Anh chị và cháu của cố Thiếu úy Dương Văn Chánh (trước mộ 81 tử sĩ ND ngày 26-10-2019)
Sáng sớm thứ Bảy, ngày 26.10. 2019, tại Công viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ Westminster – California, một buổi lễ vinh danh và truy điệu thật trang trọng, theo đúng lễ nghi quân cách Mỹ – Việt, do Lost Soldiers Foundation phối hợp với Tổng Hội Gia Đình Mũ Đỏ VNCH tổ chức, nhân dịp an táng hài cốt 81 tử sĩ Nhảy Dù VNCH. Điều đặc biệt là những chiến binh Nhảy Dù này đã hy sinh cách nay gần 54 năm (ngày 11.12.1965) tại Phú Yên, Việt Nam, và hôm nay xương cốt của họ lại được an táng trên đất nước Mỹ, một đồng minh từng có nhiều ân, oán với những người lính VNCH, sau ngày buông súng oan khiên 30.4.1975. Người Mỹ gọi 81 thiên thần mũ đỏ này là ‘những chiến sĩ không còn quốc gia’, nên việc an táng của họ khá phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Có được kết quả như hôm nay là nhờ vào tấm lòng và công lao của Cựu TNS Jim Webb, cũng là cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam. Ông đã nói với chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ:
‘Chúng ta không chỉ chăm sóc cho những người chết của chúng ta mà còn phải chăm sóc cho từng chiến sĩ VNCH đã từng chiến đấu với chúng ta. Những người lính vô danh này xứng đáng được tưởng nhớ vì danh dự và nhân phẩm của họ.’
Từ Bắc Âu sang tham dự, không những để tiễn đưa và truy niệm những chiến sĩ của một binh chủng thiện chiến, anh hùng, mà tôi còn chào vĩnh biệt hai người bạn cùng chung số phận, một người là đồng môn dưới mái trường trung học Võ Tánh, Nha Trang: cố Đại úy Phan Ngọc Bích; và một người đặc biệt khác, là bạn thân cùng Khóa 18 Thủ Đức, cùng một trung đội 14/4 Sinh Viên Sĩ Quan, và nằm cạnh bên nhau trong suốt thời gian ở quân trường: Cố Thiếu úy Dương Văn Chánh.
Dương Văn Chánh sinh ngày 08.01.1940 tại Thanh Hóa, là em út trong gia đình gồm năm anh chị em vốn có liên hệ mật thiết với Binh chủng Nhảy Dù. Người chị cả, Dương Thị Kim Thanh, từng là một trong bảy nữ quân nhân Nhảy Dù đầu tiên. Bà cũng là phu nhân của cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân, là Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn (tiền thân của Sư Đoàn) Nhảy Dù (1962), Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù (1964), trước khi trở thành Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh (1967), đơn vị mà tôi đã phục vụ suốt 10 năm binh nghiệp. Hai ông bà đều hy sinh tại Quảng Đức vào ngày 08.9.1968, khi phi cơ trực thăng chở ông bà bị bốc cháy, khoảng 10 phút sau khi rời tiền đồn Đức Lập, nơi ông bà vừa đến thăm viếng, ủy lạo binh sĩ.
Thời đi học, Dương Văn Chánh học ở trường Chasseloup-Laubat, rồi Tabert Saigon và cũng là một tráng sinh Hướng Đạo Việt Nam. Đang học năm thứ hai Luật Khoa, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, vào khóa 18 Thủ Đức, ở cùng Trung đội 14/Đại dội 4 SVSQ với tôi và nằm gần nhau. Chánh có vóc người trung bình, nhưng rắn rỏi, da ngăm đen, giọng khàn khàn, nhìn có vẻ nghiêm nghị, nhưng lại rất vui tính, nghịch ngầm và luôn tận tình giúp đỡ anh em. Ra trường ngày 18.3, 1965 được chọn về Binh chủng Nhảy Dù. Sau khi tốt nghiệp Khóa Căn Bản Nhảy Dù, Chánh được bổ nhậm về làm trung đội trưởng của TĐ7ND, đơn vị trực thuộc Chiến Đoàn 2 ND, mà Trung Tá Trương Quang Ân đang làm Chiến Đoàn Trưởng. Chánh bị thương khá nặng ngay trong trận đánh đầu đời, trận Đồng Xoài vào giữa tháng 6, 1965. Lần đầu tiên Cộng quân đã sử dụng một lực lượng tương đương cấp sư đoàn. Với quân số và trang bị quá chênh lệch, Tiểu Đoàn 7 ND bị tổn thất nặng nề. Khi Chánh vừa bò ra khỏi hầm thì một trái pháo địch rơi ngay vào hầm giết chết 2 bình sĩ còn lại trong đó, mọi đồng đội đều tưởng cả ba người đã tan xác nên báo cáo Chánh tử trận. Chánh và một số chiến sĩ Nhảy Dù phải lẩn trốn trong rừng, ba ngày sau mới tìm về trình diện đơn vị. Trong thời gian dưỡng thương, anh được về ở với gia đình cha mẹ, gần Bệnh Viện Chợ Rẫy. Không ngờ đó cũng là những ngày cuối cùng gia đình nhìn thấy Chánh trước khi anh lên đường tham chiến tại Cao Nguyên, để rồi không bao giờ trở lại.
