Bài viết nầy dựa vào Tân Ước Kinh. Chúa Jesus dùng nhiều hình ảnh của thảo mộc để làm ẩn dụ khi truyền giảng đạo như: hột giống và đức tin; hột cải và cây cải; cây vả không trái; cây không trái không còn ích lợi và chỉ đáng cho vào lò lửa; cây tốt cho trái tốt, cây xấu cho trái xấu; cây tốt không thể cho trái xấu và cây xấu không thể cho trái tốt, nghĩa là nhân nào quả nấy; xem trái biết cây nghĩa là xem quả để biết nhân v.v.
Chúng tôi chỉ dùng một vài loại thảo mộc liên hệ đến chúa Jesus từ ngày giáng sinh đến khi bị đóng đinh trên Thánh Giá trên cơ sở tìm hiểu về thực vật học.
Nhũ Hương và Một Dược
Các nhà tinh tú học báo cho vua Herod biết một vì sao sẽ ra đời ở thành Bethlehem, vùng Judea và được xem là Vua của dân Do Thái. Vua Herod có vẻ lo âu. Nhà vua sai người âm thầm đến đó để xác định địa điểm và thời gian vị Vua Do Thái chào đời. Các sứ giả phương Đông đến Bethlehem, vào nhà và thấy một Hài Nhi và Đức Mẹ Mary. Họ quì xuống lạy Hài Nhi và bày lễ vật gồm vàng, nhũ hương (frankinsense), một dược (myrrh) trước Hài Nhi. Xong họ được gọi phải rời khỏi Herod để vị vua nầy không biết nơi sinh của Hài Nhi. Liền sau đó có tiếng gọi Đức mẹ Mary và Joseph mang Hài Nhi sang Ai Cập để tránh sự bách hại trẻ sơ sinh theo lịnh của vua Herod.
Nhũ hương và một dược là gì?
Nhũ hương là tên một vị thuốc lấy từ nhựa của một loại cây được Anh gọi là mastic tree. Tôi xin tạm gọi là cây nhũ hương. Đó là một loại thảo mộc trong vùng khí hậu khô hạn mang tên khoa học Pistacia lentiscus, thuộc gia đình Anacardiaceae của cây điều. Thân, lá, nhựa đều có hương thơm. Cây cao từ 3m đến 7m, gốc trên đảo Chios, Hy Lạp và được tìm thấy nhiều quanh biển Địa Trung Hải từ Trung Đông sang Bắc Phi đến bán đảo Iberia. Người Do Thái gọi cây nhũ hương là Bakha, tức là cây khóc vì cây có nhiều nhựa khi bị chặt vào thân, nhựa tuôn ra như cây khóc vậy. Nhựa nầy được phơi khô để tán thành bột làm nhựa dẻo nhai cho thơm miệng như kẹo chewing gum hay để cất dầu, làm vẹt-ni đánh bóng gỗ, làm dầu thơm dưỡng da, cho vào kem đánh răng, thức ăn mặn hay ngọt cho có hương thơm. Người Do Thái nhai nhựa nhũ hương vào ngày lễ Sabbat cho hơi thở được thơm. Dưới thời đế quốc Ottoman nhũ hương được trổng nhiều ở Trung Đông, Bắc Phi, bán đảo Balkans. Nhũ hương chỉ dành cho hoàng đế, hoàng hậu, hoàng tộc Thổ Nhĩ Kỳ dùng mà thôi.
Nhũ hương có tinh dầu, pinene, triterpene, ác xít masticodienic, oleanolic. Nhũ hương nhuận tiểu, nhuận trường, làm dịu dạ dày, hạ cholesterol, hạ huyết áp, thông phổi, bảo vệ nướu răng, kháng trùng, kháng nấm, trị tiêu chảy, hắc lào.
Trong Thánh Kinh bằng tiếng Việt chữ nhũ hương được dùng để dịch chữ frankincens.
