Trần Anh Tuấn: Báo Xuân Canh Tý Trong Nước

Năm 2005 trên tạp chí Văn Học (Garden Grove, California, tháng 5&6, 2005, trang 196-205), tôi có dịp điểm báo xuân Ất Dậu 2005 trong nước. Xin nhắc lại hai điểm chính trong bài đó.

Thứ nhất, bài viết tiếc cho Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thủa vì khi chiếm được miền Nam, họ đã ra thông cáo lừa bịp để cầm giữ quân nhân và công chức VNCH trong các trại tù tập trung. Nếu Đảng Cộng Sản bấy giờ biết thu phục nhân tâm, chủ động hoà hợp hòa giải dân tộc, kêu gọi người Việt miền Nam cùng hợp tác xây dựng đất nước sau chiến tranh thì công cuộc phục hưng và phát triển đất nước từ Bắc chí Nam sau năm 1975 không gì vĩ đại hơn, với sự hợp tác chân thành của quân dân miền Nam. Và như thế, chính quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ được lịch sử ghi nhận.

Thứ hai, tôi linh cảm nếu chính quyền trong nước quyết định đổi thành phố trở lại tên Sài Gòn thì dù ở đâu, nhất là ở hải ngoại, người Việt sẽ khuyên một điểm son cho Đảng Cộng Sản vì tác dụng tâm lý mạnh mẽ của sự đổi tên. Bài viết, vì thế, ngăn chặn sự kiện này bằng cách đề nghị trước. Sau bài viết ít lâu thì rộ lên phong trào đòi “Trả lại tên Sài Gòn” do linh mục Nguyễn Hữu Lễ ở Tân Tây Lan làm Chủ Tịch.

Mười lăm năm đã trôi qua.

Năm nay, tôi lại tìm đọc báo Xuân trong Nam để phân tích và nhận định sơ lược về sinh hoạt của xã hội Sài Gòn nói riêng và xã hội Việt Nam dưới chính thể Cộng Sản nói chung.

Đó là các tờ Xuân Công An, HTV, Người Lao Động, Pháp Luật, Phụ Nữ, Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tiếp Thị & Gia Đình, Tuổi Trẻ, và Tuổi Trẻ Cười. Nội dung báo Xuân như thế bao gồm mười (10) tờ liên quan đến tám (8) sinh hoạt xã hội, là báo chí, tv, công an, lao động, pháp luật, phụ nữ, thanh niên, và thương mại.

Bộ báo Xuân đó được phát hành vào trung tuần tháng 1.2020 vừa qua.

Tuyên truyền cho Đảng Cộng Sản Việt Nam

Theo mô hình thông tin tuyên truyền xưa nay, báo Xuân Canh Tý cũng mở đầu với các bài viết và hình ảnh ca tụng đảng Cộng Sản Việt Nam. Các tờ Công An, HTV, Người Lao Động, Pháp Luật, Sàigòn Giải Phóng, Thanh Niên, và Tuổi Trẻ đều thế cả.

Nhưng ngoài tờ Tuổi Trẻ Cười có tính cách trào phúng, có hai tờ không hề trịnh trọng vinh danh Đảng hay lãnh tụ Đảng là tờ Phụ Nữ và Tiếp Thị & Gia Đình.

Hóa ra phụ nữ Việt ở thời nào cũng mạnh mẽ, độc lập và có phần ngang ngạnh hơn phái mày râu an phận thủ thường!

Vinh danh và nuối tiếc Sài Gòn

Bài viết tôn vinh Sài Gòn qua đủ mọi khía cạnh rất nhiều trong các báo Xuân năm nay. Như đường phố Sài Gòn qua ký ức không phai. Như cái đẹp của Sài Gòn về đêm huyên náo, sống động, và đa sắc. Như anh Hai Sài Gòn kỳ cục nhưng quá dễ thương. Như mưa Sài Gòn bên ướt bên khô. Như trà đạo Thái Chi ở Tân Định. Như quà rong khắp thành phố. Như ngao sò Ngã Sáu Chợ Lớn nay thêm ngao sò Cần Giờ và Quảng Ninh. Cà phê Sài Gòn thì riêng tờ Pháp Luật đã có đến năm (5) bài viết phân tích và ca tụng thứ nước đen thơm này. Thú ăn sáng thì tác giả Diễm Trang kể ra những lý do vì bận, vì rẻ, vì quen, vì ngon, và vì vui!

