Hơn ba chục năm trước, khi phỏng vấn vào quốc tịch Mỹ, tôi trả lời sai câu hỏi “hiểm” sau đây nên nhớ hoài: “Lý do nào TT Franklin Roosevelt được bầu làm tổng thống tới bốn nhiệm kỳ chứ không phải là hai như các tổng thống khác trước và sau ông ta?”
Thật tình đó không phải là câu hỏi để thi vào quốc tịch. Nếu có chắc là rớt hết. Chẳng qua do các câu hỏi khác dẫn tới bất ngờ. Tôi tự tin về kiến thức chính trị của mình nên thay vì trả lời “không biết” đã đoán “trong thời điểm Thế Chiến thứ Hai, có thể quốc hội đã cho phép TT Franklin D. Roosevelt tiếp tục làm tổng thống để duy trì chính sách Mỹ trong thời chiến.”
Nhân viên sở nhập tịch mỉm cười “Câu trả lời có lý nhưng sai. Trước TT Franklin Roosevelt không có tổng thống nào lãnh đạo quá hai nhiệm kỳ và sau thời kỳ Franklin Roosevelt Tu Chính Án Thứ 22 cho phép một tổng thống giữ quyền lãnh đạo hành pháp tối đa là hai nhiệm kỳ.” Dù sao nhân viên sở nhập tịch cũng cho tôi đậu quốc tịch nhờ trả lời đúng các câu trước.
Khi mở trang Chính Luận, thỉnh thoảng tôi nhận được những câu hỏi cầu tiến nên dù bận rộn tôi cố tìm cách trả lời.
Một câu hỏi tôi muốn dùng cho bài viết này: Một tổng thống chỉ có thể lãnh đạo quốc gia dài nhất là hai nhiệm kỳ thì làm thế nào để có thể thực hiện hay hoàn thành một chính sách đối ngoại cần nhiều năm của một cường quốc như Mỹ?
Câu trả lời vắn tắt là khác với nhiệm kỳ của một tổng thống, học thuyết chính trị của Mỹ không giới hạn bởi thời gian. Không ít học thuyết kéo dài hơn tám năm và có khi kéo dài cả thế kỷ dù người phác họa ra học thuyết chỉ chính thức làm tổng thống mỗi một nhiệm kỳ.
Trong chính trị học, có ba khái niệm căn bản mà các bạn trẻ nên lưu ý: (1) Tư Tưởng Chính Trị (Political Ideology) định hướng cho sự hướng phát triển của xã hội và các phương pháp để đạt tới mục đích, ví dụ như tư tưởng tự do, xã hội, Cộng Sản. (2) Học Thuyết Chính Trị (Political Doctrine) đề ra các nguyên tắc lãnh đạo hay vị trí của quốc gia đặt nặng trong đối ngoại được biện hộ là đúng và đưa vào hoạt động, và (3) Chính Sách (Political Policy) nhằm kế hoạch hóa các hoạt động của chính phủ trong một lãnh vực nào đó.
Nhiều tác giả dùng khá dễ dãi giữa Tư Tưởng Chính Trị và Học Thuyết Chính Trị mặc dù hai khái niệm khác nhau. Và ngay trong cùng một Tư Tưởng Chính Trị cũng có nhiều tư tưởng chính trị. Ví dụ, tư tưởng chủ nghĩa xã hội (socialism) mà TT Trump thường nhắc là nhắm vào quan điểm Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa (Democratic Socialism) của Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders. Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa không có liên quan gì đến “chủ nghĩa xã hội” của Tập Cận Bình hay Nguyễn Phú Trọng. TNS Bernie Sanders rút lui rồi nên có lẽ không bàn thêm nữa.
Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ bàn đến Học Thuyết Chính Trị (Political Doctrine).
Phần đông các tổng thống đều có một học thuyết chính trị gắn liền với tên tuổi nhưng chỉ có một số học thuyết có tầm ảnh hướng lâu dài. Nổi tiếng và có ảnh hưởng lâu dài nhất gồm James Monroe Doctrine “tách biệt giữa Châu Âu và Châu Mỹ“, Harry Truman Doctrine nhằm “bao vây và ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS.”
Học Thuyết Monroe chủ trương chống lại sự can thiệp của châu Âu đối với Mỹ và các nước Mỹ Châu bắt đầu từ thời TT James Monroe vào năm 1823. Đây là một trong những học thuyết chính trị có ảnh hưởng lâu dài nhất trong lịch sử bang giao quốc tế của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Cho tới cuối thế kỷ 20, học thuyết này vẫn còn được giải thích một cách rộng rãi bởi nhiều tổng thống Mỹ như TT John F. Kennedy trong biến cố Vịnh Con Heo, Cuba và TT Ronald Reagan trong chiến tranh chống chế độ CS Sandinistas tại Nicaragua.
Trong giải thích đó, những thay đổi chính trị của các nước Mỹ Châu có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và nền an ninh của Mỹ.
Thế giới thay đổi nhiều sau thập niên 1990. Các chính sách quân sự, đảo chánh hay lật đổ chính phủ thời Chiến Tranh Lạnh không còn được áp dụng như đã dùng đối với Chile 1973. Tuy nhiên, mục đích “lục địa Mỹ châu của người châu Mỹ” xác định trong thuyết Monroe vẫn còn được bảo vệ bằng nhiều cách.
Do đó, không ngạc nhiên khi TT Donald Trump là lãnh đạo quốc gia đầu tiên thừa nhận Juan Guaido, Chủ tịch Quốc Hội Venezuela, như là lãnh đạo lâm thời của Cộng hòa Venezuela.