1. Trái lại trong Good News Bible bằng tiếng Anh chữ frankincens được dùng với nghĩa khác với nhũ hương. Tên khoa học của nhũ hương là Pistacia lenticus như đã thấy ở phần trên. Trái lại hương trầm frankincens xuất phát từ một loại thảo mộc mang tên khoa học Bostwellia sacra thuộc gia đình Burseraceae. Người Anh gọi hương trầm là Bostwellia tree. Cây cao từ 3 đến 8m; thân có gai dài, tăng trưởng rất chậm. Phải mất ít ra năm năm mới khai thác nhựa được. Lá cây láng, màu xanh, mọc đối nhau như hình lông chim, có hương thơm khi vò nát; hoa nhỏ màu vàng nhạt, năm cánh lật ngược xuống; nhụy hoa màu vàng sậm. Cây có nhiều nhựa thơm khi bấm sâu vào vỏ cây. Nhựa hương trầm đông đặc được gọi là frankincens. Người Do Thái gọi là Levonah có nghĩa đơn giản là màu trắng. Hương trầm frankincens có terpene, sesquiterpene, diterpene.
Cây hương trầm dòng Bostwellia được dùng vào việc sản xuất dầu thơm, nhang thơm dùng trong các nghi lễ tôn giáo ở Ấn Độ vào thế kỷ XIV trước Tây Lịch. Nó cũng được dùng trong y học trị liệu để dưỡng da, trị đau khớp xương, vết thương, hưng phấn hệ thống kích thích tố phụ nữ, trị lo âu, buồn bực mất tinh thần v.v. Dân chúng ở các nước Á Rập, Ai Cập, Do Thái, Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) cũng dùng hương trầm trong các mục đích vừa kể. Vỏ cây hương trầm có mùi thơm làm cho muỗi và côn trùng phải tránh xa. Hương thơm nầy được người Ấn Độ, Ai Cập, Á Rập, Do Thái, Hy Lạp cổ tin là có khả năng xua đuổi tà khí trong nhà và trong cơ thể con người.
Ngày xưa trước khi có:
– Đường Tơ Lụa (đường bộ) nối liền Âu-Á theo hướng Tây-Đông từ Địa Trung Hải xuyên qua các sa mạc ở Trung Á
– Đường Hương Liệu (đường biển) nối liền Âu Châu với các nước Nam Á và Đông Nam Á theo hướng Tây-Đông
đã có Đường Hương Trầm nối liền Ấn Độ với các nước quanh Vịnh Ba Tư, xuyên qua bán đảo Á Rập qua dãi Gaza vào Do Thái theo hướng Đông-Tây. Như thế hương trầm có giá trị kinh tế và thương mại rất lớn vào thời xưa giữa ba lục địa Âu-Á-Phi từ Biển Á Rập, Vịnh Ba Tư đến Đông Địa Trung Hải.
Cây hương trầm Bostwellia sacra (sacra: thiêng liêng) rất chậm lớn. Cây chỉ cho nhiều nhựa khi được tám hay mười tuổi. Mỗi năm mỗi cây chỉ cho từ 2 đến 3 kí-lô hương trầm mà thôi. Hương trầm frankincens càng ngày càng hiếm đi vì cây khó trồng. Cây chỉ thích hợp vùng khí hậu khô hạn ở Nam Á và Địa Trung Hải; diện tích trồng trọt bị giới hạn vì sự gia tăng nhân số cần nhìều đất đai để làm nhà, công sở, bến xe, chợ búa, sân vận động, nghĩa trang, trường học, giáo đường v.v. Ngày nay hương trầm frankincens không còn quan trọng như xưa vì sự khan hiếm của cây hương trầm Bostwellia sacra.
