Washington Và Taliban Ký Thỏa Thuận Rút Một Phần Quân Mỹ Khỏi Afghanistan

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Doha, Qatar, ngày 29/02/2020, tham dự lễ ký kết một thỏa thuận giữa Washington và phe Taliban. REUTERS/Ibraheem al Omari

Hôm nay, 29/02/2020, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến Doha để tham dự lễ ký kết một thỏa thuận lịch sử giữa Washington và phe Taliban. Thỏa thuận rút một phần quân đội Mỹ khỏi Afghanistan cho phép mở ra các đàm phán lập lại hòa bình tại quốc gia Nam Á này.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban ký kết hôm nay đã được đàm phán từ một năm rưỡi nay tại Qatar. Hôm qua, 28/02, tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các bên Afghanistan ”nắm bắt cơ hội hòa bình” này. Ông Trump nhấn mạnh, với vẻ đầy tin tưởng, là ”nếu Taliban và chính quyền tôn trọng các cam kết, chúng ta sẽ có được một lộ trình cho phép chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, và đưa các binh sĩ Mỹ về với gia đình”. Khoảng 30 quốc gia cử đại diện tham gia lễ ký kết tại Doha. Chính quyền Afghanistan cử một phái đoàn nhỏ để có ”một tiếp xúc đầu tiên” với phe Taliban.

Theo thỏa thuận, phía Mỹ trước hết sẽ rút hơn 4.000 binh sĩ trong tổng số 13.000 quân đồn trú tại Afghanistan, trong vòng 14 tháng. Việc triệt thoái quân Mỹ sẽ diễn ra từ từ và tùy thuộc vào việc Taliban tôn trọng các cam kết. Nhiều nhà quan sát tỏ ra thận trọng về tác động của thỏa thuận Doha đến tiền trình thiết lập hòa bình tại Afghanistan.

Thông tín viên Sonia Ghezali gửi về bài phóng sự cho biết không khí hoài nghi tại thủ đô Kabul, trước giờ ký kết thỏa thuận:

‘Cắt đứt mọi quan hệ với các nhóm khủng bố và không để cho Afghanistan biến thành một căn cứ địa cho các nhóm vũ trang, muốn sử dụng lãnh thổ nước này để làm bàn đạp tấn công các nước khác. Đây là một trong các đòi hỏi của phía Mỹ, và phe Taliban phải chấp thuận, nếu muốn quân đội Mỹ rời khỏi Afghanistan”.

Ông Abdullah, một cư dân Kabul, tỏ ra hoài nghi: Tôi sẽ sung sướng nếu hòa bình rốt cuộc trở lại. Nhưng vấn đề là không chỉ có phe Taliban gây hỗn loạn ở đây. Còn rất nhiều nhóm khủng bố khác, như Haqqani, Al-Qaida, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo… Chính quyền sẽ có thể làm gì để chống lại họ?

Đây là một trong những câu hỏi mà nhiều người Afghanistan đặt ra. Họ lo lắng về những diễn biến tiếp theo, một khi thỏa thuận Doha được ký kết.

Ông Abdul Malik Hamdard, một nhà tranh đấu của xã hội dân sự, nhận xét: Khi quân Mỹ rời khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban sẽ nắm quyền. Tôi không tin vào bọn họ, nhân dân Afghanistan không tin tưởng họ.

Tại một quán cà phê sang trọng ở thủ đô, ông Bekzad Abdullah, một kỹ sư, thì tỏ ra nghi ngờ là các đàm phán giữa các phe phán trong nội bộ chính giới Afghanistan sẽ mang lại kết quả. Ông nói: Tôi cho rằng mối đe dọa lớn nhất đến từ phía chúng ta đến từ phía các chính trị gia Afghanistan.

Người kỹ sư trẻ này muốn nói đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Afghanistan, sau bầu cử. Kết quả bầu cử tổng thống Afghanistan tháng 9/2019 bị đối thủ chính bác bỏ. Đối lập Afghanistan không chấp nhận để tổng thống mãn nhiệm Ashraf Ghani trở lại nắm quyền.

Trọng Thành
Theo RFI ngày 29/2/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*