Lê Phan: Khi Người Đức Gọi Nữ Thủ Tướng Là ‘Mutti’

Bức ảnh Thủ Tướng Angela Merkel đi chợ mua đồ dùng, gồm 4 chai rượu và ít cuộn giấy vệ sinh, ở Berlin, được mạng xã hội lan truyền rộng rãi. (Hình: Twitter)

Người dân Đức thân mật gọi bà thủ tướng của họ là “Mutti”, tiếng Đức có nghĩa là “Mẹ”.
Trong bài diễn văn đầu tiên cho đất nước từ khi nhậm chức, Thủ Tướng Angela Merkel bình tĩnh kêu gọi lý trí và tinh thần kỷ luật của các công dân để làm chậm sự lan truyền của virus, công nhận là một người lớn lên ở Đông Đức Cộng Sản bà cảm thấy khó khăn phải từ bỏ những quyền tự do, nhưng vì là một khoa học gia nhấn mạnh là những dữ liệu khoa học không đánh lừa chúng ta.
Rồi, cũng mặc bộ đồ pant suit màu xanh đậm trong khi đọc bài diễn văn truyền hình, bà thủ tướng 65 tuổi đi chợ ở siêu thị địa phương để mua thức ăn, rượu và giấy vệ sinh cho căn “apartment” của ông bà ở Berlin. Đối với bà, đó là việc bình thường, nhưng những tấm hình chụp bởi một ai đó ở cái siêu thị nhỏ đã được chia sẻ trên toàn thế giới như là một dấu hiệu trấn an của sự lãnh đạo bình tĩnh trong giai đoạn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Đó là lý do tại sao người Đức đã thân mật gọi bà là Mutti.
Từ khi có đại dịch coronavirus, bà Merkel đã tái khẳng định sức mạnh truyền thống của bà và xác định vai trò lãnh đạo của bà sau hai năm mà ngôi sao của bà đã có vẻ bắt đầu lu mờ dần, với chú ý tập trung vào thường xuyên có cãi cọ trong liên minh cầm quyền và vấn đề của đảng bà vẫn còn tìm người thay thế bà.
Thủ Tướng Merkel đã cai trị nước Đức hơn 14 năm nay và với kinh nghiệm của hơn một thập niên đối phó với khủng hoảng. Bà đã trấn an dân Đức trong cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 là tiền để dành của họ an toàn, đã lãnh đạo một phản ứng cứng rắn nhưng được ủng hộ ở trong nước đối với cuộc khủng hoảng nợ của khối đồng euro, rồi đã có sáng kiến lúc đầu chào đón di dân năm 2015 mặc dầu gây tranh cãi trong nước.
Vào buổi hoàng hôn của triều đại bà, bà đã phải đối phó với cuộc khủng hoảng lớn nhất – một việc đã được bà khẳng định khi lần đầu tiên bà lên truyền hình nói chuyện với toàn dân. Từ trước đến nay bà chỉ đọc diễn văn truyền hình mỗi năm một lần vào dịp đầu năm.
“Chuyện này trầm trọng – hãy coi trọng nó”, bà khuyên nhủ dân chúng. “Kể từ khi nước Đức thống nhất – không, từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay – chưa bao giờ có một thách thức cho đất nước mà sự việc chúng ta đồng lòng đoàn kết quan trọng đến thế.”
Với nước Đức đang đóng cửa cuộc sống xã hội, cấm cửa dân chúng tụ tập, giới hạn đi lại, bà nhắc đến kinh nghiệm thời nhỏ sống dưới chế độ Cộng Sản Đông Đức khi bà nói rõ mức độ của thách thức và giải thích bà cảm thấy khó khăn đến mức nào phải giới hạn đi lại.
“Đối với một người như tôi, mà quyền tự do đi lại và di chuyển là một quyền khó khăn mới đạt được, sự giới hạn như vậy chỉ có thể biện minh khi tuyệt đối cần thiết,” bà nói. Và bà thêm là chúng “tối cần thiết vào lúc này để cứu mạng sống.”
Sự căng thẳng và kịch tính lộ rõ trong lời nói của bà, nhưng cách trình bày quen thuộc: thực tế và bình tĩnh, lý luận thay vì kích động, tạo nên một thông điệp đã đạt mục đích. Đó là lối hành xử rất tốt cho nhà vật lý học, một giáo sư đại học trở thành chính trị gia, trong việc đối phó với những liên minh đôi khi đầy cãi cọ và duy trì sự ủng hộ của công chúng qua hơn một thập niên.
Nhật báo Sueddeutsch Zeitung đầy ảnh hưởng nhận xét “Bà Merkel vẽ lên hình ảnh một thách thức lớn nhất từ Thế chiến thứ hai, nhưng bà không nói đến chiến tranh. Bà không dựa vào những lời lẽ hay cử chỉ binh biến, nhưng kêu gọi lý trí của người ta… Không ai biết liệu như vậy có đủ chưa, nhưng giọng điệu của bà ít nhất không đưa người dân chìm thêm vào mối bất định và sợ hãi.”
