Tin đồn tồn tại trong mọi xã hội nhưng mức tác hại tỉ lệ nghịch với dân trí và niềm tin nơi chính phủ. Trong các xã hội độc tài có trình độ dân trí thấp, tin đồn tác hại mạnh và ngược lại trong các xã hội dân chủ có trình độ dân trí cao tin đồn không gây nhiều tác hại.
Trong cuộc nội chiến Quốc Cộng tại Trung Quốc, sự thất bại của phe Quốc Dân Đảng không hẳn là vũ khí, phương tiện, quân số nhưng vì yếu kém về mặt tuyên truyền. Khai thác các đặc tính văn hóa, tập quán lạc hậu và cổ hủ của người Trung Quốc, đảng CS Trung Quốc tận dụng kỹ thuật tin đồn để đánh gục đối phương trong chiến tranh tâm lý. Bản thân Mao gốc nông dân. Hơn ai hết y biết sự nhẹ dạ dễ tin của người nông dân và vận dụng chúng thành vũ khí.
Đọc vài chuyện nghiêm túc lẫn khôi hài về tin đồn tại Trung Quốc.
Diana Lary, trong tác phẩm “Nội Chiến Trung Quốc: Một Lịch Sử Xã Hội, 1945-1949)” (China’s Civil War: A Social History, 1945–1949) phân tích trong nội chiến Trung Quốc hiếm khi có nguồn tin chính thức và vì thế tin đồn trở thành tin chính thức. Ngay cả khi có thông báo từ chính phủ, tin đồn cũng đóng vai trò giải thích cho những điểm không được phổ biến hay nghĩa bóng của bản tin.
Tin đồn tại Trung Cộng có giá trị như tiền bạc. Điều này có nghĩa, một người tung ra nhiều tin đồn hợp lý, uy tín của người đó cũng gia tăng. Nhiều khi người tung tin đồn cố tình giải thích để đầu cơ, trục lợi.
Bên cạnh những tin đồi có tác dụng tuyên truyền, Diana Lary cũng viết về những tin đồn mang tính hài hước nhưng là “chuyện thật” và được truyền đi rất rộng.
Chuyện những anh chàng “giải phóng quân” CS gốc nông dân xử dụng cầu tiêu là một ví dụ. Chuyện kể rằng sau khi chiếm thành phố các anh giải phóng quân dùng cầu tiêu để vo gạo trước khi nấu cơm vì tưởng đó là một chậu nước. Vo gạo xong anh chàng thuận tay xả nước và rất tức giận pha ngạc nhiên khi gạo bỗng dưng biến mất.
Tác giả S. A. Smith trong khảo cứu có cái tựa khá dài “Cóc Biết Nói Và Những Con Ma Nhát: Chính Trị của Những Tin Đồn “Mê Tín” tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, 1961-1965” (Talking Toads and Chinless Ghosts: The Politics of “Superstitious” Rumors in the People’s Republic of China, 1961–1965) cho biết sau khi Mao chết, hiện tượng tin đồn, nhà nước CSTQ gọi là tin đồn mê tín, sống lại mạnh trong xã hội Trung Quốc. Tin đồn vì thế trở thành mối lo ngày một lớn của đảng CSTQ.
Tin đồn nguy hại đến mức ngày 2 tháng 7, 1962, trung ương đảng đã ban một chỉ thị mật cho các cơ quan an ninh công cộng để tìm mọi cách ngăn chận các tin đồn.
Chính quyền Trung Cộng cho rằng phần lớn tin đồn có liên hệ đến hoạt động của những kẻ phản động, phản cách mạng thuộc các thành phần thù địch, đặc biệt Quốc Dân Đảng, nhằm hại uy tín và quyền lực của chế độ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc.
Chính quyền Trung Cộng xếp tin đồn thành ba loại: (1) phát sinh từ sự thiếu hiểu biết về tình hình quốc tế phức tạp và những khó khăn trong nước, (2) những phê phán và giận dữ của một thiểu số bất đồng và (3) những bịa đặt và tuyên truyền của các thành phần phản động.
Sự bất ổn trong các xã hội CS một phần do các nguồn tin không thể kiểm chứng, thiếu tính minh bạch gây ra.
Năm 2015, thị trường chứng khoán Thượng Hải rớt 37% không chỉ vì ảnh hưởng của nền kinh tế, thị trường tài chánh nhưng một phần cũng vì tin đồn.
Ngay sau đó, nhà cầm quyền Trung Cộng bắt giữ 197 người về tội “tung tin đồn”. Điều đó cho thấy trong môt xã hội bị bóp nghẹt thông tin, tin đồn trở thành nguồn tin “đáng tin cậy” hơn tin “chính thống” của nhà nước.
Trong các nền kinh tế tự do, thị trường điều chỉnh là một điều xảy ra gần như bình thường yếu tố tin đồn không làm tăng hay giảm mấy. Dưới xã hội Trung Cộng viễn ảnh xảy ra sẽ khác. Khi có sự điều chỉnh, kinh tế thị trường dẫn đến hậu quả thất nghiệp, lạm phát gia tăng, hàng hóa đắt đỏ, tiền lương bị hạ thấp. Đó cũng là lúc tin đồn bắt đầu gây tác hại. Tiền tiết kiệm ký thác trong ngân hàng sẽ bị hàng trăm triệu người tranh nhau để rút ra làm cho nền kinh tế đang điều chỉnh có thể rơi vào khủng hoảng.