Hoá ra kiến trúc Sài Gòn xưa phần nào đã bị tàn hủy thay bằng kiểu mẫu mới nên trẻ, nhưng hồn của thành phố và người của Sài Gòn vẫn còn nguyên đó! Nhớ thương tha thiết khi nhắc lại tên Sài Thành chưa đủ, lần đầu tiên tôi biết đến danh xưng Sì Phố cũng trong tờ Pháp Luật.

Không thấy tờ báo Xuân nào sử dụng danh xưng Sài Đô. Nhưng thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hoà được minh danh “Sài Gòn” 22 lần trong các tựa đề của mười số báo Xuân trước mắt tôi. Còn tên “Thành phố Hồ Chí Minh” chỉ đếm được trong 6 tựa đề khác.

Sự khác biệt đó cho thấy dù chính quyền có áp đặt thế nào, lòng dân vẫn là quyết định vì tên người hay tên đất là tình cảm vừa thân thương vừa thiêng liêng của cá nhân cũng như của tập đoàn và xã hội.

Cho nên, vì không một chính thể nào có thể tồn tại mãi mãi, ai cũng biết trước chuyện thay đổi địa danh nào và sự đập bỏ tượng đài nào không có giá trị lịch sử sẽ xảy ra trong tương lai. Thành phố Saint Petersburg ở Nga chẳng hạn, từng có thời bị đổi thành Leningrad khi Lenin mất năm 1924, nhưng khi Liên Bang Xô Viết vừa sụp đổ, tên Leningrad bị xóa bỏ ngay để lấy lại tên cũ Saint Petersburg năm 1991.

Ngay bây giờ, tên gọi Sài Gòn vẫn được đa số người trong nước sử dụng -trong trường hợp này là báo Xuân của chính quyền hiện tại-, không phải là chỉ dấu cụ thể của lòng dân hay sao?!

Văn hoá ẩm thực

Dân Việt miền quê vẫn nghèo. Nghèo đến độ phụ nữ trẻ hý hửng lấy chồng ngoại quốc để thoát đói và có thể giúp gia đình còn lại ở miền quê.

Nhưng dân thành phố thì nhiều người đã giầu có khi mở công ty xuất nhập cảng, cung cấp dịch vụ, buôn bán địa ốc, mở ngân hàng, lên sàn chứng khoán… nên có nhu cầu hưởng thụ, nhất là ẩm thực. Từ đó xuất hiện các cửa hàng hải sản tươi sống cao cấp. Sài Gòn có nhiều cửa hà̉ng bán cua tuyết ở Úc mà tôi chưa thấy có ở miền Bắc California, còn cua king crab từ Alaska thì bơi lội trong hồ…

Nếu tiệm cà phê của người gốc Việt tại California chỉ là những tiệm bình dân với máy chơi game và đánh bạc, hay loại cà phê hở hang bikini ở hai thành phố Garden Grove và San Jose, thì ở Sài Gòn rất nhiều tiệm cà phê mỹ thuật và sang trọng.

Có thể nhiều người Mỹ gốc Việt ở hải ngoại chưa biết đến sự đa dạng của cà phê Sài Gòn ngày nay. Như cà phê trứng, cà phê muối, cà phê viên, cà phê chanh, cà phê soda, cà phê dâu tây, cà phê mật ong, cà phê sữa dừa, cà phê sữa chua, cà phê trái tắc… hay cà phê pha bằng bình thông nhau. Dĩ nhiên không phải loại cà phê nào vừa kể đều được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều loại có thể liệt vào hạng rởm, thứ trưởng giả học làm sang!

Cà phê phải là… cà phê! May thay và thú vị thay, là dân cà phê hiện nay -ở trong nước cũng như ở hải ngoại- vẫn có thể được hưởng cà phê chồn, là loại cà phê uống một lần, nhớ một đời. (Cần phân biệt cà phê chồn hoang và cà phê chồn nuôi. Hiện nay đã có it́ nhất năm (5) trang trại nuôi chồn để sản xuất cà phê ở Daklak, Định Quán, Bình Dương…, nhưng nhìn những nong cà phê trái xanh trái đ̉ỏ nuôi chồn thì biết sản phẩm sẽ hỏng!)

