Sài Gòn hai hình ảnh năm 1975 và 2020 (Hình của GETTY IMAGES)
Tiếng súng đã ngưng 45 năm. Hai cựu thù Việt Nam cộng sản và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác tin cậy. Thế nhưng, người Việt với nhau vẫn chưa kết thúc được cuộc chiến.
Hai bên Quốc – Cộng vẫn chưa ngưng thái độ, hành động tấn công lẫn nhau, ít ra là trong tâm trí, và trên mạng. Bên thắng cuộc chưa cao cả để thực tâm hòa giải.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì 45 năm trước hai phe Quốc Gia – Cộng Sản ở Việt Nam đã bước vào những trận cuối của cuộc chiến. Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đang ở trong những ngày cuối cùng của hơn 20 năm cố gắng xây dựng, ổn định. Người bác của tôi đã nằm xuống trong trận chiến cuối cùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong ngày mất tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam bây giờ).
Tuy nhiên, cuộc chiến hai bên Quốc – Cộng với nhiều người Việt vẫn chưa kết thúc. Cuộc chiến đó hôm nay không diễn ra ở Huế, Cao Nguyên Trung phần, Phước Long, Phan Rang, hay Xuân Lộc… mà đang xảy ra trên không gian mạng, trong lòng người.
‘Nã đạn’ vào nhau khi có thể
Một năm trước, tại buổi tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại trung tâm thương mại Sapa, ở thành phố Prague, CH Czech, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam phát biểu. “Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm Chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên khỏi đầu ổng. Bà con có thấy hình ảnh đó không? Đó là gì? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn”.
Ông Phúc phát biểu như ở nhà. Vì đa phần người Việt tại Cộng Hòa Séc là con nhà có ‘lý lịch đỏ’. Họ được chính quyền Việt Nam hiện nay cử đi học tập, xuất khẩu lao động tại Tiệp Khắc trong những năm 1980 thế kỷ trước.
Lời chân thật, không được soạn trước của ông Phúc cho thấy rõ suy nghĩ thực của chính quyền Việt Nam dù nhiều năm qua họ luôn dùng các mỹ từ: “Lắng nghe hơi thở kiều bào”, “Khúc ruột ngàn dặm”, “Người Việt tại nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc”, “Đồng bào hải ngoại”…
Cả Nghị quyết 36 về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng chỉ là công cụ của Đảng Cộng Sản kêu gọi người Việt hải ngoại về đầu tư, sơn phết cho kiểu giả vờ của chính quyền.
Phát biểu của ông Phúc còn cho thấy, trong nhận thức của rất nhiều quan chức chính quyền Việt Nam vẫn xem người Việt phải rời bỏ quê hương sau ngày 30/4/1975 là “phản động”.
Quan chức hàng đầu quốc gia suy nghĩ như vậy, thì chẳng lạ trên không gian mạng có đầy các cá nhân, tổ chức Bên thắng luôn sẵn sàng tấn công bên “phản động” khi có cơ hội. Bởi họ được chính quyền dạy dỗ, cấp kinh phí, hỗ trợ để phỉ báng những người bên kia chiến tuyến, hoặc có cảm tình với chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Nạn nhân bị hứng chịu đôi khi chỉ vì cái lý lịch đang sinh sống ở các nước dân chủ phương Tây.
Tính từ “Phản động” chính quyền hiện nay dành cho những người từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, phải tị nạn cộng sản, xem ra không khác mấy khi hai phe Quốc – Cộng còn đang đánh nhau.
Hôm nay, những ‘viên đạn’ “Ngụy quân – ngụy quyền”, “Phản động”, “Lưu vong”, “Đu càng”, “Đồ ba que”, “Bám đít Mỹ”, “Thờ Mỹ”, “Nail tộc”, “Bò vàng”… thay vì đạn bằng đồng liên tục được bắn về phía bên kia. Cùng với đó những hình ảnh được Photoshop một cách cẩu thả, vụng về. Gần đây có thêm từ, “Tự nhục”. Tất cả chỉ để nhục mạ, phỉ báng, tấn công những người Việt không chung lý tưởng cộng sản.