Vào ngày 11.12.1965, chiếc vận tải cơ C-123 của Không Lực Hoa Kỳ có số đuôi 64376 do Thiếu Tá Robert M. Horsky lái. Chiếc máy bay có phi hành đoàn gồm bốn quân nhân Hoa Kỳ, chở theo 81 chiến binh thuộc Đại Đội 72ND với đầy đủ vũ khí, đạn dược, trên đường từ phi trường Pleiku bay về Tuy Hòa, nhằm mở cuộc hành quân tiếp ứng, giải vây cho một lực lượng của Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn bị Cộng quân vây hãm. Khoảng cách chỉ khoảng một giờ bay, nhưng chuyến bay đã không bao giờ đến đích.
Phi cơ cất cánh lúc 10 giờ 18 phút sáng, nhưng sau đó mọi điện đàm bị mất và trên màn hình radar không lưu cũng không còn dấu vết chiếc vận tải cơ C 123 này. Ngay sau đó, Hoa Kỳ đã cho máy bay trinh sát đi tìm dấu vết phi cơ lâm nạn. Sau ba ngày liên tiếp tìm kiếm nhưng không kết quả vì sương mù dầy đặc nên phải tạm ngưng. Bảy ngày sau, từ trên phi cơ trinh sát, toán tìm kiếm đã phát hiện chiếc phi cơ lâm nạn bị gẫy nát nằm trên một triền (gần đỉnh) núi ở phía Tây Nam và cách Tuy Hòa khoảng 20 dặm. Nhưng vì địa thế hiểm trở, sương mù vây phủ, lại nằm trong vùng địch nên không thể lấy xác được.
Chánh cùng 80 đồng đội được báo cáo mất tích. Gia đình nhận dược “Tờ Trình Ủy Khúc” và vẫn nuôi hy vọng là có thể Chánh bị bắt để sẽ được trao đổi tù binh. Bạn bè cùng khóa vẫn tưởng là Chánh đã hy sinh từ tháng 6.1965 trong trận Đồng Xoài, và là người tử trận đầu tiên trong số 40 SVSQ thuộc Trung Đội 14/4 của Khóa 18 chúng tôi.
Sau này, khi phục vụ tại Sư Đoàn 23 BB mà Chuẩn Tướng Trương Quang Ân là tư lệnh, tôi có nhiều dịp được gặp ông, và một vài lần được nói chuyện với bà Dương Thị Kim Thanh, phu nhân của ông, trong các dịp ông bà đến ủy lạo đơn vị hay thăm viếng trại gia binh, một đôi lần định hỏi thăm về Chánh, nhưng tôi ngại không dám.
Khi ra hải ngoại, tôi bắt đầu tập tành viết lách, kể về những kỷ niệm quân trường, bè bạn, trong đó có nhắc tới Dương Văn Chánh, viết về đơn vị, về vị tư lệnh đặc biệt tạo nên nhiều giai thoại, về những cuộc hành quân và cái chết của ông bà Tư lệnh Trương Quang Ân. Không ngờ các anh chị của Chánh lại là độc giả. Anh Dương Văn Hóa, là anh cả của Chánh, em kế của bà Dương Thị Kim Thanh, định cư ở Canada, liên lạc với tôi nhiều lần, và có lần sang thăm Vương quốc Na Uy, nơi gia đình tôi sinh sống, nhưng tiếc là đúng vào lúc tôi đang nghỉ hè ở Tây Ban Nha, nên không được gặp. Biết tôi là bạn thân của Chánh, người em út bất hạnh của gia đình, anh chị càng quí mến tôi hơn.