Báo Xuân còn giới thiệu nhiều món ăn cầu kỳ đến độ bất thường. Như Xuân Tuổi Trẻ viết về kem nước mắm và bữa tiệc ngoài đồng lúa giá US$1,000.00 cho mỗi thực khách ở Hội An. Rồi pizza cơm tấm, ổ bánh mỳ US$100.00, bát phở US$100.00…

Vinh danh cá nhân

Với người Việt trong nước, Xuân Tuổi Trẻ vinh danh ông Tư Khanh ở Tiền Giang sáng chế các sản phẩm từ bưởi, đặc biệt là tinh dầu bưởi trị rụng tóc hói đầu.

Ba tờ Người Lao Động, Thanh Niên, và Công An vinh danh kỹ sư Hồ Quang Cua cha đẻ loại gạo ST25. Bài báo trong Thanh Niên ghi rõ tại Hội Nghị Thương Mại Gạo Thế Giới được tổ chức tai Manila, Phi-luật-tân, từ ngày 10 đến ngày 13.11.2019, gạo ST25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới. Nhưng một chi tiết trong bài báo, là lúa ST25 là giống cao sản, ngắn ngày có thể trồng 2-3 vụ một năm, và gạo ST25 hạt dài, dẻo, có mùi thơm lá dứa thì tôi nghi ngờ thực chất của danh hiệu “gạo ngon nhất thế giới năm 2019.”

Lý do là vì xứ Phi có cơ sở nghiên cứu lúa gạo từ lâu với mục đích tạo giống lúa cứu đói cho những nước nghèo. Sự thành công của cơ quan này là lúa Thần Nông từng được du nhập vào miền Nam thời VNCH và gọi là “lúa ba trăng” vì trồng Thần Nông trong ba tháng là gặt được. Nay lúa ST25 đáp ứng điều kiện của loại lúa cứu đói, tức cũng ba trăng, năng suất cao, lại có mùi thơm lá dứa thì Hội Nghị lưu tâm. Hay ST25 chính là giống lúa Thần Nông lai tạo lá dứa?.

Chính chi tiết “mùi thơm lá dứa” giúp độc giả biết kỹ sư Cua sử dụng lá dứa khi lai tạo giống lúa này. Những sản phẩm có mùi lá dứa thì người Việt trước đây đã sử dụng nhiều nên mùi thơm thì có nhưng đặc biệt thì không. Tôi biết sữa đậu nành lá dứa của hãng Vinasoy ở Sài Gòn trước năm 1975. Tôi biết nước dừa lá dứa ở Bình Dương. Vì thế, tôi không nghĩ gạo ST25 có thể so với Nàng Hương Chợ Đào trong Nam, hay gạo Dự miền Trung, hay gạo Tám miền Bắc, chưa kể loại gạo mà Ban Cần Vụ Trung Ương trồng riêng để phục vụ Bộ Chính Trị, là những loại gạo thơm ngon đặc biệt mà không hề có bàn tay con người lai tạo gì.

Đến chuyện giáo sư tin học Nguyễn Thanh Hùng ở Thanh Hoá và Sài Gòn mà là, nguyên văn, “thầy của những kỹ sư ở thung lũng Silicon” được sao?! Thật xạo hết chỗ nói, tức XHCN!

Còn trường hợp Trần Xuân Bách là giáo sư ở đại học Hà Nội mà được đại học John Hopkins Mỹ bổ nhiệm làm, nguyên văn, “phó giáo sư phụ khuyết kiêm nhiệm” thì thực không hiểu đây là vai trò gì và khả năng đến đâu.