Cây Một Dược và nhựa
Một dược là tên một vị thuốc lấy từ nhựa của một loại cây nhựa gom dòng Myrrhis. Tên khoa học của cây nhựa gom nầy là Commiphora myrrha hay Basamodendron myrrha thuộc gia đình Burseraceae. Người Anh gọi là Myrrh tree. Loài thảo mộc nầy được tìm thấy nhiều ở những vùng khí hậu khô hạn như khí hậu sa mạc và bán sa mạc ở các nước Oman, Yemen, Ethiopia, Somalia, Kenya. Cây cao lối 3m hay 4m. Lá giẹp, nhỏ, màu xanh sậm. Thân cây có nhiều gai nhọn. Cây có nhựa vàng. Cây không ích lợi về việc khai thác gỗ hay củi chụm. Trái lại nó rất quí vì có nhựa hiếm quí và đắt tiền.
Chữ Myrrh âm từ chữ Mur hay Mar của tiếng Do Thái (Hebrew) và Morr của tiếng Á Rập có nghĩa là đắng. Vị đắng nầy là vị đắng của nhựa vàng của thảo mộc dòng Myrrhis. Dầu lấy từ cây nhựa gom commiphora myrrha rất quí vào thời cổ Ai Cập, Do Thái, Hy Lạp và Đế Quốc La Mã. Ở Ai Cập cổ người ta dùng một dược để ướp xác và xua đuổi côn trùng. Người Hy Lạp và La Mã dùng nó để trị vết thương. Một dược có ác xít myrrholic, heerabolene, sesquiterpene. Nó được dùng để cầm máu, trị ho, kinh nguyệt, sốt, nướu răng xốp, loét cuống họng, dạ dày rối loạn, đau bụng, trùng lãi. Một dược được dùng trong các buổi lễ của Do Thái Giáo.
Dầu Cam Tùng
Trong Tân Ước Kinh có đoạn nói về người phụ nữ tên Mary, chị của Lazarus, mang một bình đựng đầy dầu thơm đến nhà người Pharasee ở Bethany để gặp chúa Jesus (Matthew 26:6-7). Bà khóc lóc. Nước mắt của bà làm ướt chân Chúa Jesus. Bà dùng tóc của bà lau chân Chúa. Bà hôn chân Chúa và dùng dầu thơm lau chân Người. Dầu thơm nầy là dầu cam tùng được đề cập nhiều trong Cựu Ước và Tân Ước Kinh.
Cây cam tùng gốc trên núi Hy Mã Lạp Sơn, Nepal, Tây Tạng, Sikkim, Bhutan và tây bộ Trung Hoa. Cây cao từ 60-90 cm. Cây có rễ phình to và dài như củ. Củ thơm và có vị đắng đặc biệt. Lá dài và rộng so với chiều cao của cây cam tùng. Hoa nhỏ, có năm cánh màu hồng nhạt. Nhiều hoa nhỏ kết lại thành chùm để có một hoa to như tên khoa học cho thấy Nardostachys grandiflora hay Nardistachys jatamansi thuộc gia đình Valerianaceae. Người Anh gọi cam tùng là Nard, Spikenard, Muskroot. Người Nepal gọi là Jastamansi, tiếng Sankrit (Phạn): Narada, Do Thái: Nard.
Dầu cam tùng là một loại dầu quí, hiếm và đắt tiền. Một cân dầu (453 grams) cam tùng tương đương với 300 ngày công ở Do Thái vào thời Chúa Jesus. Dầu cam tùng kéo dài sự trẻ trung của nữ hoàng Nur Jahan (1577-1645) của hoàng đế Jahangir của triều đại Mughai. Bà thực sự tham gia chính sự và đặt nước Ấn Độ dưới sự ngự trị độc đoán và chuyên chế của bà.
Dầu cam tùng được dùng trong kỹ nghệ sản xuất nước hoa, làm nhang trị bệnh và làm thuốc ở Tây Tạng. Ngày xưa người Ấn Độ tin rằng dầu cam tùng có thể trị bịnh cùi. Người ta cho rằng dầu cam tùng kết hợp với dầu mè làm cho tóc đen mượt. Dầu cam tùng còn được dùng để chữa nọc độc của rắn khi bị rắn độc cắn. Dầu có borneol acetate và cồn patchouli (hoắc hương). Củ cây cam tùng dùng để làm thuốc trị bịnh thần kinh, động kinh, đau bụng, thổ tả, táo bón, hạ áp huyết, mất ngủ.