Đầu tháng 10.2019, nhận được điện thư của anh Dương Văn Hóa, báo cho biết là anh chị và gia đình sẽ sang Cali để tham dự lễ an táng hài cốt của 81 tử sĩ Nhảy Dù, trong đó có Dương Văn Chánh. Khi ấy tôi mới biết là Chánh chỉ bị trọng thương ở trận Đồng Xoài, chứ không phải tử trận như tin tức nhầm lẫn trước đây. Anh nhờ nhà văn Phan Nhật Nam và tôi theo dõi để cho anh biết chính thức các chương trình truy điệu và an táng. Anh Phan Nhật Nam là bạn đồng đội, trước đây cùng ở Đại đội 72 ND với Chánh, và họ là hai sĩ quan của Tiểu Đoàn 7 ND còn sống sót trong trận Đồng Xoài, nhưng sau đó anh Phan Nhật Nam đã chuyển đi tiểu đoàn khác, nên không tham dự cuộc hành quân tại Cao Nguyên cùng với 81 đồng đội tử nạn.
Để có thể theo dõi chính xác việc an táng và truy điệu, khi các chương trình thay đổi liên tục, tôi giới thiệu một anh bạn có sinh hoạt thường xuyên với Gia Đình Mũ Đỏ cũng như Chi Hội Nam Cali, anh cũng là một Y sĩ và nhà văn của Nhảy Dù, Bác sĩ Vĩnh Chánh. Không ngờ vợ chồng Bác sĩ Chánh cũng có mối quan hệ thân tình với anh chị Hóa, vì chị Hóa từng là học sinh của mẹ Chánh thời còn trung học và cũng là bạn cùng lớp với một người chị của Bs Vĩnh Chánh. Bs Chánh đã nhiệt tình trong việc cung cấp các tin tức cần thiết về chương trình truy điệu và an táng 81 tử sĩ Nhảy Dù vào ngày 26.10.2019, cũng như cho Ban Tổ Chức biết có sự tham dự của gia đình, gồm anh chị và các cháu của cố Thiếu úy Dương Văn Chánh, để tiếp đón và sắp xếp các nghi thức cần thiết.
Theo lời hẹn, Bs Vĩnh Chánh và tôi đón anh chị Dương Văn Hóa và vợ chồng chị Dương Thị Kim Sơn, em gái kế anh Hóa, trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Dù anh Hóa đã trên tuổi 85 và trước đây chưa hề gặp nhau, nhưng tôi dễ dàng nhận ra anh, bởi khuôn mặt và dáng dấp khá giống bạn tôi, Dương Văn Chánh. Trong dịp này tôi cũng được gặp cháu Trương Thị Thùy Anh, ái nữ của Ông Bà cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân, đến tiễn biệt ông cậu út của mình. Thùy Anh còn có người chị, Trương Thị Trâm Anh và cậu em Trương Quang Thế Anh. Sau ngày bố mẹ mất, các cháu còn rất nhỏ, được ngoại và sau đó là Cậu mợ Hóa nuôi dưỡng.
Khi chiếc quan tài chứa hài cốt của 81 tử sĩ Nhảy Dù, phủ lá quốc kỳ VNCH, được các đồng đội Mũ Đỏ đưa vào vị trí lễ đài, giữa hai hàng chiến binh Nhảy Dù và các binh chủng bạn đứng nghiêm chào, trong tiếng nhạc tưởng niệm trầm buồn, tôi thấy anh Hóa ngậm ngùi, những dòng lệ ứa ra dưới mắt kiếng đen.
Đi theo sau chiếc quan tài, mà anh Hóa tin tưởng là có một phần xương cốt của em mình trong đó, đến nghĩa trang Westminster Memorial Park. Một buổi lễ hạ huyệt theo đúng lễ nghi quân cách. Bảy quân nhân Hải Quân Hoa Kỳ bắn 21 phát súng tiễn biệt. Lá quốc kỳ phủ trên quan tài được trịnh trọng lấy xuống, xếp lại và trao cho anh Chi Hội Trưởng Mũ Đỏ Nam Cali, thay vì trao cho anh Dương Văn Hóa, đại diện thân nhân tử sĩ, như đã dự trù. Ban Tổ Chức cho biết, có nhiều thân nhân, nên không thể chỉ trao cho một người. Một quyết định hữu lý. Duy có một điều lạ, tôi đã thưa với cựu Trung Tá Bác sĩ Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ Tịch Gia Đình Mũ Đỏ Trung Ương, không hiểu tại sao trong suốt hai buổi lễ, truy điệu và an táng, không thấy Ban Tổ Chức nhắc nhở hay dành cho thân nhân của các tử sĩ hiện diện một hình thức nào, ngay cả được rãi nắm đất hay cành hoa xuống huyệt mộ, trên chiếc quan tài, trước khi lấp đất. Bác sĩ Hiệp cho biết ban đầu các chi tiết này có trong chương trình, nhưng giờ chót không hiểu vì sao Ban Tổ Chức (LSF) đã hủy bỏ, vì vậy Gia Đình Mũ Đỏ sẽ tổ chức riêng buổi thắp nến cầu nguyện ngay buổi tối hôm ấy, đặc biệt dành cho thân nhân của những tử sĩ Nhảy Dù. Một việc làm đầy nghĩa tình của Gia Đình Mũ Đỏ, rất đáng được ngợi ca.
