Diễn Đàn Trái Chiều trong thời gian qua đã bàn nhiều, rất nhiều về chuyện đảng Dân Chủ đàn hặc TT Trump. Dĩ nhiên bác bỏ chuyện này. Nhưng đã có vài độc giả chất vấn vì họ không tin phe DC có thể vô lý hay ngang ngược như vậy, và DĐTC chỉ cho mọi người đọc quan điểm từ phiá chống. Họ muốn biết phe DC thực sự đã dựa trên những lý luận hay nguyên tắc nào để nhất quyết đàn hặc TT Trump.
Đòi hỏi này không phải là vô lý nên DĐTC sẽ cố gắng ‘thảo luận’ lại vấn đề, dựa trên việc trình bày đầy đủ hơn quan điểm của phe DC và phản bác lập luận của họ.
Ta coi lại câu chuyện dưới con mắt của đảng Dân Chủ.
Bài viết này sẽ dựa trên bài quan điểm của một ‘siêu’ luật gia DC viết trước khi Ủy Ban Tư Pháp biểu quyết đàn hặc TT Trump về hai tội ‘lạm quyền’ và ‘cản trở quốc hội’.
Như mọi lần trước, DĐTC sẽ không đặt nặng chuyện cá nhân, do đó sẽ không viết tên của tác giả, chỉ xin tiết lộ đây là một ‘siêu chuyên gia luật’ người Mỹ đã từng giữ nhiều trách nhiệm lớn trong các chính quyền DC của các TT Clinton và Obama.
Ông hiện đang là cố vấn cho khối DC trong Hạ Viện trong vụ đàn hạc TT Trump. Những lập luận của ông ta mà bài viết này trích dịch lại, chính là quan điểm chính thức của đảng DC trong tiến trình lòng vòng đàn hặc TT Trump. Phải gọi là ‘tiến trình lòng vòng’ vì con đường đàn hặc của đảng DC giống như đèo Hải Vân, quay qua lộn lại, rẽ phải rẽ trái, lên dốc xuống đèo, phản ảnh cái loay hoay tìm tội cũng như loay hoay tìm hậu thuẫn của đảng DC. Chỉ khác ở điểm đào Hải Vân của ta thật đẹp trong khi cái vụ đàn hặc này thật nhố nhăng.
Dĩ nhiên, dưới khiá cạnh luật pháp thì kẻ này không đáng xách dép cho ông ta. Nhưng ông đó viết bài này không phải dưới cái áo siêu luật gia, mà viết với giọng văn và lý luận bình thường cho người dân bình thường đọc và hiểu được. Trong tư cách ‘người dân bình thường’, kẻ này tự cho có khả năng phản bác vài lập luận và quan điểm của vị luật gia siêu uyên bác đó.
Để chứng minh kẻ này không phịa chuyện cũng như không bóp méo, xuyên tạc vớ vẩn, trang Báo Mỹ tuần này sẽ giới thiệu cái link đăng nguyên văn bài viết của vị này trên báo USA Today. Kẻ này xin yêu cầu quý độc giả tự chế không công kích cá nhân ông này trong phần góp ý, tránh rắc rối cho DĐTC. Muốn phản biện các lập luận của vị đó thì tốt, nhưng không thể nhục mạ cá nhân ông ta, DĐTC sẽ không đăng.
Quan điểm của vị luật gia đó sẽ được dịch ra tiếng Việt, và tóm lược lại dưới dạng chữ nghiêng trong ngoặc kép, tiếp theo là phần ý kiến và phản bác của kẻ này. Dĩ nhiên, bài này chỉ bàn đến những ý kiến chính chứ không thể phân tích từng chữ cả bài viết.
Quý độc giả nào thấy phản bác của kẻ này có gì sai lầm, bất kể dưới khiá cạnh suy nghĩ bình thường –common sense- hay dưới khiá cạnh luật pháp, kẻ này xin được may mắn lãnh giáo.
Mở đầu bài viết, ông luật gia đó chê trách “Những người CH bênh vực TT Trump đã chỉ biết làm mất thời giờ thiên hạ với những khiếu nại vô căn cứ về vấn đề thủ tục tiến hành cho dù đó là những thủ tục mang tính bảo vệ tổng thống đương nhiệm kỹ nhất lịch sử đất nước”.