Hoa ‘huệ’
Trong phần giảng về sự lo âu về lương thực và quần áo mặc, chúa Jesus phán rằng:
“Hãy xem con quạ (trong Thánh Kinh Việt Ngữ. Trong Thánh Kinh Anh ngữ chỉ ghi là ‘bird’ – con chim) không gieo, không gặt, không có hầm vựa kho tàng mà Đức Chúa Trời còn nuôi nó huống chi loài người. ‘Hoa huệ’ (Thánh Kinh Việt Ngữ. Trong Thánh Kinh bằng tiếng Anh chỉ ghi là ‘wild flower’ – hoa dại) mọc lên chẳng khó nhọc, cũng không kéo chỉ dệt nhưng người quyền thế và sang trọng như vua Solomon cũng không mặc áo đẹp rực rỡ như bất cứ loại hoa dại nào trong dòng giống của nó.”
Hoa huệ thuộc dòng Lilium và gia đình Liliaceae có hàng trăm loại khác nhau trên khắp các lục địa Á Châu, Âu Châu, Mỹ Châu, Phi Châu. Hoa to hình chuông với sáu cánh dài và sáu nhụy dài. Hoa được trồng bằng củ.
Người ta cho rằng chữ LILY (hoa huệ) có nghĩa là SÁU, tượng trưng cho ngôi sao 6 cánh của David xứ Do Thái.
Theo huyền thoại Hy Lạp hoa huệ trắng được biến dạng từ giọt sữa của Nữ Thần Juno cho Hercules bú rớt xuống trần. Hoa huệ được tìm thấy trên vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) cách đây 5.000 năm.
Hoa huệ gắn liền với Đức Mẹ Mary. Thiên thần Gabriel cầm hoa huệ và thông báo cho Đức Mẹ Mary biết Người sẽ là mẹ của một hài nhi Cứu Thế sắp xuống trần. Hoa huệ là biểu tượng của sự phục sinh của Chúa Jesus. Hoa huệ trắng được tín đồ Do Thái Giáo, Chính Thống Giáo và Thiên Chúa Giáo trân quí. Bạch huệ là biểu tượng của sự thanh khiết và vô nhiễm. Có hai loại bạch huệ:
1- Bạch huệ Lilium candidum (huệ Madonna).
2- Bạch huệ Polianthes tuberosa mà các tín đồ Thiên Chúa Giáo Việt Nam đặt trên bàn thờ Đức Mẹ Mary.
Hoa huệ là quốc hoa của Pháp, được tìm thấy trên quốc kỳ Pháp thời quân chủ.
Ngày xưa người La Mã dùng hoa huệ trắng Madonna Lilium candidum để trị các vết phỏng hay vết cháy dưới chân. Củ và hoa được dùng để trị phỏng lửa, ung nhọt làm mủ, rụng tóc. Các nhà trồng hoa cho rằng hoa huệ có độc chất đối với mèo nhưng vô hại đối với người và chó.
Hoa ‘huệ’ ghi trong Tân Ước phần sách Luke 12:22-31, Matthew 6:24-34 phần tiếng Anh không phải là hoa huệ thực sự thuộc dòng Lilium nhưng cùng gia đình Liliaceae. Đó là một loại hoa mọc hoang trên các hốc đá hay trên các cánh đồng. Hoa được tìm thấy nhiều ở Do Thái. Tên khoa học của loại hoa nầy là Hemerocallis fulva. Người Anh gọi là Daily lily (Hoa Huệ Nhật vì nở vào buổi sáng và khép lại vào buổi chiều. Sáng hôm sau hoa nở lại), Tiger Day Lily (Nhật Huệ Hổ). Đó là Rau Huyên, Hoa Hiên, Hoàng Hoa, Vong Ưu trong thực vật học Việt Nam. Cọng hoa rỗng ruột. Lá và cọng phơi khô làm kim châm dùng để nấu canh kim châm, bún tàu, nấm mèo với giò heo và các thức ăn khác trong nhà bếp Việt Nam, Thái Lan, Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Hoa huệ nầy màu vàng (fulva: màu vàng cam), có sáu cánh dài. Trên cánh hoa vàng có nhiều đốm đen nhỏ.