Bên thua cuộc không có được nhiều ‘vũ khí’ ngoài vài khẩu, “Đồ cộng sản”, “Độc tài”, “Hồ tộc”, “Chư hầu Trung Cộng”, “Bò đỏ”, “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”, “Cộng sản nằm vùng” vì chống cộng sản không theo ý họ hoặc không phê phán chính phủ Việt Nam ‘đủ mức’.
Hai bên không bỏ lỡ cơ hội để tấn công, khiêu khích lẫn nhau. Phủ nhận những thành quả mà bên kia đạt được.
Cơ hội để đả phá nhau thì nhiều: có thể là một trận thắng bóng đá của đội tuyển quốc gia Việt Nam, thu hút đầu tư của Samsung, Intel, Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc…
Bên thua cười cợt vào những chính sách định không hợp lòng dân của chính quyền trong nước. Kiểu, “Cộng Sản có làm gì ra hồn”. Chê bai chính quyền tạo ra bất công, điều hành kém cỏi, hoặc các khiếm khuyết xã hội đang có ở Việt Nam…
Bên thắng chi phối mọi mặt của Việt Nam khiến người thua không chịu được phải chọn cách lưu vong. Về mặt tâm lý, bên thua luyến tiếc về Việt Nam Cộng Hòa, một chính thể trong hoàn cảnh chiến tranh vẫn cố gắng tôn trọng, tuân thủ các gia trị tự do, dân chủ, bình đẳng, một xã hội có nhiều tiến bộ tại châu Á cùng thời.
Sau 45 năm tiếng súng đã ngưng, nhiều người Việt ở nước ngoài mà theo tôi biết vẫn chưa thể trở lại thăm quê hương, nơi họ đã sinh ra, hoặc nơi còn dòng tộc, có mồ mả ông bà, bởi họ bị chính quyền Việt Nam hiện nay không “hoan nghênh”, cho vào ‘sổ đen’, dùng chế độ visa để ngăn chặn nhập cảnh. Hàng vạn người thuộc diện này chẳng phải là ‘khủng bố” như một số tờ báo ở Việt Nam mô tả, mà chỉ vì họ còn suy nghĩ, lời nói, hành động bị quy kết là “không thân thiện”, hoặc bị cho là “chống chính quyền Việt Nam”.
Cũng có người bên thua cuộc nguyện không trở về quê hương khi nào Việt Nam vẫn còn dưới sự cai trị độc quyền của đảng Cộng Sản. Quán tính cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn chưa chấm dứt! Buồn thay!
Chưa thật tâm hòa giải
Cuộc chiến đẫm máu của Việt Nam với Trung Quốc nổ ra đầu năm 1979 đã kéo dài hơn 10 năm sau đó. Chiến sự làm nhiều chục ngàn người Việt bỏ mạng, thương tật. Nhiều làng mạc, thị xã dọc sáu tỉnh biên giới với Trung Quốc bị san phẳng. Có những mỏm núi biên cương bị mất về tay láng giềng phương Bắc.
Mất mát cho Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng chính quyền trong suốt nhiều năm qua chưa bao giờ chính thức có hành động kỷ niệm về cuộc chiến. Họ quyết tâm cấm đoán, đàn áp người dân tự đứng ra kỷ niệm, tưởng nhớ người Việt đã ngã xuống từ họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Bởi sợ mất tình hữu nghị hai hai quốc gia.
Trong khi đó, cũng chính quyền ấy lại rất phô trương, không tiếc tiền bạc, công sức để mừng chiến thắng 30/4/1975 bằng vũ lực với anh em ruột thịt mình. Cái ngày đã đẩy hàng chục triệu người Việt vào cảnh mất nước. Hàng triệu Việt người phải bỏ nước ra đi. Hàng trăm ngàn người Việt đã bỏ mình giữa biển cả, trong rừng sâu, là nạn nhân của hải tặc, bị cướp, bị hiếp. Sau chiến tranh, hàng trăm ngàn người Việt phải chịu “cải tạo”. Thực tế đi tù không bản án từ vài năm đến 17 năm như cố thiếu tướng Lê Minh Đảo.