Cho rằng việc bảo đảm theo đúng quy trình thủ tục là mất thời giờ nghe thật lạ tai, đến từ một chuyên gia luật. Thủ tục là tất cả trong luật pháp. Tất cả các quan tòa và luật sư đều biết bất cứ một vụ án nào ra tòa nào cũng đều có thể bị hủy nếu vi phạm thủ tục pháp lý hay ngay cả thủ tục hành chánh nào đó.
Quan điểm của ông luật gia này đưa ra cốt để bênh vực một quy trình cực vô lý mà phe DC trong Hạ Viện đã làm theo: họ mở màn cuộc ‘điều tra chuẩn đàn hạc’ dựa trên một quyết định đơn phương của đúng một người, bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Trong nguyên một tháng đầu, Hạ Viện cho gọi hàng loạt ‘nhân chứng’ ra điều trần, mà điều trần kín, trong bí mật. Sau một tháng, bà Pelosi mới chính thức cho toàn thể Hạ Viện lấy biểu quyết mở cuộc điều tra. Đã điều tra cả tháng rồi mà còn biểu quyết gì nữa? Còn gì vô lý hơn việc cho cái cầy đi trước con trâu cả tháng trời trước rồi?
Phe DC đã chính thức kết tội TT Trump là lạm quyền. Việc xí xóa thủ tục đàn hặc, tự ý ra lệnh mở điều tra, sau cả tháng bị bắt bẻ, mới đành cho cả Hạ Viện biểu quyết: như vậy có phải là phe DC trong Hạ Viện đã lạm quyền ngay từ đầu không? Bà Pelosi lấy quyền gì ra lệnh quốc hội điều tra mà không có biểu quyết của cả Hạ Viện?
Phe DC luôn hô hoán “không ai ngồi trên pháp luật được”, nhưng việc làm bất chấp thủ tục trên có phải đã là hành động ngồi trên pháp luật chưa? Cho rằng thủ tục pháp lý là chuyện mất thời giờ, đó có phải là ‘lạm quyền’ không?
Thật ra, bà Pelosi đã hấp tấp cho mở cuộc điều tra khi chưa có đủ túc số phiếu cần thiết trong Hạ Viện, khi có tới hai tá dân biểu DC trong những vùng đất CH thống trị còn đang lưỡng lự. Chiến thuật của bà là đặt các dân biểu này trong thế ‘chuyện đã rồi’, ‘gạo đã thành cơm’, khiến họ không thể xoay trở được và bắt buộc phải biểu quyết theo kỷ luật đảng, (tuy cũng vẫn có hai dân biểu DC ‘phản đảng’, biểu quyết chống).
Ông luật gia dõng dạc phán cuộc điều tra của Hạ Viện mang tính “bảo vệ tổng thống đương nhiệm kỹ nhất trong lịch sử đất nước”.
Dĩ nhiên, “lịch sử đất nước” là chuyện phóng đại lố bịch khi đất nước này chỉ đàn hặc có đúng 2 tổng thống, nhưng lố bịch hơn nữa là chuyện “bảo vệ” tổng thống.
“Bảo vệ kỹ nhất” mà không cho bị cáo biết ông bị truy tố chuyện gì, ai truy tố, không cho luật sư của ông được hiện diện hay đối chất gì khi Hạ Viện chất vấn các nhân chứng trong điều trần kín, và không cho các luật sư đó tham khảo hồ sơ tố tụng. Nói trắng ra, tất cả các thủ tục pháp lý căn bản nhất để bảo vệ một bị cáo đã bị vứt vào thùng rác hết. Theo đảng DC, “bảo vệ kỹ nhất” là vậy sao?
Ông luật gia viết tiếp: “Một tổng thống sử dụng quyền hành độc nhất của chức vụ để tìm cách hối lộ, đã vi phạm một trong những tội lớn nhất mà Hiến Pháp đã ghi rõ cần phải bị giải nhiệm sau khi bị kết án bởi Thượng Viện. Hiến Pháp rất ró rệt: TT Trump đã làm những gì mà Hiến Pháp ghi rất rõ phải bị giải nhiệm”.