Sự ủng hộ nhanh chóng của Mỹ còn cho thấy chính phủ Mỹ luôn đề cao giá trị dân chủ và một khi các lực lượng dân chủ đủ mạnh để đứng lên lật đổ chế độ độc tài và không làm phương hại đến quyền lợi của Mỹ, chính phủ Mỹ luôn chọn đứng về phía lực lượng dân chủ.
Một chính sách đối ngoại thịnh hành của Mỹ sau thế chiến thứ hai là “ngăn chặn”(containment). Một phần câu trả lời dưới đây đã viết một cách chi tiết trong bài “Từ Lý Thuyết ‘Ngăn Chặn Cũ’ (Old Containment) Chống Liên Sô Sang ‘Ngăn Chặn Mới’ (New Containment) Chống Trung Cộng” trong trang Chính Luận.
Tháng 2 năm 1946, George F. Kennan, nhân viên ngoại giao làm việc cho tòa đại sứ Mỹ tại Liên Sô, gởi Bộ Ngoại giao Mỹ một bản phân tích qua hình thức một điện tín dài 5.500 chữ, trong đó ông trình bày một cách chi tiết quan điểm của Stalin về tương lai nhân loại, mục tiêu và chiến lược của Liên Sô sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới, điểm mạnh và điểm yếu của chế độ Cộng sản, đồng thời đề nghị một số biện pháp cần thiết phải được áp dụng để ngăn chặn làn sóng Cộng sản.
Bài phân tích của George Kennan không có tựa đề nên chỉ được biết ngày nay như là Bức Điện Tín Dài. Nếu bản phân tích được gởi đến Bộ Ngoại giao Mỹ một năm trước đó, có lẽ nó đã vào sọt rác hay đi thẳng vào phòng lưu trữ vì Mỹ và Liên Sô còn đang liên minh nhau tấn công Đức từ hai hướng Đông, Tây. Nhưng vào tháng 2 năm 1946, văn kiện đã làm Bộ Ngoại giao chú ý.
Chính tổng thống Harry S. Truman chỉ thị thành lập một nhóm nghiên cứu để phân tích bản tường trình của George Kennan. Bức điện tín của George Kennan được xem như một trong những văn kiện lịch sử bởi vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ trong gần nửa thế kỷ, từ sau Thế chiến thứ Hai cho đến khi hệ thống Liên Sô sụp đổ năm 1991.
Tổng thống Harry Truman dựa vào các phân tích của George Kennan và các diễn biến tại Châu Âu, đặc biệt tình hình của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng nên Truman Doctrine. Chủ thuyết ngày nay mang tên ông được công cố chính thức trong diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ ngày 12 tháng Ba, 1947. Trong diễn văn đó, TT Truman nhấn mạnh “Tôi tin rằng, chính sách của Hoa Kỳ phải nhắm vào việc ủng hộ các dân tộc tự do đang chiến đấu chống lại thiểu số võ trang đang âm mưu chống lại họ, hay các áp lực bên ngoài.”
Suốt chín đời tổng thống từ Harry Truman đến George Herbert Walker Bush, tùy thuộc vào điều kiện chính trị quốc tế trong mỗi giai đoạn, các chiến lược chiến thuật cũng được thay đổi thích nghi nhưng đều không đi xa mục tiêu chính là ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản. Cuối cùng hệ thống Liên Sô kiệt quệ và tan rã.
Cường quốc đối đầu trong thế kỷ 21 của Mỹ không phải Nga mà là Trung Cộng và Mỹ đang cần một học thuyết “ngăn chặn mới” thích hợp với thời đại đa phương toàn cầu hóa hiện nay.
Học thuyết mới sẽ phải bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và không chỉ giới hạn đến mậu dịch, kinh tế mà quan trọng nhất là an ninh.
Học thuyết đó trước đây còn trong vòng thảo luận của các chính trị gia, của các nhà phân tích đang được đưa vào hoạt động. Hoa Kỳ đang tiến hành các cải tổ hay thiết lập các cơ cấu thích nghi để thực hiện học thuyết quy mô rộng lớn chưa bao giờ có đó.
Bằng chứng, bộ chỉ huy hải quân Mỹ trách nhiệm khu vực Nam Thái Bình Dương trước đây gọi là Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương (Pacific Command) với 200 chiến hạm và 375 ngàn quân và nhân viên phục vụ, ngày 30 tháng 5, 2018 đã được đổi tên thành Bộ Chỉ Huy Ấn Độ -Thái Bình Dương (Indo-Pacific Command).
Dù đứng ở góc một nước lớn như Mỹ, Trung Cộng, Nhật Bản hay Ấn Độ hay nước nhỏ như Việt Nam đều có thể thấy một trật tự mới đang hình thành tại Á Châu.
Trật tự mới trong ngắn hạn có thể tạo ra ít nhiều xáo trộn nhưng về lâu dài là cơ hội cho những nước nhỏ vượt qua các bế tắc, các khó khăn đang phải đương đầu để vươn lên như một cường quốc trong khu vực như trường hợp Nam Hàn, Singapore trong Chiến Tranh Lạnh cũ hay Baltics, Đông Âu sau khi phong trào CS Châu Âu tan rã.
Danh tướng George Patton của Mỹ từng phát biểu “một đạo quân chiến thắng không phải nhờ trang bị mà nhờ sự chuẩn bị”.
Khó có thể biết chính xác thời điểm và hình thức bùng vỡ các xung đột Á Châu, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra. Các quốc gia vượt qua được và thành công là những quốc gia có lãnh đạo khôn ngoan và biết chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống kể cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho đất nước mình.
Trần Trung Đạo
Be the first to comment