Loại hoa vàng mọc hoang mà người Việt Nam gọi là kim châm, hoa hiên, hoàng hoa, hoa vong ưu hay rau huyên có sinh tố A và C. Cây cao từ 60-100 cm. Cọng, lá, hoa, củ đều ăn được. Cây có nhiều củ lia chia. Củ dùng để giải độc arsenic.
Ngày xưa củ còn được dùng để làm thuốc trị ung thư. Lá, cọng, hoa củ nhuận tiểu được dùng làm thuốc trị hoàng đản, bí tiểu tiện (dysuria), thủy thủng, sạn thận, sưng phổi, táo bón, tê thấp, ung thư vú, mửa máu (hematemesis), máu cam (epitasis).
Vương miện kết bằng cành cây gai
Quân lính bắt Chúa Jesus và giải về dinh thống đốc Pilate. Họ lột áo quần của Người, đánh đập và chế giễu Người. Họ dùng cành cây gai kết thành một vương miện, đặt trên đầu Chúa Jesus với dòng chữ ‘Vạn Tuế Đức Vua Do Thái’ rồi giả vờ quì gối trước mặt Chúa để trêu ghẹo. Họ cởi chiếc áo đỏ mà họ đặt trên người Chúa và cho Chúa mặc lại quần áo của mình trên đường đi đến Đồi Sọ (Golgotha) để bị đóng đinh.
Cành cây gai được kết thành vương miện đặt trên đầu Chúa ngày bị đóng đinh trên Đồi Sọ là cành cây gì?
Theo các nhà thực vật học ở Do Thái, có hai loại cây táo gai nổi tiếng:
1- Táo gai Zizyphus lotus.
2- Táo gai Zizyphus spina-Christi mà quân lính dùng để làm vương miện đội trên đầu Chúa Jesus. Cả hai loại táo gai nầy đều thuộc gia đình Rhamnaceae.
Thảo mộc mang tên khoa học Zizyphus lotus thuộc gia đình Rhamnaceae là một loại táo gai hoang được tìm thấy nhiều ở Trung Đông, Trung Á, ven Địa Trung Hải (Trung Đông, Nam Âu, Bắc Phi) và tây bộ Trung Hoa. Cây có gai nhọn, lá dầy hình bầu dục, màu xanh tươi; hoa nhỏ, có năm cánh màu vàng; trái trơn như trái nhãn, màu đỏ bầm khi chín. Người Anh gọi cây táo gai hoang nầy là lotus tree (liên mộc), jujube; Pháp: jujubier sauvage; Á Rập: sidr; Tunisia: nbeg, Lebanon: annab v.v. Trong Odyssey của Homer (thi sĩ Hy Lạp vào khoảng thế kỷ VIII trước Tây Lịch) có đề cập đến những người lotophagi (người ăn hột sen – lotus eaters; Pháp: lotophage) buồn ngủ và quên hết mọi chuyện. Người ta cho rằng đó là những người trên đảo Syrte (1), Tunisia, ăn trái cây táo gai hoang Zizyphus lotus (liên mộc) chớ không phải hột sen Nelumbo nucifera. Như vậy có sự nhầm lẫn khi dịch chữ LOTUS (Sen, tức Nelumbo nucifera, một loại hoa mọc dưới nước và bùn lầy) với trái táo gai hoang hay liên mộc (Lotus tree) mang tên khoa học Zizyphus lotus.