Xuân Người Lao Động còn vinh danh một số người Việt hải ngoại có bằng tiến sĩ nhưng thường xuyên về Việt Nam cộng tác. Như giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, giáo sư Phạm Quang Hưng ở Mỹ. Giáo sư Phan Văn Trường từ Pháp về với một chương trình không giống ai, là chương trình Cấy Nền: học viên trai gái sống với ông trong 60 giờ liên tục, tức khoảng ba ngày hai đêm. Mọi người sống chung, sinh hoạt chung, trao đổi vấn đáp chung tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống trừ tôn giáo và chính trị. Theo vị giáo sư gốc Pháp này, chương trình Cấy Nền sống tập thể ba ngày giúp mọi người chia sẻ kinh nghiệm, phong cách, đạo đức, nếp sống, tư duy… Nhưng theo tôi, xét theo bản năng của thanh niên nam nữ sống bên nhau, thì mô hình giáo dục này rất có thể chuyển từ tích cực sang tiêu cực, từ lý tưởng sang thực tế phũ phàng mà người chủ xướng phải chịu trách nhiệm.

Thật ra, Việt Nam vẫn còn trọng vọng cấp bằng tiến sĩ, nhất là loại tiến sĩ được cấp phát từ các nước tiên tiến. Chứ thật ra, một xứ Hoa Kỳ chẳng hạn, mỗi năm đào tạo hơn 10,000 tiến sĩ nên có Ph. D. cũng bình thường.

Xin chia sẻ một kinh nghiệm giáo dục ở Mỹ. Học ở đây khó mà… thi rớt, vì hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ rất đặc biệt: sinh viên nào học yếu thì càng được trợ giúp nhiều để học cho xong, còn học khu nào – tức school district ở mỗi thành phố – có càng nhiều học sinh yếu kém thì càng được Liên Bang và Tiểu Bang tài trợ nhiều để có những chương trình đặc biệt trợ giúp những học sinh ấy.

Thực ra, sinh viên học sinh người Việt học giỏi thì ngay trong nước, tỉnh huyện nào cũng có và ở hải ngoại thì châu nào cũng có, vì thanh thiếu niên người Việt vốn thông minh lại chịu khó. Điển hình là một em con nhà nghèo làm nghề đạp xích lô ở Bình Dương sang Mỹ hiện là giáo sư đại học.

Nhưng học giỏi để giúp ích xã hội hay chỉ biết vinh thân phì da mới là điều quan trọng, vì tư cách ấy xác định giá trị của mỗi cá nhân, mà bằng cấp chỉ là bước đầu của một sự nghiệp hay một giá áo túi cơm mà thôi!

Đặc biệt năm nay cũng như những năm trước, báo Xuân Canh Tý có nhiều bài ca tụng công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) của David Dương, người từ California về làm ăn từng bị một tờ báo trong nước mỉa mai là “Việt kiều về Việt Nam hốt rác.” Có tới bốn (4) tờ báo Xuân có bài dài nguyên trang ca tụng công ty VWS và người giám đốc. Bài nào cũng có hình ảnh cơ sở thu gom rác tại Sài Gòn và doanh nhân David Dương.

Dĩ nhiên, báo trong nước không ca tụng VWS và cá nhân David Dương suông. Đây là những dịch vụ quảng cáo của báo chí khi doanh nhân có nhu cầu chiêu dụ thế lực, nhất là khi doanh nhân là người gốc Việt tại Hoa Kỳ, tất bất lợi mọi bề khi đem tiền về đầu tư trong nước. Hãy để ý đến những tờ có bài ca tụng VWS và David Dương, là Công An, Pháp Luật, và Sàigòn Giải Phóng thì biết họ Dương dựa vào đâu để làm ăn tại tp. HCM!

Là người sống cùng địa phương với David Dương từ thập niên 80 của thế kỷ trước ở miền Bắc California, tôi biết anh này là tay giỏi quà cáp như thế nào. Điều đáng tiếc là mỗi khi đến kỳ xin gia hạn hợp đồng hốt rác với hai thành phố Oakland và San Jose, David Dương, giám đốc công ty California Waste Solutions (CWS), luôn luôn kéo theo một số người mạo danh “cộng đồng gốc Việt” để làm áp lực với chính quyền hai thành phố để CWS được gia hạn hợp đồng.

