(Hình của STEPHEN TURBAN)
Stephen Turban, một người Mỹ hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam nhận định về thói quen công kích trong ”chủ nghĩa tập thể” của người Việt.
Công kích tập thể, nhất là trên mạng xã hội, là thói quen đã có từ lâu của người Việt Nam.
Quanh chúng ta không thiếu thí dụ. Một blogger nối tiếng gần đây bị ồn ào tấn công trên mạng vì nói rằng về đề tài virus corona thì không nên tin lời lãnh đạo, mà nên nghe chuyên gia y tế, và nước Mỹ không vĩ đại.
Trước đó, một bệnh nhân người Việt trở về từ Âu châu vào đầu tháng Ba, cũng bị đả kích kịch liệt. Bệnh nhân này trước khi trở về Việt Nam chỉ ho nhẹ và không có dấu hiệu sốt, rồi vào nhà thương tại đây sau khi bị ho nặng hơn. Sau khi bị xét nghiệm dương tính, họ không chỉ phải đối diện với việc bị nhiễm virus, mà còn bị ném đá không thương tiếc trên mọi phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Bình luận về việc này, Stephen Turban, một người Mỹ tốt nghiệp Đại học Harvard, hiện đang làm việc cho Đại học Fulbright Việt Nam, và đã sống ở Việt Nam được một năm, viết trong một bài xã luận:
”Theo tôi điều xảy ra cho bệnh nhân này là nạn miệt thị công cộng. Tin đồn về họ lan tràn với với tên thật và địa chỉ bị rò rỉ công khai. Những gì bệnh nhân này làm, nhìn từ góc độ cá nhân, không cố tình có ác ý. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam đã biến họ thành một ví dụ để cảnh báo cho những người khác. Một đạo đức tập thể đạt được không phải bằng cách ca ngợi lòng vị tha, mà là bằng cách làm xấu hổ một người đã vô tình làm tổn thương người khác.”
Nhận xét như thế trong trường hợp này, nhưng Stephen lại có cái nhìn chung khá tích cực về thói quen công kích, mà anh cho là một thành phần tất yếu trong ”tinh thần tập thể” của người Việt.
Stephen Turban so sánh sự khác biệt giữa ”tinh thần tập thể” tại Mỹ mà anh hiểu từ hồi còn 15 tuổi, lúc đang sống ở tiểu bang Missouri, và ”tinh thần tập thể” tại Việt Nam mà anh chiêm nghiệm và mới chợt hiểu sau thời gian cách ly xã hội vì virus corona tại đất nước hiện giờ anh đang sống và làm việc.
”Khi còn học trung học, tôi hiểu về khái niệm tinh thần tập thể và tinh thần cá nhân một cách rất trực giác. Một xã hội cá nhân có những người tập trung chủ yếu vào bản thân và quyền lợi của riêng họ. Một xã hội tập thể có xu hướng tập trung vào cộng đồng rộng lớn hơn.” Anh viết.
”Chỉ sống ở Việt Nam trong thời đại virus corona, tôi mới bắt đầu hiểu được ”tinh thần tập thể” thực sự có ý nghĩa gì. Như tôi thấy trong vài tháng gần đây, tinh thần tập thể ở đây [Việt Nam] hoàn toàn khác với sự phân biệt tách bạch giữa nhóm với cá nhân mà tôi có thời trung học. Xã hội này không đơn giản là vị tha, và xã hội kia không đơn giản là ích kỷ. Thay vào đó, những chuẩn mực này được thể hiện một cách khác nhau ở các nơi.”
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về đánh giá của mình về tinh thần tập thể được áp dụng ở Việt Nam, Stephen Turban khẳng định:
”Là một người Mỹ tự cho là mình hơi theo chủ nghĩa cá nhân, tôi thấy rất ấn tượng về cách Việt Nam và các nước châu Á khác ứng xử trước đại dịch gây ra bởi Covid-19. Tôi nghĩ rằng có nhiều điều để chúng tôi ở Mỹ và phương Tây học hỏi về về tinh thần tập thể cần phải có để chống lại các loại khủng hoảng cộng đồng này.”
* * *
BBC: Anh có thể nói một cách khái quát về ”chủ nghĩa tập thể” như anh thấy được áp dụng ở xã hội Việt Nam?
Stephen Turban: Theo tôi, tinh thần tập thể hay chủ nghĩa tập thể, như được áp dụng ở Việt Nam có bốn điểm chính.
Trước tiên, chủ nghĩa tập thể liên quan mật thiết đến cả việc làm nhục công cộng lẫn việc gắn kết xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi người kiểm soát lẫn nhau và đảm bảo rằng quần chúng sẽ biết, nếu có ai đó đưa ra một quyết định tồi tệ cho xã hội. Đưa chuyện hay ngồi lê nói mách là một điều quan trọng trong chủ nghĩa tập thể.
Thứ hai, các chuẩn mực xã hội ở một nước có chủ nghĩa tập thể lan truyền nhanh hơn ở các quốc gia theo chủ nghĩa cá nhân. Nói chung, điều này có nghĩa là mọi người học và áp dụng các “chuẩn mực” mới trong xã hội nhanh chóng hơn.