Trái táo gai nầy rất ngon, có sinh tố A, C, E, ác xít béo. Lá có sinh tố E, ác xít linolenic, n-fatty acids, saponins.
Theo y học cổ truyền ở các quốc gia Bắc Phi và ven Địa Trung Hải, lá, vỏ, trái, rễ cây táo gai hoang (liên mộc) được dùng làm thuốc trị tiểu đường, táo bón, loét, kháng viêm, kháng lão hóa.
Cây táo gai vương miện mang tên khoa học Zizyphus spina-Christi thuộc gia đình Rhamnaceae được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, bán đảo Balkans, Nam Âu. Cây táo gai Zizyphus spina-Christi được quân sĩ thời Đế Quốc La Mã dùng làm vương miện đặt trên đầu Chúa Jesus gốc ở Sudan và được du nhập vào Do Thái cách đây trên 6.000 năm. Cây cao lối 10 m, có gai. Lá dầy hình bầu dục, màu xanh sậm. Hoa nhỏ năm cánh màu vàng. Trái tròn, hột to và cứng. Trái ăn được nhưng không có hương vị đặc biệt. Hiện nay ở Ein Hatzeva (2), Do Thái, còn một cây táo gai vương miện Zizyphus spina-Christi 800 tuổi.
Người Anh gọi cây táo gai là Christ thorn jujube, Messiah’s thorny jujube; Pháp: épine de Christ, Á Rập: sidr (như cây táo gai hoang), kurna; Do Thái: atab, zizaf matui.
Cây táo gai chịu nắng hạn rất tốt. Người ta cho rằng rễ của cây nầy có thể ăn sâu dưới đất hàng chục thước! Vì vậy người ta trồng táo gai trên vùng đất khô hạn để làm hàng rào (vì có gai), có trái và bóng mát. Cây bảo vệ đất tránh xâm thực gió và ngăn chận đất bị khô cằn và sa thạch hóa vì nhiệt của ánh sáng mặt trời.
Trái táo gai vương miện được xem là thức ăn của người nghèo ở vùng khô hạn. Lá là thức ăn của lạc đà, dê, trừu. Gỗ màu hồng nhạt và rắn chắc không sợ mối mọt. Gỗ được dùng để hầm than rất tốt. Trái táo gai vương miện Zizyphus spina-Christi có đường, Ca, Fe và sinh tố C. Lá có alkaloids, ziziphine, jubanine, amphibine, alphaterpinol, linalol và saponins.
Theo phương pháp trị liệu cổ truyền ở Ai Cập và vài vùng ở Bắc Phi, lá, vỏ và trái táo gai vương miện được dùng làm thuốc cầm máu, trục lãi, an thần, hượt trường, lọc máu, kiết lỵ, tiêu chảy, rắn cắn.
Hoa cây táo gai vương miện hấp dẫn loài ong đến hút mật hoa. Nơi nào có cây táo gai vương miện, nơi đó có mật ong thơm ngon và đắt tiền.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
Chú thích:
(1) Syrte, hay đúng hơn là Petite Syrte, dịch từ tiếng La Tinh Syrtis Minor, là một hòn đảo nằm trong Vịnh Gabes trong Địa Trung Hải thuộc xứ Tunisia. Đảo nằm trên bắc vĩ tuyến 34 độ và đông kinh tuyến 10 độ 25′. Địa danh Syrtis Minor phỏng theo cách viết của nhà triết học và vạn vật học Ý Galus Plinius Secundus (23 sau Tây Lịch – 79 sau Tây Lịch) tức Pliny.
(2) Ein Hatzeva là một làng định cư của Cộng Đồng Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Cá Thể của những người Do Thái lao động tiền phong nhập cư về Đất Hứa vào đầu thế kỷ XX. Làng Ein Hatzeva nằm trong thung lũng Arava ở phía nam Tử Hải. Trong sách cổ Hy Lạp đó là Eiselon.
Be the first to comment