Báo Xuân năm nay đã hé lộ một tổ chức lớn của chính quyền trong nước nhằm tuyên truyền thu hút thanh niên Việt tại Mỹ. Đó là tổ chức Hội Thanh Niên Sinh Viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Theo Xuân Sàigòn Giải Phóng, Hội này đi vào hoạt động từ tháng 6.2013, và chính thức ghi danh với tiểu bang Massachusetts ngày 3.3.2014 trong tư cách một hội thiện nguyện vô vị lợi. Hội tổ chức nhiều sinh hoạt, điển hình là VietChallenge, Vòng Tay Nước Mỹ (VTNM), Vietnamese Professional Network… Cũng theo bản tin này, Hội hiện có khoảng 25,000 thành viên với 30 chi nhánh địa phương trên toàn nước Mỹ (?).

Vinh danh doanh nhân

Báo Xuân năm nay vinh danh một số doanh nhân điển hình trong nước như Trần Thị Việt Thanh về địa ốc, Nguyễn Lan Anh về quản trị xí nghiệp, Trần Văn Hậu về thủy sản, Vưu Lệ Quyên về hàng tiêu dùng, Đỗ Quang Hiển về đầu tư và ngân hàng, Đỗ Minh Phú về vàng ngọc, Trần Bá Dương về xe hơi, Đoàn Nguyên Đức về cây công nghiệp, Trần Thanh Hải về sữa đặc, Nguyễn Quốc Kỳ về du lịch…

Riêng Nguyễn Thị Phương Thảo là trường hợp điển hình của giới doanh nhân lắm bạc nhiều tiền, hiện là Tổng Giám Đốc hãng hàng không Vietjet Air được đề cập chi tiết trong tờ Tuổi Trẻ. Dĩ nhiên, đương sự phải thông minh, khôn khéo, và có khả năng quản trị.

Nhưng lý do gì mà tài sản của con một bà giáo có thể lên đến 2.7 tỷ Mỹ kim, tương đương 540,000 tỷ tiền Việt, trong khi lương của cán bộ trung cấp hiện chỉ vào khoảng 10 triệu tiền Việt, tương đương 500 Mỹ kim, một tháng?

Vấn đề là thế này: doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo lấy vốn ở đâu và dựa vào thế lực gì để làm chủ một cơ nghiệp nhiều tỷ Mỹ kim trong một đất nước Cộng Sản độc tài, nơi chính quyền cho doanh nhân sống thì doanh nhân sống, cho doanh nhân thành công thì doanh nhân thành công. Còn khi chính quyền muốn chiếm hữu tài sản của doanh nhân thì chỉ cần vu cáo tội trốn thuế như trường hợp Trịnh Vĩnh Bình từ Hà Lan về, hay trường hợp Trần Trường từ California về, hay tội làm hôi thối môi trường như David Dương khi doanh nhân này chưa kịp “định hướng” với chính quyền mới của tp HCM.

Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã báo động chuyện doanh nhân làm kinh tế dưới chế độ độc tài từ thời Võ Văn Kiệt trong thập niên 1980, là “Quý ông không thể làm kinh tế như đánh du kích. Cứ dụ người ta vào, vỗ béo, rồi đóng cửa làm thịt!” Lời khuyên này chẳng ai để ý nên khối người gốc Việt ở nước này nước kia đem vốn về Việt Nam “xây dựng đất nước” mà cuối cùng phải bỏ của chạy lấy người, và khi về được nước cưu mang họ thì im thin thít.

Nguyên tắc trong nền kinh tế nước Việt Nam hiện nay là thế này:
Nhất hậu duệ
Nhì quan hệ
Ba tiền tệ
Bốn trí tuệ.

Cười ra nước mắt

Tuổi Trẻ Cười (TTC) là phụ san của báo Tuổi Trẻ, qua hình thức trào phúng đã chia sẻ những tệ nạn trong xã hội Việt Nam trong năm 2019.

Về luật pháp, TTC ghi nhận những tội ấu dâm, cưỡng dâm… chỉ phải nộp phạt 200,000đVN, tức chưa đến 10 đô-la Mỹ, là thứ luật khuyến khích bọn đàn ông làm bậy. Luật pháp này hẳn có dính dáng đến “cán bộ đỉnh cao trí tuệ” của Đảng Cộng Sản Việt Nam chăng?

