Tuyết Vân: Chống Dịch Bằng Trái Tim

(Hình minh họa: Seth Herald/Getty Images)

Không ai chống dịch bằng trái tim. Người ta chống dịch bằng vaccine, thử bệnh, và cách ly. Gần hai tháng nay dịch COVID-19 chế ngự đời sống hằng ngày của dân chúng ở đây. Mấy hôm nay, ngày nào cũng có tổng thống, thống đốc tiếu bang và thị trưởng thành phố báo cáo cho dân chúng về tình trạng hiện tại, kế hoạch và những chỉ thị ban hành để giúp dịch bệnh khỏi lan ra cùng một lúc quá nhiều.
Người dân thì hoang mang, kéo nhau đi mua đồ, dự trữ lương thực và những dụng cụ cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Thế là khẩu trang trở nên khan hiếm, gạo không còn, giấy vệ sinh không có, nước chai trở thành một món hàng mà người ta phải sắp hàng dài chờ đợi.
Có gia đình sáng đi mua, chiều cùng đi mua. Vợ chồng con cái rủ nhau đi, chất đồ đạc trên chiếc xe dành cho những món hàng lớn như TV hay bàn ghế. Mua ở Costco xong lại qua Home Depot mua tiếp. Có người mua gel thoa tay ở chỗ Dollar Tree xong về bán lại giá cao hơn. Chính quyền địa phương và cộng đồng mạng đã phê bình về điều này rất nhiều. Trong cơn khủng hoảng người ta biến dạng, không phải chỉ riêng ở đây mà những nơi khác thì cũng vậy thôi.
Thế nhưng trong cơn khủng hoảng người ta lại cũng có những tấm lòng vàng hiện ra. Vũ Hán, nơi đầu tiên và là trung tâm của COVID-19 có rất nhiều câu chuyện thương tâm. Một vị bác sĩ đã về hưu nhưng tình nguyện về bệnh viện làm việc trong thời gian cấp bách nầy. Ông đã mắc bệnh và mất ở tuổi sáu mươi bảy. Câu chuyện của ông nhắc tôi nhớ đến vị bác sĩ người Pháp trẻ tuổi mất ở Hà Nội trong thời dịch SARS cách đây mười mấy năm. Một cặp vợ chồng bác sĩ trẻ đã phải sống xa nhau ba tháng. Anh chồng bác sĩ bị đưa về làm việc ở Vũ Hán. Hai vợ chồng dùng mạng xã hội để liên lạc nhau. Đầu Tháng Ba khi tình hình đã thuyên giảm anh hứa sẽ đưa cô về Vũ Hán để ngắm hoa đào. Cộng đồng mạng chúc anh khỏe mạnh để có ngày đoàn tụ và thực hiện lời hứa của anh.
Khi Italy bị giới nghiêm, người ta đứng ở ban công nhìn ra đường, nhìn những chiếc xe cứu thương đưa xác người đi chôn, nghe tin bệnh viện chật người, bác sĩ và y tá phải làm việc trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Một người, hai người, rồi nhiều người đứng ở ban công hát những bài hát ca ngợi về tình người và lòng biết ơn đến những vị bác sĩ và y tá đang phải ngày đêm lo cho tính mạng của người khác.
Ở đây cũng vậy. Khi mầm dịch bắt đầu lan rộng, các hội đồng chính phủ và thiện nguyện đều nghĩ đến cách giúp đỡ những người dân vô gia cư. Trường học đóng cửa họ nghĩ đến làm cách nào để các em vẫn có đủ phần ăn hàng ngày. Chưa hết, họ nghĩ đến cha mẹ của các em. Làm sao cha mẹ đi làm khi con nhỏ ở nhà. Cuối tháng, làm sao có tiền để trả tiền nhà, tiền điện nước đây. Bao nhiêu là câu hỏi xuất phát từ trái tim trong hoàn cảnh của dầu sôi lửa bỏng.
Với tình trạng chen nhau mua chất trữ vật dụng quá mức, nhiều cửa tiệm đã không còn đồ vào buổi chiều. Một bà mẹ trẻ hối hả đi vào tiệm để mua đồ và khi nhìn thấy từng dãy hàng trống trải không còn gì để mua cô bật òa lên khóc. Khi hỏi, cô trả lời, tôi không có nhiều tiền để mua nhiều đồ. Tôi chỉ có thể mua được cho một hoặc hai ngày. Tôi đi làm từ sớm cho đến chiều tối mới về. Mấy hôm nay tới đây để mua đồ thì cứ thấy không có đồ nữa. Lập tức mọi người lấy ra một ít đồ của mình chia sẻ với cô. Người đưa cô vài cuốn giấy đi cầu, người cho hai lon bắp, người đưa nước. Chỉ trong năm mười phút chiếc xe của cô đầy thực phẩm cho ba ngày ăn. Cô ôm mặt khóc càng to hơn. Có người tới ôm cô. Có người cùng khóc theo với cô. Khóc, nhưng chắc ai cũng thấy vui vì mình đã chia sẻ được. Nhận thì vui đã đành, nhưng cho, đó là một hạnh phúc.
Một buổi sáng, hai vợ chồng tôi đi Costco để mua thêm thực phẩm trong nhà. Anh bỏ tôi xuống trước để đứng xếp hàng trong khi anh đang đi kiếm chỗ đậu xe. Khi trở lại, anh nói với tôi, thấy đằng sau mình có một bà mẹ với ba đứa con, hay là mình đổi chỗ đi, mình chỉ có hai người lớn thôi. Khi chúng tôi tới nói, cô ngạc nhiên và mừng ríu rít. Tôi cứ phải nói với cô, không sao đâu cô mãi. Cô còn trẻ quá, cô đâu biết cách đây mấy mươi năm đất nước này cũng đã cưu mang chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội, thì việc làm ngày hôm nay có nghĩa gì đâu chứ.
Con trai tôi về nhà học online. Tôi cũng được hãng cho làm ở nhà. Với điều lệnh “shelter in place,” an vị tại gia, nhiều thương hiệu phải đóng của. Disneyland, Mall, rạp xi nê, gym, tiệm ăn, nhà hàng đều phải đóng cửa. Nhiều người phải mất việc làm. Nhiều người chỉ còn có thể làm bán thời gian. Cuộc đời có nhiều bất ngờ. Mới đây các nhà thời sự còn nói về sự vững mạnh của nền kinh tế mà nay thì đã hoàn toàn khác rồi. Tôi nhớ tới cậu thanh niên trẻ làm việc ở tiệm Burger King. Cậu vừa làm vừa học đại học trung cấp. Không biết cậu có còn được làm nữa không. Tôi vội vàng quay sang con trai dặn, chút nữa con ra mua cho má một cái fish sandwich, mua cho con nữa. À, chắc là từ nay mình nên ăn ngoài một tuần ba lần đó con.
Mùa dịch này, mình chống, không chỉ bằng cách giữ gìn sức khỏe, mà còn bằng cả trái tim.

Tuyết Vân
Theo Người Việt Online ngày 2/4/2020
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/phu-nu/viet-cho-nhau/chong-dich-bang-trai-tim/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*