Lễ truy điệu và đọc văn tế
Buổi tối, lễ thắp nến và cầu nguyện đã diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và cảm động. Tất cả đèn điện đều tắt, hơn 500 ngọn nến trên tay của những người tham dự, tạo nên một khung cảnh huyền nhiệm. Thân nhân tử sĩ được mời lên trước lễ đài niệm hương trong khi ban tế lễ đọc bài văn tế trong tiếng chiêng trống chiêu hồn tử sĩ.
Anh Dương Văn Hóa đã đại diện những thân nhân, nói lên cảm tưởng của mình:
‘Xin thay mặt gia đình cố Thiếu Úy Dương Văn Chánh, chúng tôi xin vô vàn cảm ơn quý vị Gia Đình Mũ Đỏ đã bỏ nhiều công sức để tổ chức lễ truy điệu, an táng và đêm thắp nến tưởng niệm cho 81 chiến sĩ Nhảy Dù đã lâm nạn vào Tháng Mười Hai, 1965, trong đó có em trai út của chúng tôi là Dương Văn Chánh.
Chánh tốt nghiệp khóa 18 trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, chọn phục vụ trong Binh Chủng Nhảy Dù theo vết chân của chị chúng tôi là cố Chuẩn Úy Nhảy Dù Dương Thị Kim Thanh, một trong bảy nữ quân nhân Nhảy Dù đầu tiên của Quân Lực VNCH, và anh rể là cố Thiếu Tướng Trương Quang Ân, cựu chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù, và là cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Cả hai anh chị chúng tôi đã tử nạn trong chuyến bay trực thăng thị sát mặt trận Đức Lập vào Tháng Tám, 1968.
Trong đau buồn, gia đình chúng tôi vẫn rất mừng là cuối cùng sau 54 năm, cái chết trên đường thi hành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc của em trai chúng tôi và 80 đồng đội Nhảy Dù đã được mọi người quan tâm, nhất là cựu Thượng Nghị Sĩ James Webb, tổ chức Lost Soldiers Foundation và Đại Gia Đình Mũ Đỏ VNCH Hải Ngoại đã tận tâm tổ chức cho những tử sĩ này một buổi lễ truy điệu trang trọng, một nơi an nghỉ ấm áp trong lòng đất của thủ đô tị nạn Little Saigon.’
Trong mấy ngày lưu lại Nam Cali, anh chị Hóa thường gặp gỡ, tâm tình cùng tôi và Bs Vĩnh Chánh. Anh chị xem chúng tôi như em, dành cho chúng tôi tình cảm thương quí mà anh đã từng dành cho Dương Văn Chánh, đứa em út của anh chị đã bỏ lại gia đình khi tuổi còn rất trẻ, cũng là người bạn thân của tôi trong suốt thời gian ở quân trường, trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú, giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức cùng với bao điều mất mát tang thương khác.
Trước khi anh chị Hóa rời Cali, tôi và Bs Vĩnh Chánh cùng đưa anh chị Hóa trở lại nghĩa trang WMP thắp hương trước mộ Chánh cùng 80 tử sĩ đồng đội của anh, giờ đã thực sự yên nghỉ trên một đất nước tự do và trong vòng tay yêu thương của tất cả đồng đội, đồng bào.
Khi nói lời tạm biệt, anh Hóa cầm tay tôi thật lâu, cả hai anh em đều xúc động. Nhìn khuôn mặt và dáng dấp của anh, tôi có cảm giác như đang bắt tay với Dương Văn Chánh trong ngày chia tay rời khỏi quân trường, mỗi thằng sẽ đi mỗi ngã, về những vùng lửa đạn, để rồi sau 54 năm mới gặp lại trong một hoàn cảnh âm dương cách trở như hôm nay. Bước tới trước mộ bia, đứng nghiêm đưa tay chào, tôi thì thầm:
–“Vĩnh biệt các anh – Vĩnh biệt Dương Văn Chánh!”
Bất chợt, một cơn gió lốc bỗng từ đâu ào đến, cuốn theo mấy cánh hoa trên mộ bay vút lên nền trời xanh
Phạm Tín An Ninh
(29.10.2019)
Be the first to comment