Trước hết, việc “tìm cách hối lộ” cho đến nay vẫn chưa được chứng minh. Chính ông chuyên gia đã nhìn nhận trong cuộc điện đàm của TT Trump với TT Zelenskiy, không ai nghe thấy “rõ” có hối lộ gì trong đó. Ngoài ra, tất cả các điều trần của các nhân chứng đều vẫn chỉ là nghe qua nói lại, không có bất cứ một người nào xác nhận chính mắt thấy tai nghe chuyện hối lộ gì.
Chính quyền Ukraine, từ tổng thống đến ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng –đều xác nhận chẳng hề có áp lực, đổi chác, hay hối lộ gì. Phe DC trong Hạ Viện nhất quyết nói là có áp lực, có đổi chác, có hối lộ, như vậy có phải là đảng DC Mỹ đã công khai tuyên cáo với thế giới toàn bộ chính quyền xứ Ukraine nói láo hết không? Kết án kiểu này có vi phạm nguyên tắc ngoại giao, xử thế quốc tế nào không? Hay là đảng DC bất cần biết khi chỉ có một mục đích duy nhất là đánh Trump đến chết bất kể bằng giá nào?
Sau đó, một lần nữa, xin lỗi ông luật gia, cái tội “hối lộ’ –bribery- là tội do phe DC mới phịa ra, chứ ban đầu, đó là tội đổi chác 1 –quid pro quo 1- điều tra cha con cụ Biden đổi lấy viện trợ quân sự, nhưng vì không bằng chứng, nên chuyển qua đổi chác 2 –quid pro quo 2- điều tra đổi lấy việc TT Trump tiếp kiến TT Zelenskiy. Cũng chẳng có bằng chứng cụ thể nào luôn. Tệ hơn nữa, dân Mỹ chẳng hiểu quid pro quo nghĩa là gì, mà Hiến Pháp cũng không ghi quid pro quo là tội, nên bèn đổi qua tội ‘hối lộ’ –bribery- có ghi rõ trong Hiến Pháp. Để rồi cuối cùng, cái tội hối lộ cũng biến mất luôn vì vẫn không đủ bằng chứng, thay thế bằng tội lờ mờ ’lạm quyền’. Nói cách khác, phe DC đã du di chạy lòng vòng từ tội này qua tội nọ, cho tới khi kiếm được một tội lờ mờ mà dân ngu khu đen Mỹ hiểu được, mà chẳng tội nào được chứng minh rõ ràng hết.
Ông chuyên gia luật viết việc đổi chác này thật ra “chẳng có lợi gì cho nước Mỹ hết mà chỉ có lợi cho cá nhân ông Trump thôi”.
Xin phép cho hỏi thẳng: khi cụ PTT Biden từ Mỹ bay qua, công khai bắt buộc Ukraine phải cách chức chánh công tố và ngưng điều tra công ty Burisma mà con của cụ đang là thành viên Hội Đồng Quản Trị nếu không thì Mỹ sẽ không giải ngân một tỷ đô viện trợ cho Ukraine, thì việc đó có lợi cho cá nhân và gia đình cụ Biden hay có lợi gì cho nước Mỹ?
Cụ Biden và phe ta giải thích việc làm của PTT Biden là vì quyền lợi cả nước Mỹ vì nằm trong chính sách của chính phủ Mỹ chống tham nhũng trong chính quyền Ukraine. Mỹ không thể chấp nhận giải ngân một tỷ đô viện trợ cho một chính quyền tham nhũng.
Nghe thật chí lý và cảm động.
Câu hỏi là nếu hiểu theo cách đó thì áp lực nếu có của TT Trump có khác gì việc làm của PTT Biden? Việc điều tra cha con cụ Biden đối với TT Trump là cần thiết vì nằm trong sách lược chống tham nhũng tại Ukraine của chính phủ Mỹ; TT Trump theo đúng chính sách của các vị tiền nhiệm, không muốn viện trợ cho một chế độ tham nhũng, do đó, cần phải biết rõ xem việc làm của cha con cụ Biden có là hành động tham nhũng không.
