Việt Nam Thuộc Nhóm Nước ‘Dân Chúng Ứng Xử Kém Văn Minh Trên Internet’

Việt Nam có số người sử dụng internet đông hàng đầu ở Á châu. (Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam nằm trong nhóm cuối của những nước mà dân chúng ứng xử “kém văn minh” trên mạng Internet, theo cuộc khảo sát của công ty Microsoft nhân “Ngày an toàn hơn trên Internet.”
“Ngày An Toàn Hơn trên Internet” (Safer Internet Day) năm nay là ngày 5 Tháng Hai, 2020. Công ty phần mềm Microsoft từ ba năm nay thực hiện cuộc khảo sát tại 25 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để tìm biết về cách ứng xử văn minh trên mạng (civility online) của người ta ra sao.

Theo những gì được công bố (Digital Civility Index and Promoting a Safer Internet | Microsoft) qua cuộc phỏng vấn thăm dò 500 người ở Việt Nam, từ 13 tuổi đến 74 tuổi, người ta thấy người dân ở đó đối xử với nhau “ít văn minh” trên các mạng xã hội qua các các trò lường gạt, gạ gẫm tình dục, hay kích dục nhiều hơn những thứ gì khác.

Trong bảng xếp hạng chỉ số “ứng xử văn minh trên mạng” của Microsoft, Việt Nam là một trong 5 nước nằm chót bảng cùng với Nga, Columbia, Peru và Nam Phi.

Chỉ số ứng xử của người Việt bị Microsoft coi là “kém văn minh”. (Hình: Người Việt crop từ Microsoft.com)

Theo cuộc khảo sát kể trên, người Việt Nam trên các mạng xã hội đã bị chèo kéo liên lạc mà họ không muốn (49%), bị lừa gạt (39%), bị đưa tin nhắm gợi dục (41%), bị quấy rối tình dục (30%), bị gạ gẫm gợi dục (29%).
Cuộc khảo sát thấy các lãnh vực mà người Việt Nam ứng xử “thiếu văn minh” trên các mạng xã hội bao gồm: các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), dung mạo (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).

Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng những gì đề cập ở trên, người ta gặp rất thường chứ không phải chỉ một vài lần, một vài ngày rồi thôi.

Chỉ số nguy cơ bị phiền hà trên Internet qua khảo sát của Microsoft. (Hình: Người Việt crop từ Microsoft.com)

Hôm Thứ Ba, 25 Tháng Hai, 2020, tờ Lao Động nhắc lại rằng nhà cầm quyền CSVN vừa qua, ra một nghị định và có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Tư 2020 tới đây, thì nếu “Bình phẩm một cách tiêu cực về ngoại hình người khác như ‘béo, ế, xấu…’ tưởng chừng chỉ là những câu nói đùa vu vơ, nhất là trong môi trường mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu người bị nhận xét cho rằng, họ bị xúc phạm về nhân nhân phẩm thì, người có những lời lẽ bình phẩm thiếu văn minh trên sẽ nhận mức phạt tới 30 triệu đồng.”
Tờ Lao Động dẫn ra một ít thí dụ là “năm 2018, mạng xã hội dậy sóng vì một nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An đã tự tử tại ao gần nhà khi phải đối mặt với những lời bình phẩm ác ý, thô tục trên mạng. Gần hơn, giữa năm 2019, một bà mẹ ở Đồng Nai đã phải cầu cứu tới cơ quan chức năng về việc con gái bà bị bôi nhọ, xúc phạm tới mức trầm cảm và thường xuyên nghĩ đến chuyện tự tử.”

Ngày 20 Tháng Ba hàng năm được Liên Hiệp Quốc đặt là “Ngày Hạnh Phúc Quốc Tế.” Ngày 20 Tháng Ba, 2019, bản báo cáo thường niên “World Happiness Report”do Mạng lưới Các Giải pháp Phát triển Bền vững của LHQ (United Nations Sustainable Development Solutions Network) công bố, xếp Việt Nam hạng 94 trên 156 nước.

TN
Theo Người Việt Online ngày 25/2/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*