Chính quyền Việt Nam một mặt nói đang làm lành vết thương, một mặt vẫn có quán tính cố khoét sâu thêm khoảng cách giữa người Việt với nhau. Nói về ngày 30/4/1975, vào năm 2005, ông Võ Văn Kiệt, cố thủ tướng của Việt Nam đã có những lời nhân văn, rằng đây là ngày “Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu…”.
Từ đó đến nay ta thấy có gì thay đổi hơn không? Nếu thực tâm hòa giải, chính quyền Việt Nam hiện nay cần chấm dứt kỷ niệm một cách rình rang chiến thắng 30/4/1975 của phe mình.
Chưa kết thúc bởi cái lý lịch Quốc – Cộng vẫn còn
Hơn 5 năm trước khi tôi làm hồ sơ xin việc làm, phải có tờ khai lý lịch do UBND xã ký và đóng dấu. Thông tin là con ai, ở chỗ nào, đã từng phạm tội chưa… Thôi cũng được để người ta biết về mình khi dữ liệu công dân chưa có như các nước phát triển.
Nhưng tôi còn phải khai rõ ba mẹ tôi trước ngày 30/4/1975, ở đâu, làm gì, theo phe nào. Thiếu phần này khó được xác nhận. Tôi đi chứng lý lịch cho mình, nhưng phải khai những thứ vốn không phải của mình. Năm ngoái em gái tôi, khi tốt nghiệp đại học chuẩn bị hồ sơ đi xin việc cũng làm điều tương tự.
Cái lý lịch không quá ‘đen’ vì ba tôi chỉ đi lính của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, không làm quan chức gì, và lần đó cũng chỉ cần xác nhận nhân thân để xin việc nên tôi chưa bị làm khó.
Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến, nghe kể không biết bao lần về người quen biết rất khó khăn trong việc xác nhận lý lịch trước khi ngồi vào chức cao hơn trong chính quyền. Cửa ải vô cùng khó khăn xác nhận lý lịch để kết nạp vào Đảng Cộng Sản, tổ chức tự cho là đại diện cho toàn dân, nhưng hóa ra không phải vậy.
Một người thân của tôi mất gần ba năm, tốn không ít tiền trong việc tiệc tùng, phong bì cho cán bộ ở xã mới có được cái chứng nhận lý lịch để kết nạp đảng tại một cơ quan cấp tỉnh vì cha ông trước 1975 không theo cách mạng.
Tôi có người chị cùng họ không chứng được lý lịch để kết nạp đảng cộng sản Việt Nam. Bởi cán bộ xã quyết không ‘làm sạch’ chức trung sĩ của ba chị trong thời chiến tranh Việt Nam và ông nội từng quan chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa khép lại trong tâm trí, bởi nhiều người Việt vẫn đem những quan niệm thời chiến ra mạt sát, hạ nhục, công kích lẫn nhau. Bởi cái lý lịch Quốc – Cộng không cho mọi người Việt được bình đẳng như nhau.
Viết những dòng này sau khi đã sang Hoa Kỳ, ra đi từ miền quê Quảng Nam, tôi ngậm ngùi nghĩ đến cuộc chiến huynh đệ tương tàn chưa kết thúc. Nó còn đó bởi người Việt vẫn chưa hết chia rẽ vì lý do cuộc chiến để ngồi lại với nhau như người trong cùng một nhà, để hướng về tương lai Việt Nam.
Võ Ngọc Ánh
Theo BBC Tiếng Việt ngày 14/4/2020
(Tác giả Võ Ngọc Ánh, sinh năm 1978 ở Quảng Nam, sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa kỳ được bốn năm nay)
Be the first to comment