Hai việc làm không có gì khác nhau, nhưng cụ Biden làm thì là vì quyền lợi của đất nước, ô-kê, trong khi TT Trump làm thì là vì quyền lợi cá nhân. Có phải thoang thoảng mùi cá ươn phe đảng không vậy?
Ông chuyên gia biện giải “Trump không hề nói gì về chuyện chống tham nhũng Ukraine trong cuộc điện đàm với TT Zelenskiy”. Kẻ này chưa một ngày nào làm trong ngành ngoại giao, nhưng cũng đủ trình độ để hiểu không có một quốc trưởng nào, kể cả ông thần Trump, lại có thể bất lịch sự nói thẳng mặt một quốc trưởng xứ khác “tôi thấy xứ ông tham nhũng quá nên tôi cần ông phải điều tra xác nhận cụ Biden không tham nhũng thì tôi mới cho tiền ông được”. Oái ăm thay, đó lại chính là việc PTT Biden đã làm khi cụ nói thẳng mặt TT Ukraine “Ông chánh công tố của ông tham nhũng quá, ông phải đuổi hắn đi nếu không Mỹ sẽ không viện trợ cho ông”.
Ông siêu chuyên gia khẳng định “Ngũ Giác Đài đã chứng thực Ukraine đã làm tất cả những gì cần thiết để được quyền nhận số tiền 391 triệu đô viện trợ mà quốc hội đã phê chuẩn”.
Không sai. Văn Phòng Ngân Sách của TT Trump đã xác nhận số tiền viện trợ đó đã bị trì hoãn ít lâu trong khi chờ đợi Ngũ Giác Đài duyệt lại theo đúng thủ tục hành chánh do luật định, và sau đó đã giải ngân trọn vẹn số tiền viện trợ này, không giữ lại một xu. Thế thì cái tội của TT Trump ở chỗ nào?
Ông chuyên gia đó cũng viết “Điều TT Trump muốn không phải là Ukraine điều tra về chuyện tham nhũng không có của PTT Biden, mà là một tuyên cáo công khai trên TV là Ukraine đang điều tra cho con cụ Biden”.
Việc ông chuyên gia luật này khơi khơi khẳng định chuyện cha con cụ Biden tham nhũng là chuyện không có –“non-existent”– hơi lạ. Sao ông ta biết là ‘không có’? Nhắc lại, 1) PTT Biden được TT Obama ủy nhiệm lo chuyện quan hệ Mỹ-Ukraine. Con của ông, không có một ly kinh nghiệm nào về dầu khí hay về Ukraine, tự nhiên được tặng cái job ngồi chơi xơi nước lãnh 83.000 đô một tháng trong 5 năm từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2019; ông chuyên gia luật không thấy có gì khét khét sao? Thử tưởng tượng đó là anh Donald Trump Junior thì phe DC và TTDC sẽ phản ứng ra sao? Chính ông con Hunter Biden đã nhìn nhận “có lẽ tôi đã không có được cái job đó nếu tên tôi không phải là Biden”; 2) PTT Mỹ đòi cách chức ông công tố Ukraine đang điều tra công ty của ông con, nếu không, Mỹ sẽ không giải ngân một tỷ đô viện trợ, chuyện này cũng không thấy tanh òm sao? Cụ Biden phân trần là khi đó cụ không hề biết ông con đang làm cho công ty đó. Ai tin chuyện này, xin giơ tay!
Cái tin TT Trump muốn có một tuyên cáo công khai trên TV, xin lỗi, đây là lần đầu tiên kẻ này nghe được. Không hiểu ông chuyên gia này nấu nướng sáng tạo tin này từ đâu ra mà sao chưa hề có bản tin nào của TTDC loan ra hết vậy? Siêu chuyên gia tung ‘fake news’ giờ chót sao?