Về tham nhũng, TTC cho biết bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son ăn hối lộ ba (3) triệu đô-la Mỹ. Khi ra toà, ông ta khai có nhận tiền của một người tên Phạm Nhật Vũ, nhưng không nhớ để tiền ở đâu và tiêu vào việc gì. Chuyện toà án của Việt Nam Cộng Sản vui thật! Hay lời của trưởng đoàn thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh nói với đối tượng bị thanh tra, nguyên văn: “Cần phải có quà có tiền cho Đoàn, để còn định hướng!”

Về giáo dục, TTC ghi lại lời tuyên bố của đại biểu quốc hội Thái Trường Giang, rằng, nguyên văn: “Bây giờ tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể!” do tình trạng báo cáo thành tích láo. Hơn thế nữa, dưới tựa đề “Những con số…”, TTC ghi nhận một học sinh ở tỉnh Hoà Bình bị điểm 0 môn Lý được sửa thành 9 điểm, và điểm 0 môn Hoá được sửa thành 9.2 điểm. Trong một bài khác, TTC tiết lộ dự án in sách giáo khoa được cấp 16 triệu đô-la Mỹ đã lâu, nhưng không thấy hợp soạn hay in ấn gì.

Về mỹ thuật, chuyên viên phục hồi bộ tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc của họa sư Nguyễn Gia Trí đã được xếp hạng “bảo vật quốc gia” bằng giấy nhám và nước rửa chén bát.

Mặt khác, bài viết về họa sư Nguyễn Gia Trí trong báo Xuân Công An giúp độc giả biết cụ đã hoàn tất hai bức sơn mài Vườn Xuân chứ không phải một. Đó là Vườn Xuân hoàn thành năm 1970 hiện được trưng bầy tại Thư Viện Khoa Học Tổng Hợp Tp HCM và Vườn Xuân Trung Nam Bắc hoàn thành năm 1989 hiện trưng bầy tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Tp HCM. Tuy nhiên, người viết ký tên Cao Phương khi giới thiệu nội dung hai tuyệt phẩm đã lẫn lộn bức nọ với bức kia làm bài viết mất đi giá trị thông tin rất nhiều.

Về y tế, TTC ghi lại lời nói của bác sĩ Nguyễn Văn Nhân khi bé gái 15 tuổi thắc mắc tại sao ông ta bắt cởi hết quần áo khi khám mũi, nguyên văn: “Khám mũi phải cởi hết, vì nó liên quan đến tim!”

Về giao thông vận tải, TTC ghi nhận dự án đường xa lộ Hà Khẩu-Hải Phòng không có lợi cho kinh tế, nhưng đã được thông qua với ngân sách 100 ngàn tỉ. Theo tôi biết, xa lộ này ăn thông từ Tàu sang miền Bắc, và Tàu sẽ cho vay vốn để thực hiện. Với ngân sách khổng lồ này, cán bộ quan chức hữu trách hưởng bao nhiêu tỉ tỉ theo thời giá lại quả 15%-20% của dự án?!

Về chi tiêu ngân sách, TTC kể một danh sách dài những cán bộ ở tỉnh Vĩnh Phúc tuy không có tên trong ban chỉ đạo đầu tư tỉnh nhưng vẫn xuất ngoại cùng ban gồm bộ chỉ huy quân sự tỉnh, chánh án tỉnh, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh, phó viện trưởng viện kiểm sát tỉnh, phó giám đốc công an tỉnh, trưởng phòng nội chính tỉnh, phó trưởng ban tuyên giáo tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá chi 42 tỉ trong 4 năm cho cán bộ đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ngoại quốc, tương đương 21 triệu Mỹ kim. Còn công an tỉnh Sóc Trăng chi 39.7 tỉ, tương đương 20 triệu Mỹ kim, mua quà biếu và tiếp khách trong vòng 5 năm.

Vẫn còn những thông tin sai lạc hay bưng bít

Thứ nhất là xe hơi đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Trong thực tế, chiếc xe hơi đầu tiên chế tại tại Việt Nam là xe La Dalat, do hãng Saigon Xe Hơi Công Ty trụ sở tại Sài Gòn đã sản xuất ngay từ năm 1970, tức trước xe hơi do hãng VietFin sản xuât tới nửa thế kỷ! Hiện nay, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy xe La Dalat rao bán ngay tại Sài Gòn.