Thứ ba, mọi người có xu hướng tập trung vào khái niệm “có ý thức” hơn là khái niệm tự do cá nhân.
Cuối cùng, mọi người sẵn sàng chịu hy sinh một chút trong cuộc sống của cá nhân, nếu điều đó giúp ích cho tập thể. Như việc đeo khẩu trang chẳng hạn, người ta có thể không thấy cần thiết phải đeo để bảo vệ chính họ, nhưng vẫn cứ đeo để bảo vệ người khác.
BBC: Nhiều người có thể sẽ không đồng ý với nhận xét rằng ‘người ta dễ có quyết định để giúp người khác mà không có lợi gì cho bản thân họ’ hay tinh thần tập thể trong thí dụ anh đưa ra về việc đeo khẩu trang. Vì nghĩ rằng đeo khẩu trang giúp bản thân họ, cho nên nhiều người đã đổ xô đi tích trữ khẩu trang, tạo ra tình trạng khan hiếm cho những người thật sự cần. Anh nghĩ sao về điều này?
Stephen Turban: Chắc chắn là nhiều người đã mua và tích trữ khẩu trang để bảo vệ chính mình. Tôi đồng ý với điều đó. Tuy nhiên, tôi sẽ nói rằng thường thì tôi có kinh nghiệm rằng một người bình thường ở Việt Nam hoặc ở những nơi như Đài Loan hoặc Trung Quốc, có nhiều khả năng đeo khẩu trang đơn giản vì họ nghĩ rằng nó tốt cho người khác. Điều đó có nghĩa là lập luận “điều này sẽ giúp người khác” có sức thuyết phục ở Việt Nam cao hơn ở Mỹ.
Thí dụ, người dân Việt Nam trước khi có virus corona vẫn thường đeo khẩu trang. Đây không phải là vì họ muốn tránh bị bệnh, mà vì họ không muốn truyền bệnh cho người khác.
Điều chính tôi muốn nói ở đây không phải là người Việt Nam vị tha và người ở Mỹ ích kỷ. Mà là, khi bạn cung cấp cho cả hai nhóm cùng một số thông tin và đề nghị về cách nên hành xử, hai nhóm sẽ hiểu và giải thích những điều này một chút khác nhau. Đó là lý do tại sao tôi tuyên bố là người trong các nền văn hóa tập thể có nhiều khuynh hướng làm những điều tốt cho người khác mà không có lợi mấy cho mình.
BBC: Nhiều người không tán thành ”tâm lý bầy đàn” trong việc công kích hay làm nhục một cá nhân trước công chúng, nhất là khi việc này xảy ra một cách vô căn cứ. Anh dùng từ ”trừng phạt” để nói về động thái này trong bài viết. Anh nghĩ gì về thói quen trừng phạt này, nhất là khi so sánh nó với khái niệm củng cố điều tích cực (positive reinforcement) của Tây phương?
Stephen Turban: Tôi cho rằng khía cạnh “trừng phạt” thực ra chính là một yếu tố của chủ nghĩa tập thể. Ví dụ, trong ‘trò chơi lặp lại’ (repeated game) khi cố gắng tạo ra một xã hội gồm những người “hợp tác”, bạn thường cần có những người trừng phạt người khác vì đã làm sai điều gì đó. Nói một cách đơn giản, để tạo ra một xã hội trong đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau, bạn cần có khả năng trừng phạt những người chỉ lợi dụng người khác. Trước đại dịch Covid-19, tôi cũng cảm thấy hơi tiêu cực về cảm giác “tâm lý bầy đàn” mà tôi thấy ở những nơi như Việt Nam – đặc biệt là về tin đồn. Nhưng, Covid-19 thực sự khiến tôi nghĩ rằng tin đồn đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì xã hội.
Tuy nói thế, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người không nên quá vội vàng miệt thị người khác, đặc biệt khi nghe những tin đồn không đúng sự thật. Cần phải xác minh trước khi trừng phạt người khác bằng đưa chuyện của họ đi khắp nơi.
Ở phương Tây, và đặc biệt là Hoa Kỳ, ít ai miệt thị một người làm điều gì đó không tốt cho tập thể. Điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không có văn hóa miệt thị. Nhưng ở Mỹ, sự chỉ trích thường xuất hiện khi chúng tôi nhận thấy ai đó làm tổn thương tự do của người khác (ví dụ: chỉ trích một ai đó phân biệt chủng tộc hoặc phân biệt giới tính.)
Hoa Kỳ có rất nhiều người có lòng vị tha và tinh thần cộng đồng; nhưng, tôi tin rằng lòng vị tha của người Mỹ chủ yếu đến từ một văn hóa thưởng cho mọi người khi họ làm những việc tốt. Ví dụ, trong việc tuyển sinh đại học ở Mỹ, học sinh nộp đơn được tích cực khen thưởng khi làm việc thiện nguyện hoặc thiết lập các tổ chức phục vụ cộng đồng.
Tina Hà Giang
Theo BBC News Tiếng Việt ngày 16 tháng 4, 2020
Be the first to comment