Lập luận chủ chốt của ông siêu chuyên gia đó liên quan đến vấn đề bầu cử. Vì biết phe CH và phe bênh TT Trump đã tố cáo phe DC đang muốn vứt bỏ kết quả bầu cử chính danh, hợp pháp và hợp Hiến, ông siêu chuyên gia đó đã phạng một câu … để đời. Ông phán “Bầu cử không phải là giải pháp phải tôn trọng khi Trump, Nga và đảng CH thông đồng để cướp đoạt nó”. Nói trắng ra, ông siêu chuyên gia luật bác bỏ hoàn toàn kết quả bầu cử, không hơn không kém, viện cớ ‘thông đồng với Nga’.
Câu chuyện thông đồng với Nga đã được công tố Mueller cùng với hơn hai tá luật sư thượng thặng, trong đó hai phần ba là luật sư thiên về DC, mang kính hiển vi soi từng góc cạnh trong suốt hai năm trời, để rồi ra kết luận “không có thông đồng gì hết”. Vậy mà bây giờ cụ chuyên gia này lại lấy cớ ‘thông đồng’ với Nga để bác bỏ kết quả bầu cử, tố Trump và đảng CH đã thông đồng với Nga để cướp bầu cử.
Quan điểm bác bỏ kết quả bầu cử của ông chuyên gia luật ăn khớp tuyệt đối với câu nói của chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp đang luận tội TT Trump, dân biểu Jerrold Nadler: “Chúng ta không thể tin tưởng bầu cử sẽ giải quyết những vấn đề của chúng ta” (Nguyên văn “We cannot rely on an election to solve our problems”). Dịch qua tiếng Nôm có nghĩa là bầu cử chỉ có giá trị và cần được tôn trọng nếu hợp ý đảng ta thôi, còn không hợp ý thì bầu cử đáng cho vào thùng rác. Đó là cái nhìn của đảng DC đấy các cụ ơi. Ông Nád-ler, bắt chước ông Hít-ler!
Chuyện thông đồng với Nga đã là câu chuyện ‘phe ta’ nhai đi nhai lại trong hơn hai năm trời, với đủ kiểu hù dọa đàn hặc, truất phế. Cho đến khi công tố Mueller làm họ cụt hứng. Bây giờ ông chuyên gia này lại mang ra chiên xào lại cho những người đang đói tin xấu về Trump ăn cho đỡ đói.
Về Hiến Pháp, ông chuyên gia đó đặt câu hỏi “Tại sao dân Mỹ phải thắc mắc chuyện đàn hặc và giải nhiệm TT Trump trong khi họ có bao nhiêu vấn đề sinh tử quan trọng hơn cần phải lo tới? Câu trả lời là chúng ta –đảng DC và phe DC- có bổn phận và trách nhiệm phải bảo vệ Hiến Pháp bằng cách truất phế một tổng thống đã không coi Hiến Pháp ra gì, mà cũng chẳng hiểu gì về Hiến Pháp luôn”.
Không biết quý độc giả nghĩ sao, riêng cá nhân kẻ này thấy ông chuyên gia này đặt câu hỏi rất đúng và rất chính đáng. Nhưng câu trả lời của ông thì lại chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi hết.
Ông chuyên gia bào chữa “Hiến Pháp là tất cả. Hiến Pháp như nước mà chúng ta là cá sống trong đó. Tất cả các quyền tự do của chúng ta, sự an toàn không bị một tên độc tài bịt miệng hay bắt bỏ tù cuối cùng tùy thuộc vào quyền lựa chọn người lãnh đạo chúng ta, tức là quyền tự do bầu cử mà không bị một chính quyền ngoại quốc lén lút thao túng”.
Hù dọa TT Trump có thể bịt miệng dân hay bắt bỏ tù bất cứ ai là chuyện bá láp. Trong xứ Mỹ này, thằng nhóc đánh giầy cũng hiểu là không thể có chuyện này xẩy ra.
Hiến Pháp quả đúng là tất cả, và ông chuyên gia cũng hoàn toàn có lý khi viết tất cả tùy thuộc quyền quyết định của người dân qua lá phiếu bầu cử. Viết thì hay lắm, nhưng hiển nhiên là câu viết không đi đôi với việc làm. Hay chính xác hơn, việc làm đã đạp câu viết xuống mương. Một mặt thì cổ võ cho sự chính danh và tính ‘pháp trị’ của Hiến Pháp qua bầu cử, mặt khác lại vặn vẹo lý cớ để bác bỏ kết quả bầu cử hợp hiến của năm 2016.