Tại sao lại mệnh danh xe hơi sản xuất năm 2019 là xe được sản xuất lần đầu tiên ở Việt Nam? Báo chí trong nước, vì thế, nói là nói lấy được, bất kể sự thật đành rành.

Thứ hai là có đến mười (10) khoa học gia Việt Nam được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Thí dụ như Nguyễn Thời Trung trong tờ Thanh Niên. Thật không hiểu “trích dẫn” cái gì và bằng chứng của “nhiều nhất” là thế nào!

Thứ ba là một nông dân thất học được một đại học ở Florida trao bằng “tiến sĩ danh dự về y học cổ truyền.” Không biết bài viết trong tờ Xuân Tuổi Trẻ đó có tác dụng thế nào trong nước, còn những ai ở hải ngoại thì biết nội dung bài viết phản ánh trình độ non kém của người viết: Đại học Mỹ nào lại có thứ “tiến sĩ y học cổ truyền”? Hay đây là thứ đại học của mấy anh Tàu ở Mỹ?

Nên nhớ Mỹ là quốc gia “tự do kinh doanh” hay free interprise, nên ai cũng có thể mở cơ sở kinh doanh, kể cả mở trường đại học. Vấn đề là mở trường nhưng có sống được hay không, tức là có sinh viên ghi danh hay không, có được hệ thống chuyên môn công nhận hay không, nộp bằng có nơi nào nhận vào làm hay không… mà thôi.

Trong thực tế, hiện có nhiều cơ sở “đại học” tồn tại ở Mỹ chỉ nhằm bán văn bằng, như Ph. D. giá từ $US200-$US300 (không cần luận án) đến khoảng US$1,000.00 (có luận án cho ra vẻ Ph.D. giá trị).

Những ai cần luận án thì lại có nơi bán luận án. Chẳng hạn như một cơ sở ở tiểu bang New York bán luận án với giá khoảng US$100.00 một trang. Đây là một doanh nghiệp khởi sự từ năm 1969 đến nay vẫn tồn tại thì biết cơ sở phải thành công và phát đạt mới tồn tại lâu như vậy. Với tính cách qủy quái giả trá của người Việt, tôi tin không ít người Việt trong nước – và cả người Việt ở Mỹ – là khách hàng của cơ sở bán luận án này cũng như của các đại học bán bằng.

Thứ tư, và điều này rất quan trọng vì phản ánh bản chất của một chính quyền độc lập dân tộc hay là loại yếu hèn lệ thuộc ngoại bang.

Nguyên nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong tháng 1.2020, nhưng người trưởng phái đoàn tên Lê Hoài Trung, chức vụ Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, đã họp báo cho biết sẽ KHÔNG ghi vấn đề tranh chấp Biển Đông vào nghị trình của Hội Đồng trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ Tịch. Vì thế, chức vụ “Chủ Tịch Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” có tầm ảnh hưởng quyết định trong nghị trình làm việc của Hội Đồng và là một danh dự quốc gia rất lớn, nhưng báo chí trong nước đều che dấu sự kiện này.

Các tờ Xuân Người Lao Động, Pháp Luật, và Sàigòn Giải Phóng chỉ thông báo Việt Nam trúng cử Ủy Viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Chủ Tịch luân phiên của khối ASEAN, phớt lờ vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Bả̃o An trong tháng 1.2020 này.

Ý niệm mới mẻ và tích cực

Đó là bài về sự chuyển giao lãnh đạo trong giai đoạn mới trong Xuân Thanh Niên. Bài viết yêu cầu Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị, và Ban Bí Thư một đề nghị cấp thiết là tìm ra nhân tài để chuyển giao thế hệ theo quy trình dân chủ, minh bạch, công khai, và cảnh giác những biểu hiện xấu.

Nhưng thử hỏi trong số dân 96 triệu người, không có ai là nhân tài mà nhân tài chỉ có trong một đảng chính trị mà đảng viên chưa đến 5 triệu hay sao? Điều 4 của “hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” với nội dung Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo đất nước hiện ra với tất cả sự vô pháp, vô lý, và áp đặt của chính quyền hiện tại là vì thế!

TRẦN ANH TUẤN
1.2020
Những ngày giáp Tết

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*