Thời đại tin học có lợi nhưng cũng vô cùng tác hại khi các tin đồn được tung ra quá nhanh chóng. Nhà cầm quyền có thể bắt một số người nhưng không thể bắt cùng lúc 1 triệu, 10 triệu hay 100 triệu người phao in đồn và hành động theo tin đồn.
Quân đội dù có đông đảo bao nhiêu cũng không thể ngăn được làn sóng của một tỉ người từ Hải Nam đến Tân Cương cùng có một phản ứng tiêu cực giống nhau.
Trước thời mở cửa kinh tế, đại đa số người dân Trung Quốc lớn lên từ nơi họ sinh ra nhưng từ khi kinh tế phát triển, lực lượng lao động đổ dồn vào các thành phố. Sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, đô thị và nông thôn ngày càng trầm trọng. Sự phân cực trong xã hội do hậu quả của phát triển kinh tế không cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội.
Giống như các nước dân chủ, khi gặp khó khăn, người dân sẽ đặt vấn đề với hàng ngũ lãnh đạo, nhưng khác với các nước dân chủ, cách giải quyết tại Trung Cộng cũng như tại hầu hết các nước độc tài thường diễn ra bằng các biện pháp sắt máu và tù đày.
Những suy thoái trong hệ thống tài chánh với mức độ hiện nay có thể chưa làm chế độ toàn trị sụp đổ ngay nhưng cho giới lãnh đạo Trung Cộng thấy con đường dẫn đến vực thẳm là con đường không thể nào tránh khỏi. Trong xương tủy của chế độ đã có mầm mâu thuẫn đối kháng.
Chế độ CS như một biệt thự xây trên vùng đất có nguy cơ sụp lở. Căn biệt thự rất sang, rất đẹp hôm nay nhưng có thể biến mất ngày mai.
Nạn dịch Coronavirus là cơ hội cho tin đồn tái phát. Hôm 5 tháng 2, 2020, trong một bài báo đăng trên WebMD, ký giả Karen Weintraub liệt kê những tin đồn sau khi nạn dịch Coronavirus được khám phá. Chẳng hạn, tin đồn cho rằng chính Trung Cộng chế tạo ra vi khuẩn Coronavirus nhưng mất khả năng kiểm soát và để lọt ra ngoài hay tin đồn vi khuẩn Coronavirus có khả năng xâm nhập vào cả cell phone và hàng loạt tin đồn khác đang lan rộng trong và ngoài Trung Cộng.
Không chỉ có một vài người tin mà nhiều triệu người đang và sẽ tin vào tin đồn hơn là tin vào mấy cái loa phường.
Nếu vi khuẩn Coronavirus phát sinh từ Mỹ, tin đồn cũng có nhưng không nhiều và không gây tác hại trầm trọng như đang xảy ra tại Trung Cộng. Sự khác nhau vẫn là dân trí và niềm tin vào cơ chế chính trị.
Trên bàn làm việc của Tổng Thống Harry Truman có một tấm bảng nhỏ ghi câu “The Buck Stops Here”. Có nghĩa gì? Có nghĩa trách nhiệm tối thượng và cuối cùng của đất nước Mỹ đặt trên vai của tổng thống. Tổng thống, chứ không đổ thừa cho ai khác, là người chịu trách nhiệm điều hành chính phủ. Bộ máy cộng hòa tam quyền phân lập lãnh đạo đất nước chạy nhanh từ 1776 tới nay.
Trong khi đó, lịch sử 70 năm của chế độ CS tại Trung Quốc là lịch sử nhuộm bằng máu của 42.5 triệu người vô tội đã chết trong đói khát,trong các công xã nhân dân, trong các “nhà máy luyện kim sau hè”, trong cách mạng văn hóa, trong tù đày, trong trại lao động khổ sai, trong các hầm đất ở Tây Tạng v.v..
Ánh sáng tin học dù le lói cũng đang soi vào Trung Quốc. Việc chạy theo đời sống áo cơm làm cho đại đa số người dân Trung Quốc quên đi tính chính danh của những kẻ lãnh đạo mình. Tuy nhiên, khi có một biến cố đánh thức lương tri, họ sẽ nhận ra bên cạnh vi khuẩn Coronavirus còn có một loại vi khuẩn khác độc ác hơn, tai hại hơn, đó là vi khuẩn độc tài toàn trị CS.
Trần Trung Đạo
Tuyệt vời anh Đạo!
Tin đồn khống chế chính trị Mỹ từ khi Trump làm Tổng thống và thất bại hôm qua khi Thượng Viện minh oan cho TT Trump!
Tin đồn tại Việt-Nam do ngoại quốc và vc tung ra năm 1975 đã khiến dân quân hoang mang vào những ngày cuối của tháng 04, 1975!
Tin đồn trong CĐVN thì nên theo đoạn văn đầu tiên của anh Đạo tong bài viết nầy “…mức tác hại tỷ lệ ngịch với dân trí…”!
Cuối cùng thì ” gieo gió gặt bảo” nhưng ít có chính quyền độc tài hay chính trị gia chịu học hỏi!