Ở đây, có chuyện xin nhắc lại: ông chuyên gia này nổi tiếng là ngay từ khi TT Trump vừa tuyên thệ nhậm chức là đã đòi đàn hặc rồi, rất lâu trước khi có chuyện công tố Mueller điều tra về thông đồng Nga và rất rất lâu trước khi có vụ lùm xùm Ukraine. Ông chuyên gia này bây giờ chỉ là bám víu vào chuyện Ukraine làm cớ để biện minh cho đòi hỏi đàn hạc của ông ta thôi.
Trên đây là đại cương lập luận đàn hặc Trump của đảng DC và những phản bác của kẻ này.
Thành thật mà thú nhận với quý độc giả, bài này viết ra chỉ mang tính thảo luận đọc chơi cho vui, chứ ai cũng hiểu trong vụ đàn hặc TT Trump hiện nay, chẳng có cái gì là lý luận, là phải trái, là công lý, là luật lệ, là công đạo hết. Tất cả chỉ là những biện giải, rằng thì là mà để giải thích cho một hành động vi phạm tất cả mọi nguyên tắc pháp lý vì được kích động bởi nhu cầu chính trị thuần túy, không hơn không kém.
Kết quả đàn hặc hay không cũng vậy, hoàn toàn lệ thuộc các yếu tố chính trị, phe đảng thôi. Phe nào có nhiều phiếu hơn sẽ thắng, bất kể mọi biện giải lếu láo chẳng lừa được ai. Ngay cả những người ủng hộ đàn hặc cũng hiểu rõ căn bản đàn hặc lỏng lẻo hơn cái ghế hai chân rưỡi.
Đàn hặc chỉ là phương cách tuyệt vọng để hy vọng cứu vãn đảng DC trong mùa bầu cử tới, không hơn không kém.
Thượng Viện hiểu rõ chuyện này hơn ai hết nên không muốn quan trọng hóa đàn hặc, không muốn có điều tra, điều trần gì tại Thượng Viện cho mất thời giờ, chỉ muốn đưa ra biểu quyết cho sớm để dẹp câu chuyện đàn hặc vào thùng rác lịch sử.
Thay lời kết, kẻ này xin trích lại quan điểm của hai giáo sư chuyên gia về Hiến Pháp:
– Ông Alan Dershowitz, giáo sư Hiến Pháp của Đại Học Harvard, cựu cố vấn pháp luật cho TT Clinton, đã khẳng định cả hai tội phe DC tố TT Trump đều không có giá trị Hiến định vì không đáp ứng tiêu chuẩn đàn hặc tổng thống theo như Hiến Pháp quy định. Ông cho biết tính ‘lờ mờ’ –vague- của hai tội ‘lạm quyền’ và ‘cản trở quốc hội’ đó sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, theo đó bất cứ tổng thống nào cũng có thể bị phe đối lập nắm đa số đàn hặc hết.
– Bà Jeanne Zaino, giáo sư chính trị học của Đại Học Iona, một người đã công khai chống TT Trump, lo ngại đàn hặc sẽ là một mối nguy lớn cho đảng DC vì sẽ khích động khối cử tri của TT Trump ào ạt đi bầu cho Trump. Đi xa hơn nữa, đàn hặc sẽ rất tai hại cho các tổng thống kế nhiệm sau này. Cả hai tội mà TT Trump bị tố đều không phải là tội, không vi phạm bất cứ luật nào hết. Do đó, trong tương lai, bất cứ tổng thống nào cũng có thể bị đàn hặc vì bất cứ tội phịa nào.
Cả hai vị giáo sư đều thuộc đảng DC, đã bỏ phiếu cho bà Hillary. Cả hai đều là giáo sư nên lo chuyện tương lai lâu dài. Trong khi các chính trị gia không bao giờ nhìn xa hơn cuộc bầu cử tới.
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 14/12/2019
Be the first to comment