vẫn còn đây….”
Đêm 30 tháng 4 này, mời bạn cùng tôi đốt lên ngọn nến tin yêu trong nhà, cùng nhau thắp nén hương lòng:

Hãy cùng nhau thắp nến
nhóm ngọn lửa yêu thương
Xin cho hơi ấm lửa
chiếu rạng ngời quê hương
Xin vẫn còn nhiều nữa
những tâm tình vấn vương
cho cõi lòng mở cửa
đón niềm Tin muôn phương
để khắp mọi nẻo đường
đầy nhiệt huyết tha hương
để hoa thắm trong vườn
nở đóa màu Tình Thương
dẫu khó khăn trăm đường
lá cờ Vàng vẫn trương
vượt bao nỗi đoạn trường
lá cờ Vàng mãi vươn
niềm tin không chán chường
Tình Việt Nam đưa hương….

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*