Phản ứng của bà đối với đại dịch COVID-19 dĩ nhiễn vẫn còn đang tiếp diễn, nhưng một cuộc thăm dò dư luận hôm thứ sáu bởi Đài Truyền Hình ZDF cho thấy 89% dân Đức nghĩ là chính phủ đã đối phó tốt. Cuộc thăm dò cũng cho thấy bà Merkel củng cố thêm vị trí của một chính trị gia hàng đầu, và một sự gia tăng ủng hộ cho khối trung hữu Union của bà đã tăng 7% sau nhiều tháng bị đi xuống vì những câu hỏi về tương lai lãnh đạo của đảng.
Lúc đầu, bà thủ tướng đã giao cho Bộ Trưởng Y Tế Jens Spahn làm bộ mặt chính thức trong phản ứng của chính phủ, tạo một số chỉ trích, nhưng từ hai tuần nay đã đóng vai chính. Bà tiếp tục lãnh đạo sau khi tự cô lập vào hôm Chủ Nhật khi một bác sĩ chích ngừa cho bà bị nhiễm virus. Kể từ đó bà đã được thử nghiệm hai lần đều âm tính cho virus nhưng vẫn tiếp tục làm việc từ nhà.
Hôm Thứ Hai tuần rồi, bà chủ trì một cuộc họp của nội các bằng điện thoại từ nhà và rồi gửi lên một thông điệp phát thanh đưa ra một loạt các biện pháp cứu nguy khổng lồ để làm giảm bớt đòn nặng của cuộc khủng hoảng lên doanh nghiệp – một cách thức mà bà nói “bất bình thường, nhưng đối với tôi nó quan trọng.”
Phó Thủ Tướng Olaf Scholz, bộ trưởng tài chánh và là thành viên của đảng liên minh với bà, đảng Dân Chủ Xã Hội, cũng đã có cơ hội để nổi bật lên trong cuộc khủng hoảng, lãnh đạo cố gắng đạt thỏa thuận về loạt hành động cứu nguy vốn cho phép nước Đức cung cấp cho doanh nghiệp hơn một ngàn tỷ euro (tức $1.1 ngàn tỷ). Hệ thống y tế Đức đủ tốt để có thể nhận thêm bệnh nhân từ những nơi như Ý và Pháp, vốn đang bị hoàn toàn quá tải, cung cấp những giường bệnh chăm sóc đặc biệt vẫn còn trống chỗ.
Mặc dầu Đức có con số nhiễm bệnh lớn thứ ba ở Âu Châu với 57,695 người, theo thống kê của Đại Học John Hopkins, Đức chỉ mới thấy có 433 người thiệt mạng, khiến họ đứng thứ sáu ở Âu Châu, sau Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh và ngay cả Hòa Lan. Một mình Ý có trên 10,000 người thiệt mạng.
Các chuyên gia đã cho thành công của Đức một phần là nhờ thử nghiệm rộng rãi và sớm cho virus, trong số những lý do khác. Trong thông điệp truyền thanh hôm tối thứ năm, bà Merkel khuyên thận trọng và nói là còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng với dịch bệnh, và thêm “nay không phải là lúc nói về giảm biện pháp cấm cản.”
Dầu cho kết quả của cuộc chiến chống virus của Đức có như thế nào chăng nữa, nó không thay đổi điều là thời đại của bà Merkel sắp đến lúc kết thúc. Bà Merkel chưa hề đưa ra chỉ dấu gì là bà sẽ không giữ lời hứa hồi năm 2018 là bà sẽ rời bỏ chính trị ở cuộc bầu cử tới, chờ đợi là sang năm.
Nhưng cuộc khủng hoảng có thể đánh bóng hình ảnh lu mờ của chính phủ bà và cải thiện triển vọng sẽ qua được mùa thu năm 2021, sau khi có những đồn đoán là sẽ không hết nhiệm kỳ quốc hội.
Trong khi đó bà Merkel sẽ làm những gì cần thiết để bảo đảm không những nước Đức trải qua đại dịch ít tổn thương nhất, cũng như sẽ bảo đảm cho sự sống còn của đồng euro mà không làm các đồng bào của bà không hài lòng. Bà có lần so sánh cuộc khủng hoảng đồng euro “như ở trong phòng tối, tối đến nỗi không thấy bàn tay của mình ngay trước mắt và phải lần mò kiếm đường đi tới.” Cuộc khủng hoảng lần này sẽ còn khó định hướng hơn nữa.
Nhưng trong khi bà chuẩn bị cho công tác khổng lồ cứu nguy nước Đức và Âu Châu, ít nhất bà được sự ủng hộ của nhân dân. Ngay cả chính trị gia đối lập cũng phải ca tụng bà. Dân biểu Konstantin von Notz, một dân biểu thuộc đảng Xanh đối lập, từng tweet “Chúng ta phải thật sung sướng là chúng ta có một thủ tướng như là bà Angela Merkel vào lúc này.”

Lê Phan
Theo Người Việt Online ngày 29/3/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*