Khung cảnh tan hoang tại vườn rau Lộc Hưng khi bị CSVN cướp phá ngày 8/1/2019. (Ảnh LM Lê Ngọc Thanh)
Sau 2 năm thi hành luật Tín Ngưởng, Tôn Giáo, tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn đang bị nhà nước CSVN vi phạm nghiêm trọng.
Đến nay chỉ còn mấy ngày nữa là được đúng 2 năm luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Việt Nam có hiệu lực. Trong 2 năm qua, tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn là mối quan tâm của những vị lãnh đạo tinh thần và tín đồ các tôn giáo, vì:
Thứ Nhất: Ngoài việc nhìn nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, như trong bộ luật được quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 12/2016, thì tình trạng tự do tôn giáo chẳng những không được cải thiện, mà ngược lại các vụ khủng bố, đàn áp lại còn diễn ra nhiều hơn, khốc liệt hơn, nhưng tinh vi và hiểm độc hơn trước. Đặc biệt là các tôn giáo không được nhà nước chấp nhận.
Thứ Hai: Chính sách cơ bản của CSVN coi tôn giáo là thuốc phiện, là kẻ thù của chế độ, vẫn không hề thay đổi; cần phải tiêu diệt hay làm biến chất để phục vụ cho những mục tiêu của đảng. Cụ thể là từ nhiều thập niên qua, từ sắc lệnh này sang pháp lệnh khác, nay đến luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo, như chúng tôi đang đề cập ở đây, cho thấy rõ chính sách của CSVN là phải kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của các tôn giáo.
Thứ Ba: Trong Hiến Pháp VNCS đã nói đến quyền tự do của người dân, rồi luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo ra đời, nhưng khi áp dụng luật này, luôn luôn họ thòng thêm một câu là ‘theo qui định của pháp luật’. Chưa hết, lại còn thêm những văn bản hướng dẫn khác. Đó là những rào cản nhằm áp đặt các điều kiện, để buộc tôn giáo phải thi hành những gì theo ý muốn của đảng.
Thứ Tư: CSVN cố tình phủ nhận tự do tôn giáo là một quyền căn bản và tự nhiên của con người, như đã được viết rõ trong bộ Luật Nhân Quyền và các Công Ước về Nhân Quyền được quốc tế thừa nhận; nên CS phải làm luật để kiểm soát, cấm đoán, hay buộc phải xin phép, còn cho phép hoạt động hay không lại là quyền tuyệt đối của nhà nước CS.
Thứ Năm: Để kiểm soát các tôn giáo, nhà nước đã lập ra Ban Tôn Giáo nhà nước khổng lồ, bao trùm từ trung ương xuống đến địa phương. Chi phí lấy từ tiền thuế của người dân. Bên cạnh đó họ còn lập ra các tổ chức ngoại vi nhân danh “người dân tự phát”, để tiếp tay cho công an, dân phòng, dư luận viên, nhằm khống chế tín đồ các tôn giáo; như Hội Cờ Đỏ đến khủng bố các họ đạo Công Giáo, đập phá tượng ở dòng Thiên An Huế, phá hang đá Noel của giáo dân ở Vườn rau Lộc Hưng….
Thứ Sáu: CS phủ nhận những đóng góp của tôn giáo trong việc phục vụ con người qua các hoạt động giáo dục, y tế, bác ái…để cải thiện đời sống xã hội và nâng cao phẩm giá con người, nên họ đã tịch thu các cơ sở vật chất và cấm tôn giáo hoạt động trong các lãnh vực ấy.
Qua những sự kiện cụ thể trên đây, cộng với hàng trăm vụ vi phạm khác đã diễn ra hàng năm ở VN, các cơ quan nhân quyền quốc tế dựa vào những tiêu chuẩn đã được thế giới công nhận, để so sánh và đánh giá những cải thiện về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam; thì hầu như liên tiếp hàng chục năm qua, đều đưa đến kết luận rằng tình trạng tự do tôn giáo ở VN không được cải thiện.
Đặc biệt trong báo cáo năm 2019 của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế thuộc chính phủ Hoa Kỳ, đã có đoạn như sau: “Trong năm 2018, chính quyền VN tiếp tục đàn áp trên diện rộng các lãnh tụ tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động ôn hòa, và những người chỉ trích khác trên toàn quốc…. Tính đến ngày 31 tháng 12, 2018 ước tính có 244 tù nhân lương tâm trong các nhà tù ở Việt Nam, cũng như 20 nhà hoạt động bị giam giữ đang chờ xét xử, trong đó gồm có cả một số người ủng hộ cho tự do tôn giáo và tín ngưỡng, và một số người khác chỉ đơn thuần hành đạo hoặc bày tỏ đức tin của mình. Các nhà chức trách địa phương tiếp tục tịch thu tài sản của các nhà thờ Thiên Chúa Giáo, chùa chiền Phật giáo và các nhóm tôn giáo khác để dành chỗ cho các dự án phát triển kinh tế mà không đưa ra các đền bù thỏa đáng. Công an Việt Nam cũng sách nhiễu các lãnh tụ Thiên Chúa Giáo, Hòa Hảo và Cao Đài vì tham gia các hội thảo về tự do tôn giáo ở nước ngoài và gặp gỡ những nhân viên ngoại giao nước ngoài. Các cộng đồng dân tộc thiểu số đặc biệt đối mặt với bắt bớ nghiêm trọng vì đã ôn hòa bày tỏ đức tin tôn giáo của mình, gồm cả bị tấn công thể xác, giam cầm, hoặc xua đuổi. Ước tính có 10.000 người Hmong và người Thượng theo đạo ở Tây Nguyên vẫn không có quốc tịch vì chính quyền địa phương từ chối không cấp chứng minh nhân dân, trong nhiều trường hợp là để trả đũa việc họ từ chối bỏ đạo của mình”.
Dĩ nhiên phía nhà nước CSVN phản bác những điều trên đây, và đưa ra những chứng minh ngược lại bằng các con số thống kê về chùa chiền, thánh thất, nhà thờ, cùng những sinh hoạt bề nổi, để cho rằng ở VN có tự do tôn giáo.
Đối với người Việt Nam đang phải sống với thực tế phũ phàng như hiện nay, thì những báo cáo của các cơ quan quốc tế chỉ phản ảnh một phần nhỏ trong giai đoạn đầu âm mưu tiêu diệt tôn giáo của CS; điều mà Tập Cận Bình đang thực hiện ở Trung Cộng, để rồi VN sẽ học theo trong tương lai gần. Đây là một điều bất hạnh cho Việt Nam, nếu người Việt không quyết tâm dành lấy quyền làm chủ vận mệnh cho chính mình.
Theo đài ĐLSN ngày 27/12/2019
Be the first to comment